Bằng nhiều cách làm khác nhau, khai thác tiềm năng du lịch từ nhà vườn đã và đang tạo ra nguồn thu cũng như việc làm ổn định cho nhiều người, góp phần vào việc gìn giữ và phát huy thế mạnh nhà vườn trên địa bàn TP. Huế. Tuy nhiên, dù đã có nhiều hỗ trợ từ phía các ban ngành chức năng, song đến nay nhiều nhà vườn ở Huế vẫn “kín cổng cao tường”, chưa mặn mà trong việc đón khách tham quan.
“Thủ phủ” vườn
Nhà vườn Huế bắt đầu có mặt vào thế kỷ XVII dưới thời Chúa Nguyễn, tập trung nhiều nhất ở các địa phương: Kim Long, Thủy Biều, Vỹ Dạ, Hương Vinh… Trong đó, Kim Long được xem là nơi tọa lạc nhiều nhà vườn truyền thống tiêu biểu nhất ở Huế. Đến nay, trên địa bàn có hàng chục ngôi nhà vườn nổi tiếng của các chủ hộ, như bà Nguyễn Thị Ngộ, ông Đoàn Kim Khánh, ông Lê Lương… Sau Kim Long là Thủy Biều với các chủ vườn: Hồ Xuân Doanh, Đặng Phi Hùng, Hồ Xuân Đài… Vùng Vỹ Dạ cũng có các nhà vườn truyền thống tiêu biểu, như: Phủ thờ Tuy Lý Vương, bà Cao Thị Đạm, ông Vĩnh Tháp… Cùng với việc làm nơi thờ cúng tổ tiên, sinh hoạt, gần đây nhiều nhà vườn ở Huế đã phát huy giá trị kinh tế khi đưa vào đón khách tham quan, phát triển du lịch sinh thái.
Khách du lịch đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm cùng chủ nhà vườn Hồ Xuân Đài ở Thủy Biều
Nhà vườn của ông Hồ Xuân Đài tọa lạc tại số nhà 12, kiệt 22 đường Thanh Nghị (Thủy Biều) là một điển hình. Với diện tích 1.125m2, ngôi nhà rường 1 gian 2 chái nằm ở trung tâm của khu vườn, mang đặc trưng đậm nét của kiến trúc nhà rường truyền thống của Huế. Từ năm 2012, khi kinh tế du lịch bắt đầu phát triển, ông Đài đã mạnh dạn đưa nhà vườn của mình vào phục vụ đón khách tham quan. Mô hình này đã phát huy giá trị khi số lượng khách đến tham quan và thưởng thức các dịch vụ ngày càng đông, góp phần quảng giá các giá trị đặc trưng của nhà vườn Huế.
Ông Hồ Xuân Đài cho biết, hiện vào những tháng cao điểm gia đình đón khoảng 10 đoàn khách, dao động từ 20 - 50 khách đến tham quan, trải nghiệm dịch vụ đạp xe, làm kẹo mè, ngâm chân bằng các loại thảo dược và thưởng thức ẩm thực Huế. Dù thu nhập từ loại hình này chưa cao, song khai thác du lịch từ các sản phẩm “vườn” đã mang lại niềm vui, tạo việc làm ổn định cho nhiều người cũng như quảng bá các giá trị văn hóa Huế đến với du khách trong và ngoài nước. “Sắp tới, gia đình tiếp tục đầu tư chỉnh trang khuôn viên nhà vườn, xây dựng dịch vụ homestay, kết nối tour tuyến tạo ra hệ sinh thái cộng đồng để khai thác tour du lịch đêm, cảm nhận nếp sống của người dân làng nghề xung quanh khu vực”, ông Đài chia sẻ.
Ở phường Thủy Biều, bên cạnh nhà vườn ông Hồ Xuân Đài còn có một số ngôi nhà vườn, doanh nghiệp (DN) đầu tư nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng để đón khách du lịch. Tọa lạc ở số 2 Lương Quán (Thủy Biều), với lợi thế nằm giữa khu vườn thanh trà hơn 20 ha, cạnh dòng Hương thơ mộng và các làng nghề nổi tiếng xứ Huế như hương trầm Thủy Xuân, đúc đồng Phường Đúc…, Hue Ecolodge resort được xem là điểm đến lý tưởng của du khách với loại hình du lịch sinh thái. Sau khi dự án nâng cấp tuyến đường Bùi Thị Xuân và mở rộng cầu Long Thọ hoàn thành, khu du lịch này càng “hút khách” nên doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng để tăng số lượng buồng phòng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Hiện, Hue Ecolodge có hơn 50 phòng lưu trú cùng với các nhà hàng, dịch vụ bổ trợ với công suất đặt phòng lên đến 65 - 80%.
Chưa khai thác tiềm năng
Theo Chủ tịch UBND phường Thủy Biều, ông Võ Đăng Thái, cùng với tiềm năng, lợi thế vườn, thời gian qua cũng đã có khá nhiều DN đầu tư xây dựng khu du lịch, homestay kinh doanh dịch vụ du lịch quy mô lớn, như Hue Ecolodge Resort, Hue Riverside Boutique Resort & Spa…, góp phần giải quyết việc làm, quảng bá điểm đến và kích cầu các dịch vụ du lịch tại địa phương. Tuy nhiên, các DN và hộ tư nhân vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế; một số nhà vườn có khu vườn rộng, đẹp thường xuyên có các đoàn khách đến tham quan, song vẫn không “mặn mà” trong việc phát triển mô hình du lịch sinh thái.
Du khách nước ngoài lưu lại cảm nghĩ sau khi tham quan nhà vườn ông Hồ Xuân Đài
Hiện, hạ tầng giao thông kết nối lên các khu du lịch và nhà vườn Thủy Biều được đầu tư đồng bộ, sắp tới phường tiếp tục tạo điều kiện cũng như kêu gọi các DN đầu tư du lịch tại địa phương, tạo nên chuỗi du lịch sinh thái để phát huy lợi thế, chia sẻ nguồn khách nhằm phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.
Kim Long hiện có khoảng 60 ngôi nhà rường cổ vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn nét kiến trúc truyền thống với những khu vườn rộng, có nhiều loại cây trái như dâu, thanh trà, măng cụt... Tuy nhiên, nhiều địa chỉ dù sở hữu kiến trúc đặc trưng và khu vườn rộng, nhưng do đa số chủ nhà đều lớn tuổi nên không mặn mà tham gia phát triển du lịch. Một số khác nhà xuống cấp, lại cộng thêm đặc tính của phần lớn người Huế là không muốn “người lạ” bước vào không gian thờ cúng tổ tiên nên du lịch nhà vườn vẫn chưa thể "mở cửa".
Anh Lê Chánh Tuấn (phường Kim Long), cháu đời thứ 10 của Tả quân Lê Văn Duyệt vì rất yêu quý ngôi nhà truyền thống của gia đình nên đã chi 130 triệu đồng để trùng tu, sửa chữa ngôi nhà làm nơi thờ tự ông bà. Nhờ vậy, ngôi nhà rường 3 căn 2 chái này vẫn giữ được nét tiêu biểu của nhà kiến trúc truyền thống Huế. Mặc dù đã trùng tu và chỉnh trang nhà vườn, song khi được hỏi về định hướng phát triển du lịch sinh thái, anh Tuấn chia sẻ: “Nhà là nơi thờ cúng tổ tiên, nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử của cha ông và cũng là nơi sinh hoạt riêng tư của gia đình nên không muốn du khách vào trong”.
Mở cửa các “Bảo tàng sống”
Với mong muốn hoàn thiện hạ tầng nhằm kích cầu du lịch, thời gian qua TP. Huế đã đầu tư kinh phí nâng cấp mặt đường bê tông xi măng dọc hai bên kè sông Lấp, đường Phú Mộng và kiệt 104 Kim Long; triển khai dự án nâng cấp mở rộng cầu Long Thọ và đường Bùi Thị Xuân nhằm kích cầu du lịch tại 2 cụm điểm tập trung nhiều nhà vườn đặc trưng tại Kim Long và Thủy Biều. Song, do hệ thống nhà vườn ở đây trong thời gian dài chưa được trùng tu, bị xuống cấp, cùng với tâm lý “ngại” mở cửa đón khách nên du lịch nhà vườn vẫn đang trong cảnh “chợ chiều”.
Theo TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, Huế vốn là đất Kinh đô nên hội tụ nhiều nhà vườn, nhà rường cổ. Trải qua nhiều thế hệ, hiện nhà vườn Huế chủ yếu mang chức năng hương hỏa và thờ cúng tổ tiên chứ chưa khai thác triệt để tiềm năng du lịch. Vì trọng chức năng hương hỏa nên nhiều nhà vườn không đồng ý cho du khách tham quan, phần vì một số nhà vườn thay đổi chủ nhân, phần vì xuống cấp và đa số các chủ nhà đều lớn tuổi nên không mặn mà trong việc làm kinh tế. Để khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch sinh thái từ nhà vườn Huế, tỉnh và thành phố cần đầu tư kinh phí trùng tu, đồng thời kêu gọi các DN “bắt tay” với các chủ nhà vườn để tạo ra mô hình liên kết phát triển du lịch ngay chính trên các thủ phủ “vườn” của Huế.
Ông Hằng nhấn mạnh, cùng với việc trùng tu cần phải phát huy không gian nhà vườn Huế, phải mở ra bức màn cho du khách đến khám phá, quan sát để thấy được đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực, phong cách ứng xử của người dân Huế, đó là mạch nguồn văn hóa gia đình và nếu nói khám phá Huế với tư cách là tiểu vùng văn hóa thì đó chính là bảo tàng sống của Huế. Vì vậy, đã đến lúc phải mở cửa “bảo tàng sống” để du khách bước vào khám phá mạch nguồn của văn hóa gia đình, dòng họ… và đây chính là mạch nguồn bổ sung cho du lịch cảnh quan để níu chân du khách, giúp du khách ở lại Huế lâu hơn cũng như khai thác được tiềm năng, thế mạnh từ du lịch nhà vườn Huế.
(Còn nữa)