menu_open
Chùa Huyền Không
Xem cỡ chữ:
Chùa Huyền Không
Chùa Huyền Không trước đây ở Lăng Cô, Phú Lộc, dưới chân đèo Hải Vân được Hòa thượng Viên Minh và các sư đệ Tịnh Pháp, Trí Thâm, Tấn Căn,… xây dựng vào năm 1973. Do hoàn cảnh đổi thay, vào cuối năm 1978, chùa được dời về thôn Nham Biều, Hương Hồ, Tp Huế và tồn tại cho đến nay. Diện tích đất chuà khoảng gần 8.000 m2.
Chùa Huyền Không

Ðây là ngôi chùa Phật giáo Nam Tông khá nổi tiếng ở cố đô Huế từ cuối thập niên 1980. Từ trung tâm thành phố Huế, du khách ngược đường về hướng Tây Bắc, men theo dòng sông Hương hiền hòa, qua khỏi chùa Thiên Mụ khoảng hơn 2 km, gặp cầu Long Hồ rẽ tay phải theo biển hướng dẫn đặt ở đầu cầu đi vào một quảng là đến chùa.

Công trình đồ sộ, nguy nga nhất của chùa chính là ngôi bảo tháp Đại Giác cao 37 m, với bề rộng tầng đáy có hai chiều khác kích cỡ: chiều ngang dài 15 m, chiều dọc dài 9 m. Bảo tháp được khởi công xây dựng vào năm 2007, đến năm 2014 hoàn tất. Mùa hè năm 2015 tổ chức khánh thành. Đây là ngôi tháp mô phỏng theo bảo tháp Đại Giác (Mahābodhi Gāya) ở Ấn Độ có thu nhỏ kích cỡ cho phù hợp với không gian, mặt bằng. Một khu vườn cây trái và lối đi dạo khoảng 1.000 m2 làm hậu cảnh cho bảo tháp.

Nổi bật ở trung tâm cổng là dòng đại tự CHÙA HUYỀN KHÔNG màu vàng kim; chung quanh cũng được trang trí bằng họa tiết chim khổng tước và hoa sen. Bọc quanh thân cổng và các thân trụ tường thành hai bên cổng lại là một nhóm phù điêu chưa từng xuất hiện ở các công trình kiến trúc Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay. Nguồn gốc các họa tiết phù điêu này được các nghệ nhân “tham khảo” từ hệ thống hoa văn phù điêu của thánh địa Mỹ Sơn, Champa.

Sân chùa hiện nay được lát gạch men Quảng Ninh, rộng, thoáng mát có mái che để đáp ứng nhu cầu các khóa tu học mùa hè, khóa xuất gia gieo duyên mỗi năm tổ chức mấy lần. Ở đây nhìn vào điện Phật, một bức hoành phi gỗ sơn son thếp vàng hiện rõ mồn một trên vách tường, điêu khắc nổi hàng chữ Pāli: ABHISUÑÑĀRĀMĀ. Ngôi chánh điện có diện tích 12m x 24m, đỉnh tiền đường cao khoảng 11 m, đỉnh bái đường cao 9,5 m, lợp ngói măng âm – dương đất nung Bình Định ; hệ thống cột, vi kèo, bán kèo, xuyên, xà bằng bê-tông giả gỗ, đường nét mạnh mà không thô; mái đao bốn góc trên mái tiền đường, bái đường không có con giống long, phụng như nhiều ngôi chùa ở Huế, mà chỉ là điểm hòa quyện giữa linh vật truyền thống với dây lá, thể hiện được nét trầm hùng và uy nghiêm của khối kiến trúc về tổng quan. 

Trong chánh điện, tại vị trí trung tâm, tôn trí duy nhất một pho tượng Phật Thích Ca bằng ciment, sơn màu vỏ trứng sẫm, vẻ mặt thanh thoát và từ ái, tay phải đưa lên, tay trái đặt trên lòng bàn chân – với tư thế này Ðức Phật như đang đàm đạo cùng các đệ tử. Dáng dấp tượng có đường nét tương tự mô típ tượng của các xứ Phật giáo Nam tông nhưng tính dân tộc và nhân bản được thể hiện rất cao. Bảo tượng cao 1,54m, đặt trên toà sen cao 1,5m. Một bảo lan bằng bê tông giả gỗ phân cách phần thờ phụng và lễ bái của Phật tử tạo nên một không gian trang nghiêm, tôn kính. Chánh điện trang trí đơn giản, thanh tịnh và trong sáng. Phật tử vào lễ Phật trong khung cảnh đó sẽ cảm thấy tâm hồn mình thảnh thơi, lắng dịu. Khi nghe lời kinh của chư Tăng lại càng hoan hỷ hơn, vì âm điệu kinh Pāli vang vọng nhẹ nhàng, trầm bỗng ngân nga như tiếng sóng biển dội vào bờ từng đợt, từng đợt.

Bên phải sân Phật điện là khu vườn cảnh bố cục tự nhiên có tên là Thanh Tâm viên. Trên mấy đồi cỏ lúp xúp có năm ba gốc dương liễu cổ kính, xương xẩu, tàn lá xanh rì, mấy bụi sim dại và dăm bảy cụm lạc thạch nằm rải rác theo lối mòn lát đá chạy quanh co. Một mái lương đình ngói đỏ thấp thoáng sau mấy gốc hoa sứ lão trượng, cội thiên tuế tuổi tác gần thế kỷ, cặp thạch đăng xứ Phù Tang xa xôi – biểu tượng thanh kiếm, chiếc khiên của một võ tướng samurai qui phục cửa Thiền đang ngày đêm nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước của Hàm Nguyệt Trì.


Cũng bên hữu Phật điện nhưng vào sâu hơn một chút là một kiến trúc nhỏ thu hút sự chú ý của khách thập phương có tên gọi Yên Hà Các. Vẻ đẹp của toà nhà này nằm ở các điểm: đường nét nhẹ nhàng, uyển chuyển; nhiều tầng mái; kết hợp nhuần nhuyễn hai loại vật liệu: bê tông và gỗ, mà đỉnh cao là các bộ cửa gỗ nhiều kiểu cách trang trí. Công trình này được xây dựng vào các năm 1999 – 2000, thay thế cho toà gác gỗ, mái tranh, vách nứa giàu tính nghệ thuật dân gian đã hư hỏng nhiều sau 15 năm tồn tại. Đây là nơi ở, làm việc của Hòa thượng Chủ trì. Phía sau Yên Hà Các là Pháp đường & Tăng xá, một khối nhà 4 tầng vừa được xây dựng xong vào cuối năm 2020 dùng để tổ chức giảng dạy Phật học cho Tăng Ni, Phật tử và chỗ lưu trú cho chư Tăng khi chùa tổ chức các sự kiện.

Bên trái điện Phật, phía ngoài cùng là gác chuông 2 tầng. Tầng trệt để trống, chỉ có tấm bia đá ghi lại quá trình hình thành, xây dựng chùa Huyền Không từ lúc ở Lăng Cô, Phú Lộc chuyển về địa phương này vào cuối năm 1978 đến khi hoàn thành ngôi Tăng xá đầu tiên vào đầu năm 2004. Đại hồng chung có trọng lượng 1 tấn được đặt ở tầng trên. Trên vách tường gắn tấm bia đá điêu khắc mấy bài thơ của vị thí chủ cúng dường tịnh tài kiến tạo là nữ thi sĩ Thân Thị Ngọc Quế, tức lão ni Tâm Mãn. Nối tiếp gác chuông là dãy Tăng xá hai tầng được xây dựng vào các năm 2003-2004. Phía sau Tăng xá, ở tầng trệt là nhà bếp. 

Ngoài các kiến trúc quan trọng trên, trước cổng chùa, bên kia con đường làng là khu vực dành cho cư sĩ Phật tử. Trên khu đất này hiện có một dãy nhà dùng làm Trung tâm Anh ngữ dạy miễn phí cho học sinh địa phương, một dãy nhà làm nơi lưu trú cho Phật tử nữ khi chùa có lễ hoặc mở các khóa tu học, một dãy nhà dành cho các tịnh nhân, Phật tử nữ khi đến chùa làm công quả nghỉ lại và hai khu vệ sinh chung.
Khu vực dành cho Ni chúng tu học tách biệt hẳn với cơ sở chính. Phải đi bộ mất 15-20′ – tính theo đường chim bay khoảng 500 m. Trên mảnh đất gần 2.500 m2 này hiện nay mới xây dựng một khối nhà hai tầng dài 40 m, rộng 16 m và một bể nước lớn để phục vụ sinh hoạt của đại chúng. 

Chùa Huyền Không là văn phòng của Phật giáo Nam tông Thừa Thiên Huế từ năm 1998, lúc Trưởng lão Hòa thượng Hộ Nhẫn được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cung thỉnh Ngài xuất quan đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN kiêm Tăng trưởng Phật giáo Nam tông Việt Nam. Chùa đã trải qua những đời Chủ trì như:
– Hòa thượng Viên Minh (1973-1975)
– Hòa thượng Giới Ðức (1975-1989)
– Hòa thượng Pháp Tông (1989 tới nay) 


Các bài khác