menu_open
Phục hồi, phát triển ngành du lịch: Doanh nghiệp và chính quyền cùng chung sức 
Xem cỡ chữ:
Ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh như trên tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của Hiệp hội Du lịch tỉnh năm 2023 và gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp du lịch và lãnh đạo tỉnh chiều 3/3.

Quang cảnh hội nghị

Cùng dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy  Huế Phan Thiên Định; lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo du lịch các địa phương và hơn 120 doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.

Phục hồi, nhưng còn nhiều khó khăn

Năm 2022, ngành du lịch có sự hồi phục sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nắm bắt thời điểm này, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã cùng với các hội trực thuộc triển khai nhiều giải pháp để sớm phục hồi, phát triển. Các khách sạn chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, buồng phòng, các sản phẩm dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ khách trong dịp Festival Huế 2022, cũng như các dịp lễ tết, các thời điểm cao điểm du lịch năm 2022.

Hiệp hội Du lịch tỉnh cùng các hội viên xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch dịch vụ trọn gói hấp dẫn, giá cả ưu đãi, tăng thêm tiện ích và dịch vụ gia tăng cho khách đến Huế. Hội Lữ hành tỉnh tổ chức xây dựng các gói kích cầu sản phẩm “Du lịch xanh - Huế”, để quảng bá sản phẩm du lịch Huế an toàn, thân thiện và hấp dẫn, nhằm thu hút khách đến Huế. Sau diễn đàn du lịch năm 2022, được tổ chức vào tháng 11/2022, các doanh nghiệp cũng đã bắt nhịp xây dựng các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe.

Du khách tham quan di sản 

Mặc dù đang vượt khó và các thị trường đang có những dấu hiệu phục hồi, nhưng những khó khăn vẫn còn đối với các doanh nghiệp du lịch. Những tác động tiêu cực từ tình hình kinh tế, bất ổn về chính trị trên thế giới và ảnh hưởng của thiên tai cực đoan làm cho các nỗ lực khôi phục càng khó khăn; các doanh nghiệp vẫn khó khăn để cân đối các hoạt động kinh doanh.

Thay mặt cho người làm du lịch Thừa Thiên Huế, ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh mong muốn, thông qua cuộc đối thoại này là cơ sở để các doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch Thừa Thiên Huế nói chung và sự phục hồi của doanh nghiệp nói riêng. Qua đó, mạnh dạn đề xuất các giải pháp, cơ chế phù hợp đến lãnh đạo tỉnh; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.

Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh thẳng thắn, thời gian qua, sự phát triển của công nghệ, giải trí, truyền thông, nhất là sau đại dịch COVID-19 đã dần thay đổi nhu cầu và thói quen của khách du lịch; đặc biệt là khách châu Á và nội địa. Loại hình du lịch “check-in”, du lịch trải nghiệm, du lịch sức khỏe và nghỉ dưỡng đang “lên ngôi”. Trong khi ngành du lịch Thừa Thiên Huế vẫn dựa vào hệ thống di tích, không có đột phá trong những năm qua. Chính điều này, ít nhiều ảnh hưởng đến sự phục hồi của du lịch Cố đô.

Các đại biểu góp ý tại hội nghị

Đề cao vai trò của doanh nghiệp

Trước những khó khăn đó, các doanh nghiệp đề xuất đến lãnh đạo tỉnh các chính sách hỗ trợ, như kéo dài chính sách giảm 30% giá thuê đất cho năm 2023; tính giá điện sản xuất cho các đơn vị kinh doanh du lịch, đặc biệt là lĩnh vực lưu trú...

Về sản phẩm, các doanh nghiệp đề xuất, cần quan tâm hơn nữa trong việc định hướng quy hoạch phát triển các sản phẩm du lịch về đêm, xem như là một ngành kinh tế đêm của TP. Huế, như phố đi bộ, phố mua sắm, khu vui chơi giải trí, khu ẩm thực đêm,... Đối với Đại Nội và hệ thống lăng tẩm, đây là điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch khi đến Huế. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, nhằm thu hút khách tốt hơn, cần phải được bổ sung hoàn chỉnh các dịch vụ tốt hơn, phong phú hơn nữa, đặc biệt là Đại Nội Huế, nên duy trì lại Đại Nội về đêm như trước đây đã làm.

Trong thời gian vừa qua, vấn đề hàng không đến Huế là một nhu cầu cấp thiết cho việc phục hồi và phát triển du lịch. Hiện đường bay Huế - Hà Nội và Huế - TP. Hồ Chí Minh đang rất ít chuyến, giờ bay không thuận tiện cho du khách; trong khi giá vé rất cao so với các đường bay khác. Thời gian đến, nhà ga T2, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài được đưa vào khai thác với công suất 5 triệu khách/năm. Các cơ quan quản lý Nhà nước và các hãng hàng không cần chủ động để tăng cường tần suất bay, giờ bay hợp lý. Đồng thời, thêm đường bay nội dịa và một số đường bay quốc tế, như Huế - Phú Quốc, Huế - Hàn Quốc... trong giai đoạn tới để thu hút thêm nguồn khách.

Hiện nay, Huế đang thiếu những phân khúc thị trường cho khách hàng cao cấp, như khu nghỉ dưỡng biển, sân golf, hệ thống du lịch MICE, khu vui chơi giải trí cao cấp. Đây là sản phẩm thu hút nguồn khách chi trả cao, lưu trú dài ngày. Tuy nhiên, khả năng khai thác các dòng khách chưa cao. Vì vậy, Huế cần thu hút đầu tư tốt hơn nữa, cần có những “con sếu” đầu đàn, với cơ chế đầu tư thông thoáng và tốt nhất có thể.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại đối thoại

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, trong bức tranh chung của du lịch với nhiều thay đổi, sự gắn kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp phải tốt hơn, mà Hiệp hội Du lịch là đơn vị trung gian để kết nối tốt hơn.

Ngoài văn hóa di sản, nhiều sản phẩm đã được triển khai thời gian quan để bổ sung, như du lịch chăm sóc sức khỏe, tâm linh, du lịch suối thác… Quan trọng nữa là sự chung tay của doanh nghiệp, tham gia vào để tăng nguồn lực để phát triển. Thời gian đến, tỉnh sẽ xây dựng một chiến lược quảng bá đến năm 2025 thật bài bản, gắn với chuyển đổi số, tránh phân tán và kêu gọi sự chung tay của doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh, 2025 là thời điểm rất quan trọng, khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của cả nước. Đây là thời cơ mới để tỉnh nhà phát triển. Thời gian đến, tỉnh sẽ tiếp tục quy hoạch, đầu tư nhiều hạ tầng giao thông kết nối về sân bay, trục đường du lịch biển để tạo động lực mới trong phát triển. Điều cần làm sắp đến là tăng tính đa dạng sản phẩm, lành mạnh môi trường du lịch, tiếp tục kêu gọi tốt hơn các nhà đầu tư.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành du lịch làm tốt hơn công tác quảng bá. Chủ động tham mưu các giải pháp; lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để lãnh đạo tỉnh nắm bắt những khó khăn, các hiến kế phát triển của doanh nghiệp kịp thời và tốt hơn.

Bài ảnh: ĐỨC QUANG