menu_open
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng
Xem cỡ chữ:
 Chương trình “Giáo dục di sản - văn hóa - nghệ thuật” góp phần làm tăng lòng yêu di sản cho các em ngay từ lứa tuổi măng non
Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện nhiều chương trình nhằm đưa giá trị của Quần thể di tích Huế đến gần hơn với công chúng bằng các hình thức khác nhau.
 Chương trình “Giáo dục di sản - văn hóa - nghệ thuật” góp phần làm tăng lòng yêu di sản cho các em ngay từ lứa tuổi măng non

“Đánh thức” tình yêu di sản

Trung tâm ứng dụng truyền thông đa phương tiện trong công tác trưng bày, thuyết minh hướng dẫn khách tham quan, scan 3D các công trình di tích đưa vào du lịch thực tế ảo.

Đơn vị hợp tác với Công ty IV COM Hàn Quốc giới thiệu dịch vụ giải trí trải nghiệm thực tế ảo XR “Đi tìm Hoàng cung đã mất”; hợp tác với Tập đoàn Công nghệ cao CyArk-Seagate Hoa Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Kỹ thuật số và Tập đoàn UnderDogs Hàn Quốc để thực hiện một số dự án số hóa di tích: Đại Nội, lăng Khải Định, Tự Đức, Cung An Định. Các dự án số hóa nhằm tăng cường áp dụng kỹ thuật công nghệ số giúp nâng cao hiệu quả và độ chính xác của việc nghiên cứu, lưu trữ dữ liệu, bảo tồn và trùng tu các di tích kiến trúc bằng mô hình 3D để đưa ra các biện pháp hữu hiệu bảo vệ di sản ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, các dữ liệu này cũng được sử dụng để tạo ra những trải nghiệm thực tế ảo mang tính giải trí lý thú phục vụ khách du lịch và quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Huế ra thế giới.

Cũng trong dự án này, lăng Tự Đức là di tích đầu tiên của Việt Nam được Google Arts & Culture và CyArk số hoá vào dự án Di sản Mở (Open Heritage) và được quảng bá rộng rãi cho công chúng toàn cầu trên kênh Google Map. Đồng thời, các phim tư liệu trên cũng được giới thiệu trên kênh truyền hình địa phương và quốc gia, tại một số diễn đàn và hội nghị quốc tế.


 Nhân viên Trung tâm BTDTCĐ Huế sưu tầm và số hóa ảnh tư liệu cũ tại Bảo tàng Lịch sử Hồ Chí Minh. Ảnh: TTDT

“Hiệu quả của các dự án này không chỉ thể hiện trên khía cạnh về công nghệ lưu trữ tiên tiến giúp quản lý và bảo tồn di tích Huế bằng mô hình ảnh 3D, tuyên truyền quảng bá về các giá trị văn hóa Huế, mà còn tận dụng khả năng của công nghệ hiện đại trong việc làm giàu kiến thức của cộng đồng xã hội về lịch sử, văn hóa và kiến trúc Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, “đánh thức” nơi họ niềm yêu thích, ý thức bảo vệ và đóng góp cho di sản văn hóa của dân tộc”, ông Trung nói.

Hay, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình (CVCĐ) Huế, công tác giáo dục di sản được đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Thông qua chương trình “Giáo dục di sản - văn hóa - nghệ thuật”, Bảo tàng đã và đang đem đến những trải nghiệm thú vị, giúp học sinh luôn có cảm giác hào hứng, thích thú cũng như tăng hiệu quả quá trình tiếp cận, thu nhận thông tin văn hóa - lịch sử góp phần làm tăng lòng yêu di sản, tinh thần yêu quê hương đất nước cho các em ngay từ lứa tuổi măng non.

“Cầu nối” từ chuyển đổi số

Là đơn vị quản lý Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Việt Nam, Di sản Tư liệu và cảnh quan môi trường gắn liền với quần thể di tích… thời gian qua, ứng dụng công nghệ số và triển khai chuyển đổi số (CĐS) được Trung tâm BTDTCĐ Huế sử dụng là một trong những giải pháp tối ưu để gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa ngang tầm khu vực và quốc tế, đưa văn hóa di sản đến công chúng.

Đề án CĐS của Trung tâm BTDTCĐ Huế giai đoạn 2022 - 2025 đặt ra các mục tiêu: Xây dựng dịch vụ chính quyền số và hệ thống cơ chế, chính sách; ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ và tạo ra các giá trị gia tăng. Đồng thời, ứng dụng CNTT và công nghệ số còn nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, tăng trải nghiệm cho du khách và phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng tại các điểm di tích. Từ đó, tạo ra các giá trị và sản phẩm du lịch mới phục vụ phát triển du lịch và phát huy tiềm năng, lợi thế về văn hóa Huế, tri thức bản địa…

Theo ông Hoàng Việt Trung, nhiều chương trình CĐS từ Trung ương tới địa phương được đơn vị triển khai, với kỳ vọng phát triển Trung tâm BTDTCĐ Huế là trung tâm nghiên cứu, thu thập dữ liệu, tập hợp các tư liệu cổ, hệ thống hóa các cơ sở dữ liệu toàn văn với ứng dụng công nghệ số hiện đại. Đơn vị đã triển khai chỉnh lý và hệ thống lại dữ liệu hơn 1.400 bộ hồ sơ đã được tạo lập tiến đến số hóa và đưa vào hệ thống phần mềm dữ liệu của di sản; tạo lập cơ sở dữ liệu về cổ vật; số hóa và đưa vào sử dụng các mã QR thông tin một số điểm di tích; số hóa hệ thống dữ liệu của các công trình đang trùng tu, tôn tạo…

“Trung tâm không chỉ tập trung công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản mà còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, CĐS và truyền thông đa phương tiện hình ảnh di sản Huế. Đây là “cầu nối” hữu hiệu đưa di sản văn hóa Huế đến gần hơn với công chúng và đang góp phần gìn giữ giá trị di sản, văn hóa Huế, góp phần thay đổi diện mạo Quần thể di tích Cố đô Huế từng ngày”, ông Trung nói.

LIÊN MINH
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>