menu_open
Ca Huế trên bước đường bảo tồn và phát huy - Bài 1: Ca Huế - Lịch sử hình thành và các giai đoạn phát triển
29/05/2021 2:43:50 CH
Xem cỡ chữ:
Biểu diễn ca Huế thính phòng (Ảnh: Ngọc Bích)
Nếu có một loại hình nghệ thuật nào của xứ Huế mang tính “định danh” của địa phương và thể hiện rõ cốt cách vùng miền nhất, chỉ có thể là Ca Huế.
Biểu diễn ca Huế thính phòng (Ảnh: Ngọc Bích)

Từng là kinh đô của cả nước trong hơn một thế kỷ – nơi tập trung nhân tài của cả nước về mọi mặt, Huế là nơi có điều kiện kế thừa, và tích tụ tinh hoa văn hóa nghệ thuật, âm nhạc của cả dân tộc, cũng là nơi đã đưa nền văn hóa nghệ thuật cũng như âm nhạc dân tộc lên một đỉnh cao mới. Chính vì vậy, Huế hội tụ đủ cả hai dòng âm nhạc cung đình (bác học) và âm nhạc dân gian, điều kiện thuận lợi đó đã góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển loại hình văn hóa nghệ thuật đặc trưng của vùng đất nơi đây: Ca Huế.

Vì sao lại gọi Ca Huế?

Theo một số nhà nghiên cứu, ca Huế bắt đầu từ hát cửa quyền trong cung vua, phủ chúa (khác với lối hát Ả Đào, phát sinh từ dân gian, từ hát cửa đình, rồi vào chốn cung đình), từ “cung trung chi nhạc – một loại nhạc thính phòng trong cung thất của vua và mẹ vua Nguyễn” (Trần Văn Khê – Lối ca Huế và lối nhạc tài tử). Đó là thời kỳ có những bước chuyển mình từ lối hát cung đình, dần dần được dân gian hóa trở lại để thành ca nhạc Huế… và tác động trở lại đối với âm nhạc cung đình.


Ký họa ông Hoàng Nam Sách - Con trai vua Minh Mạng, bậc thầy đàn ca Huế từ thời vua Tự Đức
(Ảnh tư liệu do Khám phá Huế chụp lại từ Bảo tàng Văn hóa Huế)

Người ta lấy địa danh Huế - từ Thuận Hóa trước đây, nơi quy tụ và phát triển đến độ hoàn chỉnh, để đặt tên cho loại nhạc cổ truyền ấy là ca nhạc Huế, hay còn gọi là Ca Huế. Thế nên, Ca Huế vừa là cái vốn lâu đời, là tài sản riêng của địa phương. Theo cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị:“Ca mà còn gọi là Ca Huế hợp với điệu ca này, mà phía Bắc xứ Huế như người Quảng Trị với Quảng Bình cũng ca được; còn từ Linh Giang dĩ Bắc, Hải Vân quan dĩ Nam, đều có người ca, mà ca giỏi thế nào, cũng có hơi trạy bẹ. Ấy là câu chuyện ai cũng biết rồi. Duy điệu ca khởi điểm từ đời nào, khi nào, sử thư không truyền lại, chỉ lấy thời đại yêu chượng nghề văn mà đoán ,thời điểm từ thời Hiếu Minh. Đức Hiếu Minh hiệu là Thiên Tùng Đạo Nhơn, là ông chúa thượng văn, nặng về vịnh. Con người là ông Tứ (tức Đoán) , cháu là Hóa tức là Huế ngày nay, mà Chiêm Thành xưa (Ô Châu, Ô Lý). Lạ chí, gặp thời ông chúa thượng văn, thời triều đình nào cũng có ban nhạc phủ, thời tao nhơn, mặc khách ở tri hạ tất phải hưởng ứng mà thành ra ca khúc, ca khúc, ca chương…” (1)

Qua những lời nhận định của cụ Ưng Bình càng chứng minh rõ thêm nguồn gốc của loại hình Ca Huế này. Có thể nói: Ca Huế có nguồn gốc từ lối ca nhạc ở chốn cung đình và đậm đà bản chất dân gian từ ngọn nguồn dân tộc đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu thì đã phát triển rõ nét, là một bộ môn nghệ thuật của tầng lớp tao nhân, mặc khách, lúc đầu ở dinh thự, phủ chúa sau đó lan ra ngoài dân gian. Cũng chính trong khung cảnh mỹ lệ này, các điệu ca Huế nổi tiếng như Cổ bản, Phú lục, Nam ai, Nam bình đã được lưu hành rộng rãi trong dinh phủ chúa Nguyễn cũng như trong đông đảo tầng lớp nhân dân, được các giai cấp thống trị lẫn bình dân ưa chuộng. Đó là đặc điểm độc đáo của Ca Huế là vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học.

Quá trình phát triển

Được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XVII nhưng phải đợi đến thế kỷ XIX, lối trình diễn Ca Huế mới bắt đầu ghi nhận có những bản ca nhạc nổi tiếng. Sang thế kỷ XX, Ca Huế có những chuyển biến phức tạp, từ sinh hoạt nơi chốn cung đình, đã lan ra ngoài dân gian. Nhiều ông hoàng, bà chúa có tài năng và thiên phú âm nhạc, nhiều nghệ sĩ dân gian đã không cưỡng nổi lòng mình trước nguồn âm nhạc phong phú trữ tình, tràn đầy tính dân tộc của Ca Huế mà say mê học hỏi, sáng tác những bài ca có giá trị.

Từ khi Kinh đô thất thủ (1885) đến lúc triều đại phong kiến nhà Nguyễn cáo chung (1945), Ca Huế bị thay đổi bản chất, đôi khi sử dụng ở chốn ăn chơi trụy lạc, nhưng cũng có nhiều nghệ sỹ chân chính vẫn giữ được cốt cách, bản sắc dân tộc. Sau 1945 dần dần Ca Huế lại có cơ hội phục hồi, phát triển. Đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, Ca Huế có cơ hội chuyển sang một hình thức mới, hình thức trình diễn phục vụ khách du lịch và trở thành một nhu cầu bức thiết, nhất là sau khi Huế trở thành "một điểm đến - 5 di sản" được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại.

Có thể phân chia quá trình phát triển Ca Huế thành 4 giai đoạn chính:

* Giai đoạn hình thành và phát triển loại hình nghệ thuật Ca Huế (từ cuối thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII)

Từ cuối thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII, tại Phú Xuân nơi đặt thủ phủ của các chúa Nguyễn, đặc biệt là chúa Nguyễn Phúc Chu, vị chúa có tài về văn chương và nghệ thuật, các làn điệu Ca Huế đã lần hồi xuất hiện. Các điệu nổi tiếng: Cổ bản, Phú lục, Nam ai, Nam bình đã lưu hành rộng rãi trong các dinh phủ chúa.


Ban nhạc đồng ấu triều Nguyễn
(Ảnh tư liệu do Khám phá Huế chụp lại từ Bảo tàng Văn hóa Huế)

Ở thời kỳ này, trong âm nhạc truyền thống của dân tộc ta đã có điệu Bắc và điệu Nam, đây là hai hình thức chính của Ca Huế. Các nhạc khí cơ bản của Ca Huế như: Đàn tranh, đàn nguyệt với hai hệ thống bài bản thuộc điệu Bắc và điệu Nam đã ra đời tại Phú Xuân, chậm nhất là vào thế kỷ XVIII.

“Vào hơn nửa thế kỷ XVIII, Nguyễn Phúc Dục là con trưởng của Luân Quốc Công (Nguyễn Phúc Tứ, con thứ tám của Minh Vương tức là Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế (1691-1725). Đã sáng chế ra nhạc khí tên là Nam Cầm. Dục rất tinh nhạc lý, xét nghiệm âm điệu tiết tấu chẳng bao giờ sai lầm, thường hiếm vì điệu Nam rất cao, đàn xưa nhấn nhịp không kịp. Dục mới sáng chế ra Nam Cầm. Đàn này có tám dây, thùng dày và vuông, cần dài ba thước mộc, hộp đàn cầm, đàn sắt và đàn Tỳ bà là một, tiếng rất thanh, lẫn cả đàn tranh và đàn nguyệt.

Vào cuối thế kỷ XVII, một số nhạc sỹ, nhạc công Việt Nam đã nghiên cứu từ cây đàn nguyệt cầm của Trung Quốc và Mông Cổ để chế ra cây đàn nguyệt Việt Nam mà họ đặt tên là cây đàn Song Vận, lúc đầu có bốn dây về sau còn hai dây như đàn nguyệt hiện đang thông dụng ngày nay. Cùng với đàn nhị, đàn tranh và đàn tỳ bà, đàn nguyệt là một trong những cây đàn “Huế” nhất trong các nhạc khí Việt Nam hiện nay”.(2)

Mặc dù sinh hoạt Ca Huế trong giai đoạn này có nhiều hạn chế, có người xem đây là thú tiêu khiển lúc “trà dư, tửu hậu”, tuy nhiên nhiều người đã gắn bó suốt đời với môn nghệ thuật này (như có người say mê chế tạo đàn, sáng tác bài ca…).

Giai đoạn này xuất hiện nhiều nhân vật tài hoa, danh cầm, ca k lừng danh, chính họ là những nhân vật đầu tiên đặt nền móng vững chắc cho bộ môn Ca Huế hình thành và phát triển cho đến ngày nay. Góp công đáng kể đó là: “Chúa Nguyễn Phúc Chu, ông là một người có tâm hồn nghệ sĩ. Tương truyền Chúa là người sáng tác ra bài “Ai Giang Nam” ‘tức là bài Nam Ai; còn có Luân Quốc Công Nguyễn Phúc Tứ, ông là người phong độ, tinh thông sử sách, lại sở trường về thơ quốc âm. Ông có viết “Hoa Tình Nguyệt” bằng quốc âm, nội dung rất bi ai, sầu oán, được người đời truyền tụng ngợi ca; ngoài ra còn phải kể đến Nguyễn Phúc Dục là con trưởng của Luận Quốc Công Nguyễn Phúc Tứ, ông là một người học rộng, có tài thao lược, được người trong triều trọng nể. Ông đã sáng tạo nên nhạc cụ đặt tên là Nam Cầm. Nhạc cụ này có tám dây, cần đàn dài 1.20m”.(3)

* Giai đoạn phát triển và thịnh đạt của Ca Huế (khoảng từ đầu thế kỷ thứ XIX đến trước ngày kinh đô thất thủ 1885)

Đây là giai đoạn thống trị của các vua Nguyễn, trong giai đoạn này lãnh thổ của đất nước ta rộng lớn hơn so với các triều đại trước đó. Đất nước không có chiến tranh, nhà nước có điều kiện phát triển về mọi mặt, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc.

Trong giai đoạn này, ngoài dân gian cũng như chốn cung đình, Ca Huế đã phổ biến rộng rãi. Trong cung đình có một số bài Ca Huế có lời bằng chữ Hán. Mười bản Ngự trong Ca Huế vừa có lời chữ Hán thông dụng trong cung đình vừa có lời chữ Nôm thông dụng trong dân gian.

Năm 1863 có một tập bài bản Ca Huế khá hoàn chỉnh gồm 25 tác phẩm của một tác giả vô danh, trong đó có 10 bài có kèm theo lời ca và 15 bản không có lời ca.”(4) 10 bài có lời ca có những bài giống tên với những bài bản thông dụng trong Ca Huế như: Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Hồ Quảng, Nam Xuân. Bên cạnh đó có những bài ngày nay đã thất truyền như: Trường Thán, Tứ Trào, Tư Mã Tương Như, Tiên nữ Tống Lưu Nguyễn, Bá Nha khấp Tử Kỳ…Giai đoạn này có nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong dân gian như Đẫu Nương, một ca nhi ở An Cựu, các nhạc công Biên Nhân, Trần Quang Phổ, Tống Văn Đạt.

Không chỉ nhiều nghệ nhân nổi tiếng ở dân gian, mà một số ông Hoàng, bà Chúa, con cháu của vua Minh Mạng cũng có sáng tác, diễn xướng, hay tổ chức ca nhạc thính phòng đó là: Miên Tông (Thiệu Trị); ông Hoàng Nam Sách Niên Bửu; công chúa Ngọc Am, Lại Đức (Mai Am) đều có sáng tác lời ca cho Ca Huế. Công chúa Huệ Phố vừa là nhà thơ, vừa giỏi đàn ca có tập hợp một ban nữ nhạc do chính bà huấn luyện.

Các vua Nguyễn rất thích Ca Huế như vua Tự Đức đã sử dụng nghệ sĩ dân gian tài hoa làm làm chức suất đội trưởng để điều khiển giàn nhạc.


Ca Huế - Tranh của Họa sĩ Tôn Thất Đào

Huế là một địa điểm thuận lợi, là nơi có điều kiện hội tụ nhân tài về đàn ca xướng hát. Và cũng từ đó Ca Huế trở thành một nhu cầu văn hóa tinh thần không thể thiếu được ở chốn Kinh Đô này.

* Giai đoạn ngưng đọng và suy thoái (sau khi thất thủ Kinh đô (1885) cho đến trước cách mạng tháng Tám (1945))

Năm 1858, thực dân Pháp chính thức nổ súng xâm lược nước ta. Đến năm 1885 với sự kiên thất thủ Kinh Đô đánh dấu mọi chuyển biến trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật. Chế độ phong kiến không giữ được quyền thống trị đất nước, dòng âm nhạc cung đình cùng theo đó mà ngưng đọng và suy thoái.

Trong giai đoạn thực dân nửa phong kiến ấy, Ca Huế trở thành một thú tiêu khiển đã bị biến chất, phục vụ cho các cuộc ăn chơi trụy lạc. Ca nhạc công, ca công lại lâm vào cuộc sống bế tắc, lầm than. Có người vì cuộc sống mà phải bán rẻ tài năng của mình để mua vui cho tầng lớp quyền quý, giàu sang, bên cạnh đó còn bị coi là “Xướng ca vô loài”.

Nhưng cũng trong giai đoạn này, Ca Huế mất chỗ dựa ở chốn cung đình nhưng lại được một số lớn nhạc công ngay thẳng, lương thiện và đặc biệt là được đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận nồng nhiệt, nuôi dưỡng để gìn giữ vốn cổ quý báu của ông cha. Họ đã nêu cao phẩm tiết chân chính của mình để bảo vệ giá trị cho Ca Huế. Trong cảnh nước mất nhà tan, gia đình loạn lạc nhiều người đã tìm đến thơ ca để làm vũ khí chiến đấu với kẻ thù, còn âm nhạc không chỉ là nơi gởi gắm tâm tình, mà còn là phương tiện gợi nhớ, nhắc nhở nhau giữ vững hồn dân tộc dưới gót sắt của kẻ thù. Rõ ràng quân thù chỉ có thể khuất phục vẻ bề ngoài chứ hoàn toàn không có sự khuất phục về tinh thần trong quần chúng nhân dân.

Trong hoàn cảnh đó, một số nhạc công, ca công tâm huyết với nghệ thuật này đã cố giữ và bảo vệ bản sắc dân tộc, đặc biệt là thời kỳ này có những nhân vật như: “Trợ Quốc Khánh Ưng Dũng con trai của hoàng tử Gia Hưng rất giỏi “đàn nguyệt”; kiểm khảo Trần Trịnh Soạn ở làng Minh Hương (Thừa Thiên)người chơi giỏi “đàn nguyệt và đàn tranh”; Cửu Phẩm Nguyên Chánh Tâm còn gọi là Cửu Tâm, quê quán Thừa Thiên trú ngụ ở Quảng Trị, là một người hay về “đàn tranh và đàn nguyêt”; Tuần phủ Nguyễn Khoa Tân quê ở An Cựu (Thừa Thiên), tay giỏi “đàn tranh”; huyện Ưng Hầu Biền còn gọi là mệ Chín Thành, người chơi giỏi tất cả các nhạc cụ dây nhưng hay nhất là đàn huyền và đàn nhị; Phan Đình Uyển tên gọi là Ấm Ba ở làng Phú Lương (Thừa Thiên) chơi hay “đàn bầu” và đặc biệt là về thổi “Tiêu”; Ở giới phụ nữ có: cô Phò 24, vợ góa của Trần Quang Phổ, quê ở An Cựu (Thừa Thiên), bà khỏe con gái cậu Cung ở Kim Lương, vợ của Đốc Soạn, người chơi giỏi “đàn tranh” và cô Phú Sưu, cô Trà ca hát rất hay”.(5)

Khoảng trước những năm 1930 cũng có những danh cầm, danh ca nổi tiếng như: “Ông Cả Soạn, ông Bảy Thiền… nổi tiếng về đàn tranh; ông Ngũ Đại (tức Vĩnh Trân), Cậu Tiên Út nổi tiếng về đàn nguyệt; ông Hầu Biều (tức Ưng Biều) nổi tiếng về đàn bầu và đàn nhị; ông Lý Vũ, Ưng Thông nổi tiếng về đàn nhị; ông Đội Trác, ông Ngũ Đại, ông Trợ Tần, Sơn Huy Nguyễn Ngọc nổi tiếng  về đàn tỳ bà; Cô Nhơn, Cô Thông Thắng, Cô Tuyết Hương… nổi tiếng về Ca Huế; về sáng tác có: ông Ưng Bác là tác giả điệu “Tương tư khúc” ra đời vào những năm 1930; về nghiên cứu lý luận có những công trình di sản Ưng Dự Như Văn Thích Lục, âm nhạc luân lược… của Hoàng Yến như âm nhạc ở Huế, “Cầm học tần nguyên”(6)

Chính trong giai đoạn này, với những con người ấy, bằng nhiệt huyết với vốn âm nhạc cổ truyền đã bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của xứ Huế, để từ đó Ca Huế có cơ hội phục hồi.

* Giai đoạn phục hưng Ca Huế (từ năm 1945 đến nay)

Năm 1945, với sự kiện chế độ phong kiến nhà Nguyễn cũng là chế độ phong kiến cuối cùng của Việt Nam chấm dứt vai trò lãnh đạo đất nước, thay vào đó là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược và đi đến thắng lợi. Nhưng đất nước vẫn chưa thống nhất, miền Bắc đi lên Chủ nghĩa Xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Giặc Pháp thất bại về nước thì đất nước ta lại có kẻ thù mới xâm lược, đó là đế quốc Mỹ. Bên cạnh tiếp nối truyền thống chống giặc cứu nước, nhân dân ta vẫn một lòng bảo vệ di sản của cha ông, ở vùng tạm chiếm, nhiều nhạc công, ca sĩ yêu nước đã có những cố gắng để bảo vệ ca nhạc truyền thống nói chung và Ca Huế nói riêng.


Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp đoàn ca kịch Huế tại Hà Nội năm 1960.
(Ảnh tư liệu do Khám phá Huế chụp lại từ Bảo tàng Văn hóa Huế)

Trong quá trình xâm lược, kẻ thù đã đưa các hình thức nghệ thuật của phương Tây vào ồ ạt ở Việt Nam, nghệ thuật âm nhạc Pháp – Mỹ lan tràn khắp các đô thị lớn, nhỏ với mục đích nhấn chìm nghệ thuật âm nhạc cổ truyền của Việt Nam. Nhưng Ca Huế, nhờ tạo nên được nền móng sâu rộng trong nhân vẫn vươn lên phát triển chẳng những ở Huế mà ở tất cả các đô thị trong cả nước, đủ sức chống cự với những đợt tấn công đầu tiên của âm nhạc phương Tây, bảo vệ văn hóa dân tộc. Ở miền Bắc, nhiều nghệ nhân trước đây là diễn viên nhạc công ở gánh hát Ca Huế. Sau hòa bình lập lại (1945) họ tập kết ra Bắc, vẫn tổ chức biểu diễn để tìm người tài, thành lập đoàn Ca Kịch Huế vào hoạt động nghệ thuật phục vụ tại tuyến xe lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị). Chính điều đó đã thu hút được nhiều ca sĩ, nhạc công tham gia và họ đã trưởng thành trong giai đoạn khó khăn nhất này. 


Bằng công nhận Ca Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Ảnh: Ngọc Bích)

Là thể loại âm nhạc mang đầy đủ các điều kiện, tiêu chí của dòng âm nhạc cộng hưởng giữa dân gian, chuyên nghiệp và bác học của thể loại thính phòng, một thể loại âm nhạc đỉnh cao trong toàn bộ các di sản âm nhạc truyền thống Việt Nam, Ca Huế đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08 tháng 6 năm 2015.

Song hành cùng những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, nghệ thuật Ca Huế như được rèn dũa thêm, bồi đắp thêm để không chỉ phát huy được giá trị tinh thần vốn có mà còn phù hợp với thời cuộc. Những lời mới cho ca Huế cũng vì vậy ngày càng gia tăng về số lượng; không gian diễn xướng của Ca Huế không chỉ bó hẹp trong không gian thính phòng của văn hóa - nghệ thuật mà gắn với du lịch (ca Huế trên sông Hương), đi vào trường học (dạy ca Huế trong trường học)... chính là những hoạt động thiết thực của tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa Ca Huế.

Bên cạnh một dịch vụ du lịch có một không hai và không thể bỏ qua khi đến Huế - Ca Huế trên Sông Hương, từ tháng 8/2019, chương trình đưa di sản ca Huế vào trường học do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo Thừa Thiên Huế tổ chức thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao cho học sinh đã được triển khai trên diện rộng. Xuất phát từ tình yêu di sản của quê hương, các thế hệ trí thức và nhân dân Thừa Thiên Huế đã và đang tiếp nối công tác bảo tồn và phát huy di sản Ca Huế. Để Ca Huế thực sự đi vào cuộc sống - đó có lẽ chính là không gian lý tưởng cho Ca Huế và là cách thức để loại hình nghệ thuật này mãi vững bền theo năm tháng.

Chú thích:

1. Thái Văn Kiểm (1960), Cố đô Huế, NXB Sài Gòn, Sài Gòn; trang 11.

2. Lê Văn Hảo (1978), “Góp phần tìm hiểu ca nhạc Huế”, Tạp chí Văn nghệ, số 9, trang 20 -23.

3. Tôn Thất Bình (1999), “Đoàn, Ca Huế - nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu”, Tạp chí Huế xưa và nay, số 35, trang 73 – 81.

4. Nguyễn Huy Hồng (1986), Truyền thống sân khấu Huế, Sở văn hóa thông tin Bình Trị Thiên; trang 69.

5. Huy Trân – Đào Duy Quý (1998), Ca Huế, NXB Thuận Hóa, Huế; trang 109-110.

6. Tôn Thất Bình (1999), “Nguồn gốc, sự hình thành và các giai đoạn chuyển biến của ca Huế”, Tạp chí Sông Hương, số 121, trang 68.