menu_open
Hải Vân Quan, sau trùng tu là khai thác hiệu quả
Xem cỡ chữ:
 Du khách chụp ảnh lưu niệm trên Hải Vân Quan. Ảnh: M. CHÂU
Đầu tháng 8 vừa qua, di tích Hải Vân Quan, nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, đã chính thức mở cửa đón khách tham quan sau 3 năm đóng cửa để trùng tu.
 Du khách chụp ảnh lưu niệm trên Hải Vân Quan. Ảnh: M. CHÂU

Đây là sự kiện đặc biệt, đánh dấu bước hợp tác quan trọng giữa hai địa phương Huế và Đà Nẵng trong việc bảo tồn và khai thác di sản văn hóa, mở ra cơ hội phát triển du lịch liên vùng đầy triển vọng.

Đây cũng là lần đầu tiên, hai địa phương này bắt tay cùng nhau trong một dự án trùng tu di tích có tính liên vùng. Sự hợp tác này thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm của cả hai tỉnh thành trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đã “bắt tay” thành công ngoài mong đợi việc trong việc trùng tu, tôn tạo di tích Hải Vân Quan. “Là một minh chứng rõ ràng cho sự gắn kết và quyết tâm của hai địa phương”, như lời ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên tới đây, hai địa phương này vẫn cần có thêm những cái “bắt tay” nữa trong việc cùng nhau phát huy giá trị, khai thác hiệu quả di tích này “để còn để tạo ra những giá trị kinh tế và văn hóa bền vững cho cả hai địa phương”, cũng như khẳng định của ông Lê Trung Chinh.

Hải Vân Quan được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm nhấn mới trong hành trình khám phá miền Trung, nơi du khách có thể tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ.

Để khai thác hiệu quả di tích này, Huế và Đà Nẵng đã lên kế hoạch xây dựng các tour du lịch kết nối, tạo ra những trải nghiệm độc đáo và hấp dẫn cho du khách như: Phát triển các tour du lịch liên vùng; Xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch; Tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước…

Tuy vậy khác với dự án trùng tu tôn tạo, “dự án” khai thác chung về du lịch tới đây chắc chắn sẽ gặp thách thức không nhỏ với cả hai địa phương, đặc biệt là về mặt quản lý chung thế nào cho hiệu quả.

Bởi Việt Nam từng có nhiều di tích, di sản văn hóa được các địa phương và khai thác chung như Vịnh Hạ Long – Cát Bà của Quảng Ninh và Hải Phòng; Khu bảo tồn quốc gia thuộc hai địa phương Bắc Kạn và Cao Bằng. Trên thế giới thì có các di sản liên quốc gia cùng khai thác như: Khu vực lưu vực sông Hằng (Ấn Độ và Bangladesh): Khu vực biên giới Alsace - Lorraine (Pháp và Đức)…

Đáng tiếc là không có bài học nào đáng chú ý cho Huế và Đà Nẵng trong câu chuyện cùng khai thác du lịch ở Hải Vân Quan cả. Bởi Hạ Long, Hải Phòng, Bắc Kạn, Cao Bằng, dù lâu nay “liên vùng” về di sản nhưng mỗi địa phương lại có một ban quản lý độc lập, không liên quan đến nhau. Liên quốc gia thì còn phức tạp hơn vì sự khác nhau về chế độ chính trị, chính sách kinh tế...

Giải pháp có tính khả thi, hứa hẹn mang lại hiệu quả nhất cho Hải Vân Quan thời điểm này là nên cho thí điểm mô hình quản trị tư. Bây giờ, nếu hai địa phương Huế và Đà Nẵng cùng nhau thành lập một ban quản lý chung để quản lý, khai thác thì chắc chắn sẽ rườm rà, tốn kém và không hiệu quả! Đi kèm là những cơ chế giám sát tốt để “quản trị tư” tuân thủ quy định, không làm bậy.

Dĩ nhiên việc mở cửa Hải Vân Quan chỉ là bước khởi đầu trong chiến lược phát triển du lịch liên vùng Huế - Đà Nẵng. Với sự hợp tác chặt chẽ cũng như quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo, hai địa phương này còn có thể tiếp tục khai thác các di sản văn hóa và thiên nhiên khác để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn!

HOÀNG VĂN MINH