menu_open
Hai mươi năm trước, ca Huế đến Mỹ
31/07/2015 9:12:05 SA
Xem cỡ chữ:
Tháng 7 năm 1995, nhận lời mời của Hội đồng quốc gia vì nghệ thuật truyền thống Hoa Kỳ (National Council for the Traditional Arts), đoàn nghệ thuật ca Huế thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã có chuyến xuất ngoại, tham dự Festival dân ca dân nhạc tại thành phố Lowell thuộc bang Massachusetts của Mỹ.


Đoàn chụp hình lưu niệm tại thành phố Lowell, bang Massachusetts, Hoa Kỳ

Lowell là thành phố công nghiệp đầu tiên của nước Mỹ với kỹ nghệ dệt - đã tràn ngập du khách về dự festival trong những ngày cuối tháng 7. Đây là lần đầu tiên, một đoàn ca nhạc Việt Nam từ dòng sông Hương thầm lặng của Huế dấu yêu được tham gia vào hội diễn này, đặc biệt vừa lúc Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa bang giao giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Qua ba ngày biểu diễn ở công viên Market, ở giáo đường thành phố Lowell, âm nhạc Huế nói riêng và âm nhạc Việt Nam nói chung đã được sự tán thưởng nhiệt thành của những người mộ điệu Mỹ và Việt kiều.

Theo các tờ báo lớn như Boston Globe, Boston Herald… ấn hành tại bang Massachusetts thì festival năm ấy có hơn 200.000 người dự đại nhạc hội này. Riêng đoàn ca nhạc truyền thống Huế, đoàn duy nhất ngoài nước Mỹ đã đem đến cho ba ngày hội diễn những màu sắc độc đáo, phong phú với các tiết mục ca Huế, dân ca Huế, nhã nhạc cung đình...

Được đón tiếp nồng nhiệt


Buổi diễn chiều 4/8/1995 tại Linconln Center, một trung tâm nghệ thuật lớn ở New York, Hoa Kỳ

Những tràng pháo tay vang ngân rộn rã, khán giả Mỹ và Việt Nam đã đứng dậy bày tỏ sự nồng nhiệt trong tất cả các điểm diễn tại thành phố Lowell. Theo phong tục Mỹ, thái độ này cho biết đấy là sự quý trọng âm nhạc Việt Nam, ngợi ca chương trình thành công so với tất cả các đoàn tham gia hội diễn ca nhạc khác. Đây cũng là lý do khiến Hội đồng quốc gia vì nghệ thuật truyền thống Hoa Kỳ và Ban tổ  chức đánh giá rất cao đoàn ca nhạc đến từ Cố đô Huế với các nghệ sĩ Mạnh Cẩm (Nghệ sĩ ưu tú), Trần Thảo, Thúy Vân, Thu Hằng, Khánh Vân, Sĩ Thoại, Thái Hùng, Ái Hoa, Lệ Hoa qua sự giới thiệu và điều hợp chương trình của GS.T.S Nguyễn Thuyết Phong (Viện Đại học Kent States, Hoa Kỳ).

Những ngày diễn ra lễ hội tại Lowell, tin tức được liên tục chuyển đi qua các hệ thống truyền thanh, truyền hình và báo chí. Đài truyền hình kênh 6 phát hình về đoàn và phỏng vấn GS Nguyễn Thuyết Phong về mục đích, ý nghĩa nền ca nhạc Huế. Nhà báo Scott Alarik của báo Boston Globe (ngày 31/7/1995) đã nhận định về nhạc Huế qua các chương trình biểu diễn của đoàn: “Siêu việt, tinh tế và tỏa rộng không gian”. Đây là lời nhận định ngắn gọn, đầy ý nghĩa.

 Ngày 1/8/1995, tại thủ đô Washington D.C, đoàn được mời diễn tại thính phòng Carmichael, Bảo tàng Lịch sử Hoa Kỳ. Thính phòng Carmichael rất khang trang, sang trọng với kỹ thuật hiện đại thuộc tổ chức Samitheonean. Âm nhạc truyến thống Huế đã làm say mê khán giả; khiến những người đồng hương rơi lệ và làm xúc động những bè bạn Mỹ. Ông Hà Huy Thông, Phó phòng liên lạc Việt Nam tại Hoa Kỳ và các nhân viên ngoại giao cũng đến dự và nồng nhiệt tán thưởng buổi biểu diễn trên.

Ngày 2/8/1995, tại công viên Rubber Run thuộc bang Virginia, đoàn đã diễn một chương trình trên sân khấu lộ thiên với sự tham dự của đông đảo khán giả người Việt. Một số bà con đã ưu ái, thân thiện biểu lộ lòng thương nhớ quê nhà khi thưởng thức giai điệu mượt mà của Nam bình sâu lắng “Nước non ngàn dăm”, của sự rộn rã trong tiết tấu hò giã gạo ngợi ca cảnh sắc thanh bình trên quê hương Việt.

Rời bang Virginia, đoàn đến New Haven, thành phố kết nghĩa với thành phố Huế. Tại nơi đây, các nghệ sĩ, nghệ nhân trong đoàn đã cống hiến hết mình cho đêm diễn. Sự tiếp đón ân cần, chân thành của những người bạn Mỹ, của đông đảo bà con người Việt ở New Haven được biểu hiện một cách sâu sắc, đậm đà. Đặc biệt, những người bạn học sinh, sinh viên trẻ đã dành cho đoàn nhiều ấn tượng tốt đẹp khi họ đến trực tiếp gặp gỡ, giao lưu với các thành viên trong đoàn. Các bạn không giấu được niềm xúc động khi bày tỏ tình cảm dấu yêu về quê nhà khi nghe các làn điệu ca Huế, dân ca và ước mơ một ngày về chung tay xây dựng quê hương.

Chiều 4/8/1995, đoàn đã biểu diễn thành công chương trình cuối cùng trên đất Mỹ tại Linconln Center, một trung tâm nghệ thuật lớn ở New York. Khi buổi diễn nghệ thuật ca Huế vừa kết thúc, toàn thể khán giả Mỹ và Việt đã cùng đứng lên nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng, tạo nên một cảm xúc mạnh trong tâm hồn tôi và các nghệ sĩ, nghệ nhân đàn, ca Huế. Ông Nguyễn An Trung, đại diện phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã lên tặng hoa và phát biểu nhiều cảm tưởng tốt về nội dung và nghệ thuật biểu diễn của đoàn.

Quảng bá sâu rộng nghệ thuật truyền thống Việt Nam

Qua 8 chương trình biểu diễn và thực tế làm việc, tiếp xúc, chúng tôi đã được sự giúp đỡ tận tình của nhiều người Việt cũng như một số bạn bè Mỹ là nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu... Chính nhờ mối quan hệ tốt đẹp đó đã giúp cho đoàn niềm hưng phấn để biểu diễn, góp phần tăng thêm sự hiểu biết về âm nhạc Việt Nam, cụ thể là âm nhạc Huế trong công chúng Mỹ và gợi lên bao niềm thương nhớ trong tâm hồn người Việt Nam xa quê tình tự quê nhà, lòng yêu nước lắng sâu.

Tiếp theo sự thành công trên đất Mỹ, đoàn nghệ thuật ca Huế đã tiếp tục biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật âm nhạc truyền thống châu Á tại Hồng Kông năm 1996, tại Đài Loan năm 1998 và ở Hàn Quốc năm 2007 bên cạnh các chuyến lưu diễn trên một số nước châu Âu, châu Á… của nhã nhạc cung đình triều Nguyễn do Câu Lạc Bộ Phú Xuân thuộc Trung tâm Văn Hóa Huế thực hiện. Từ những chuyến lưu diễn này, nghệ thuật đàn, ca Huế… đã góp phần vào việc giới thiệu sâu rộng trước công chúng quốc tế loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam.

Những năm gần đây, nghệ thuật ca Huế chưa có điều kiện để tiếp tục giới thiệu ra nước ngoài đang là mối băn khoăn lớn của các nghệ nhân, nghệ sĩ đàn ca Huế. Chúng tôi mong trong thời gian tới, một khi nghệ thuật ca Huế đã được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thì bộ môn ca Huế sẽ có những cơ hội mới để giao lưu, hội nhập cùng các giá trị văn hóa truyền thống trên thế giới!

Bài, ảnh: VÕ QUÊ