menu_open
Tuồng Huế chuẩn bị “ra trận”
Xem cỡ chữ:
Hưởng ứng Hội diễn sân khấu tuồng 2015 diễn ra tại TP. Đà Nẵng vào tháng 9 tới, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế đang tập trung dàn dựng hai vở diễn, gồm một vở tuồng dân gian "Lâm Sanh – Xuân Nương" và một vở tuồng lịch sử "Dậy sóng Bạch Đằng giang".

Các nghệ sĩ tập luyện thể hiện vai Lâm Thị và Lâm Sanh

Chiều, tại Phủ Nội vụ (Đại Nội)… “Lũy tre xanh thẳm bờ rào/ Mồ hôi ướt đẫm em nào quản công/ Đôi vai thoăn thoắt gánh gồng/ Cho măng mau mọc, cho mình gặp nhau”… Nàng Xuân Nương cất tiếng hát trong trẻo mặc đôi gánh nước vẫn chao nghiêng trĩu nặng trên vai, xuất hiện trong phân cảnh đầu tiên của vở tuồng dân gian “Lâm Sanh – Xuân Nương”. Dưới ánh trăng thơ, chàng Lâm Sanh trốn mẹ nhẹ nhàng ra gặp Xuân Nương – người vợ chàng vô cùng yêu quý nhưng đã 3 năm, kể từ khi cưới về đến nay, hai người vẫn không được gần gũi. Lâm Thị phu nhân, người mẹ chồng nanh nọc, hiểm ác của Xuân Nương chỉ coi nàng như một kẻ tôi đòi. Bà ta không cho Xuân Nương ăn đủ bữa, nhưng bắt nàng làm hết mọi việc trong nhà. Ngày ngày, bà bắt Xuân Nương gánh nước tưới cho tre để măng nhanh mọc và hứa, khi nào bà bán hết măng thì sẽ cho nàng gặp chàng…

Dòng cảm xúc đang êm đềm, bỗng có giọng của đạo diễn La Hùng vang lên: - Lâm Sanh đi nhanh, âm nhạc thế nào thì đi cho đúng nhịp.

Nghe tiếng, chàng Lâm Sanh khựng lại trong giây lát rồi chỉnh nhịp đi, trong khi nàng Xuân Nương vẫn giữ đúng nét mặt tình thơ trong giây phút hiếm hoi được gặp chồng… Gió tranh thủ lùa đẩy mấy ô cửa của Phủ Nội vụ, nhưng mồ hôi vẫn cứ dày lên bên trán, bên vai của Xuân Nương...

Tôi đang xem một buổi tập của các diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế với vở Lâm Sanh – Xuân Nương. Sau nhiều tuần luyện tập, các nhân vật đã thuộc hết lời thoại và các động tác diễn. Hôm nay là một trong những buổi đoàn đang “nhồi” lại cho nhuyễn, cho mềm những phân đoạn có nhiều kỹ thuật khó.

Cả hai vở tuồng “Lâm Sanh – Xuân Nương” và “Dậy sóng Bạch Đằng giang” đều do nghệ sĩ La Hùng làm đạo diễn và nghệ sĩ Hoàng Đức viết kịch bản. Nghệ sĩ La Hùng cho biết: “Tuồng Huế và tuồng của khu vực khác nhau ở cách hát, lối diễn, cách trang điểm và cả âm nhạc. Cả 2 vở, chúng tôi cố gắng để không bị trùng về cách hát và lối diễn mà vẫn thể hiện được bản sắc của vùng miền”. Trao đổi về “đứa con tinh thần” của mình, nghệ sĩ Hoàng Đức cũng chia sẻ: “Khó nhất là ở chỗ, tuồng xưa dùng Hán văn, trong khi tuồng hiện đại là phải dịch theo quốc ngữ để đối tượng mình phục vụ có thể dễ hiểu và dễ cảm nhận. Dù lời thoại có viết như thế nào thì điều quan trọng nhất là tác giả không được đi lệch những vốn quý mà ông cha để lại”.

Trong những trích đoạn được tập, Xuân Nương và Lâm Thị phu nhân là hai nhân vật có đất diễn nhiều nhất. Hai nhân vật, kẻ khóc người cười, kẻ nanh nọc người hiếu thuận, đưa người xem qua nhiều cung bậc tình cảm với những điệu hát khi thì ngâm ru, khi thì nam, ai… Nghệ sĩ Phan Thị Bạch Hoa (vai Lâm Thị phu nhân) nói: “Mình từng vào vai đanh đá, nhưng mỗi nhân vật có một đặc tính riêng. Diễn Lâm Thị rất mệt vì bà ta rất ghê gớm, độc ác nhưng lại đạo đức giả với con dâu nên khi hát phải vừa nén giọng vừa gằn, xả hơi qua kẽ răng, ánh mắt lại láo liên. Nhưng càng như thế, mình lại càng thích nhân vật này và cố gắng hết sức cùng các bạn diễn thể hiện đúng bản chất của nhân vật”.

Cũng tâm trạng như nghệ sĩ Bạch Hoa, nghệ sĩ Kim Tuyến (vai Xuân Nương) chia sẻ: “Mình vào nghề cũng lâu rồi nhưng đây là lần đầu tiên được giao diễn chính nên rất hồi hộp. So với tuồng ở các vùng miền khác, tuồng Huế được coi là hát hay, rõ lời và nhẹ nhàng. Qua vai diễn này, mình chỉ biết cố gắng làm hết khả năng và thể hiện được cái hồn của tuồng Huế như các bạn đã đánh giá”.

Giữa tháng 9, “Lâm Sanh – Xuân Nương” và “Dậy sóng Bạch Đằng giang” sẽ được diễn tổng duyệt tại rạp Trần Hưng Đạo. Đạo diễn La Hùng giới thiệu: “Bây giờ, để tìm được một nàng dâu thùy mị và hiếu thuận như Xuân Nương đối với Lâm Thị thì họa hoằn chỉ có về các miền nông thôn mới có được. Lấy chồng đến 3 năm mà vẫn bị ngăn cách không cho gặp chồng, lại còn phải chịu cảnh đọa đày, đay nghiến, thậm chí là giết chết nhưng cuối cùng vẫn tha thứ... Đó chính là những giá trị nhân văn đẹp đẽ trong văn hóa người Việt mà chúng tôi muốn gợi lại qua vở diễn này. Với “Dậy sóng Bạch Đằng giang”, chúng tôi cũng muốn thêm một lần được khẳng định ý chí và sức mạnh chống ngoại xâm của dân tộc Việt qua nhân vật lịch sử Ngô Quyền. Ông cha ta đã từng chấm dứt được ngàn năm Bắc thuộc, thì không có lý do gì để hôm nay chúng ta lại e sợ trước bất cứ mưu toan, rình rập nào”.

Nếu yêu thích nghệ thuật tuồng Huế, người xem có thể đến Phủ Nội vụ (Đại Nội) để ủng hộ và động viên các diễn viên đang không ngừng cố gắng để giữ hồn tuồng Huế.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN