menu_open
Bảo tàng gốm cổ sông Hương
Xem cỡ chữ:
Được cấp phép hoạt động từ ngày 09/12/2021 theo Quyết định số 3217/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 17/4/2022, Bảo tàng gốm cổ sông Hương chính thức mở cửa đón khách tham quan tại số 120 Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, thành phố Huế. Đây là bảo tàng ngoài công lập thứ 3 ở tỉnh Thừa Thiên Huế, sau Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (thành lập năm 2012) và Bảo tàng Thêu XQ (thành lập năm 2016).
Địa chỉ: 120 Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, thành phố Huế

Bảo tàng Gốm cổ sông Hương

“Lan Viên Cố Tích”

 

“Lan Viên Cố Tích” là tên gọi cho nhà vườn Từ đường Thái tộc và Bảo tàng Gốm cổ sông Hương do Quỹ văn hóa Thái Kim Lan tài trợ.

Được cấp phép hoạt động từ ngày 09/12/2021 theo Quyết định số 3217/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 17/4/2022, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương chính thức mở cửa đón khách tham quan tại số 120 Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, thành phố Huế. Đây là bảo tàng ngoài công lập thứ 3 ở tỉnh Thừa Thiên Huế, sau Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (thành lập năm 2012) và Bảo tàng Thêu XQ (thành lập năm 2016).

NÉT ĐẶC TRƯNG

 

Bảo tàng Gốm cổ sông Hương tiền thân là không gian trưng bày gốm cổ sông Hương do GS.TS Thái Kim Lan và anh trai là cố họa sĩ Thái Nguyên Bá dày công gần 40 năm sưu tầm, cất giữ và có cả những cổ vật của cố nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan.

Đây là bảo tàng duy nhất trên cả nước trưng bày gốm được tìm thấy từ các dòng sông trong không gian địa lý hẹp (tỉnh Thừa Thiên Huế). Với diện tích khoảng 700m2, hiện nay, Bảo tàng có gần 5.000 hiện vật, trong đó phần lớn là gốm cổ được vớt từ dưới lòng sông Hương có nhiều niên đại, từ gốm Chàm, gốm Sa Huỳnh, Tiền sử, Sơ sử, Lê sơ... và cả những hiện vật gốm từng được sản xuất tại làng cổ Phước Tích, Mỹ Xuyên.

Trong lần ra mắt đầu tiên này, không gian chính của Bảo tàng là nơi trưng bày 108 hiện vật gốm tiêu biểu thời tiền Sa Huỳnh – Sa Huỳnh (cách nay 2.500 năm – 3.000 năm), thời Champa (thiên niên kỷ 1 đầu Công nguyên), thời Lý - Trần đến thời Nguyễn (thế kỷ 19 – 20) với chủ đề Sông Hương – nơi gặp gỡ các nền văn hóa.

Trưng bày nhiều nhất tại Bảo tàng là các vật dụng dùng trong đời sống hằng ngày như lu, hũ, bình, chén, bát bồng, bình vôi làm bằng các chất liệu khác nhau như đất nung, sành, gốm men... Niên đại của các hiện vật trong bảo tàng kéo dài từ thế kỷ 5 trước Công nguyên đến thế kỷ 20, trong đó các hiện vật gốm, sành thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17 – 18) chiếm số lượng nhiều nhất, là sản phẩm của các làng nghề gốm cổ truyền Phước Tích và Mỹ Xuyên.

Đây đều là những hiện vật từng gắn bó mật thiết và phản ánh cụ thể về đời sống sinh hoạt của cư dân qua các thời kỳ lịch sử; phản ánh quá trình giao lưu trao đổi giữa các vùng miền của Việt Nam và cả quá trình giao lưu quốc tế của cư dân Huế với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ NGHỆ THUẬT

 

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Anh Thư, cố vấn chuyên môn của Bảo tàng Gốm cổ sông Hương cho biết: “Ở Việt Nam, các hiện vật gốm được phát hiện ở các dòng sông rất nhiều, nhưng sau đó chúng bị phân tán đi khắp nơi và chưa có ai lập thành bảo tàng chuyên đề về gốm từ một vài dòng sông như ở đây. Người ta thường chỉ biết nhiều đến Huế giai đoạn từ sau thế kỷ 14 và nhất là triều Nguyễn, nhưng lịch sử vùng đất Huế còn dài và xa hơn thế. Những hiện vật gốm cổ trong bảo tàng này sẽ giúp nhiều nhà nghiên cứu hiểu hơn về đời sống của người dân bản địa sống trong chiều dài hàng ngàn năm lịch sử”.

Theo GS.TS. Thái Kim Lan, hàng nghìn hiện vật gốm sứ vớt từ dòng sông Hương đã tạo nên hình hài, phản chiếu được lịch sử của vùng đất. Những hiện vật ấy sẽ tự thân kể câu chuyện về nó, giúp chúng ta hiểu hơn giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất Cố đô.

GS.TS Thái Kim Lan chia sẻ thêm: Thời gian tới, Bảo tàng sẽ sử dụng những công nghệ trưng bày, thuyết minh hiện đại nhất như thuyết minh tự động, sử dụng QR code, bảo tàng ảo... để du khách có thể tự trải nghiệm, tự tìm hiểu những câu chuyện của các cổ vật đại diện cho những lớp trầm tích đáy sông. Đây cũng là cách để những người xây dựng Bảo tàng Gốm cổ sông Hương đưa những hiện vật mà mình đang có ra giới thiệu với thế giới, trên nền tảng số.

CHỈ DẪN THAM QUAN

 

Bảo tàng Gốm cổ sông Hương đi vào hoạt động sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách và cộng đồng người dân địa phương, là một thiết chế văn hóa để người dân tìm hiểu, trải nghiệm và tự hào về vùng đất của mình. Đó chính là nơi sông Hương kể câu chuyện về mình, về người Huế và lối sống Huế.

Sau Lễ ra mắt, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương sẽ tổ chức đón khách tham quan vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật từ ngày 17/4 - 17/8/2022.

Các ngày trong tuần, khách với số lượng từ 5 - 20 người có thể đặt trước lịch tham quan qua email để đảm bảo chương trình trải nghiệm tốt nhất. Sau thời gian này, du khách có thể đến tham quan tất cả các ngày trong tuần từ 8 giờ đến 17 giờ.

 
Video Youtube: