Triển lãm “Giang sơn Việt Nam trên Cửu Đỉnh” là hoạt động điểm nhấn mở đầu trong chuỗi các hoạt động quan trọng chào mừng sự kiện Kỷ niệm 30 năm (1993 - 2023) Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm (2003 - 2023) Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới.
Triển lãm “Giang sơn Việt Nam trên Cửu Đỉnh” được tổ chức tại Hiển Lâm Các, di tích gắn liền với sự tồn tại của Cửu Đỉnh và Thế Miếu, giới thiệu 32 hình ảnh tiêu biểu về biển, sông, núi trên khắp mọi miền của tổ quốc được đúc nổi trên Cửu Đỉnh, sắp xếp thành 09 cụm pa nô theo chủ đề để du khách có cái nhìn tổng quan về các địa danh, sông, núi, biển khi tham quan Cửu Đỉnh.
Cửu Đỉnh - chín cái đỉnh bằng đồng là biểu tượng cho quyền lực, sự chính thống, mong muốn trường tồn của vương triều Nguyễn, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của người Việt xưa về đất nước, về vạn vật xung quanh. Về mục đích để đúc Cửu Đỉnh, vua Minh Mạng đã ra dụ rằng: “Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chính châu dâng cống, đúc 9 cái đỉnh để làm báu vật truyền lại đời sau. Nay muốn phỏng theo đời xưa; đúc 9 cái đỉnh để nhà Thế Miếu. Đó là để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau”.
Cửu Đỉnh được khởi công đúc từ tháng 12 năm 1835, hơn một năm sau thì hoàn thành. Tháng 3 năm 1837 (tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 18), triều đình tổ chức lễ tạ và đặt Cửu Đỉnh ở phía trước Thế Tổ Miếu cho đến tận ngày nay.
Triển lãm thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, giới trí thức, người dân địa phương và du khách đang tham quan tại Đại Nội - Huế
Các bạn trẻ tìm hiểu về Cửu Đỉnh sau khi tham quan triển lãm
Mỗi đỉnh đúc nổi 17 hình ảnh trang trí mang đề tài hình cây cỏ, muông thú, cảnh vật, địa danh và 2 chữ Hán mang tên đỉnh. Các hình đúc nổi trên mỗi đỉnh được bố trí lần lượt theo 3 hàng quanh thân đỉnh và đều có tên chữ Hán kèm theo. Các hoa văn trang trí này thể hiện sự đa dạng, phong phú về kiểu thức và chủ đề trang trí, thể hiện một cách tổng quát các hình ảnh của vũ trụ, sinh vật, thực vật, địa danh sông núi, đồ tạo tác... các hình ảnh được lựa chọn để thể hiện trên Cửu Đỉnh cũng có thể coi là một bộ bách khoa toàn thư sống động về đất nước Việt Nam thời bấy giờ. Trong đó 34 hình ảnh các địa danh nổi tiếng, trải dài trên lãnh thổ đất nước được chạm khắc hết sức tinh tế thể hiện một cái nhìn tổng thể, một bức tranh toàn cảnh của giang sơn Việt Nam thống nhất...
Với những giá trị lớn lao về văn hoá, lịch sử và là đỉnh cao của kỹ thuật chế tác, năm 2012, Cửu Đỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ di sản tư liệu cho Cửu Đỉnh và đã đệ trình UNESCO công nhận Cửu Đỉnh là Di sản Tư liệu Thế giới.
Trong khuôn khổ chương trình Kỷ niệm còn có các hoạt động chào mừng nổi bật khác như: Khai mạc Triển lãm Mỹ thuật và Di sản với chủ đề "Di sản diễn xướng cung đình và cảm hứng hội họa" (lúc 16h30 ngày 16/6 tại Trường lang Tử Cấm Thành, Đại Nội - Huế); Khai mạc Triển lãm "Thần Kinh nhị thập cảnh, thơ vua Thiệu Trị" qua Thư pháp truyền thừa của Đài Loan (lúc 08h00 ngày 17/6 tại Vườn Thiệu Phương, Đại Nội).
Một số hình ảnh về "Giang sơn Việt Nam trên Cửu Đỉnh" được Khám phá Huế chụp lại tại Triển lãm:
Đông Hải (biển Đông): chỉ vùng biển nằm ở phía Đông Việt Nam; bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; là một phần lãnh thổ thiêng liêng mà từ xa xưa người Việt đã làm chủ. Biển Đông là nguồn tài nguyên vô tận của nước ta. Vua Minh Mạng đã lựa chọn và cho khắc hình tượng biển Đông lên Cao Đỉnh.
Hải Vân Quan (của ải trên đèo Hải Vân), nằm trên đỉnh Hải Vân cao 496m, được coi là vị trí xung yếu trên con đường thiên lý Bắc - Nam của vùng Thuận - Quảng về quân sự cũng như giao thông đường bộ. Hải Vân Quan được vua Minh Mạng cho tiến hành xây dựng vào năm 1826, là một cụm kiến trúc nằm trên đỉnh Hải Vân, gồm có 2 công trình chính: Hải Vân Quan ở phía Nam và cách đó khoảng gầm 40m là Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan ở phía Bắc cùng với một số công trình phục vụ cho việc lưu trú, phòng vệ của quan quân triều Nguyễn cùng với hệ thống tường đá bảo vệ xung quanh, là nơi chứng kiến bao nhiêu chiến công oai hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc trong suốt nhiều thế kỳ. Năm 1837, Hải Vân Quan đã được vua Minh Mạng lựa chọn và cho khắc lên Dụ Đỉnh.
Đại lãnh (Núi Đại Lãnh) là một dãy núi nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Phú yên và Khánh Hòa. Trong dãy núi này có ngọn Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia), nơi có khắc bài thơ của vua Lê Thánh Tông khi ông thân chinh dẫn đầu đại binh đến đây vào năm 1471. Là bậc minh vương, có tầm nhìn chiến lược, nhà vua đã ngự chế, sai người tạc vào phiến đá trên đỉnh núi để khẳng định chủ quyền đất nước. Núi Đại Lãnh được vua Minh Mnagj lựa chọn và cho khăc lên Tuyên Đỉnh.
Duệ Sơn (Núi Duệ), còn được gọi là núi Lễ, nằm phía Nam huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Núi Duệ cùng với Núi Thương (núi Kim Phụng) và núi Ngự Bình, được xem là tam chủ sơn tụ khí của long mạch Kinh Thành Huế. Duệ Sơn được vua Minh Mạng lựa chọn và cho khắc lên Tuyên Đỉnh.
Thuận An Hải Khẩu (cửa biển Thuận An), thuộc địa phận thành phố Huế (Thừa Thiên Huế). Là một vị trí trọng yếu của giao thương đường thủy của Kinh đô Huế, cửa Thuận An cũng là một trong 20 cảnh đẹp đất Thần Kinh do vua Thiệu Trị lựa chọn. Thuận An Hải Khẩu được vua Minh Mạng lựa chọn và cho khắc lên Nghị Đỉnh.
Đà Nẵng Hải Khẩu (của biển Đà Nẵng) còn có tên là Cửa Hàn, hoặc Vũng Thùng, Vịnh Hàn... trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam, nay phân địa giới thuộc về thành phố Đà Nẵng. Đà Nẵng Hải Khẩu là cửa cảng giao thương quan trọng của xứ Đàng Trong trong các thế kỷ XVII - XVIII, và là nơi ghi lại nhiều trận chiến ác liệt của triều đình nhà Nguyễn chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp trong thế kỷ thứ XIX. Đà Nẵng Hải Khẩu được vua Minh Mạng lựa chọn và cho khắc lên Dụ Đỉnh.
Triển lãm “Giang sơn Việt Nam trên Cửu Đỉnh” trưng bày 32 hình ảnh tiêu biểu về biển, sông, núi trên khắp mọi miền của tổ quốc được đúc nổi trên Cửu Đỉnh là hoạt động điểm nhấn mở đầu trong chuỗi các hoạt động quan trọng chào mừng sự kiện Kỷ niệm 30 năm (1993 - 2023) Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm (2003 - 2023) Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới.