menu_open
Điện Kiến Trung
Xem cỡ chữ:
Điện Kiến Trung nhìn từ trên cao
Điện Kiến Trung (建中) tên chữ là Kiến Trung Lâu, hay còn gọi là lầu Kiến Trung là cung điện được xây dựng năm 1923 dưới thời vua Khải Định, là 1 trong 5 công trình lớn nằm ở điểm cuối cực Bắc của trục dũng đạo xuyên qua trung tâm của Tử Cấm Thành.
Điện Kiến Trung nhìn từ trên cao
Giới thiệu:

Điện Kiến Trung (建中) tên chữ là Kiến Trung Lâu, hay còn gọi là lầu Kiến Trung là cung điện được xây dựng năm 1923 dưới thời vua Khải Định. Đây là 1 trong 5 công trình lớn nằm ở điểm cuối cực Bắc của trục dũng đạo xuyên qua trung tâm của Tử Cấm Thành với chữ "Kiến" mang nghĩa dựng lên, thành lập; chữ "Trung" hàm ý ngay thẳng, không thiên lệch.

Đây là nơi làm việc và sinh hoạt của hai vị vua cuối cùng của triều Nguyễn: vua Khải Định và vua Bảo Đại. Điện Kiến Trung còn được biết đến là nơi vua Khải Định băng hà (ngày 06/11/1925); nơi Hoàng hậu Nam Phương hạ sinh Thái tử Bảo Long (04/01/1936), đồng thời cũng là chứng nhân lịch sử cho sự kiện vua Bảo Đại có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Phái đoàn Chính phủ lâm thời để chính thức họp bàn thoái vị sau khi cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945.

Lịch sử hình thành:

Nguyên tại địa điểm này, trước đây đã từng có hai công trình, đó là lầu Minh Viễn, rồi đến lầu Du Cửu. Lầu Minh Viễn được xây dựng vào năm 1827 dưới thời vua Minh Mạng, đây là tòa nhà làm bằng gỗ khá to lớn, gồm có 3 tầng, cao 15,80m so với mặt đất, là nơi thỉnh thoảng nhà vua lên ngắm cảnh và hóng mát. Đến thời Thiệu Trị, vua đã cho trùng tu lầu Minh Viễn và cho đặt trên nóc lầu một viên dạ minh châu đêm đêm tỏa sáng, lầu Minh Viễn đã được vua Thiệu Trị xếp là cảnh đẹp đầu tiên trong “Thần Kinh nhị thập cảnh” (20 mươi thắng cảnh của đất Thần Kinh). Tuy nhiên, công trình kiến trúc này đã bị triệt giải dưới thời vua Tự Đức, có lẽ một phần vì nó đã bị xuống cấp trầm trọng sau gần nửa thế kỷ tồn tại, cũng là lúc Nam triều đang gặp phải nhiều khó khăn trên nhiều phương diện, đặc biệt là vấn đề tài chính do cuộc xâm lược của thực dân Pháp gây ra. 

Điện Kiến Trung vào thập niên 1920 (Ảnh: Wikipedia)

Vào năm 1913 vua Duy Tân đã cho xây dựng lên trên nền cũ tòa nhà này một tòa lầu khác theo kiểu mới và đặt tên là lầu Du Cửu. Tòa lầu mới này chỉ có 2 tầng với kiến trúc tương đối đơn giản. 

Sau khi lên ngôi vào năm 1916, vua Khải Định đã đổi tên lầu Du Cửu thành lầu Kiến Trung, từ năm 1921 đến năm 1923 vua đã cho xây dựng lại lầu Kiến Trung hoàn toàn mới, với kiểu thức là hợp thể phong cách giữa Á và Âu, bao gồm kiến trúc Pháp, kiến trúc phục hưng của Ý, cùng pha thêm kiến trúc cổ truyền Việt Nam. 

Nét đặc trưng:

Dưới thời Khải Định (1916 - 1925), phần lớn do chủ quyền của Việt Nam đều đã rơi hẳn vào tay thực dân Pháp và nền văn hóa phương Tây đã ảnh hưởng mạnh mẽ vào nước ta. Đặc biệt vào năm 1922 chính vua Khải Định cũng đã có một chuyến du hành sang châu Âu, vì vậy phần lớn các công trình kiến trúc được cải tạo, hoặc xây mới dưới thời vị vua này đều có nhiều yếu tố hiện đại và kỹ thuật xây dựng tân thời xâm nhập vào. Thay cho vật liệu xây dựng truyền thống chủ yếu của địa phương như: gỗ, đá, gạch và vôi vữa… Vua Khải Định rất thích dùng các loại vật liệu kiên cố như: xi măng, sắt thép, mảnh sứ, thủy tinh... Ở lăng tẩm và cung điện của vua lúc bấy giờ, đã sử dụng các phương tiện và kỹ thuật hiện đại như: đèn điện, nước máy, vòi phun nước, cột thu lôi, cửa sắt...

Sau khi vua Khải Định băng hà, vua Bảo Đại đã cho tu sửa lại cung điện, lắp đặt thêm các tiện nghi của phương Tây. Từ đó điện Kiến Trung trở thành nơi ăn ở chung của cả gia đình nhà vua, bao gồm: Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương, Hoàng tử Bảo Long, Hoàng nữ Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung và Hoàng tử Bảo Thăng.

Ngày 29/08/1945, điện Kiến Trung chứng kiến một sự kiện lịch sử quan trọng: vua Bảo Đại tiếp xúc đầu tiên với phái đoàn Chính phủ lâm thời để chính thức họp bàn thoái vị, trao lại quyền điều hành đất nước cho Chính phủ Lâm thời.

Đến năm 1947, điện Kiến Trung bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng. 

Ngày 16/02/2019, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khởi công dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung. Công trình được thực hiện trên diện tích hơn 3,800m2. Các đơn vị thi công đã giữ nguyên cấu trúc nền móng hiện còn, hạn chế can thiệp yếu tố gốc của di tích. Dự án gồm các hạng mục gia cố, phục hồi tường bao, hệ thống lan can, sân khuôn viên gồm tiền viên và hậu viên, các bậc cấp; tu bổ phục hồi lầu Kiến Trung (Kiến Trung Lâu) 2 tầng, chiều cao khoảng 14m, diện tích xây dựng khoảng 975m2. Ngoài ra, dự án còn tu bổ các công trình nhỏ xung quanh như đôn gạch, đài phun nước, súng thần công, nhà canh, hệ thống cây xanh, bảo tồn nền móng Đông Cung Lâu, Ngự Thư Phòng, Võ Hộ Giá Phòng và Ngự Phê Phòng...  Dự án có tổng mức kinh phí đầu tư hơn 123 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu phát triển văn hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Điện Kiến Trung sau trùng tu, tôn tạo (Ảnh: Lê Đình Hoàng - Thùy Giang)

Nội thất bên trong Điện Kiến Trung

Nội và ngoại thất Điện Kiến Trung được chạm trổ, trang trí cầu kỳ, tinh xảo dựa trên giữ nguyên cấu trúc trên nền móng cũ, hạn chế can thiệp yếu tố gốc của di tích.

Sau 5 năm từ thời điểm khởi công phục hồi và tôn tạo, di tích điện Kiến Trung đã hoàn thiện và chính thức đưa vào khai thác, giới thiệu đến nhân dân và du khách nhân dịp tết Giáp Thìn năm 2024.

Giá trị nghệ thuật:

Theo các chuyên gia, bên cạnh những giá trị lịch sử, điện Kiến Trung còn mang những giá trị to lớn về kiến trúc và mỹ thuật khi có đầy đủ những đặc điểm của một công trình phong cách Đông Dương với sự kết hợp giữa Á - Âu gồm kiến trúc Pháp, kiến trúc phục hưng của Ý pha trộn kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Cùng với các công trình mang đậm phong cách Á - Âu dưới thời vua Khải Định như Cung An Định, cửa Hiển Nhơn, Lăng vua Khải Định,… Điện Kiến Trung góp phần làm phong phú thêm phong cách kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn tân - cổ điển (Néo - Classique), đặc biệt là nghệ thuật khảm sành sứ đặc trưng tạo nên diện mạo tiêu biểu cho kiến trúc cung đình triều Nguyễn.

Nhân dân và du khách thích thú tham quan Điện Kiến Trung sau trùng tu, tôn tạo (Ảnh: Bảo Minh)

Hướng dẫn đường đi:

Điện Kiến Trung là công trình nằm ngay trong Đại Nội Huế. Cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 2.7km, du khách nên di chuyển theo con đường ngắn và tiện lợi nhất là từ cầu Phú Xuân - rẽ trái vào đường Lê Duẩn, sau đó rẽ phải vào Cửa Ngăn hoặc Cửa Quảng Đức và đi men theo bờ thành để đến bãi giữ xe Nam Thắng/ Nam Xương.

Từ đây, mọi người đi bộ di chuyển tới Cổng Ngọ Môn để vào tham quan Đại Nội. Sau khi đi qua các công trình chính theo trục đường thẳng từ cầu Trung Đạo để tới Điện Thái Hòa, Điện Cần Chánh,  Điện Càn Thành và cung Khôn Thái là đến Điện Kiến Trung.

Lưu ý:

Để phục vụ nhu cầu tham quan và trải nghiệm không gian hoàng gia tại Điện Kiến Trung cũng như trong Đại Nội Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mở một số điểm dịch vụ cho thuê cổ phục tại nhà Hữu Vu (sau Điện Thái Hòa) và tại tầng 1 của Điện Kiến Trung, du khách dễ dàng lựa chọn cho mình cùng người thân và gia đình các bộ trang phục áo dài, áo tấc, áo Nhật bình... cùng các phụ kiện liên quan (guốc, hài, mấn, nón lá...) với giá cả phải chăng, rất thuận tiện cho quá trình tham quan, di chuyển di tích Huế.

Video Youtube:
Bản đồ:
Ảnh: Bảo Minh, Lê Đình Hoàng, Thùy Giang