menu_open
Tết Đoan ngọ
Xem cỡ chữ:
Tết Đoan Ngọ hay Tết Đoan Dương, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, là một ngày Tết truyền thống tại Việt Nam cũng như một số nước Đông Á như Triều Tiên, Trung Quốc. Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá.

Ở Việt Nam, dân gian còn gọi là Tết giết sâu bọ. Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam cũng còn gọi là "ngày giết sâu bọ" là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng. người ta tin rằng khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ; giun sán trong người sẽ bị chết hết. Truyền thuyết về lịch sử ngày mùng 5 tháng năm thì lưu truyền khác nhau ở Việt Nam và Trung Quốc Trong văn hoá Việt thì ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch lại là ngày giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ. Trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao:

Tháng Năm ngày tết Đoan Dương.

Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.

Ở vùng đồng bắng Nam Bộ Việt Nam thì ngày mùng 5 tháng 5 còn được gọi là ngày "Vía Bà", thờ Linh Sơn thánh Mẫu trên núi Bà Đen. Tại Việt Nam còn coi mùng 5 tháng 5 là "Tết giết sâu bọ" vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này có tục "giết sâu bọ" bằng cách sáng sớm chưa ăn uống gì đã được lót dạ bằng hoa quả đương mùa và rượu nếp. Trẻ con được treo cho những túi bùa bằng vụn lúa các màu khâu thành hình trái đào, quả khế, quả quất... buộc chỉ ngũ sắc kết tua (gọi là bùa tua bùa túi), móng tay móng chân được nhuộm đỏ bằng lá móng (trừ ngón tay trỏ và ngón chân kề ngón cái), bôi hồng hoàng (một vị thuốc có màu đỏ pha vàng) vào thóp, vào ngực, vào rốn… để trừ tà ma bệnh tật. Trong tết này, các gia đình có làm lễ cúng gia tiên, cỗ cúng có cả chay lẫn mặn. Các chàng rể phải sắm quà biếu bố mẹ vợ nhân tết mồng năm, trong đó thường có mấy thứ: ngỗng, dưa hấu, hoặc đậu xanh đường cát. Học trò cũng đến tết thầy, lễ vật tuỳ tâm, đại thể cũng như trên. Ở một số vùng quê, vào giờ Ngọ (12 giờ trưa) ngày mồng 5 tháng 5, nhiều người còn đi hái lá làm thuốc, vì tin rằng lá hái trong giờ phút này dù chỉ là các lá thông thường như lá chanh, lá bưởi, kinh giới, tía tô, ngải cứu, sen vồng..., đều trở nên công hiệu hơn rất nhiều. Tuy nhiên gần đây, những sắc thái phong tục truyền thống Việt trong lễ này không còn được xem trọng.

Tết Đoan Ngọ bắt đầu từ giữa trưa

Ngày "Tết giết sâu bọ", dân gian Việt Nam thường cúng vào sáng sớm. Tuy nhiên, thực chất tiết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (giữa trưa) ngày 5/5 âm lịch. Xuất xứ của ngày này liên quan đến cái chết của Khuất Nguyên, một vị quan của nước Sở (Trung Hoa cổ đại) cách đây hơn 2.000 năm. Khuất Nguyên vì can ngăn Sở Hoài Vương không thành, bị cách chức thành thứ dân, về quê sinh sống. Chị gái ông tên là Tu đi lấy chồng xa, nghe tin liền về thăm em. Thấy Khuất Nguyên tóc xõa bù, mặt mày nhem nhuốc, hình dung hốc hác, vừa đi vừa ngâm thơ ở bờ sông, chị bèn bảo: "Vua Sở dẫu không nghe lời em nhưng em đã hết lòng rồi, còn lo nghĩ làm gì? May mà nhà còn có ruộng. Sao không dùng sức cày cấy để tự nuôi mình, hưởng hết tuổi trời?". Khuất Nguyên than: "Việc vua Sở đã đến thế này, ta không nỡ thấy tôn miếu bị diệt vong. Cả đời đục chỉ có mình ta trong". Rồi một ngày, Khuất Nguyên dậy sớm, ôm một hòn đá tự trẫm mình ở sông Mịch La. Đó chính là ngày 5/5 âm lịch. Ngươi làng nghe tin, đua nhau chở thuyền nhỏ ra cứu nhưng không kịp, bèn làm bánh nếp có góc ném xuống sông để tế. Tục đua thuyền rồng ở vùng Ngô Sở cũng bắt nguồn từ đó. Tương truyền, mảnh ruộng Khuất Nguyên cày cấy về sau gạo trắng như ngọc, gọi là "ruộng gạo ngọc". Tên làng ông ở gọi là làng "Tỷ quy", tức là chị về.

Ngày dương khí cực thịnh

Theo học thuyết âm dương ngũ hành, Ngọ được xếp vào quẻ Ly, thuộc hành Hỏa. Trong một ngày, dương khí cao nhất là giờ Ngọ. Trong một tháng, dương khí cao nhất vào những ngày Ngọ, nhất là ngày Ngọ thượng tuần (đầu tháng). Trong năm, dương khí cao nhất vào tháng Ngọ (tháng 5). Như vậy, dương khí đạt cực điểm vào giờ Ngọ của ngày Ngọ đầu tiên trong tháng Ngọ. Nhưng tại sao người ta lại chọn ngày 5/5 mà không chọn ngày Ngọ đầu tiên của tháng 5 làm tết giết sâu bọ?

- Thứ nhất là để mọi người dễ nhớ.

- Thứ hai là để tưởng nhớ Khuất Nguyên.

- Thứ ba, theo lịch cổ thì ngày này xuân vận đã hết, hạ vận chuyển sang. Sự chuyển tiết giữa hai mùa dễ gây bệnh thời khí ở con người. Sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển, gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Bởi vậy vào tiết này, người ta làm lễ dâng hương cầu cho sâu bọ có hại bị tuyệt diệt, người tai qua nạn khỏi, được mùa.

- Thứ tư, 5/5 là ngày cực dương hoặc gần với cực dương, con người cũng như mọi vật cần dự trữ năng lượng để chống lại dương khí quá cao của trời đất. Họ cần ăn một số hoa quả hay thực phẩm giàu năng lượng như trứng luộc, cái rượu, cháo chè kê, bánh đa, uống rượu xương bồ... để khai mở cửu khiếu (9 cái lỗ tự nhiên trên cơ thể), thông dương khí hòa cùng trời đất. Nhiều người còn ăn những hoa quả có vị chua như mận với hàm ý giảm sự mãnh liệt của Can (gan khí), hạn chế những tác động xấu tới tạng Tâm và hệ thống mạch máu. Nhiều người cho rằng vào tết Đoan Ngọ, cây cối sẽ tích trữ nhiều dược chất để chống lại dương khí khắc nghiệt. Do đó nhiều lương y tổ chức hái thuốc vào trưa 5/5 để mong có hiệu quả cao hơn.

Tết Đoan Ngọ (Mồng 5 tháng 5) có những tục gì?

Ở nước ta, Tết Đoan Ngọ được coi trọng, xếp vào hàng thứ hai sau Tết Nguyên Đán. Vì vậy các cụ thường nói "Mồng 5 ngày Tết". Học trò tết thầy, còn rể tết bố mẹ vợ... quanh năm cũng chỉ tập trung vào hai lễ Tết đó. Tết Đoan Dương còn nhiều tục lưu truyền đến nay; sáng sớm cho trẻ ăn hoa quả, rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Người lớn thì giết sâu bọ bằng cách uống rượu (hoà ít tam thần đơn) hoặc ăn rượu nếp. Trẻ em giết sâu bọ xong khi còn ngồi trên giường, rồi rửa mặt mũi, chân tay xong bắt đầu nhuộm móng tay móng chân, đeo chỉ ngũ sắc. Em gái đến độ tuổi xâu lỗ tai cũng chọn ngày này mà xâu. Vì là đoan ngọ nên lễ cúng gia tiên phải cúng vào giờ ngọ (buổi trưa). Tục hái thuốc mồng năm cũng bắt đầu từ giờ ngọ, đó là giờ có dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây cỏ thu hái được trong giờ đó có tác dụng chữa bệnh tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, các chứng âm hư. Người ta hái bất kỳ loại lá gì có sẵn trong vườn, trong vùng, miễn sao đủ trăm loại, nhiều ít không kể. Tuy vậy, nhân dân ta quen dùng thảo mộc chữa các chứng bệnh, biết phân biệt loại có độc, chẳng hạn lá ngón, cà độc dược, lá sắn... dẫu người nặng đầu óc mê tín cũng chẳng dám hái. Ngược lại, các cây cỏ chữa bệnh thông thường có tác dụng trừ phong ích khí thì hái nhiều hơn như ích mẫu, ngải cứu, sả, tử tô, kinh giới, lá tre, lá bưởi, cam, chanh, quýt, mít, muỗm, hành, tỏi, gừng, chè, ổi, trầu không, sài đất, sống đời, bồ công anh, sen, vông, lạc tiên, nhọ nồi...