menu_open
Nhà vườn Bến Xuân
Xem cỡ chữ:
Với ước mơ Bến Xuân sẽ là một điểm xuyết hài hòa đan chen giữa Chùa Thiên Mụ và Văn Thánh; là điểm giao lưu văn hóa Đông - Tây, Nhà vườn Bến Xuân là công trình mười năm tâm huyết của vợ chồng nghệ sĩ tài hoa Camille Huyền với tất cả kỷ niệm, hiểu biết, tìm hiểu sâu về nghệ thuật Huế kết hợp với những dấu ấn của cuộc sống hơn nửa đời người sống bên trời Âu.

NHÀ VƯỜN BẾN XUÂN

“Điểm hẹn giao lưu văn hóa, nghệ thuật Huế”

Với ước mơ Bến Xuân sẽ là một điểm xuyết hài hòa đan chen giữa Chùa Thiên Mụ và Văn Thánh; là điểm giao lưu văn hóa Đông - Tây, Nhà vườn Bến Xuân là công trình mười năm tâm huyết của vợ chồng nghệ sĩ tài hoa Camille Huyền với tất cả kỷ niệm, hiểu biết, tìm hiểu sâu về nghệ thuật Huế kết hợp với những dấu ấn của cuộc sống hơn nửa đời người sống bên trời Âu.

Tọa lạc trên một khu đất rộng gần 5.000m2, nằm ở sát bờ sông Hương, thuộc thôn An Bình (xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), Bến Xuân được xem như một mô hình tiêu biểu của sự "bảo tồn thích nghi": Bên ngoài là sự cổ kính với những giá trị nguyên gốc truyền thống Huế, bên trong là sự tiện nghi, hiện đại và sang trọng.

Địa chỉ: Phường Hương Hồ - Thị Xã Hương Trà - Thành Phố Huế
Website: www.benxuan.asia
Fanpage: Ben Xuan Garden House Theatre

Kiến trúc Nhà vườn Bến Xuân

Bến Xuân là tổ hợp nhiều công trình được bố trí, sắp đặt theo thẩm mỹ của chủ nhân ngôi nhà trên tổng thể là một khu nhà vườn "kiểu mẫu" của xứ Huế với nhà rường và hoa trái quanh năm.

Ba cổng vào của Bến Xuân là 3 nét chấm phá rất riêng, là ba tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của nghệ sĩ Camille Huyền. Mỗi chiếc cổng được đặt 1 tên gọi và gắn liền đằng sau là một ý nghĩa thú vị.

Đó là Cổng Sen nằm bên bờ sông Hương mang hình ảnh một con thuyền đang trôi trong mây/ trên sông với trên là trời, dưới là nước soi bóng con thuyền, vừa tạo cảnh quan tự nhiên; vừa như là sự thiên – địa – nhân hợp nhất, một qui luật vũ trụ càn - khôn.

Đối diện là cổng Thiền Sư – cổng vào trên đường Văn Thánh với dáng Phật ngồi thiền trên ao sen, mô phỏng một tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ điêu khắc trứ danh Điềm Phùng Thị.

Bên hông là cổng Bút Tháp - cổng thứ ba trong khuôn viên Bến Xuân với điểm nhấn là chữ “om” trong câu thần chú “om mani padme hum” bằng chữ Phạn.

Căn nhà chính của Bến Xuân ở ngay chính giữa khu vườn, là một ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, mái lợp bằng ngói liệt xưa với hệ thống kèo, cột... chạm trổ tinh xảo. Bốn phía nhà đều thông gió với bốn hàng cửa gỗ mít chạm nổi hình hoa lá hóa rồng với hệ thống thông gió cửa bản khoa. Đây cũng chính là nơi biểu diễn âm nhạc và treo tranh sơn dầu (của gia chủ Camille Huyền).

Bên phải nhà chính có cây cầu bằng gạch thẻ với tuổi thọ hơn trăm năm dẫn lối qua nhà Nghinh Phong mang bóng dáng kiến trúc thời vua Khải Định và các công trình kiến trúc, họa tiết trang trí mô phỏng kiểu cung phủ, đền đài thời nhà Nguyễn. Nhà chính có thêm Cổ Lâu làm nơi thờ phụng và phòng thư viện.

Điểm đến của văn hóa, nghệ thuật và tình yêu Huế

Mỗi không gian ở Bến Xuân đều mang nét thơ, nét nhạc; vừa cổ điển, vừa hiện đại; vừa trang nghiêm, vừa gần gũi bởi sự kết nối rất tự nhiên của các lối đi được lát gạch Bát Tràng có niên đại trên dưới 300 năm, của những hàng cây xanh mướt bốn mùa và của cây cầu bắc qua hồ nước rất mềm mại... Ẩn hiện trong mỗi công trình là sự tinh tế của người phụ nữ Huế gói ghép lòng yêu xứ sở trong mỗi cảnh vật để giới thiệu, để gìn giữ và để tiếp biến...

Không chỉ có vậy, Bến Xuân cũng chính là nơi nghệ sĩ Camille Huyền mang đến cho người yêu nghệ thuật những ca khúc phổ thơ Hàn Mặc Tử, ca khúc Cung Tiến... Nhà hát có phòng hòa nhạc dành riêng cho nhạc cổ điển, khoảng sân rộng để biểu diễn ca Huế, múa rối nước…

Hiện nay Bến Xuân là một địa chỉ để giao lưu và quảng bá văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thế giới bằng việc mở cửa đón khách tham quan (thông qua việc đặt trước) với những bữa ăn và đêm nhạc do chính Camille Huyền đạo diễn và trình diễn.

Cùng với lòng hiếu khách, văn hóa, âm nhạc, lịch sử và ẩm thực, Bến Xuân là một điểm đến mới mẻ với những trải nghiệm, khám phá không thể tuyệt vời hơn cho bất cứ ai “để trăm năm sau, khi du thuyền trên sông Hương, có người sẽ còn nhớ vì sao chúng ta có hàng Liễu, hàng cây Ngô Đồng bên bờ sông Hương, và có người sẽ còn nhớ những điển cố về Cổng Sen, Cổng Thiền Sư, Cổng Bút Tháp đã chia sẻ cùng các bạn..”.