Cùng làm việc có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình. Theo báo cáo tại buổi làm việc, đến nay, có 9/9 địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Thông báo kết luận 552-TB/TU.
Hai huyện Phong Điền và huyện Phú Vang đã ban hành Kế hoạch thực hiện trong năm 2024. Trong đó, huyện Phong Điền dự kiến triển khai biên soạn cho 20 làng trên địa bàn huyện và đã phân bổ kinh phí hơn 800 triệu đồng để hỗ trợ cho công tác biên soạn địa chí làng.
Đại diện lãnh đạo Hội Khoa học Lịch sử tỉnh cho biết, sau khi xin ý kiến góp ý của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đề cương khung, việc biên soạn đề cương khung đã hoàn thành và công bố, hiện đã gửi cho các trưởng làng tại hội nghị gặp mặt các trưởng làng toàn tỉnh vào ngày 10/1/2024.
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao cho hay, hiện nay các làng xã đang lưu giữ nhiều văn bản cổ quan trọng, những tư liệu hán môn, sắc phong, đã được thu thập, số hóa để hình thành các tập sách về văn hóa làng xã. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để các làng có thể tham khảo để viết lịch sử làng.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các địa phương chia sẻ thực trạng khó khăn trong việc xác định quy mô làng
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các địa phương đã chia sẻ thực trạng khó khăn trong việc xác định quy mô làng, hiện trạng, tư liệu hiện có; kinh nghiệm, cách thức triển khai; việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong việc xây dựng địa chí làng.
Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, xây dựng địa chí làng, lịch sử làng phải có quyết tâm. Xác định đây là công việc lớn, thời gian kéo dài, với nguồn lực là xã hội hóa, vận động để các làng chủ động.
Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu đồ sộ đang có là cơ sở quan trọng để viết lịch sử làng. Với những khó khăn đang tồn tại, khắc phục theo từng bước, bám kỹ đề cương khung; chọn lựa, ưu tiên các làng có tư liệu, kinh phí làm trước...