menu_open
Nghe Ca Huế trong Đại Nội Huế
07/02/2023 6:11:52 CH
Xem cỡ chữ:
Hiện nay, cùng với các chương trình biểu diễn miễn phí phục vụ du khách tham quan tại Hoàng cung Huế hàng ngày như Lễ đổi gác, Trình tấu đại nhac, Trình tấu tiểu nhạc, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn triển khai chương trình biểu diễn Ca Huế hàng ngày vào khung giờ 09h00 - 09h45 (buổi sáng) và 14h30 - 15h15 (buổi chiều) tại Nhật Thành Lâu, Đại Nội Huế.
Địa chỉ: Nhật Thành Lâu, Đại Nội Huế
Thời gian hoạt động: Hàng ngày
Buổi sáng: Từ 9h00 - 9h45
Buổi Chiều: 14h30 - 15h15
Giá: Miễn phí
Giới thiệu:

Đến Huế tham quan không thể bỏ qua Đại Nội. Nơi đây không chỉ hàm chứa các giá trị văn hóa lịch sử đồ sộ của một giai đoạn lịch sử quan trọng: Triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam - Nhà Nguyễn, được bảo lưu hàng trăm năm qua, du khách còn được tiếp cận các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận, các bảo vật quốc gia... một cách trực quan với nhiều hình thức trình bày, trình diễn đặc sắc.

Hiện nay, cùng với các chương trình biểu diễn miễn phí phục vụ du khách tham quan tại Hoàng cung Huế hàng ngày như Lễ đổi gác (Buổi sáng: 07h00 tại Ngọ Môn), Trình tấu đại nhac (Buổi chiều: 15h30 - 15h45 tại Sân Thế Miếu), Trình tấu tiểu nhạc (Buổi sáng: 08h30 - 08h45 tại Sân điện Thái Hòa), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn triển khai chương trình biểu diễn Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, một loại hình diễn xướng đặc trưng của xứ Huế hàng ngày tại Nhật Thành Lâu, Đại Nội Huế.

Mời các bạn cùng đến với Di Sản Huế để thưởng thức câu hát, điệu hò cùng giọng điệu Huế ngọt ngào và dễ thương làm say đắm lòng người tại Hoàng cung Huế hàng ngày, miễn phí.  Buổi sáng: Từ 9h00 - 9h45 - Chiều: 14h30 - 15h15 tại Nhật Thành Lâu - Đại Nội, Huế … cảm giác xao xuyến, buồn, vui đến lạ kỳ!

Nét đặc trưng:

Huế vốn là vùng dân ca nổi tiếng với những điệu hò mái nhì, mái đẩy, khoan thai, dàn trải, ngọt ngào như tâm hồn người xứ Huế, những điệu lý bay bổng, mượt mà như lý con sáo, lý hoài xuân, lý tình tang. Bên cạnh dòng âm nhạc dân gian, Huế còn một dòng ca nhạc cung đình đầy tính trang trọng như giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, đại triều nhạc, thường triều nhạc, yến nhạc. Ca Huế nằm giữa hai dòng nhạc đó có những đặc trưng riêng với chất trữ tình sâu lắng làm xao động lòng người, chất chứa đủ bao niềm hỷ, nộ, ái, ố như cuộc đời người dân Cố đô.

Ca Huế bao gồm cả hai yếu tố ca Huế và đàn Huế, được dựa trên một hệ thống các thể điệu của trên 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc nằm trên hai dòng lớn là điệu Bắc và điệu Nam. Những nhạc khúc thuộc về điệu Bắc mang âm sắc tươi vui, sang trọng và các ca khúc thuộc về điệu Nam nghe man mác, buồn thương. Cũng có những bản nhạc vừa mang âm hưởng của điệu Bắc, vừa pha phách điệu như bài Tứ Đại Cảnh.

Ca Huế được phát sinh vào khoảng thế kỷ thứ XVII, trở thành thú chơi tao nhã của các hoàng thân quốc thích, gia đình danh gia vọng tộc trong suốt thời gian dài khi Huế là thủ phủ xứ Đàng Trong, sau đó là kinh đô của cả nước dưới triều Nguyễn, đạt đến đỉnh cao từ thời Minh Mạng (1820-1840) đến thời Tự Đức (1848-1883).

Ca Huế phát sinh từ trong cung đình, sau đó mới lan tỏa ra dân gian, hòa quyện với dòng âm nhạc dân gian Huế đang khởi sắc, tạo nên bản sắc mang tính địa phương rõ nét.

Ca Huế đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015 và đang được xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trước đây, nghe ca Huế ở sông Hương là thú vui tao nhã của hoàng thân và quan chức trong cung đình Huế. Ngày nay, loại hình ca múa này đã được “bình dân hóa” để mọi du khách đến đây đều được thưởng thức ca Huế trên sông Hương và tại chốn Cung đình.

Tin tức về các chương trình biểu diễn của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế có thể tham khảo tại địa chỉ: http://www.nhanhac.com.vn/

Bản đồ:
Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh