Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế nói riêng, di sản Việt Nam nói chung. Đây là dự án tiên phong trong việc kết hợp công nghệ và di sản, mở ra một mô hình khai thác bản quyền di sản để phát triển công nghiệp văn hóa, thu hút sự quan tâm của giới trẻ và cộng đồng yêu lịch sử, văn hóa.
“Đế Đô Khảo cổ ký” là dự án đồ chơi sưu tầm độc đáo, kết hợp giữa di sản văn hóa Cố đô Huế, xu hướng "hộp mù" (blind box art toy) và giải pháp công nghệ định danh Nomion với chíp NFC (Near Field Communication) tiên phong trong lĩnh vực Vật lý số.
Lấy cảm hứng từ bộ tứ bảo vật của Cố đô Huế (bao gồm: Đại Hồng Chung, Khẩu Hạ (một trong 9 khẩu Cửu Vị Thần Công), Cao Đỉnh (đỉnh đầu tiên trong Cửu Đỉnh) và Ngai vàng triều Nguyễn, biểu thị đại diện cho Tín ngưỡng, Sức mạnh, Tri thức và Quyền lực), “Đế Đô Khảo cổ ký” biến những hiện vật lịch sử thành những sản phẩm văn hóa hiện đại, dễ tiếp cận, qua đó không chỉ mang đến trải nghiệm sưu tầm thú vị mà còn khơi dậy tình yêu và niềm tự hào về lịch sử dân tộc đến thế hệ trẻ. Với mỗi sản phẩm, người sưu tập đồ chơi có thể khám phá câu chuyện lịch sử qua hành trình “khảo cổ” đầy bất ngờ và sống động khi tap smartphone lên món đồ chơi.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phát biểu khai mạc tại chương trình
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Đế Đô Khảo Cổ Ký không chỉ là một dự án kinh doanh đơn thuần mà còn mang sứ mệnh giáo dục văn hóa. Qua mỗi sản phẩm, người xem, các bạn học sinh, khách tham quan được tiếp cận với những câu chuyện lịch sử, những giá trị văn hóa truyền thống một cách sinh động và dễ hiểu. Điều này góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy di sản. Chúng tôi tin rằng, kiến thức lịch sử sẽ trở thành động lực thôi thúc tình yêu nước và niềm tự hào về bản sắc Việt Nam trong lớp trẻ. Đồng thời, dự án sẽ tạo điều kiện để di sản không chỉ là một phần của quá khứ, mà còn được kết nối với hiện tại và tương lai.
Tọa đàm “Khai thác bản quyền di sản - Hướng đi bền vững phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam” với những chia sẻ đặc sắc từ các đại biểu, khách mời
Trong khuôn khổ buổi lễ còn có hoạt động tọa đàm “Khai thác bản quyền di sản - Hướng đi bền vững phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam” đã mở ra một không gian giao lưu, thảo luận sôi nổi giữa các đại diện tổ chức, chuyên gia văn hóa và những người trẻ yêu thích lịch sử gắn kết với xu hướng ứng dụng công nghệ.
Khách mời đã có cơ hội hiểu rõ hơn về những nỗ lực bảo tồn, bảo vệ bản quyền văn hóa trong bối cảnh hiện đại, nơi công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xác thực, truyền tải và chia sẻ các giá trị lịch sử. Những chia sẻ từ các bạn trẻ đam mê văn hóa và lịch sử đã mang đến một góc nhìn mới về thị hiếu của giới trẻ, là không chỉ thích trải nghiệm mà còn muốn kết nối với văn hóa dân tộc qua sản phẩm sáng tạo và tương tác trong thế giới số.
“Đế Đô Khảo cổ ký” tại Không gian Nhà rường thuộc khu vực Phủ Nội Vụ - Đại Nội Huế thu hút sự quan tâm của mọi người ngay ngày đầu ra mắt
Dự án Đế Đô Khảo cổ ký đã mở ra triển vọng lớn cho sự phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Với sự đồng hành của Phygital Labs bằng giải pháp Định danh số Nomion, tiên phong kết hợp công nghệ RFID với blockchain, mỗi sản phẩm là một thực thể độc nhất, đảm bảo tính minh bạch và giá trị lâu dài trong cả không gian thực lẫn số.
Dự án này tiếp tục khẳng định Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ Định danh số - xác thực để khai thác bản quyền di sản, văn hóa.Với hai phiên bản của sản phẩm Đế Đô Khảo cổ ký: Phiên bản Trải nghiệm khảo cổ được thiết kế đặc biệt, với những món bảo vật bọc trong lớp thạch cao và kèm theo dụng cụ giả lập khảo cổ, tạo cơ hội cho người tham gia tự tay khám phá và tìm hiểu các cổ vật như một nhà khảo cổ thực thụ. Trong khi đó, phiên bản Phổ thông với bao bì thông thường, dễ dàng trở thành món quà ý nghĩa dành tặng bạn bè, người thân, hoặc gửi qua bưu điện.
Các sản phẩm thuộc dự án không chỉ đơn thuần là món quà lưu niệm mà còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc, gắn liền với câu chuyện lịch sử của Cố đô Huế. Với thiết kế tinh tế và giá trị biểu tượng cao, chúng trở thành những vật phẩm có thể chạm đến cảm xúc của tất cả mọi người, từ những người yêu thích lịch sử, văn hóa đến các bạn trẻ mong muốn kết nối với di sản dân tộc.
Sản phẩm vừa là món quà để giữ làm kỷ niệm vừa là cách để lan tỏa niềm tự hào về văn hóa Việt Nam, trở thành biểu tượng mà cả người Việt và bạn bè quốc tế đều muốn sở hữu và tự hào.
Du khách trải nghiệm “Đế Đô Khảo cổ ký” tự tay khám phá và tìm hiểu các cổ vật trong không gian Phủ Nội vụ - Đại Nội Huế
Dự kiến, bộ vật phẩm “Đế Đô Khảo cổ ký” sẽ được phân phối trên toàn quốc trong tháng 12/2024 với mục tiêu mở rộng ra nhiều khu di tích, bảo tàng trên cả nước nhằm lan tỏa giá trị văn hóa và nâng cao nhận thức về lịch sử dân tộc, từ đó tạo nên một chuỗi sản phẩm văn hóa độc đáo, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ và giúp kết nối thế hệ trẻ với di sản văn hóa theo hướng công nghệ phục vụ các giá trị văn hóa.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm sau chương trình.