menu_open
4 hiện vật triều Nguyễn là Bảo vật quốc gia
Xem cỡ chữ:
  Phù điêu thời Minh Mạng (hiện vật ở giữa) đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
Chuông Ngọ Môn, ngai hoàng đế Duy Tân, phù điêu bằng đá thời Minh Mạng và tượng rồng thời Thiệu Trị là 4/33 hiện vật vừa được công nhận Bảo vật quốc gia (BVQG).
 Phù điêu thời Minh Mạng (hiện vật ở giữa) đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Ngày 31/12/2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1712/QĐ-TTg công nhận BVQG đợt 13, năm 2024 cho 33 hiện vật, trong đó Huế có 4 hiện vật được công nhận. Các bảo vật mới được công nhận đợt này đều là các hiện vật gốc, độc bản với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, độc đáo.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có BVQG, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia được công nhận ở trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với BVQG theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Các hiện vật được công nhận đợt này của Huế, gồm: Chuông Ngọ Môn thời Minh Mạng (hiện đặt tại Lầu Ngũ Phụng – Đại Nội Huế); cặp tượng rồng thời Thiệu Trị (đặt tại điện Thái Hòa); phù điêu thời Minh Mạng đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình (CVCĐ) Huế. Riêng ngai Hoàng đế Duy Tân đang được bảo quản tại kho cổ vật của Bảo tàng CVCĐ Huế và sẽ được đưa ra trưng bày, giới thiệu với du khách, công chúng trong thời gian tới.


Tượng rồng thời Thiệu Trị hiện được đặt trong điện Thái Hòa

Hiện vật chuông Ngọ Môn là tác phẩm mỹ thuật đặc sắc của ngành điêu khắc, hội họa, kỹ nghệ đúc đồng thời Minh Mạng (1820-1841) nói riêng và Triều Nguyễn (1802-1945) nói chung.

Đây là chiếc chuông duy nhất được đúc để đặt tại không gian cổng chính ở phía nam, cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế. Chuông dùng để sử dụng trong tất cả các nghi lễ cung đình, được coi là biểu tượng của vương triều phong kiến. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn đã ghi chép cụ thể điển lệ việc đúc chuông, cách thức, số lượng cũng như quy cách sử dụng của từng loại chuông trong “Đại Nam thực lục” tùy theo tích chất, vị trí và nội dung của từng nghi lễ.

Cùng với Cửu đỉnh, chuông Ngọ Môn là một trong những bảo vật bằng đồng được đúc dưới thời Minh Mạng hiện hữu tại Đại Nội Huế, là di sản vật thể thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và là một bảo vật trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.


 Ngai hoàng đế Duy Tân đang được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế 

Hiện vật Ngai hoàng đế Duy Tân được triều đình đặc chế riêng cho ngài khi ông lên ngôi năm 7 tuổi. Duy Tân là hoàng đế thứ 11 của Triều Nguyễn (1802 - 1945), ông lên ngôi ngày 5/9/1907 (tức 28/7 năm Đinh Tỵ). Để phù hợp với vóc dáng của Hoàng đế, triều đình đã cho đặc chế chiếc ngai với kích thước nhỏ dùng trong lễ đăng quang của nhà vua. Các kiểu thức, hoa văn trang trí trên ngai áp dụng kỹ thuật sơn, thếp vẽ vàng, chạm nổi hay chạm lộng, phần nào thể hiện sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật điêu khắc gỗ cũng như bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đương thời.

Hiện vật Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng là hiện vật bằng đá cẩm thạch duy nhất lưu lại dấu ấn của hoàng đế Minh Mạng, thể hiện thông qua bài thơ “Ngự chế” và bài “Minh” được khắc trên 2 mặt của phù điêu. Đây là một kiệt tác tiêu biểu, độc đáo, không chỉ thể hiện đỉnh cao của kỹ nghệ chạm khắc đá mà còn thể hiện trình độ, kỹ thuật điêu khắc gỗ của các nghệ nhân dưới thời Nguyễn.


Chuông Ngọ Môn thời Minh Mạng tại lầu Ngũ Phụng – Đại Nội Huế

Hiện vật tượng rồng thời Thiệu Trị là bộ hiện vật bằng đồng có giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa; là đỉnh cao của sự tích hợp, mô phỏng hình dáng các chiếc “kim ấn bảo tỉ” được đúc dưới các triều từ Minh Mạng đến Thiệu Trị với kiểu thức “… hình con rồng quấn”. Tượng rồng nguyên được đặt trước hiên điện Càn Thành, là không gian sinh hoạt và làm việc hàng ngày của nhà vua. Thông qua hình ảnh rồng đặc trưng dưới Triều Nguyễn, với các mo-tif: Long ẩn vân, hoa cúc - mặt trời… và hoa văn trang trí (mây, đao lửa, hồi văn chữ công…) mang ý nghĩa biểu trưng với vai trò “thiên tử”, mang “thiên mệnh”, thể hiện quyền lực vững mạnh của vương quyền cùng khát vọng đất nước thái hòa, thịnh trị, Nhân dân thái bình, ấm no…

Huế thuộc nhóm tỉnh, thành có số BVQG nhiều nhất cả nước, với 35 hiện vật/bộ hiện vật được công nhận. Đáng kể nhất là những di sản mà nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam để lại vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn. Với 4 hiện vật được công nhận đợt này, nâng tổng số BVQG của Huế lên 39 hiện vật/bộ hiện vật được công nhận.

Năm 2024, Hội đồng thẩm định của tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) đã họp và thống nhất hồ sơ đề nghị công nhận BVQG đối với 4 hiện vật này. Tất cả được dựa trên những tiêu chí xác định, công nhận hiện vật BVQG như: tính độc bản, độc đáo; có giá trị đặc biệt đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước hoặc gắn với nhân vật lịch sử.

LIÊN MINH