menu_open
Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham
Xem cỡ chữ:
Ngày 06/7/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-UBND cho phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập tại địa chỉ số số 53 Hàm Nghi, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, với tên gọi: Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham.
Địa chỉ: Số 53 Hàm Nghi, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Điện thoại:
Thời gian hoạt động: 24/7
Tình trạng: Đang hoạt động
Giới thiệu:

Ngày 06/7/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-UBND cho phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập tại địa chỉ số số 53 Hàm Nghi, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, với tên gọi: Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham. 

Đây là bảo tàng ngoài công lập, chủ nhân là bà Cecile Le Pham (Việt kiều Pháp), một nhà sưu tập đang sở hữu hàng ngàn cổ vật và tác phẩm mỹ thuật, trong đó có rất nhiều cổ vật cung đình Huế. Bà Cecile Lê Phạm cho biết: "Tôi đã đến mộ vua Hàm Nghi, mộ các công chúa vì quá ngưỡng mộ ông. Tại Huế, tôi sống trên đường Hàm Nghi, nhưng ở đây chưa có thứ gì dành cho ông nên tôi muốn làm một bảo tàng để nói về vị vua yêu nước chống Pháp và bị lưu đày biệt xứ quá sớm".

Nét đặc trưng:

Mỗi hiện vật, bộ sưu tập được lưu trữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham gắn với mỗi câu chuyện của quá trình chủ nhân bộ sưu tập đi sưu tầm và mang về để lưu trữ, bảo quản, trưng bày, ra mắt và đón tiếp phục vụ công chúng tham quan thưởng lãm tại Bảo tàng.

Chủ nhân của Bảo tàng, bà Cécile Le Pham - là một nữ doanh nhân nặng lòng với Việt Nam, cách đây hơn 30 năm, đã lặn lội từ Pháp trở về Việt Nam với sự khao khát đóng góp cho quê hương phát triển kinh tế, xã hội và làm các công việc thiện nguyện. Bà đã đi nhiều nơi trong nước và các nước trên thế giới và nhận thấy được những cổ vật của Việt Nam đang lưu lạc ở nhiều nơi. Từ đó, Bà gom góp về, ý đầu tiên là tránh cho cổ vật rơi vào tay lái buôn ngoại quốc. 30 năm sưu tập và cất giữ đã trở nên một kho tàng lưu trữ cảm hứng nghệ thuật đa dạng từ tượng, đồ gỗ, đồ vải, đồ đồng, đồ ngọc, sách vở, kinh cổ, tài liệu, đồ pháp lam, trải dài trên con đường từ Srilanka, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia… và dĩ nhiên từ Việt Nam cũng như ở chính ngay quê hương một nửa của Bà: nước Pháp.

Trân quý mảnh đất quê hương đã tiếp đón mình trở về, bà Cecile muốn mang những hiện vật mình đã chắt chiu tìm kiếm trong nhiều thập niên, để trả về cho quê hương Việt Nam, để chia sẻ những kinh nghiệm đã từng có khi nghiên cứu, sưu tập hiện vật cũng như hiện vật tìm được người biết giá trị của chúng. Và Bà đã chọn  Huế là nơi giao lại, gửi gắm tấm lòng của người con Việt kiều xa xứ; Để Huế lưu giữ những bảo vật của lịch sử, của văn minh mình, cũng như những văn minh nhiều nơi Bà Cecile đã đặt chân đến. Để cho thế hệ hiện tại và mai sau có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, mỹ thuật của Việt Nam và các nước trên thế giới.

“Tôi muốn thành lập bảo tàng của mình tại Huế vì đây là thành phố có chiều sâu của nền văn hóa xưa, chứa đựng nhiều di sản tiêu biểu của triều Nguyễn nhất. Tôi rất hạnh phúc, sung sướng khi mang được nhiều hiện vật quý về Huế, đồng thời thấy mình như được giao cho “duyên phận” có trách nhiệm gìn giữ những hiện vật của người xưa. Mong muốn của tôi là dù không phải đi xa nhưng những người trẻ, học sinh, sinh viên ở Huế được chiêm ngưỡng những hiện vật được sưu tầm từ nhiều nơi trên thế giới, từ đó, nuôi dưỡng niềm đam mê, trân trọng trong các em với di sản văn hóa, nhất là văn hóa Huế”. Bà Cecile Le Pham chia sẻ.

Kiến trúc:

Không gian trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham bao gồm bên trong tòa nhà 2 tầng và bên ngoài sân vườn với diện tích khoảng 400m2. Bảo tàng trưng bày và giới thiệu đến công chúng trong nước và bạn bè quốc tế những bộ sưu tập tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, mỹ thuật của Việt Nam và các nước trên thế giới.

Hiện vật pháp lam tinh xảo tại không gian trưng bày tầng 1 tại Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham

Không gian tầng 1 của Bảo tàng trưng bày chủ đề: Nghệ thuật pháp lam và Bộ sưu tập vật dụng trang trí của Việt Nam, Nhật Bản và Pháp. Nội dung trưng bày giới thiệu gần 200 hiện vật thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Pháp được chế tác vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, loại hình chủ yếu là đồ trang trí, đồ thờ, đồ gia dụng bằng các chất liệu đá, đồng, gỗ, giấy, vải, gốm sứ, pháp lam.. với kỹ thuật chế tác thủ công tinh xảo, có nhiều giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật đặc sắc.

Không gian nghệ thuật Phật giáo Á Đông tại Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham

Không gian tầng 2 trưng bày chủ đề: Nghệ thuật Phật giáo Á Đông -  những tiếp cận đa chiều. Đây là nội trưng bày chính của Bảo tàng; giới thiệu đến công chúng những tư liệu quý về lịch sử, văn hoá, mỹ thuật của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo. Với hơn 100 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Phật giáo và 1 số tư liệu Hán Nôm thời Nguyễn, phác họa bức tranh lịch sử nghệ thuật Phật giáo Việt Nam cùng với các nước Đông Nam Á và cả sự tiếp xúc, giao lưu với các nền văn hoá khác nhau từ Đông sang Tây, cho thấy nhiều phong cách đặc trưng và bản sắc nghệ thuật Phật giáo của nhiều quốc gia châu Á bằng những chất liệu đồng, bạc, ngọc, gỗ, gốm,.. thể hiện sự trường tồn và sức sống mãnh liệt của Phật giáo qua các giai đoạn. Các hiện vật cũng phản ánh vị trí đặc biệt của Phật giáo đối với đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Huế.

Giá trị nghệ thuật:

Nằm trọn trong khuôn viên của khách sạn Le Domaine de Cocodo (53 Hàm Nghi, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế), Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham sở hữu một không gian đẹp, rộng rãi (2.000m2) và khá đặc biệt nằm ở khoảng giữa con đường mang tên vị Hoàng đế yêu nước: Hàm Nghi. Bảo tàng mở cửa với hy vọng sẽ là điểm đến văn hoá độc đáo và hấp dẫn để công chúng trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá lịch sử văn hóa, quá trình giao lưu văn hoá Đông - Tây và tương tác, trải nghiệm các hoạt động liên quan đến văn hóa- nghệ thuật, những hoạt động phát triển thẩm mỹ, hội họa cho học sinh, sinh viên. 

Bản đồ:
Ảnh: Bảo Minh