Thường dễ tiếp cận hơn cho những ai có sẵn vốn văn hóa Tây phương, nên thính giả của jazz Cố đô chủ yếu là người nước ngoài sinh sống ở Huế hay những người Việt từng sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, trong độ từ 25 đến 40 tuổi. Người nghe jazz đã ít, tệp người nghe phổ thông còn thường nhầm lẫn khái niệm jazz với jazzy (âm nhạc theo phong cách nhạc jazz). Thính giả thực sự của jazz thường có điểm chung là những người yêu mến và thích tìm hiểu nghệ thuật, họ tìm thấy ở dòng nhạc này vẻ đẹp rực rỡ, tự do và ngẫu hứng của màu sắc và âm điệu, sở hữu sự nhạy cảm với nhịp điệu và hòa âm.
Không chỉ yêu jazz mà còn “say” jazz, một cơn say kéo dài trở thành giấc mơ, thành sự nghiệp, đó là trường hợp anh Đặng Lâm Phương (sinh năm 1979). Tốt nghiệp sư phạm ngoại ngữ, anh Phương “bẻ ngành” theo jazz khi đã có một công việc ổn định. Bởi Phương cảm thấy công việc “không đúng với con người của mình”, muốn “đi xem triển lãm, đi nghe nhạc, giao lưu kết bạn”. Anh quyết định nghỉ việc để xây dựng Be Café, một tụ điểm cho những người yêu jazz. Với anh, “Jazz là loại nhạc để cho tất cả những dòng nhạc khác như pop, rock… chảy qua mà không phân biệt. Người nghe jazz không phải đùng một cái đã yêu dòng nhạc này, mà phải là người nghe nhiều thứ nhạc rồi “bén duyên” cái âm thanh… của jazz khi nào không biết”.
Với mong muốn lan tỏa và sẻ chia, Lâm Phương chủ động đi tìm những người “nghe nhạc jazz, chơi nhạc jazz” và được giới thiệu với Đặng Bá Phú, giảng viên Học viện Âm nhạc Huế. Anh bảo với Phú: “Hãy coi đây là một công việc, anh em mình sẽ làm jazz Huế được mọi người biết đến”. Những đêm nhạc “Live jazz night” đầu tiên của Be được tổ chức chỉ với một mình tiếng đàn piano của Phú làm nền móng, rồi dần dần nhiều nghệ sĩ yêu jazz khác mới được Lâm Phương kéo về. Đến năm ngoái, Phương dự lễ tốt nghiệp của một bạn trẻ yêu jazz khác của Học viện Âm nhạc, đó là Công Binh. Nhận thấy tài năng của Công Binh, Phương “bưng” chương trình tốt nghiệp jazz của Binh về Be diễn một đêm, rồi từ đó Công Binh trở thành hạt nhân của Next Step, một “jazz band” do Phương xây dựng.
Ban đầu, Be Café được thành lập vì Phương muốn tạo cho mình một chỗ để nghe nhạc. “Mình xác định Be sẽ không giúp mình giàu, nhưng vẫn có thể giúp mình tự nuôi sống bản thân và gia đình, đồng thời không phải thỏa hiệp với áp lực công việc, cơm áo gạo tiền”. Anh mở quán tại nhà, khá xa trung tâm thành phố (làng Ngọc Anh, Phú Thượng), coi đây là một phép thử để biết rằng, những người đến với Be là những người thực sự tìm đến vì jazz. “Hữu xạ tự nhiên hương”, sau hơn hai năm hoạt động, điều khiến Phương tự hào là những nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ nước ngoài đã tìm đến Be để biểu diễn. Anh chia sẻ: “Đa phần họ là các nghệ sĩ jazz đang hoạt động tại Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội, Sài Gòn… Họ chơi jazz như một công việc nên sẽ thiếu đi một chút tự do để “tùy tiện ứng biến” trong âm nhạc. Và họ tìm đến Be, một câu lạc bộ nhạc jazz, nơi mà họ có thể thoải mái chơi nhạc một cách đúng nghĩa”. Vì thế, mỗi khi kết thúc một buổi diễn, nghệ sĩ và khán giả của Be luôn giao lưu cởi mở, cùng nhau thư giãn bằng những giờ phút chơi nhạc ngẫu hứng đúng với tinh thần của jazz.
Gần 20 năm gắn bó, với Phương nhạc jazz là một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, từ công cụ giải trí thành đam mê, anh thành công xây dựng Be Café thành một “jazz club” có tiếng trong cộng đồng nhạc jazz trong nước và cả quốc tế. Các nghệ sĩ nhạc jazz, người yêu jazz đã tìm đến Be như một tụ điểm để được nghe nhạc, chơi nhạc, tự do trao đổi với mọi người về niềm đam mê, thậm chí trải lòng mình sau những giây phút thăng hoa bởi thanh âm. Với các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ yêu jazz của Cố đô, Be là nơi các bạn tìm đến để có thêm kinh nghiệm chơi nhạc, đồng thời có cơ hội được giao lưu với những nghệ sĩ nhạc jazz giàu kinh nghiệm, nổi tiếng trên thế giới.
Hiện nay, ngoài những đêm nhạc tại Be Café, thính giả nghe jazz có thể tìm đến những “tụ điểm” khác, tại sảnh chờ của một số khách sạn lớn, như: Indochine, White Lotus… Họ sẽ gặp những nghệ sĩ hầu hết cũng từng chơi jazz và nuôi dưỡng tình yêu với jazz tại Be Café. Và vì đặc thù của thể loại, vẫn với bài hát, người chơi và kỹ thuật chơi nhạc ấy, sự thể hiện tại một jazz club như Be Café và tại những khách sạn này sẽ mang lại những trải nghiệm khác nhau. Thiếu đi phần giao lưu giữa nghệ sĩ và khán giả, nhạc jazz ở các khách sạn sẽ mang màu sắc của nhạc phòng chờ, sảnh chờ. Ở một câu lạc bộ nhạc jazz thực thụ, jazz sẽ được sống với đúng vẻ đẹp của nó, nghệ sĩ và thính giả sẽ đồng hành trong sáng tạo và chất jazz đích thực.
Sự hiện diện của Be Café đã và tiếp tục là một dấu hiệu cho sự chuyển biến nhất định về thị hiếu nghe nhạc xứ Huế. Dẫu số lượng nghệ sĩ địa phương vẫn chưa có sự gia tăng rõ rệt, nhưng Be và những đêm diễn thành công gần đây của nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước là sự khẳng định cho việc jazz đã dần được chú ý nhiều hơn trên mảnh đất Cố đô.