menu_open
Những bảo vật quốc gia độc bản ở Huế - Bài 2: Ly kỳ những bảo vật độc bản
Xem cỡ chữ:
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế và Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế vẫn còn lưu giữ hàng ngàn cổ vật có giá trị gắn liền với các vua chúa thời nhà Nguyễn. Đặc biệt trong số đó là chiếc ngai vàng, bia Khiêm Cung ký- 2 tác phẩm độc bản vô cùng quý giá đã được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia...

 


Bia Khiêm Cung ký ở lăng Tự Đức khiến rất nhiều du khách nước ngoài tò mò.

Chiếc ngai vàng duy nhất ở Việt Nam

Bà Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế cho biết, nhà Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng và cũng là triều đại duy nhất để lại ngai vua còn nguyên vẹn đến tận ngày nay. Trải qua hơn 143 năm, chiếc ngai vàng được xem là biểu tượng quyền lực của nhà vua. Tương truyền, do không có con ruột nên theo di chiếu, ngày 19-7-1883, vua Tự Đức truyền ngôi lại cho con nuôi Nguyễn Phúc Ưng Chân, còn gọi là Dục Đức. Tuy nhiên, khi vừa mới lên ngôi được 3 ngày thì vua Dục Đức bị hai quan phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế bỏ, sau đó đem giam ở ngục thất và bị bỏ đói đến chết. Cuối tháng 11-1883, các quan đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chọn con nuôi của vua Tự Đức là hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Đăng, mới 15 tuổi lên ngôi vua, lấy hiệu Kiến Phúc. Tuy nhiên, cũng chỉ sau 8 tháng lên ngồi ngai vàng, trong lúc tình hình đất nước đang rối ren thì vua Kiến Phúc, đột nhiên mắc bệnh qua đời. Và việc lập phế, tranh giành quyền lực này chỉ kết thúc khi vua Hàm Nghi lên ngôi vào năm 1884.

Theo bà Huỳnh Thị Anh Vân, trong suốt 143 năm của triều đại nhà Nguyễn, ngai vàng được đặt giữa điện Thái Hòa- Đại Nội Huế như một “nhân chứng” lịch sử của triều Nguyễn nói riêng và Việt Nam nói chung. Ngai vua triều Nguyễn (1802 - 1945) là nơi các vua Nguyễn làm lễ đăng quang, điều hành lễ Đại triều, tiếp kiến các sứ thần ngoại giao, tổ chức lễ Vạn thọ (sinh nhật nhà vua) và các nghi lễ quan trọng khác của triều đình từ khi thiết lập vương triều Nguyễn cho đến khi kết thúc vào năm 1945. Kể từ đó đến nay, chiếc ngai này vẫn được đặt nguyên vị trí cũ...

Bà Huỳnh Thị Anh Vân cho biết thêm, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt chống Pháp và chống Mỹ, khu vực Hoàng thành bị thiệt hại nhiều bởi bom đạn nhưng điện Thái Hòa và đặc biệt là ngai vua triều Nguyễn vẫn còn gần như nguyên vẹn. Ngai vua là một trong những vật dụng không thể thiếu của mỗi triều đại quân chủ ở mọi nơi trên thế giới. Trong số các triều đại quân chủ đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam, triều Nguyễn là triều đại cuối cùng, cũng là triều đại duy nhất để lại ngai vua còn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay. Vì vậy, ngai vua triều Nguyễn là chiếc ngai duy nhất còn lại ở Việt Nam, là hiện vật độc bản có tầm quan trọng to lớn, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đặc sắc.


Chiếc ngai vàng độc nhất còn lại ở Việt Nam.

Ly kỳ bia “tự kiểm” của vua Tự Đức

Bia Khiêm Cung ký (hay còn gọi là bia “tự kiểm”) dựng ở Khiêm Lăng lăng Tự Đức tọa lạc tại làng Dương Xuân Thượng (P.Thủy Xuân, TP Huế) cách trung tâm TP Huế khoảng 6 km. Bia được làm từ một phiến đá hoa cương Thanh Hóa. Bài văn do vua Tự Đức viết vào năm Tự Đức thứ 24 (1871) và được khắc vào bia năm Tự Đức thứ 28 (1875), đặt tại nhà bia ở lăng vua Tự Đức từ năm 1875 đến nay. Theo Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, bia Khiêm Cung ký là một tấm bia có kích thước đồ sộ, trọng lượng lớn nhất trong các bia cùng loại ở lăng vua Nguyễn. Bia có trọng lượng ước tính 22 tấn với chiều cao 407cm, rộng 259cm. Trong đó, trán bia cao 97cm, rộng 287,5cm, tai bia mỗi bên rộng 22cm... được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công bố là tấm bia cao và nặng nhất Việt Nam.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa cho biết: Thường những tấm bia đá trong lăng mộ của nhà vua còn có tên gọi là bia “Thánh đức thần công”. “Thánh đức là đức như một vị thánh, thần công là công lao như một vị thần. Những tấm bia này thường do con trai đầu của vua viết để ca tụng cho cha mình; nhưng với bia trong Khiêm Lăng của vua Tự Đức lại không giống như vậy, tấm bia trong Khiêm Lăng được chính tay vị vua này viết về cuộc đời mình”. Cũng theo ông Hoa, vua Tự Đức không có con, hơn nữa trong thời gian Tự Đức trị vì thì Pháp đã chiếm được Nam kỳ lục tỉnh. Chính vì vậy, thay vì ca ngợi công đức của mình thì vua Tự Đức đã biện hộ cho những việc làm của mình và thú nhận những sai lầm đã từng mắc phải, đồng thời mong hậu thế sau này sẽ phán xét ông. Bà Huỳnh Thị Anh Vân khẳng định: Bia Khiêm Cung ký là tấm bia độc bản, không trùng với bất cứ nội dung bia nào khác. Bia Khiêm Cung ký có hình thức độc đáo, hội đủ các đặc trưng của phong cách bia ký thời Nguyễn (bia hình chữ nhật, trán bia hình khánh, bốn góc có tai bia...). Với 4.935 chữ Hán khắc trên 2 mặt bia, bia Khiêm Cung ký là tấm bia có số lượng văn tự khắc trên đá nhiều nhất với nội dung thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đồng thời mang giá trị văn học lớn. Đặc biệt, bia Khiêm Cung ký cũng là tấm bia duy nhất lưu giữ nét bút của chính tác giả văn bia- vua Tự Đức, đó là bài Khiêm Cung ký.

Bài Khiêm Cung ký gồm 5 đoạn đề cập đến công việc dựng lăng vua Tự Đức, mô tả cảnh quan trong lăng, nỗi lòng của nhà vua đối với đất nước và việc riêng tư của nhà vua. Phần một nhà vua viết về giai đoạn ấu thơ của mình. Phần hai viết về giai đoạn vua gánh vác việc nước. Phần ba mô tả đôi nét về Khiêm Lăng (lăng của vua Tự Đức) và các công trình trong lăng cùng công dụng hiện tại và về sau của các công trình ấy. Phần bốn trình bày tâm tư cùng những mong ước bình dị của nhà vua. Và phần năm là phần nhà vua nêu rõ nội dung của bài Khiêm Cung ký- bài văn bày tỏ tấm lòng, ghi về những điều riêng tư của nhà vua. Trong phần này, vua Tự Đức tự nhận tội mình: “...Không sáng suốt trong việc biết người, ấy là tội của ta; dùng người không đúng chỗ, cũng là tội của ta; hàng trăm việc không làm được; đều là tội của ta cả...”.

(còn nữa)

H.Lan