menu_open
TUYỂN SINH LỚP 10 NĂM HỌC 2025 - 2026: Nên giao “địa phương làm, địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm”
Xem cỡ chữ:
 Thảo luận nhóm của học sinh lớp 9 ở Trường THCS Trần Cao Vân (TP. Huế) Ảnh: Nhã Trúc
Vấn đề lựa chọn môn thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2025 - 2026 tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của dư luận, nhất là phụ huynh có con đang học lớp 9 và giáo viên trung học cơ sở (THCS).
 Thảo luận nhóm của học sinh lớp 9 ở Trường THCS Trần Cao Vân (TP. Huế) Ảnh: Nhã Trúc

Cho đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vẫn chưa có văn bản chính thức hướng dẫn về việc này. Nhưng theo thông tin đã được đăng tải thì môn thứ ba sẽ do sở GD&ĐT cấp tỉnh lựa chọn trong số các môn/tổ hợp môn học được đánh giá bằng điểm số ở THCS (ngoài hai môn thi bắt buộc là ngữ văn và toán), bảo đảm một môn/tổ hợp môn không được lựa chọn trong 2 năm liên tiếp. Việc lựa chọn (luân phiên) này được lý giải là nhằm để tránh hiện tượng học lệch, học tủ ở THCS (cụ thể là ở lớp 9), bảo đảm học sinh sau khi hoàn thành chương trình học bậc THCS được trang bị kiến thức toàn diện, có đủ năng lực, phẩm chất để học bậc cao hơn hoặc học nghề. Bên cạnh đó, nếu cố định một môn thi thứ ba chung cho nhiều năm thì có nhiều trường chỉ tập trung dạy và ôn luyện ba môn cho các em thi vào lớp 10 mà chưa chú trọng đúng mức các môn học khác.

Cần phải nói thêm, cho đến nay (trước khi học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018) thì học sinh lớp 9 vào học lớp 10 có 2 hình thức tuyển sinh: Xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp thi tuyển; trong đó, việc thi tuyển chủ yếu là 2 môn (toán và ngữ văn) hoặc 3 môn (toán, ngữ văn và ngoại ngữ), tùy theo từng địa phương. Năm học 2025 - 2026 là năm học đầu tiên chứng kiến lứa học sinh học hoàn toàn theo chương trình 2018 ở bậc THCS và các em sẽ bước vào kỳ thi lớp 10 với những thay đổi so với trước đây.

Chỉ với kỳ thi tuyển sinh đầu cấp thì thực ra cũng chưa đủ cơ sở để khẳng định thi môn nào, hình thức nào là tối ưu, song ở đây có một số vấn đề cần trao đổi:

Thứ nhất, sở GD&ĐT cấp tỉnh được giao lựa chọn môn thi thứ ba, vậy trong 6 môn được đánh giá bằng nhận xét và điểm số (ngoài toán và ngữ văn) thì căn cứ vào đâu để lựa chọn 1 trong 6 môn đó? Dự thảo do Bộ GD&ĐT đưa ra trước đây có nói đến phương án "bốc thăm", nhưng phương án này có lẽ không được đồng thuận cao nên không nhắc đến. Theo mục đích hướng tới của Chương trình 2018 là học sinh cần được giáo dục toàn diện tất cả các môn, không còn khái niệm "môn chính, môn phụ". Vậy giả sử môn học A được lựa chọn thì liệu có nảy sinh dị nghị vì sao chọn môn A mà không phải môn B? Phải chăng, nếu để khách quan, không bị tác động bởi nhân tố bên ngoài thì các sở GD&ĐT cũng sẽ phải quay lại hình thức "bốc thăm"?

Thứ hai, ở bậc THCS cần phải giáo dục toàn diện cho các em học sinh, điều đó không có gì phải bàn luận. Nhưng có cơ sở nào để khẳng định lựa chọn mỗi năm một môn thi thứ 3 sẽ bảo đảm cho mục tiêu này được thực hiện nghiêm túc? Đánh giá sự toàn diện trong giáo dục (cụ thể ở đây là giáo dục THCS) bằng cách lựa chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 liệu có bảo đảm? Hơn nữa, việc công bố môn thi thứ 3 chậm nhất là ngày 31/3 hàng năm, nghĩa là khoảng 2 tháng trước kỳ thi, với thời gian như vậy thì cả thầy và trò đều vất vả trong ôn tập, luyện thi. Mặt khác, mục tiêu của Chương trình 2018 còn hướng đến khơi gợi, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, do vậy, nếu cho rằng lựa chọn môn thứ 3 cho kỳ thi vào lớp 10 để hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện, vậy mục tiêu khơi gợi, phát triển năng lực, phẩm chất cá nhân của học sinh có được xét đến?

Thứ ba, hiện tượng "học tủ, học lệch" ở một số trường THCS có thể xuất hiện ở đâu đó, nhưng không thể là tình trạng phổ biến ở hơn 1 vạn trường THCS trong cả nước. Do vậy, không nên chỉ dựa vào một số hiện tượng đơn lẻ để đưa ra quy định chung cho tất cả, sẽ là khiên cưỡng. Muốn khắc phục hiện tượng này thì cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh và giáo viên về mục đích, yêu cầu của Chương trình 2018, đồng thời nêu cao vai trò của sở/phòng GD&ĐT địa phương trong quản lý, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động dạy và học ở trường THCS, không thể vì có hiện tượng đó mà cho rằng mỗi năm lựa chọn một môn để thi vào lớp 10 sẽ khắc phục được. Làm như vậy có vẻ như mang tính "đánh đố" giáo viên và học sinh.

Thời gian gần đây, khi nói về tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhắc đến yêu cầu phân cấp, phân quyền cho địa phương, Chính phủ, bộ, ngành không nên nắm giữ quá nhiều công việc; trong đó, có những công việc mà địa phương có thể giải quyết. Cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh yêu cầu "Địa phương làm, địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm", dứt khoát từ bỏ tư duy "quản không được thì cấm". Từ quan điểm này, nên chăng Bộ GD&ĐT nên giao toàn bộ trách nhiệm để các sở GD&ĐT cấp tỉnh chủ động trong việc lựa chọn phương thức tuyển sinh vào lớp 10, bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng địa phương trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018?

Hoàng Ngọc Anh
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>