menu_open
Lên đỉnh Bạch Mã
Xem cỡ chữ:
Cách Huế 40km về phía Nam, dãy núi Bạch Mã nằm ở ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng. Đứng trên đỉnh cao nhất của Bạch Mã du khách có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh lộng lẫy của đèo Hải Vân, núi Túy Vân, đầm Cầu Hai hay vịnh Lăng Cô.

 

Bạch Mã là nơi cuốn hút những người ưa khám phá.
 
Đường lên Bạch Mã khá quanh co và dốc. Dãy núi này nằm trong vườn quốc gia Bạch Mã và ở độ cao 1.450 m, trên đỉnh núi là cả một vùng khí hậu ôn đới. Hoa lay ơn, hoa lan đất nở dọc đường đi lưu luyến mỗi bước chân du khách. Bạn có thể luyện kỹ năng chụp ảnh và pose những tấm ảnh để đời trong hành trình chinh phục đỉnh Bạch Mã.

Từ chân Bạch Mã, có hai sự lựa chọn: Đi bộ lên núi hoặc sẽ thông qua một phương tiện vận chuyển hiện ra thơ mộng với mây gió ngút ngàn, với hoa thơm, bướm lượn bên những khe suối cạn ven đường, với hoa đỗ quyên dịu dàng một dải bên bờ thác hùng vĩ cao 300m. Và đặc biệt, bạn có thể tự tay chạm vào những áng mây bay bất giác vụt qua…

Lối mòn được xem là đường tắt để vào rừng nhanh nhất, đến thác Đỗ Quyên sớm nhất, nhưng muốn trải nghiệm cảm giác hòa mình vào thiên nhiên, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn lối đi khó khăn, hiểm trở hơn, đó là băng qua những con suối và vách đá.

Phần thưởng cho người chọn lối đi hiểm trở là những phút giây nghỉ ngơi, thư giãn trong tiếng chim rừng líu lo và những vạt hoa dại muôn màu rực rỡ. Là khoảnh khắc lọt thỏm giữa bạt ngàn cây xanh và không gian khoáng đạt trong lành.
 
 


Rừng lau.
 
Năm 1932 người Pháp đã xây dựng ở đây một khu nghỉ mát lớn ở độ cao từ 1.000 - 1.444 m. Toàn khu nghỉ mát có 139 biệt thự, có chợ, ngân hàng, bưu điện, hồ bơi, sân quần vợt... và một hệ thống đường ôtô dài 19km nối QL1A với khu trung tâm của thành phố Bạch Mã.

Sau chiến tranh, khu nghỉ mát Bạch Mã trở nên hoang tàn đổ nát. Thăm lại những dấu tích các ngôi biệt thự, có nhà chỉ còn cái nền và những bức tường chỏng chơ với gió mây, hẳn nhiều người sẽ không khỏi mang cảm giác tiếc nuối.

Nay khu vực đón khách ở độ cao khoảng 800 m cũng chính là trạm dừng chân đầu tiên của Bạch Mã. Cái nắng nóng gay gắt ở dưới chân núi hoàn toàn biến mất, nhiệt độ ở khu vực này đã thấp hơn bên dưới rất nhiều. Bạch Mã không lạnh như Đà Lạt mà chỉ mát vừa phải, quả là nơi lý tưởng để tránh cái nắng khắc nghiệt của miền Trung.

Các khu biệt thự vừa được Vườn quốc gia Bạch Mã xây dựng và cải tạo lại để đón khách nằm ở lưng chừng núi. Ngay trong các căn biệt thự mà bạn sẽ nghỉ lại trên đỉnh Bạch Mã, bạn cũng có thể nhìn ra một vùng rừng núi trập trùng và lãng đãng mây.
 
 

Những ngôi biệt thự cũ được khôi phục.
 
Ở trung tâm khu nghỉ mát có ngọn thác Bạc cao 10 m, rộng 40 m như một bức rèm trắng muốt đung đưa trước gió. Điểm cao nhất của Bạch Mã là Vọng Hải Đài, từ đây có thể mãn nhãn với nhiều danh thắng khác của mảnh đất Cố đô. Đó là hồ Truồi bát ngát xanh trong với diện tích 400 ha, là Thiền viện Trúc Lâm sừng sững, ẩn hiện trong làn khói mơ màng vô tận và có thêm cả đầm Cầu Hai vốn nổi tiếng với nhiều sản vật cũng như nét nguyên sơ, bình dị.

Đứng trên đỉnh núi Bạch Mã du khách cũng có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh lộng lẫy của đèo Hải Vân, núi Túy Vân, vịnh Lăng Cô... Từ Vọng Hải Đài, có thể tới Ngũ Hồ (cách đó khoảng 5 km) là tập hợp gồm 5 hồ nước ở 5 điểm cao khác nhau. Hồ thứ 3 trong Ngũ Hồ được cho là đẹp nhất bởi nước suối rất trong và mát.

Người ta có câu “Xem cây vào Cúc Phương, ngắm thú đến Cát Tiên, tắm thác lên Bạch Mã”, bởi Bạch Mã có nhiều thác đẹp với những tên gọi cũng đẹp không kém như: Đỗ Quyên, Hoàng Yến, Trĩ Sao…Thời điểm đẹp nhất trong năm để khám phá Bạch Mã là mùa hè và đầu mùa thu bởi không khí mát mẻ, thậm chí hơi se lạnh.

Đặc biệt, với nguyên tắc “3 không”: “Không giết gì ngoài thời gian; Không lấy gì ngoài những bức ảnh đẹp; Không để lại gì ngoài những dấu chân”- Bạch Mã được đánh giá là nơi có môi trường sạch sẽ nhất khi so sánh với những khu du lịch mang tính tự nhiên ở Việt Nam. Ở đây có những biển khuyến cáo đem rác ra khỏi rừng và phát túi giấy đựng rác để khuyến khích du khách đem rác về nhà bằng những quà tặng đáng yêu.

Không ở đâu lại có người hàng ngày đi nhặt rác trong rừng như ở Bạch Mã. Nhờ đó mà các tuyến đường mòn và các điểm du lịch ở đây rất sạch. Những tấm biển: “Xin bạn vui lòng đem rác ra khỏi rừng”, “Tại sao không có thùng rác ở đây?” cùng các hình ảnh giải thích về ảnh hưởng của rác đến môi trường đã làm cho du khách ý thức gìn giữ môi trường.

Vườn quốc gia Bạch Mã còn nuôi trong lòng nó một tài nguyên sinh vật vô cùng đa dạng và phong phú với khoảng 501 loài thực vật với nhiều loài quý như cẩm lai, trắc trầm hương, cốm Bạch Mã; 55 loài thú quý với nhiều họ, chi. Khoảng thời gian bị lãng quên của Bạch Mã đem lại cho nơi này vẻ thiên nhiên hoang sơ.

Đi trong các con đường mòn nho nhỏ xuyên qua những cánh rừng, bạn dễ dàng bắt gặp các loài thú, chim lạ như gà lôi lam mào đen, gà lôi lam mào trắng, trĩ sao...Vườn quốc gia Bạch Mã được xem như là một khu bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên. Đó là lý do tại sao du khách có thể thấy rất nhiều loài động thực vật đang sinh sống tại đây.

Thỉnh thoảng có vài chú khỉ bạo mình di chuyển từ cành này qua cành khác, hay cặp hươu sao nhởn nhơ kiếm ăn trước du khách. Ở đây còn có thảm thực vật phong phú với hơn 2.100 loài, trong đó có một số loài hiếm và có giá trị như hoàng đàn giả, trầm hương...

Tạo hóa đã ban cho vườn quốc gia Bạch Mã một phong cảnh vô cùng xinh đẹp, hoang dã và thơ mộng, một địa điểm lịch sử, tự nhiên hài hòa, thú vị, nơi đây rất đáng để trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng. Nhưng tiếc là cho đến nay vườn quốc gia Bạch Mã vẫn chưa được đầu tư một cách xứng đáng.

Truyền thuyết kể rằng ngày xửa ngày xưa, các vị tiên thường cưỡi ngựa trắng xuống núi đánh cờ, bởi cảnh trần đẹp chẳng kém chốn bồng lai. Khi các tiên ông ngồi tỉ thí, ngựa mải mê tìm cỏ non tơ. Đợi ngựa không được, các tiên ông phải bay về trời. Đàn ngựa ngơ ngác, lang thang khắp núi, hóa thành những đám mây hệt như ngựa trắng, quanh năm chờ chủ. Tên gọi Bạch Mã bắt nguồn từ đó.
 
Hồng Đậu