menu_open
Hàng ngàn người nô nức đến Huế xem hội đền Huyền Trân
Xem cỡ chữ:
Sáng ngày 27/02 (nhằm ngày Mồng 9 tháng Giêng), tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (phường An Tây, thành phố Huế) đã diễn ra Lễ hội đền Huyền Trân công chúa.

>> Khám phá vẻ đẹp di tích Huyền Trân công chúa 

>> Thừa Thiên Huế: Lễ hội đền Huyền Trân

>> Huyền Trân công chúa và cuộc hôn nhân ngoại giao

>> Một địa danh văn hoá mang ý nghĩa lịch sử ở cố đô Huế

>> Hơn 20 nghìn lượt khách tham quan đền Huyền Trân công chúa nhân dịp xuân Giáp Ngọ

>> Khai mạc lễ hội Đền Huyền Trân công chúa

Đây là một hoạt động thường niên thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi.

  Du khách tham gia Lễ hội đền Huyền Trân sáng ngày mồng 9 tháng Giêng

 
Nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa lễ hội đầu xuân năm mới như hội vật làng Thủ Lễ, đua ghe làng Thai Dương Hạ, Hội vật làng Sình, vì vậy Lễ hội đền Huyền Trân thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân, bà con tăng ni phật tử, các chức sắc tôn giáo và du khách gần  xa về dự.

Huyền Trân công chúa (chữ Hán: 玄珍公主;1287 - 1340) gọi tắt là Huyền Trân (玄珍) là một công chúa đời nhà Trần, là con gái của vua Trần Nhân Tông và là em gái vua Trần Anh Tông. Năm 1306, Huyền Trân được gả cho vua Chiêm Thành (Champa) là Chế Mân (tiếng Phạn: Jaya Sinhavarman III) để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên đến phía bắc Quảng Trị ngày nay). Tưởng nhớ ơn bà, ngày bà mất sau này hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế.
Trung tâm Văn Hóa Huyền Trân là quần thể kiến trúc gồm ngôi đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông và ngôi đền thờ Huyền Trân Công Chúa tại thôn Ngũ Tây, phường An Tây, nằm cách đàn Nam Giao chừng 6 km về phía Tây nam thành phố Huế. Tọa lạc trên đỉnh núi Ngũ Phong ở độ cao 108 mét là tháp chuông Hoà Bình với một quả chuông được đúc bằng đồng nguyên chất nặng 1,6 tấn, cao 2,16 mét. Giữa bốn bề mây núi giao hoà, tháp chuông Hòa Bình là nơi tịnh tâm của du khách thập phương. Từ đây phóng tầm mắt xuống, du khách sẽ có bức tranh toàn cảnh thiên nhiên như vẽ của thành phố Huế với sông Hương và núi Ngự.

 
 

 Trước đó, tại Chánh điện đền Huyền Trân công chúa đã tổ chức lễ Cáo giỗ.

  Lễ hội được bắt đầu với chiêng trống và tấu nhạc lễ rất bài bản, nghiêm trang.

 

  

  

Thực hiện theo nghi thức dân gian truyền thống Huế với phần Tế Phúc thần và các bậc khai canh công thần tại Thừa Thiên Huế, do Hội đồng Tộc trưởng làng An Cựu tiến hành lễ tế.

Với những bài nhạc tế mang âm sắc Việt Nam, lễ tế đã dấy lên được tinh thần tự tôn và lòng tự hào dân tộc cũng như sự biết ơn đối với các bậc khai canh đất nước, tiêu biểu là Huyền Trân Công Chúa.

 

Đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện các sở ban ngành cùng nhân dân địa phương, các tăng ni phật tử trên mọi miền Tổ quốc tề tựu về dâng hương tại Trung tâm Văn Hóa Huyền Trân.


 

Tục xin chữ đầu năm lấy may mắn cũng được tái hiện trong không gian Trung tâm Văn hóa Huyền Trân

  

 

Chụp hình lưu niệm tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân

Được biết, Lễ dâng hương kéo dài từ ngày mồng 9 tháng Giêng đến hết ngày 16 tháng Giêng (nhằm ngày 27/02 -  06/03/2015).