menu_open
Nỗ lực kéo bạn đọc đến thư viện
Xem cỡ chữ:
  Bạn đọc háo hức tham dự sự kiện ra mắt sách tại Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế
Văn hóa đọc, chấn hưng văn hóa đọc đang là vấn đề được xã hội quan tâm trong thời gian gần đây. Dù vậy việc này vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức, trước xu hướng công nghệ, giải trí nghe nhìn phát triển.
 Bạn đọc háo hức tham dự sự kiện ra mắt sách tại Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế

Đa dạng cách thu hút bạn đọc

Năm 2024, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đã thực hiện cấp gần 5.000 thẻ bạn đọc, tổng lượt bạn đọc trên website là hơn 1,2 triệu lượt. Ngoài ra, Thư viện còn phối hợp với các đơn vị và các trường học trên địa bàn tỉnh phục vụ 14 điểm lưu động. Cùng với đó còn tổ chức rất nhiều chương trình liên quan đến văn hóa đọc, giới thiệu tác phẩm, tác giả… Tuy nhiên, đứng trước những tác động của thời đại công nghệ số đã dẫn đến một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên tỏ ra thiếu quan tâm đến sách và việc đọc sách truyền thống.

Bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế nói rằng, trước những thách thức đó đơn vị đang phải lên nhiều kế hoạch để kéo bạn đọc đến với thư viện. Theo bà Oanh, lâu nay thư viện thường xuyên đổi mới phương thức phục vụ, tạo điều kiện cho người đọc được tiếp xúc trực tiếp với tài liệu để kích thích nhu cầu đọc, nhu cầu thông tin, nhất là tạo môi trường đọc thân thiện cho người đọc, tạo hứng thú đọc, từ đó hình thành thói quen đọc sách, thu hút ngày càng đông đảo bạn đọc đến thư viện.

Ngoài ra, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số bằng việc hiện đại hóa phương thức tổ chức các hoạt động, dịch vụ trong hoạt động thư viện dựa trên nền tảng công nghệ số; tăng cường hợp tác trong tạo lập và chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các thư viện hỗ trợ bạn đọc. “Chúng tôi còn tăng cường hợp tác trong việc đổi mới và phát triển các hoạt động phục vụ bạn đọc cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thư viện, đáp ứng việc nâng cao năng lực cung ứng các sản phẩm và dịch vụ trong bối cảnh chuyển đổi số”, bà Oanh nói.

Ông Dương Hồng Lam, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình - Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, nhiều hoạt động trong lĩnh vực thư viện, hoạt động gắn với phát triển văn hóa đọc, hoạt động đọc sách đã được hệ thống thư viện công cộng từ cấp tỉnh đến các huyện, thị xã quan tâm tổ chức thường xuyên, ngày càng có những đổi mới, sáng tạo, thiết thực, góp phần truyền thông, lan tỏa văn hóa đọc.

Cần sự đổi mới

Phong trào đọc sách trong cộng đồng có tổ chức nhưng chưa thường xuyên, truyền thông về văn hóa đọc mới dừng lại ở từng thời điểm, mang tính mùa vụ, bề nổi, vẫn còn tình trạng "đánh trống bỏ dùi". Nhiều hoạt động phát động hay hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam chỉ mang tính nhỏ lẻ, hình thức đơn điệu, thiếu tính sáng tạo, rập khuôn, không mang tính chiều sâu, lãng phí và thiếu hiệu quả...

Trong khi đó, tại buổi tọa đàm “Truyền thông, vận động phát triển văn hóa đọc trong thư viện” do Liên hiệp Thư viện các tỉnh Bắc miền Trung tổ chức tại TP. Huế vào giữa tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam nhìn nhận, công tác truyền thông, vận động, góp phần thúc đẩy, phát triển văn hóa đọc là công việc thường xuyên, quan trọng trong các thư viện. Công việc này hầu hết đã được các thư viện ở nước ta căn cứ tình hình thực tiễn ở địa phương để dự liệu và xây dựng kế hoạch. Tuy nhiên, lãnh đạo thư viện cần nghiên cứu, có chọn lọc để ưu tiên mọi nguồn lực cho các hoạt động nổi bật, tiêu điểm và trọng tâm trong năm.

Cũng theo ông Giới, bên cạnh các phương thức tuyên truyền, giới thiệu sách truyền thống cần đổi mới hình thức tuyên truyền và giới thiệu sách sao cho hợp lý, hiệu quả, tránh các bệnh hình thức, đánh trống bỏ dùi. “Các thư viện cũng cần phối hợp với các cơ quan, ban, ngành để cùng làm sao cho văn hóa đọc ngày càng phát triển cả bề sâu và bề rộng, xuống tận cơ sở, thôn, làng, bản, xóm, ấp để bà con nhân dân có điều kiện tiếp cận với sách báo, tri thức nhiều hơn”, ông Giới hy vọng.

Bài, ảnh: NHẬT MINH