menu_open
Đến bảo tàng để thêm yêu văn hóa truyền thống
Xem cỡ chữ:
Các em học sinh được tham gia trải nghiệm sáng tạo các tác phẩm ở không gian Bảo tàng Mỹ thuật Huế
Bảo tàng Mỹ thuật Huế không chỉ là không gian trưng bày các triển lãm thu hút công chúng tham quan, mà những năm qua, nơi này đã trở thành điểm đến như một trường học trải nghiệm cho các em học sinh. Không chỉ hiểu thêm về nghệ thuật như hội họa, sắp đặt…, các em còn được nhập vai để cho ra tác phẩm theo cách của riêng mình.
Các em học sinh được tham gia trải nghiệm sáng tạo các tác phẩm ở không gian Bảo tàng Mỹ thuật Huế

Một ngày cuối tháng Ba, hàng trăm học sinh của một trường trên địa bàn TP. Huế đã được giáo viên đưa đến tham quan không gian triển lãm tranh khắc gỗ ở Bảo tàng Mỹ thuật Huế (đường Lê Lợi, TP. Huế). Vừa bước vào không gian với hàng trăm bản khắc, cùng với đó là vô số tác phẩm được tạo ra từ các bản khắc ấy ngay lập tức đã tạo được sự tò mò, hứng thú cho các em.

Cán bộ thuyết minh của bảo tàng lần lượt giới thiệu đến các em về từng bộ ván gỗ, cách tạo nên những ván khắc ấy trước khi in và cho ra tác phẩm trên giấy. Đi từ những bất ngờ này đến bất ngờ khác, các em học sinh tiểu học nhận ra rằng để cho ra một tác phẩm nghệ thuật là quá trình thực hành với rất nhiều thao tác, công đoạn vô cùng khó khăn nhưng cũng đầy thú vị.

Khi được cô giáo thông báo sẽ được trải nghiệm thực tế, nhiều em học sinh vỡ òa niềm vui trong vai người sáng tạo. Sau phần hướng dẫn của cán bộ bảo tàng cách tiếp cận, chất liệu, pha màu, mực…, các em đã được bắt tay vào phần việc cho ra một bản in từ tranh khắc gỗ. Nhiều em phải rất vất vả, mồ hôi nhễ nhại và tung tóe mực mới cho ra được một tác phẩm. Dù vậy ai cũng vui khi lần đầu tiên được sáng tạo và được sở hữu một bức tranh do chính mình tự tay làm nên. “Con rất vui khi biết thêm cách tạo ra bức tranh từ ván gỗ. Nhìn đơn giản nhưng quá trình làm ra lại mất công và vất vả”, một em nhỏ đã chia sẻ cảm xúc như thế khi được cô giáo hỏi.

Nhiều năm qua, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã kết nối, phối hợp với nhiều trường học trên địa bàn TP. Huế tổ chức chương trình giáo dục thực tế, đưa các em học sinh tham quan cũng như trải nghiệm. Trong đó, tập trung nhiều các hoạt động liên quan đến các dòng tranh dân gian của Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Bởi đó là nét văn hóa độc đáo của dân tộc, phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Chính những buổi thực tế cũng như trải nghiệm, các em học sinh đã hiểu được giá trị từ di sản địa phương, để thêm yêu quý, trân trọng và có ý thức gìn giữ, bảo tồn.

Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế cho rằng, thời gian qua chức năng giáo dục của bảo tàng rất được quan tâm khi đã kết nối, kết hợp với nhiều trường học để đưa học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm. Trong đó, tập trung vào việc giới thiệu, quảng bá và trải nghiệm các dòng tranh dân gian. Ở đó các em sẽ hiểu thêm ý nghĩa của các bức tranh, sự khác và giống nhau giữa các dòng tranh và đặc biệt được hướng dẫn tham gia in các dòng tranh dân gian như Đông Hồ, làng Sình... “Những hoạt động như thế sẽ tạo nên sân chơi lý thú, bổ ích giúp các em học sinh có cơ hội được trải nghiệm, tương tác. Đồng thời, giúp các em hiểu được giá trị và ý nghĩa các dòng tranh dân gian Việt Nam, hiểu thêm nét đặc trưng của văn hóa truyền thống qua các dòng tranh dân gian. Từ đó chung sức góp phần gìn giữ, kế thừa và phát huy những tinh hoa văn hóa do ông cha để lại”, bà Trai chia sẻ.

TS. Trần Văn Dũng (Sở Văn hóa và Thể thao) cho rằng, việc xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục, trải nghiệm là điều vô cùng cần thiết để bắt nhịp với sự phát triển chung của xã hội đương đại, khẳng định vai trò, làm tốt chức năng giáo dục. Vì thế để làm tốt công tác này, theo ông Dũng, không riêng gì Bảo tàng Mỹ thuật Huế mà các bảo tàng khác cần xác định rõ đối tượng mình hướng tới. Việc xác định rõ như thế sẽ thuận lợi hơn trong xây dựng chương trình giáo dục trải nghiệm mang tính phù hợp, khoa học hơn. Ngoài ra, lưu ý đến đội ngũ tham gia thực hiện chương trình, phải có tâm huyết, yêu nghề, hiểu rõ các hiện vật cũng như lý lịch… để từ đó mới có thể làm cầu nối giữa bảo tàng với công chúng. Cùng với đó, phải xây dựng được mạng lưới, mối liên kết chặt chẽ giữa bảo tàng và trường học, cơ sở giáo dục, gia đình.

“Việc xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục trải nghiệm cho công chúng nói chung và các em học sinh nói riêng là một trong những hướng đi đúng, cần thiết để góp phần đưa bảo tàng gần hơn với công chúng, từ đó tạo nên điểm đến hấp dẫn, thân thiện và yêu thích”, TS. Dũng nói.