menu_open
Bỏ kiểm tra miệng, nên hay không?
Xem cỡ chữ:
Hướng dẫn học sinh làm các bài tập theo nhóm
Không còn kiểm tra bài đầu giờ theo kiểu học thuộc lòng nhận được ý kiến đồng tình của giáo viên và học sinh. Hình thức kiểm tra, đánh giá này đã không còn phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông.
Hướng dẫn học sinh làm các bài tập theo nhóm

Không biết bao lần tôi chứng kiến, cô con gái học phổ thông phải học thuộc lòng bài khi lo lắng cô kiểm tra miệng. Mà nếu cô không gọi thì con cũng xung phong lên một lần để có điểm và những ngày sau đó sẽ không học bài nữa, con bày tỏ. Tôi gọi đó là sự đối phó, mà giả sử nếu không thuộc bài thì phải chấp nhận khiển trách thôi. Con bé vùng vằng giải thích về hệ lụy không thuộc bài khi cô kiểm tra miệng. Nếu điểm thấp sẽ bị ghi vào sổ đầu bài, vào vở và nhiều bạn đã bị bố mẹ la rầy. Hơn nữa, các em xấu hổ khi đứng trước bạn bè mà không thuộc bài. Với cách kiểm tra bài theo kiểu “kêu bất chợt, hỏi bất chợt” vô tình khiến học sinh căng thẳng, áp lực.

Thực ra, trong các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá học lực của học sinh phổ thông không có thông tư, công văn nào bắt buộc giáo viên kiểm tra miệng học sinh vào thời điểm đầu tiết học. Tâm lý nhiều thầy cô luôn muốn kiểm tra bài cũ vì lo học sinh sẽ không chịu học bài. Tuy nhiên, với cách "trả bài" như trước còn nặng kiểm tra kiến thức, không còn phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông mới, nghĩa là đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT sẽ tập trung vào đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh theo yêu cầu cần đạt của chương trình tổng thể về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, theo đặc thù của từng môn học. Tất nhiên, quy định mới không yêu cầu giáo viên bỏ hình thức kiểm tra truyền thống. Ở Thừa Thiên Huế, thực hành, thí nghiệm, làm việc nhóm… là những cách đã được giáo viên sử dụng để đánh giá, kiểm tra kiến thức, năng lực của học sinh. Giáo viên đã có sự linh hoạt trong quá trình thực hiện việc kiểm tra thường xuyên đối với học trò.

Khẳng định tính cần thiết yêu cầu học sinh phải có ý thức hệ thống lại kiến thức cũ, song nhiều giáo viên cho rằng, có thể thông qua các hình thức làm bài tập nhóm, thuyết trình về chuyên đề, soạn bài... để lấy điểm kiểm tra thường xuyên. Trong tiết học, nếu học sinh tích cực tham gia xây dựng bài, trả lời đúng câu hỏi mà giáo viên đặt ra để gợi mở về việc tìm hiểu kiến thức thì các em sẽ được cộng điểm.

Theo bà Hoàng Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, giáo viên có thể đánh giá học sinh qua quá trình tổ chức các hoạt động học với nhiều hình thức đa dạng như hỏi - đáp ngay trong tiết dạy bài học mới. Trong tiết ôn tập, hoặc giao nhiệm vụ cho học sinh hoặc các nhóm thực hiện các yêu cầu cụ thể và đánh giá qua phần thuyết trình, báo cáo kết quả thực hiện, sản phẩm thực hành, thí nghiệm...

Bà Thủy cho rằng, thay vì kiểm tra miệng đầu giờ, nhiều giáo viên đã lồng ghép đánh giá trò vào tiết học ở nhiều hoạt động lên lớp: Khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập và vận dụng. Giáo viên dùng điểm tốt để khuyến khích, động viên học sinh  phát biểu xây dựng bài nhằm tạo không khí học tập sôi nổi, sinh động. Tùy từng câu hỏi tương ứng với số lượng điểm tốt khác nhau sẽ kích thích học sinh tư duy, giao tiếp, phản biện, thể hiện sự tương tác và giáo viên sẽ cho các em điểm kiểm tra miệng.

Dù học sinh hào hứng với cách đánh giá mới qua các sản phẩm từ bài học trải nghiệm thực tế, nhưng không ít ý kiến cũng cho rằng kết hợp hài hòa giữa thực tế và lý thuyết vẫn là điều mà các trường cần phải lưu ý, tránh việc quá lạm dụng một trong 2 hình thức dẫn tới quá tải, căng thẳng cho học sinh.

Điều các em học được là phương pháp tư duy, thái độ với việc học.

Bài, ảnh: An Nhiên