Hình ảnh lon gạo đám, thùng gạo đám luôn nhắc nhở chúng tôi nhớ về truyền thống của làng.
Ông tôi kể rằng, thuở xưa làng còn tiêu điều xơ xác lắm, mười nhà thì có đến chin nhà là thiếu đói quanh năm, gạo ăn chẳng bao giờ được giáp hạt. Đặc biệt, khi gia chủ có người mất thì con cháu tập trung lo hậu sự nên cái cần nhất là gạo để nấu cơm. Xuất phát từ ý tưởng đó, một bô lão của làng đã đề xuất thành lập cái gọi là “Lon gạo đám” và đã được các vị cao niên cũng như toàn thể con dân của làng chấp thuận.
Trải qua bao biến cố thăng trầm đổi thay của thời gian, đến nay lon gạo phúng đám vẫn được làng tôi duy trì đều đặn và trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân làng. Hễ nhà ai có người “ra đi” thì gia đình tang chủ cử người đến báo tin cho vị trưởng làng biết, rồi ông trưởng làng lệnh cho ông đánh phèng (được làng cử) mặc áo dài đen khăn đóng ra đầu làng, cuối xóm gióng phèng để thông báo tin buồn đến toàn thể con dân của làng biết. Nếu người mất là đàn ông thì đánh 7 tiếng, đàn bà thì 9 tiếng. Vì thế, chỉ nghe tiếng phèng thì người ta sẽ biết ngay đàn ông hay bàn bà, rồi từ đó mà suy đoán để “luận” ra người chết là ai, già hay trẻ, có lúc “đoán mò” mà cũng trúng.
Trước lúc làng đi phúng điếu, các trưởng xóm có nhiệm vụ đến từng nhà trong xóm để thu gom gạo, sau đó tập hợp về một nhà gần gia đình tang chủ để đi phúng điếu. Gạo đám thì cũng đủ chủng loại, từ loại cao cấp thơm, dẻo cho đến loại bình dân, sau đó được hòa trộn lại thành một thứ gạo hỗn hợp, mà dân làng tôi thường quen gọi là “Gạo đám”. Tuy nhiên, vượt ra ngoài giá trị vật chất thông thường ấy, hình ảnh lon gạo đám đã ăn sâu vào kí ức của mỗi người dân quê tôi. Dẫu bất cứ ai đi học tập, công tác, làm ăn xa quê, dù thành đạt hay thất bại, giàu hay nghèo, cứ mỗi lần về làng trong các dịp lễ tết, đặc biệt là về dự tang lễ, phúng điếu bạn bè, bà con, họ hàng thân tộc, thì hình ảnh gây ấn tượng nhất là một người đàn ông khỏe mạnh, tuổi trung niên trong trang phục áo dài đen vành khăn đóng chầm chậm gánh 2 thúng gạo tiến vào gia đình tang chủ để làng phúng điếu.
Còn nhớ, ngày đám tang ông ngoại, gia đình ngoại sử dụng gánh gạo làng phúng điếu để nấu cơm cho con cháu ăn mà trực đám suốt một tuần, khi đám tang đưa xong mà gạo đám vẫn còn, thế là ngoại chia từng bì (bao) nhỏ phân phát cho con cháu mang về dùng tiếp. Ngoại bảo: “Ăn để nhớ đến ôn mi nữa đó, và ăn để tạ ơn làng”.
Ngày nay, cuộc sống vật chất của người dân làng tôi tuy đã đủ đầy, no ấm, không còn cảnh thiếu đói “gạo tháng Giêng, tiền tháng Chạp”, đám tang của ông bà, cha mẹ, người thân được con cháu tổ chức khá chu đáo. Cho dù gánh gạo của làng đi điếu có thể được một số người sử dụng vào mục đích khác, nhưng hình ảnh lon gạo đám - nét đẹp truyền thống ở quê tôi vẫn còn hiện hữu, duy trì mãi mãi như “luật bất thành văn” của làng, mà không một ai có quyền phán xét, đổi thay…