Kèo gãy, dân làng An Cựu phải chống sập nóc mái bằng hai ống sắt
Nhiều cái thiếu
Trò chuyện với những người dành nhiều tâm huyết cho di tích, điều họ trăn trở nhất là ý thức, thái độ ứng xử của người dân, chính quyền địa phương với di tích, khi ở nhiều nơi, công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị của di tích chưa được coi trọng. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH,TT&DL cho rằng, nhiều nơi, chính quyền địa phương hào hứng, tích cực lập hồ sơ để di tích được công nhận, tổ chức đón bằng rất trang trọng. Nhưng sau đó lại lãng quên trách nhiệm, bỏ bê di tích và giao khoán lại cho Nhà nước mà thiếu quản lý, kiểm tra, chăm sóc dẫn đến tình trạng di tích bị hư hại, xâm phạm.
Di tích sau khi được xếp hạng đều có Ban quản lý (BQL). Tuy nhiên, đa số BQL di tích hoạt động không hiệu quả. Một số di tích dù được xếp hạng đã lâu nhưng vẫn chưa kiện toàn BQL, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách văn xã của phường, xã (thường làm trưởng ban) thay đổi. BQL nhiều di tích cũng không có quy chế hoạt động nên các thành viên không rõ được trách nhiệm của mình. Một cán bộ công tác lâu năm trong ngành văn hóa than phiền: “Cũng bởi các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương thiếu sự kiểm tra, giám sát, không xử lý kiên quyết các trường hợp xâm phạm, đôi khi “đánh trống bỏ dùi” nên di tích bị lấn chiếm, xuống cấp”.
Hơn nữa, khi phân cấp quản lý, đội ngũ làm di tích của các huyện, thị còn yếu vì thiếu người; kiến thức, chuyên môn cũng hạn chế. Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng thẳng thắn: “Chúng ta thiếu một hệ thống quản lý của chính quyền, thiếu một hành lang pháp lý chặt chẽ, thiếu một con người chủ thể để bảo vệ di tích nên người dân mới lấn chiếm, xâm hại di tích. Trước mắt, chúng ta khoan trách người dân mà phải trách bộ máy chúng ta thiếu năng lực, thiếu nhiệt tình, vô cảm”.
Khó kinh phí, khó thủ tục
Thiếu kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích là bài toán chưa có lời giải từ nhiều năm nay. Ông Phan Tiến Dũng cho biết: “Chúng ta tự hào có nhiều di tích nhưng cũng phải nhìn nhận, điều kiện để bảo tồn các di tích đó hiện rất khó khăn do thiếu kinh phí. Số lượng di tích lớn nhưng kinh phí trùng tu, sửa chữa, chống xuống cấp hàng năm lại quá khiêm tốn: chưa đến 5 tỷ đồng. Trong khi đó, một công trình tu bổ di tích cần hàng chục tỷ đồng. Với di tích cấp tỉnh lại càng khó khăn hơn nhiều. Mỗi năm, di tích cấp tỉnh cần 5 - 7 tỷ đồng để tu bổ, nhưng khả năng của tỉnh và địa phương chỉ khoảng 1 tỷ đồng”.
Không có kinh phí, việc đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích dàn trải, thiếu trọng điểm nên hiệu quả không cao. Ông Cao Huy Hùng cho rằng: Rất khó để trùng tu, tôn tạo di tích với nguồn kinh phí nhỏ giọt như muối bỏ biển. Nguồn đầu tư quá ít nên việc trùng tu chủ yếu mang tính chống đỡ, chống xuống cấp và tu bổ cấp thiết. Không phải tỉnh không quan tâm nhưng “lực bất tòng tâm.
Một trở lực nữa là, quy trình, thủ tục để thực hiện việc tu bổ di tích quá phức tạp, mất thời gian làm cho nhiều người nản lòng. Với di tích cấp quốc gia thì càng rắc rối khi phải báo cáo từ xã lên huyện, tỉnh, bộ và quy trình trả lời tuần tự theo chiều ngược lại. Ông Phan Tiến Dũng cho biết: “Theo Nghị định 15, Thông tư 10, tất cả mọi đồ án, thiết kế phải được Bộ Xây dựng duyệt, đơn vị này nhờ Bộ VH,TT&DL thẩm định trước khi có ý kiến trả lời cho các địa phương. Muốn trùng tu, sửa chữa phải ra Bộ xin phép nhưng di tích trên cả nước quá nhiều nên phải chờ. Mà người dân mấy ai có đủ kinh phí để đi ra bộ xin phép, ra ngoài cũng lớ ngớ chẳng biết gặp ai. Vì thế, đã xảy ra tình trạng làm liều, làm ẩu do không có điều kiện xin phép”.
Cái tâm và tấm lòng
Theo ông Cao Huy Hùng, để quản lý đất đai của di tích theo Luật Di sản và tránh bị xâm hại, di tích phải được trang bị đầy đủ các cơ sở về mặt pháp lý: cắm mốc, cấp bìa đỏ, có người trông coi bảo vệ… Khi khoanh vùng bảo vệ di tích, phải tiến hành cắm mốc khu vực 1, khu vực 2 và xây dựng hệ thống hàng rào, tường thành ngăn cách để bảo vệ di tích khỏi sự xâm lấn. Thứ nữa, đơn vị quản lý cần công bố quy hoạch khoanh vùng tại di tích để người dân sở tại biết và tham gia vào việc giữ gìn, bảo vệ. Sau khi di tích được xếp hạng, phải kiện toàn BQL, xây dựng quy chế hoạt động.
Nhiều người làm công tác văn hóa phản ánh, công tác tuyên truyền chưa tích cực, đầy đủ nên người dân chưa hiểu được giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích. Vì quyền lợi, ngay cả những người được giao nhiệm vụ cai quản lại là người xâm phạm di tích. Tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng là việc cần thiết, để những người sống trong vùng di tích hiểu rõ giá trị, ý nghĩa của di tích và tự hào về nó. Từ đó, họ có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ, phát huy, tu bổ và tôn tạo cũng như đấu tranh ngăn chặn các trường hợp xâm hại di tích. Việc này không chỉ làm trong ngày một, ngày hai mà cần “mưa dầm thấm đất”, bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau.
Cách tốt nhất để bảo tồn di tích trong điều kiện khó khăn về kinh phí là xã hội hóa công tác trùng tu, huy động sự đóng góp của Nhân dân, các tổ chức được pháp luật cho phép. Nguồn vốn để trùng tu di tích cần sự hỗ trợ bằng nhiều nguồn khác nhau: ngân sách Nhà nước, nguồn lực của địa phương, nguồn xã hội hóa của người dân trong và ngoài nước, sự tài trợ của các tổ chức quốc tế... Ông Phan Tiến Dũng cho rằng: “Tùy tình hình của mỗi di tích mà có chính sách huy động nguồn vốn phù hợp. Trong đó, chính quyền địa phương cần phát huy vai trò trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách”.
Trong công tác trùng tu, bảo vệ di tích, phải làm đúng quy định của Nhà nước, nếu không sẽ làm mới di tích. Tuy nhiên, thủ tục hồ sơ cần tránh bớt phiền hà, nhiêu khê, ông Hùng đề nghị: “Với di tích cấp quốc gia, Bộ VH,TT&DL nên linh động ủy quyền, phân cấp cho tỉnh xử lý những dự án tu sửa nhỏ và cấp thiết”.
Ông Phan Tiến Dũng trăn trở: “Là người làm công tác văn hóa lâu năm, tôi rất băn khoăn, lo lắng khi nhìn nhiều di tích xuống cấp, mai một. Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều di tích có giá trị cao về nghệ thuật, mỹ thuật, nếu không kịp thời tu bổ, đôi khi những di tích ấy không thể chờ nổi”. Quá trình bảo vệ di tích không hề đơn giản mà là hành trình dài cần sự vào cuộc, chung tay của cả xã hội. Ngoài kinh phí, cần cả cái tâm và tấm lòng dành cho di tích.
Kèo gãy, dân làng An Cựu phải chống sập nóc mái bằng hai ống sắt
>> Di tích kêu cứu - Kỳ 1: Nguy cơ thành phế tích