Nhân kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã (15/7/1991 - 15/7/2024), 12 ca khúc viết về Bạch Mã được các nhạc sĩ đến từ Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế sáng tác đã vang lên trong chương trình ca nhạc chủ đề “Bạch Mã - Khúc tình ca”. Các ca khúc được sáng tác trong Trại sáng tác Âm nhạc “Non thiêng Bạch Mã 2023”.
Nhạc sĩ Lê Chí Quốc Anh (Chủ tịch Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế) đem đến ca khúc mở màn “Phú Lộc yêu thương”; nhạc sĩ Tịnh Mỹ tự biểu diễn hai ca khúc “Hòa dòng Hương - Bạch Mã hát tình ca”, “Cám ơn anh, người lính giữ rừng” của mình; người con Phú Lộc - nhạc sĩ Văn Đen gửi tặng ca khúc “Phú Lộc quê mình”, “Người gác rừng Bạch Mã”; nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩ với “Đường về Bạch Mã Chân Mây”…
Các nhạc sĩ thể hiện tất cả lòng nhiệt thành tạo nên những giai điệu dẫn người nghe từng bước vào khu vườn Quốc gia Bạch Mã kỳ vĩ, thưởng lãm những cảnh đẹp như bình minh rực rỡ trên Vọng Hải Đài, thác Đỗ Quyên hoang sơ hùng vĩ đến nao lòng, Ngũ Hồ - chòm sao với những vì tinh tú lấp lánh giữa rừng xanh…
Trong khuôn khổ trại sáng tác “Non thiêng Bạch Mã”, để có thể cảm nhận rõ nhất sự hùng vĩ của núi rừng, các nhạc sĩ đã trải qua những ngày đêm sinh hoạt với cán bộ kiểm lâm, lắng nghe câu chuyện về niềm vui, sự khó khăn của những người giữ rừng và tự mình lắng nghe âm thanh của núi rừng, từ tiếng chim ban mai, tiếng dế kêu giữa khuya cùng tiếng gió, tiếng thác reo…
Những lời tâm tình của những người giữ rừng đặc biệt được nhạc sĩ Tịnh Mỹ và Văn Đen gửi vào hai ca khúc “Người gác rừng Bạch Mã” và “Cám ơn anh, người lính giữ rừng”. Những câu hát nói lên sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ kiểm lâm trong công cuộc bảo vệ rừng, vì sự sống muôn loài dưới đại ngàn xanh, bảo vệ lá phổi xanh vùng di sản thiên nhiên của quê hương, đất nước. Cái Ánh - người kiểm lâm già của Bạch Mã, không khỏi xúc động khi câu nói ngày trước của mình hóa thành thanh âm vang lên giữa rừng xanh qua tiếng hát của ca sĩ. “Câu nói của chúng tôi được nhớ đến, sử dụng trong bài hát chính là bằng chứng lớn nhất về việc các nhạc sĩ đã “cùng ăn, cùng ở, cùng vào rừng” với chúng tôi, là món quà lớn nhất cho anh em kiểm lâm nơi đây”, anh Ánh chia sẻ.
Sau đêm nhạc “Bạch Mã - Khúc tình ca”, ca - nhạc sĩ đến từ Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế một lần nữa đắm chìm trong núi rừng Bạch Mã, chọn từng khung hình để minh họa cho lời ca về Bạch Mã bay xa hơn. Đó là những ca khúc “Người gác rừng Bạch Mã”, “Cám ơn anh, người lính giữ rừng”, “Đường về Bạch Mã Chân Mây”, “Cảm xúc Bạch Mã chiều” (nhạc và lời: Vĩnh Phúc), “Bạch Mã, lãng đãng chiều” (nhạc và lời Lê Phùng).
“Để có khung hình đẹp trộn vào ca từ, âm thanh, các nghệ sĩ dậy từ khi bình minh chưa ló rạng”, Hồ Quỳnh Anh (sinh 2006), ca sĩ trẻ nhất của Hội, người cùng ê-kíp vào rừng để quay ca khúc “Đường về Bạch Mã Chân Mây” tâm sự. Các ca sĩ Phan Thu, Phương Nhi, Phương Đông cùng nhạc sĩ Tịnh Mỹ thể hiện các tác phẩm một cách say mê. Phải dùng nhiều đạo cụ và đủ loại nhạc cụ, các nghệ sĩ không ngại vất vả cùng những chiến sĩ kiểm lâm đi vào rừng sâu, leo lên Vọng Hải Đài, đứng cheo leo trên thác Đỗ Quyên… để ghi hình.
Trần Phương Đông trong chiếc áo kiểm lâm tại thác Đỗ Quyên
Lặng lẽ vượt qua những con đường khúc khuỷu trong rừng tối đến khi mặt trời cháy trên đầu nhưng các nghệ sĩ vẫn không nề hà. Với họ, đó là việc phải làm để có thể ghi được những thước phim đẹp nhất, thể hiện rõ sự bao la, hùng vĩ của núi rừng Bạch Mã. Với anh Trần Phương Đông, ca sĩ thể hiện “Người gác rừng Bạch Mã”, việc mặc trang phục của lực lượng kiểm lâm khiến anh rất vui và tự hào. Bộ đồng phục giúp anh “dễ hòa vào bài hát, như hiểu thêm về tâm tình của người gác rừng, đạt được nhiều cảm xúc hơn để có những cảnh quay xuất sắc nhất”.
Anh Huỳnh Văn Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ VQG Bạch Mã chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng để các ca khúc được quay hình tại đỉnh Bạch Mã đạt chất lượng cao nhất, mong các ca khúc này sẽ giúp cho công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã của Vườn mang lại nhiều kết quả hơn”.
Đó cũng là suy nghĩ chung của Ban quản lý VQG Bạch Mã. Anh Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQG Bạch Mã cho biết: “Điều này sẽ làm cho người nghe thêm yêu Bạch Mã, đồng thời nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và qua đó, bằng những hành động cụ thể để ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản, buôn bán động vật rừng trái phép. Đặc biệt là tình trạng mất rừng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân như gây lũ lụt, hạn hán, thiệt hại đến tài sản, sức khỏe và thậm chí là sinh mạng của con người”.