menu_open
Nỗi nhớ Huế thương
Xem cỡ chữ:
Sông Hương, từ điểm nhìn trên đồi Vọng Cảnh.
Có một điều gì đặc biệt ở Huế khiến tôi cứ vương vấn trong lòng, để rồi tôi chọn cho mình một chuyến đi để thỏa nỗi niềm thương nhớ. Đoàn tàu mang số hiệu SE4 đưa tôi đến sân ga Huế trong một chiều nắng đẹp. Sông Hương lững lờ trôi. Mây chầm chậm bay qua kinh đô nhuốm màu thời gian, màu của thăng trầm lịch sử…
Sông Hương, từ điểm nhìn trên đồi Vọng Cảnh.

Cái nóng của miền Trung những ngày giữa năm không thể làm vơi bớt vẻ mộng mơ vốn đã thành cố hữu của Huế. Trong trái tim của chàng trai phương Nam vẫn dành cho Huế một tình cảm đặc biệt, hay chính Huế đã khơi dậy những xúc cảm mãnh liệt trong trái tim chàng trai”. Một buổi chiều dạo mát trên con đường Lê Lợi, cung đường đẹp nhất của Huế nằm bên bờ sông Hương, ngắm lá vàng rơi lác đác, vào thăm ngôi trường Quốc học hay đi dạo dưới chân cầu Trường Tiền, tôi thấy Huế đẹp một cách riêng mà không một thành phố hiện đại nào có được. Dù là mùa xuân bờ bắc sông Hương tím biếc màu hoa xoan hay mùa hè rực hồng sắc phượng ở bên bờ Trường Tiền, ở chân đồi Thiên Mụ… Huế cũng đẹp như một bức tranh.

Những ngày ở lại Huế, tôi tranh thủ tận hưởng từng vẻ đẹp, thăm từng di tích, từng làng nghề được cất giữ hai bên bờ con sông Hương. Tôi nhớ mình đã thức dậy thật sớm, hít một hơi thật sâu rồi đạp xe lên Chùa Thiên Mụ chỉ để nghe tiếng chuông ngân trong thanh yên tĩnh lặng, một mình lên đồi Vọng Cảnh để ngắm dòng Hương uốn lượn mượt mà; một trưa lần theo tấm bản đồ tìm đến những lăng tẩm, đền đài, nơi lưu giữ vết tích của một triều đại trong lịch sử của dân tộc Việt; hay khoảnh khắc hoàng hôn buông trên mặt nước sông Hương, tôi lang thang trên cầu Đập Đá ngắm mặt trời lặn đỏ rực trời tây, ngắm những thuyền chài lênh đênh trở về neo đậu trên bến sông Cồn Hến mịt mờ sương khói…

Tôi thường dựa theo “bản đồ văn học” trong những chuyến đi dọc dài đất nước. Văn chương viết về Huế, về dòng Hương thì nhiều vô kể. Xứ sở ấy, nói như Hoàng Phủ Ngọc Tường, chẳng bao giờ lặp lại mình trong văn, thơ, nhạc, họa. Tôi yêu Huế bắt đầu từ những bài học thuở thiếu thời, từ những vần thơ, áng văn, những bài ca dành riêng cho Huế. Bằng một tâm hồn yêu văn chương đến đắm say, mỗi lần đến Huế tôi thường lang thang đi tìm những địa danh, những hình ảnh được nhắc đến trong văn chương. Tôi đi tìm những đoạn sông Hương được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường miêu tả trong bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” nổi tiếng như đoạn con sông chảy giữa hai ngọn đồi sừng sững, đoạn sông chảy qua vùng đất Kim Long, đoạn sông đi giữa lòng đô thị cổ và đoạn sông chảy ngang qua thị trấn Bao Vinh đẹp như một Hội An thu nhỏ ở ngoại ô thành phố Huế… Mới hay dòng sông ở ngoài đời hay trong văn chương cũng trác tuyệt như nhau. Tôi đi tìm thôn Vỹ Dạ, tìm rất lâu, rất lâu mới thấy bóng hàng cau lùa nắng, thấy khu vườn vẫn giữ nguyên dạng truyền thống trong nhịp sống hiện đại hối hả. Khu vườn ấy, thế kỷ trước đã từng được Hàn Mặc Tử đưa vào thơ ca, với một “Đây thôn Vỹ Dạ” bất hủ nắm níu lòng người. Tôi nhớ buổi trưa nắng mồ hôi nhễ nhại tôi đã lang thang đi tìm cây ngô đồng từng là cảnh quay trong phim “Mắt biếc”. Sau trận bão lũ năm nào, cây ngô đồng đã hồi sinh, tán lá xanh mơn mởn là điểm nghỉ chân lý tưởng cho những người nông dân làm đồng. Giữa cánh đồng vắng vẻ mênh mông, “cây mắt biếc” trở thành một hình ảnh để thương để nhớ, thành đối tượng để người lữ khách phương Nam lận đận kiếm tìm…

Mỗi người có một cách khác nhau để tận hưởng vẻ đẹp của Huế hay bất kỳ thành phố và vùng đất nào khác. Tôi đã tận hưởng Huế như vậy để thấy rằng Huế bình dị, Huế cổ kính, Huế đẹp mơ mộng hữu tình. Ở cái xứ sở của “dòng Thơm” ấy, giữa cái nơi từng là vương triều cao sang ấy, có nhiều thứ bình dị và mộc mạc biết bao. Nét bình dị có trong những món ăn như bánh nậm, bánh lọc, cơm hến, mì hến đậm đà hương vị vùng miền mà giá cả vô cùng phải chăng; có ở gánh chè của các o, các mệ từ những con ngõ nhỏ đi trong nắng Huế ban chiều; có ở nụ cười của o Vui bán bún bò Huế trước Chợ Đông Ba khi đôi bờ Hương Giang đã lên đèn sáng rực… Chính những điều đó cứ vương vấn mãi trong tôi, trở thành niềm thương nỗi nhớ. Huế đã thực sự sống lại sau đại dịch, dòng Hương vẫn xanh biếc in bóng Huế sau cơn bão lũ năm nào. Người Huế đã và đang làm nhiệm vụ giữ dạng truyền thống, giữ cho Huế một sắc màu riêng, rất Huế!

Ai đó đã từng nói với tôi rằng: khi chưa đến Huế sẽ không muốn đến Huế, khi đến Huế rồi sẽ luôn muốn đến Huế! Quả thế, bởi chính cái sự yên tĩnh, trầm mặc của đất cố đô đã níu giữ trái tim người để một ngày nào đó những kỷ niệm và nỗi nhớ Huế chợt sống dậy trong lòng. Khoảnh khắc đó, sự xa xôi của miền Trung chẳng còn nghĩa lý gì so với chiều dài của nỗi nhớ…

Tản văn HOÀNG KHÁNH DUY