menu_open
Phố đi bộ còn thiếu sản phẩm du lịch nổi bật
Xem cỡ chữ:
Phố đi bộ Hai Bà Trưng ngày đầu khai trương. Ảnh: ĐH 
Nếu các phố đi bộ cứ hoạt động như một chợ đêm, với sản phẩm giống nhau từ vui chơi đến đồ ăn thức uống… thì theo các chuyên gia về lâu dài sẽ rất khó hút khách.
Phố đi bộ Hai Bà Trưng ngày đầu khai trương. Ảnh: ĐH 

Thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn

Dẫn hai đoàn khách ngoại tỉnh trải nghiệm ở phố đi bộ Hai Bà Trưng (TP. Huế), có ít nhất 3 ý kiến đánh giá phố đi bộ này hoạt động như một chợ đêm hay “phố nhậu”. Anh Nguyễn Hải An, một vị khách đến từ Quảng Nam đánh giá: “Nhiều phố đi bộ ở các địa phương hao hao giống nhau, trong khi rõ ràng đặc trưng văn hóa lại rất khác nhau. Phố đi bộ không nên chỉ xây dựng giống một chợ đêm mà không tạo ra sự khác biệt nào ở các địa phương”.

Ý kiến của anh An là một điều đáng suy ngẫm. Nhớ lại trước đây, phố đêm Hoàng Thành Huế cũng từng rất sôi động nhưng sau đó dần vắng lặng, mặc dù nằm ở một địa điểm rất đẹp. Trao đổi với nhiều vị khách, có người thẳng thắn đánh giá: “Đến đây, tôi cảm thấy phố đi bộ khá vắng vẻ, không có nhiều hoạt động để trải nghiệm nên không thu hút được nhiều người đến đây”.

Ngoài hai điểm nói trên, Huế còn có những phố đi bộ, phố đêm khác như phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và khu phố Tây. Tuy nhiên, xét về yếu tố hút khách và phát triển du lịch bền vững, rất khó để khẳng định những tuyến phố đi bộ, phố đêm của Huế là điểm đến mà khách du lịch luôn hướng tới.

Nhìn rộng ra cả nước, không chỉ Huế mà các địa phương khác cũng mở ra những tuyến phố đi bộ để thúc đẩy du lịch đêm. Khi mở phố đi bộ, các địa phương đều hướng đến mục tiêu để không gian đi bộ trở thành điểm đến thú vị, tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước; là nơi giao lưu văn hóa các vùng miền và thế giới, là nơi giới thiệu các sản phẩm du lịch bản địa đặc sắc… Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu không có chiến lược bài bản thì sau một thời gian triển khai, nếu không được quan tâm đầu tư để tiếp tục phát triển sẽ dẫn đến các phố đi bộ không thu hút được du khách và có thể “biến tướng” trở thành những chợ đêm khác xa mục đích ban đầu.

Trong một chia sẻ liên quan đến phát triển các phố đi bộ, ông Vũ Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho rằng, khi mở ra phố đi bộ cần phải xem xét nhiều yếu tố trong đó có tính bản địa, tính văn hóa của khu vực đó. Theo ông Tuyên, ở Việt Nam, có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay một số không gian đi bộ mang bản sắc địa phương và thu hút đông đảo du khách như: Phố đi bộ Hội An, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Mộc Châu…

Sở dĩ địa phương khá gần với Huế là Quảng Nam với phố cổ Hội An có các tuyến phố đi bộ luôn hút khách là vì sự kết nối hài hòa giữa yếu tố lịch sử, văn hóa và thương mại. Một số tuyến phố đi bộ của Hội An có sự tham gia của người dân bản địa, như các gia đình làm đèn lồng, làm bánh, dệt vải, may đo truyền thống. Họ không chỉ phục vụ khách du lịch mà đây còn giữ gìn nghề truyền thống của gia đình, du khách được trải nghiệm trực tiếp. Những gánh hàng rong với nhiều món ẩm thực nổi tiếng địa phương như: Cao lầu, mì Quảng, bánh mì, cơm gà… cũng là yếu tố hút khách.

Nhìn lại Thừa Thiên Huế, dẫu đã có một số nghề truyền thống được “mang” ra phố đi bộ, song cách làm bị đánh giá là chưa bài bản, thiếu tính bản địa và tính văn hóa đặc trưng.

Nghiên cứu sản phẩm du lịch phù hợp

Mỗi lần nghe đánh giá không tốt về du lịch Cố đô, chính những người yêu Huế như tôi cũng phải chạnh lòng. Còn với những người làm du lịch, chắc chắn trăn trở sẽ lớn hơn. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ: “Ngành du lịch tỉnh nghiên cứu rất nhiều giải pháp với mong muốn thúc đẩy phát triển du lịch, “giữ chân” du khách ở lại lưu trú, nhất là du lịch đêm. Nhưng để đạt mục tiêu, phải có sản phẩm độc đáo, hấp dẫn”.

Với định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, rõ ràng trách nhiệm không phải chỉ riêng ngành du lịch mà cần sự hợp lực từ nhiều phía, nhiều cơ quan, ban ngành, đơn vị, doanh nghiệp. Yêu cầu quan trọng là cần nghiên cứu để xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng nhất của địa phương để tạo được ấn tượng. Mỗi khu phố đi bộ phải có sản phẩm đặc thù chứ không phải bán tràn lan các sản phẩm giống nhau.

Theo bà Đào Anh Thư, đại diện Công ty du lịch Discova Việt Nam, để những tuyến phố đi bộ thực sự trở thành một nơi có giá trị cho du khách, nhất là khách du lịch quốc tế, các địa phương khi quy hoạch không gian đi bộ trước hết cần xác định thế mạnh của mình và nhu cầu của du khách để tổ chức phố đi bộ. Ngoài ra cần xác định rõ chức năng từng không gian để quản lý, không để phố đi bộ chỉ như những chợ đêm phục vụ người dân địa phương, nơi hàng rong và các dịch vụ khác hoạt động.

Kinh nghiệm các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đã chỉ ra, việc tổ chức các khu phố theo các phân khu chức năng rõ ràng sẽ tạo thuận lợi để hút khách. Điển hình như Bangkok (Thái Lan), phố Khao San Road, Cowboy Soi tập trung vào ăn uống và giải trí với các quán bar, nhà hàng, ẩm thực được tổ chức tới sáng; hay các khu trung tâm mua sắm lớn như Central World, Emquatier cũng có các khu phố nhỏ bên ngoài bày bán ẩm thực địa phương hoặc quà lưu niệm. Tạo được điểm nhấn khác biệt gắn với các hoạt động trải nghiệm, các khu phố đi bộ mới thực sự lôi cuốn khách để phát triển.

HỮU PHÚC