Mô phỏng cấu trúc của Nhà Rường xứ Huế
Nói đến kiến trúc nhà Huế xưa, người ta thường nghĩ ngay đến nhà rường. Là vì trên mảnh đất Cố đô xưa, vua chúa ở nhà rường, hoàng thân quốc thích ở nhà rường, quan lại, người giàu có ở nhà rường, ông bà tổ tiên, con cháu ở nhà rường thậm chí, trong cõi tâm linh người Huế, ma quỷ cũng ở nhà rường. Có nghĩa rằng, nhà rường là một phần quan trọng không tách rời làm nên nét riêng của văn hóa Huế.
Đây là một loại kiến trúc cổ, ra đời vào khoảng thế kỷ XVII, dưới triều đại phong kiến Việt Nam.Rường là cách gọi rút ngắn của rường cột. Nhà rường là loại nhà có hệ thống cột kèo gỗ, được dựng lên theo những quy cách nhất định, thường kiến trúc theo hình chữ đinh, chữ khẩu, chữ công hoặc nội công ngoại quốc. Dù to lớn đến đâu, nhà rường cũng được kết cấu hoàn toàn bằng hệ thống chốt và mộng gỗ, để có thể lắp ráp và tháo gỡ dễ dàng.
Nhà rường Huế thường có 5 gian, gồm 3 gian chính và 2 gian phụ thường được gọi là chái. Số gian trong nhà được phân định bằng các hàng cột. Đa số các cột trong nhà rường đều được kê một tảng đá phẳng, do vậy cột ít bị ẩm mốc.
Trong ba gian nhà, người ta chỉ ở hai gian và hai chái, gian giữa thường được dùng để thờ gia tiên.
Để tránh ảnh hưởng của mưa bão và không vượt quá chiều cao của cung điện theo quy định vua ban, nhà ở Huế được làm khá thấp, mái nhà có độ dốc lớn để thoát nước mưa. Đặc biệt, sự độc đáo và tinh túy nhất của những ngôi nhà rường Huế chính là những nét chạm trổ công phu, cầu kỳ… Các hình mây cuộn, hoa lá hoặc đường diềm trang trí được khắc từng nét nhỏ rất tinh vi chạy dọc theo các đòn ngang nhỏ.
Nhà rường Huế xưa được xây dựng kính cẩn, trang nghiêm, ấm cúng. Xen vào đấy là vài nét phong lưu đặc thù của chốn kinh đô. Kiến trúc nhà rường Huế xưa hiện tồn tại nhiều nơi trong thành phố, được đánh giá cao về mặt văn hóa, lịch sử và mỹ thuật. Những ngôi nhà Rường thường bao giờ cũng được đặt trong một không gian thoáng rộng, gắn bó mật thiết với môi trường tự nhiên tạo nên một loại hình kiến trúc độc đáo, mang đậm bản sắc Huế đó là kiến trúc nhà vườn.
Huế được xem là một thành phố vườn, cả thành phố là một công viên vĩ đại, ở đâu cũng thấy được một màu xanh mát dịu của song, hồ, đồi núi, cỏ cây. Một số nghiên cứu cho rằng kiến trúc của nhà vườn Huế chính là không gian thu gọn của cô đố Huế. Những ngôi nhà rường nằm yên lặng, cổ kính và thanh tao như điểm nhấn nổi bật giữa nhà vườn xứ Huế. Có thể nói nhà vườn chính là kiến trúc phong thủy thu nhỏ của kinh thành Huế xưa kia. Nhà vườn Huế được xem là một tác phẩm nghệ thuật hài hoà giữa thiên nhiên và đời sống con người.Qua đó còn thể hiện tâm hồn và phong cách sống của người dân Huế “ Đơn sơ mà văn vẻ, mộc mạc mà ý vị”.
Ngày nay, nhà Rường ở Huế còn lại không nhiều và mỗi ngôi nhà thật sự là một công trình nghệ thuật độc đáo.Nhà rường Huế là tài sản không những của chủ nhân ngôi nhà, của Huế mà là của cả dân tộc. Nó không chỉ có giá trị có giá trị về mặt vật chất mà còn có giá trị rất về mặt tinh thần, là một phần tinh hoa cần phải gìn giữ bảo tồn để ngoài sông Hương, núi Ngự, còn có nét gì nhớ về Huế xưa.
Cùng Khám phá Việt Nam đi tìm những giải thích khoa học và thú vị về nhà Rường với những danh thắng thơ mộng mơ này.
>> Người mang nhà rường Huế đến gần giới trẻ
>> Gặp nghệ nhân nhà rường Lê KimTân
>> An Hiên - Chốn bình yên