menu_open
Ca Huế trên sông Hương có một thời như thế
10/08/2015 10:42:08 SA
Xem cỡ chữ:
Như chúng ta đã biết: Đặc điểm của tiếng Huế là nói giọng cổ, những âm sắc cao hạ xuống thấp, những âm sắc thấp thì nâng lên cao. Có lẽ không có mấy độc giả chưa nghe bài Đêm tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước: “Ai có về Bến Ngự…” Chữ bến hát thành “bên”, chữ “Ngự” hát thành “Ngừ”. Nếu không giả giọng Huế thì không hát được bài này. Người ngoại tỉnh hay người ngoại quốc nghe hai cô gái Huế nói chuyện họ có cảm tưởng như “nghe hai cô ấy đang hát đối đáp”.

Giọng Huế nói tự nhiên nghe như hát. Một cô mua chai chén rao “Chai bao nhôm dép bán không?” âm điệu câu rao ấy gần đúng với nữa bài Lý Con sáo (Huế): “Ai đem con sáo sang sông?”

Giọng Huế được phát triển trên một mảnh đất từng làm thủ phủ của xứ Đàng trong rồi kinh đô của nước Việt Nam trong nhiều thế kỷ đã tạo ra ở đây một kho tàng âm nhạc đủ để phục vụ cho nhu cầu thưởng thức của một xã hội hoàn chỉnh. Người bình dân có lý, hò, vè, ru con, giới quý tộc có ca Huế, vua chúa có ca nhạc cung đình (Nhã nhạc).

Hoàn cảnh xã hội đã sản sinh ra các loại nhạc ấy không còn nữa, tất cả những gì có giá trị được gộp lại trong một cái tên chung “Ca nhạc truyền thống Huế”. Muốn thưởng thức cho được cái hay của  những điệu Lý, điệu Hò phải được “sống” trong “không khí” sông nước đồng quê. Ngược lại muốn thấy cái hay cái đẹp của ca nhạc cung đình phải vào Đại nội các lăng tẩm, các cung phủ của nhà Nguyễn. Ca Huế là nhạc thính phòng là cái nối giữa dân gian và bác học. Ngày xưa trong các cung phủ người ta ngồi trên sập gụ, trường kỹ nghe ca Huế. Ngày nay, các tri âm thường trải chiếu trên nền nhà, ca sĩ ngồi kề bên người nghe đàn hát thâu đêm.

Nhưng dù sao cũng khó tìm được một ngôi nhà yên tĩnh, không bị muỗi mòng, ẩm mốc để bạn tri âm họp mặt. Ở Huế có một cái “phòng thính nhạc lộ thiên trời cho” là sông Hương sau buổi hoàng hôn. Từ xưa các cụ đã sử dụng cái không gian nghệ thuật này. Đôi tài tử thơ nhạc Tam Xuyên - Mộng Liên với một chiếc đò đã đi vào văn học. Nhà yêu nước Phan Bội Châu thời kỳ bị giam lỏng ở Huế cũng đã nhờ sông Hương với một con đò mà kéo dài được tuổi thọ.

Ngày nay, khách du lịch Âu Á…đi vòng quanh trái đất trải bao cái kỳ thú rồi cũng cảm thấy không có gì có thể thay thế được một đêm ca Huế trên sông Hương.

Người ta thường xuống đò sau bữa cơm chiều. Đò là một chiếc thuyền chở khách, chở hàng hóa. Ở Huế, đò còn được dùng như một cái nhà có nơi nấu nướng, thờ tự, ăn ngủ di động. Vì thế mà có hai chữ “ngủ đò”.

Ở hai khoan chính của con đò được lướt ván bằng phẳng và trải chiếu hoa tươm tất. Tài tử gồm chừng mươi người. Họ ngồi quay lưng lại với khoan bánh lái được ngăn dành cho chủ đò, mắt hướng ra phía mũi đò. Quan khách ngồi tựa vào mạn đò một cách thoải mái. Ở giữa để sẵn nước trà, rượu ngon, bánh ngọt, nem tré, đôi khi có cả một đỉnh trầm tỏa hương thơm ngát trong ánh đèn sáp dìu dịu lung linh.

Những khi quan khách đông năm bảy mươi người, một chiếc đò không chở hết, người ta kết hai hay ba chiếc lại, ván được lướt trên mạn đò; tạo thành một chiếc “bằng”, rộng rãi khách tha hồ ngồi. Nếu khách mệt mỏi vì công việc trước khi xuống đò, khách có thể gối tay nằm chờ nghe hát.

Đò rời bến. Đến một nơi thật yên tĩnh trên sông Hương rồi tắt máy. Con đò được thả lơ lững trên sông, khi quay ngang, khi trở ngược mặc sức. Một lúc thì khách “mất phương hướng” không biết mình đang ở trên khúc sông nào, dứt bỏ dần được những vướng bận của cuộc sống phố phường, người dẫn chương trình (thường là một nhà thơ, một nhạc sĩ, giỏi đàn ca Huế, một nhà nghiên cứu âm nhạc) mời khách “khai vị” bằng một bài hòa tấu Long Ngâm hoặc bốn trong mười bản tấu (Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ). Bài Long Ngâm xuất hiện từ thời Trần dựa theo lối cổ văn nghe rất tươi tắn, trang nhã. Nhạc của bài Long Ngâm nằm trong hệ thống của âm giai ngũ cung đúng của miền Bắc- Do Ré Fa Sol La.

Khi bốn cây đàn Tỳ Bà (Nguyễn Kế), Tranh (Lệ Hoa), Nhịị (Văn Tâm), Nguyệt (Thái Hùng) và Trống (Mạnh Cầm) vừa dứt trong tiếng vỗ tay, người dẫn giới thiệu một giọng ca được nhiều người đặt cho cái tên là: “bà hoàng ca Huế” Thanh Tâm với bài Cổ bản mạng tựa đề Huế Đẹp và Thơ.

“Đâu nước non xinh đẹp

Bằng chốn Kinh Thành

Chỗn Huế mình,

Có giòng uốn quanh

Với non Bình

Cảnh lịch người thanh.”…


Điệu Cổ Bản ra đời cùng thời với Long Ngâm, trong hệ thống cung Bắc vui tươi nhịp nhàng, Giọng Thanh Tâm phong phú, mượt mà tâm trí người nghe đi dần vào cõi mộng mơ.



Thanh Tâm ca


Nối tiếp cung Bắc, Châu Dinh - một Thanh Tâm của vùng Quảng Trị - Vĩnh Linh, dang díu với sông Hương từ sau năm 1975, ca Bài Phú Lục Non Nước Hương Bình. Được cấu tạo bởi những nốt cao trong âm giai ngũ cung đúng nên âm điệu Phú Lục nghe rất trang trọng, tươi tắn. Tiết điệu, phần trên theo nhịp ba, khoan thai, ung dung, phần dưới theo nhịp một nhanh hơn. Châu Dinh có chất giọng cao và trong nên ca được Phú Lục. Đàn đệm chỉ có hai cây Nguyệt và Tranh (hoặc Nhị). Phải sử dụng ít đàn như thế để giữ cái hay của lời ca.

“Ngắm, ngắm, ngắm non nước, bước chân lui chẳng đành

Cố đô nhiều vẽ xinh

Này sông núi khéo như tranh!

Thần Kinh hoa trôi dịu lành

Trầm lặng, tình, thêm tình

Trôi lơ lững từ bãi ghềnh

Hương Giang tiếng nước trong xanh…”


Đến lúc này người nghe hoàn toàn đã nhập được với nộii dung ca và nhạc. Khách nhìn ra ngoài một màu nước lung linh ánh bạc. Trong thuyền rượu gạo làng Chuồng chuyền tay nhau nhấp vài ngụm, nhâm nhi với tré hay trái vả dầm chua. Hơi men bốc lên lâng lâng.

Sau mấy bài cung Bắc, đúng ra là chuyển dần qua hơi Dựng giữa cung Bắc và cung Nam, nhưng người dẫn muốn cho khách “say” từ từ, người dẫn làm “dã” bớt bằng mấy điệu Lý.

Nếu ca Huế là sản phẩm của giới thượng lưu xưa thì Lý (và Hò) là sản phẩm của giới bình dân, của người nông thôn (Lý: làng). Thu Hương - một cây ngâm thơ được giải vàng toàn quốc, hoặc Khánh Vân sẽ ca bài Lý Mười Thương, hoặc Lý Ngựa Ô hay Lý Qua Đèo… Bài Lý Qua Đèo nghe lơ lớ giọng người Chiêm Thành.

“Chiều chiều dắt mẹ qua đèo

Chim kêu bên nớ vượn trèo bên ni…”


Điều ấy nhắc nhở lịch sử Thuận Hóa là nơi tiếp giáp của hai nước Việt Chăm – pa. Ở Huế còn nhiều di tích Chăm – pa.

Điện Hòn Chén thờ bà Thiên - y - a - na và Bà Liễu Hạnh. Đây là nơi hội tụ và phát triển thể loại Chầu Văn (hay Hầu Văn). Cô Ái Hoa vừa đánh đàn Nguyệt vừa ca bài Chầu Văn Cảnh đẹp Cố đô giới thiệu những danh thắng và đặc sản vùng núi Ngự sông Hương. Nhạc đệm cho Chầu Văn ngoài cây đàn Nguyệt còn có sanh tiền, các nghệ nhân Huế dùng mấy ngón tay điều khiển hai cặp chén uống rượu bằng sành chập vào nhau tạo thành âm thanh giòn giã nghe rất lạ tai. Tiết tấu nhạc Chầu Văn rất phong phú, nó dùng nhiều nhịp ngoại (syncopes), có tính kích động. Nghe Chầu Văn gân cốt trong người muốn nhún nhảy giống như nghe nhạc Jaz phương Tây. Ngồi trong đò không nhảy được người ta dùng chén muỗng chai lọ có trước mặt gõ nhịp cùng “hòa” với người biểu diễn.

Chầu Văn vừa dứt, Quỳnh Hoa nối tiếp chương trình với một tổ khúc gồm có nhiều làng điệu Gửi Huế Yêu Thương. Nội dung lời ca khi hiền lành, khi khúc mắc, khi than thở, khi quyến rũ cợt đùa… Quỳnh Hoa không những biểu diễn bằng lời ca mà còn cả mắt, cả môi, cả cái ngún nguẩy của thân hình… những khách hay “si tình” dễ bị mềm lòng như chơi.



Lúc này phường phố đã yên tĩnh. Con đò chìm hẵn trong đêm sâu. Giữa nước trời chỉ “Còn ta với ta”, người dẫn giới thiệu song tấu Thập Lục - Tỳ Bà bài Tương Tư khúc do Lệ Hoa và Nguyễn Kế biểu diễn. Âm điệu của nhạc khúc diễn tả cái “tương tư” có lúc hơi Ai của ca Huế có lúc ngã sang hơi Oán của Cải Lương. Nghe hơi buồn nhưng mới chỉ là một thứ buồn nhè nhẹ. Tranh thủ lúc nghe hòa tấu khách mời các ca sĩ ăn bánh ngọt hoặc uống một ngụm rượu để hát cho “lên giọng”. Các cô biết ý “tiếp khách” một cách nhẹ nhàng để đừng ảnh hưởng đến việc thưởng thức tiếng đàn song tấu. Tiếng đàn của Lệ Hoa chững chạc, mực thước của một cô giáo trường nhạc. Tiếng đàn của Nguyễn Kế là tiếng đàn già dặn của các bậc thầy. Bác Kế đã lăn lộn trong giới cầm ca từ buổi thiếu thời cho đến nay (1991) tuổi đã ngoài bảy mươi, mắt đã mờ, tài năng đều dồn lên 10 đầu ngón tay và đôi tai. Bác Kế đánh đàn như một yêu cầu của nội tâm. Có khi một mình mình đánh một mình nghe. Trong đàn ca Huế tiếng đàn không theo sát lời ca, bài bản giống nhau nhưng khi hòa đàn tùy theo tài năng mỗi người họ có thể thêm vào nhiều tiếng, miễn sao giữ được nhịp (nội, ngoại) cho đúng; những chữ nhấn, những tiếng giật làm sao diễn tả cho được nội tâm của người đàn. Họ cũng có thể thay đổi tiết tấu để cho âm thanh nghe không trùng nhau. Người nghe phải biết cái dụng công của người đánh đàn. Bác Kế hay nói đến “tri âm” là vì lẽ đó. Khi đã gặp được tri âm thưởng cho một tiếng “hay” đúng chỗ thì sướng hết sức.

Bây giờ con đò có lẽ đã trôi về đến khúc sông nằm giữa Cồn Hến và làng Vỹ Dạ. Thúy Vân - mệnh danh là hơi thở của sông Hương, được nhiều giải vàng toàn quốc, được mời ca hát ngâm thơ phục vụ Hai Tháng Huế tại Paris (1990) ngâm lại bài Đây Thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử. Có lẽ ai cũng biết ru con thì cũng có thể ngâm được thơ. Vì cái giọng Huế đã chứa sẵn chất nhạc. Nhưng tìm cho được một người ngâm thơ hay như Thúy Vân hay Thu Hương rất khó. Giọng Thuys Vân thanh, trầm, ngân rất mềm mại. Trong lúc ngâm Vân còn vận dụng cả luyến lấy. có lúc cả hơi thở tạo cho người nghe có cảm tưởng Vân là tác giả bài thơ hay có lúc chính cô là người có nét mặt chữ “điền” trong thơ. Nương theo nội dung bài thơ đang được “sáng tác lại”, người dẫn hay người phiên dịch (nếu là khách nước ngoài) vừa dịch vừa chỉ ra ngoài những hình ảnh mờ mờ ảo ảo ở đôi bờ sông được nhắc đến trong thơ. Nhiều người nghe thấy như thế phải thốt lên rằng:

- Âm nhạc là Huế đã đành, nội dung lời ca cũng toàn nói về Huế suốt cả chương trình, lạ quá! Ít có nơi nào như thế cả!

Đúng như thế, có hôm cô Thanh Tâm vừa cất giọng ca Tiếng chuông Thiên Mụ…”, tự nhiên chuông Thiên Mụ trên bờ Bắc điểm vào không gian một tiếng boong…ư…ư như có một sự hiệp đồng đệm cho bài ca. Ca nhạc Huế ra đời từ sông Hương và nó được nuôi dưỡng phát triển trên dòng sông này. Mai sau dù có…, mà sông Hương còn, trời đất còn thì ca Huế vẫn còn.

Giọng Thúy Vân ca trong sáng, vui tươi… Tuy thế người sành điệu vẫn phát hiện được dưới lớp trong sáng, vui tươi ấy có ẩn chứa một nỗi buồn da diết. Đó là cái chất “Ai” trong ca nhạc Huế. Những bài cung Bắc ca với giọng Huế thuần túy nghe lơ lớ, nó chưa buồn nhưng đã không còn vui. Nhà nghề gọi cái cung lơ lớ đó là hơi Dựng, hơi Xuân để diễn tả sự bâng khuâng, lưu luyến, gửi gắm tâm tình. Trong một chương trình đầy đủ có ít nhất vài ba bài hơi Dựng như Cổ bản dựng, Tứ Đại Cảnh hơi dựng (nguyên là cung Bắc), Nam Xuân. Bài Nam Xuân “Nhắn nhe vườn Hạnh” do chị Diệu Liên ca người nghe cho là hay nhất. Giọng chị Liên rất “sang”, nghe chị ca người ta cứ nghĩ chị xuất thân trong một gia đình quyền quý xưa. Nhưng không phải vậy, chị ở tận chợ Tài Ba - một vùng nông thôn cách Huế hàng chục Km. Nghe ca Huế không nên biết tiểu sử gốc gác của ca sĩ làm gì. Người ca trổ tài nghệ nơi giọng hát chứ không phải nơi nét mặt. Bởi thế nghe ca Huế người ta không nhìn ca sĩ, không cần phải có ánh đèn màu, đôi khi họ lim dim đôi mắt để tập trung cho đôi tai “hương thụ” cái hay của âm nhạc, lời ca.

Cái chút “Ai” man mác trong hơi Dựng lúc đã về khuya được tiếp nối trong một vài điệu Hò. Sông Hương đã sản sanh ra nhiều điệu Hò: Hò Mái Nhì, hò Mái Đẩy, hò Giã gạo.v.v.. Thanh Tâm hò một câu Mái Nhì man mác bao la rồi nối với bài Nam Bình - bài ca tiêu biểu nhất của kho tàng Ca Huế. Hò Mái Nhì thường là để diễn tả tình cảm sâu lắng của con người, nó mang một chút huyền bí. Tâm tình sâu lắng nhất của người Huế thời Ca Huế thịnh hành là nổi nhớ nước. Tiêu biểu trong loại hình này có chuyện nhớ vua Duy Tân của Ưng Bình Thúc Giạ:

Trước bến Văn Lâu, Ai ngồi, Ai câu,

 Ai sầu, Ai thảm

Ai thương, Ai cảm, Ai nhớ, Ai trông?

Thuyền ai thấp thoáng bên sông

Đưa câu Mái Đẩy chạnh lòng nước non?


Có hàng trăm lời ca cho làn điệu Nam Bình, nhưng không có bài nào hay bằng bài Nước Non Ngàn Dặm kể lại chuyện Huyền Trân vì “muốn lợi cho dân” đã chịu “đắng cay muôn phần” lấy “son phấn má hồng” về Chiêm Quốc với Chế Mần quân đổi lấy hai châu Ô, Lý về cho dân tộc Việt.

Nhạc của Nam Bình thuộc ngũ cung Nam: Do Ré (non) Fa (già) Sol La (non). Đoạn mở đầu bằng những nốt trầm gây một nỗi buồn nhè nhẹ lâng lâng vương vấn lắng đọng. Đến đoạn cuối chuyển hệ nét nhạc bỗng bừng lên sôi nổi gay gắt bật ra nỗi giận hờn trách móc rồi kết thúc bằng sự ấm ức khôn nguôi. Giọng Thanh Tâm thể hiện sự phong phú tài hoa ở đoạn cuối bài Nam Bình. Nghe  Thanh Tâm ca : “dặn một lời Mân quân : Nay chuyện mà như nguyện. Đặng vài phân, vì lợi cho dân. Tình đem lại mà cân… Đắng cay muôn phần” người sành điệu bị cái âm nhạc ấy ngấm vào người đến nổi da gà. Kết thúc ở nốt “xang” ngang ngang. Âm thanh ngang ngang ấy giữ cho điệu nhạc “Ai nhi bất thương” Buồn mà không bi lụy. Khác với các điệu “oán” trong Vọng cổ chính ở chỗ này.

Cao điểm của cái “chất Nam” trong ca Huế là bài Nam Ai. Nỗi bi thương ai oán của người Chăm – pa ở phương Nam. Bài Nam Ai thể hiện sự day dứt, luyến tiếc triền miên. Nội dung bài Nam Ai cứ láy đi láy lại cái tâm sự của Huyền Trân. Nghe xong bài Nam Ai mọi người đều ngồi lặng yên như tim óc bị ngấm bởi một thứ rượu thần bí của cõi lòng. Nhìn ra không gian chung quanh, chiếc đò chìm hẵn trong đêm ở đoạn cuối Cồn Hến, sông nước mênh mông, thấp thoáng trong màn đêm xa xa mờ tỏ năm ba ánh đèn dầu của vạn chài như ánh đuốc của những đám ma Hời.

Người dẫn phá tan cái không khí ấy, chuẩn bị trả khách lại cho cuộc đời thường, mời mọi người cạn hết tất cả các ly rượu, những thức nhắm, các thứ bánh rồi giới thiệu một điệu hò Giã gạo đối đáp giữa một đôi trai gái (Do Thái Hùng và Kim Liên hò). Hò Giã gạo cũng nằm trong hệ thống ngũ cung Nam giọng Ai nhưng nhờ nhịp người giã chày xuống cối nhịp nhàng nên nghe rất vui. Giã gạo là cái khâu vui nhất của người làm nông nghiệp, kết quả sau những tháng ngày lao động sương nắng dãi dầu. Ngày mùa là lúc trai gái gặp nhau vui chơi, tìm hiểu, tỏ tình. Ngày xưa ở những làng có truyền thống hò, trai gái gặp nhau hò đối đáp do ứng khẩu mà hò chứ không có bài trước. Người ta gọi là “hò môi miếng”. Trong nhịp chày giã gạo người con gái hỏi trước:

- Anh cho em hỏi anh nói cho ra

Trăng bao nhiêu tuổi trăng già

Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?


Người con trai đáp :

- Khó chi câu hỏi mà nói không ra

Nguyệt lão là nghĩa trăng già

Thanh sơn bất lão gọi là núi non…


Đáp xong, người con trai hỏi lại và cứ thế hai bên thách nhau cho đến khi người con gái không bắt chẹt được người con trai nữa, người con gái phải thuận tình đi theo người  con trai.

Buổi ca Huế được kết thúc trong tiếng nhạc vui tươi ấy. Nếu đưa khách qua đường thì con đò đã ngược dòng về lại bến cũ, khách chia tay ở đó. Nhưng nếu là khách quen chương trình được điểm thêm dăm bài tân nhạc phát triển từ những làn điệu truyền thống Huế. Những bài hay hát là Ai ra xứ Huế, Mưa trên phố Huế, Huế tình yêu của tôi, Nước non ngàn dặm ra đi, Tiếng sông Hương, Đêm tàn Bến Ngự…

Khách quen mấy bài này trên sân khấu, trong các quán cà phê, qua máy cassette riêng… do các ca sĩ tân nhạc hát được dàn nhạc điện tử, hay dàn nhạc dân tộc đệm đã quen tai. Nhưng không ngờ được nghe những bài ca này qua các giọng ca Huế, ngâm thơ hát giữa dòng sông Hương trong đêm vắng với tiếng Tỳ, tiếng sáo, tiếng Nguyệt phụ họa… nghe nó huyễn hoặc làm sao ! Sân khấu nhân tạo không thể thay thế được cái “sân trời” tuyệt vời này. Giọng Thúy Vân càng về khuya càng “rệu” (miền Nam hay nói là mùi). Biết lúc sắp chia tay mà nghe Vân hát:

“Thuyền ơi đưa ta đến đâu

Tìm trăng trăng khuất đã lâu

Sương xuống trên bến cô liêu thêm sầu…”

Không ai nghĩ là tác giả bài hát kể lại chuyện tình của Ưng Qủa với ca sĩ Minh Trang ngày xưa mà hình như đó là chuyện tình của chính khách đi thưởng nhạc trên sông Hương đêm nay.

Nhiều đoàn khách đến giờ này không chịu lên bờ. Không thể giữ các nghệ sĩ ở lại được, họ cho đò cập bến để chia tay nhau, còn khách thì ở lại với con đò. Nếu rượu, thức nhắm đã hết, chỉ cần một tiếng gọi sẽ có một chiếc thuyền con với một ngọn đèn lù mù chèo đến sát mạn đò… Bún, thịt nướng, trứng hột vịt lộn, rượu nếp từng vò khách tha hồ chọn lựa. Khách kẻ nằm người ngồi diễn tả lại những cảm xúc của mình vừa qua. Có người cố “ca” lại một vài đoạn và chúc nhau cạn chén. Trong một cuộc vui như thế có người đã nhắc nhau:    

- Này, đến Huế mà chưa được nghe ca Huế trên sông Hương, thì hãy khoan nói đã đến Huế rồi nhé!

… Thế rồi khách có thể ngủ trên đò thoải mái, mát mẻ hơn cả trong phòng lạnh khách sạn để hưởng cho hết cái thú sông Hương./.


Nguyễn Đắc Xuân