Nhà nghiên cứu (NNC) Phan Thuận An cho rằng: “Đó là mong ước hơn 20 năm nay của người dân Huế”. Ông nói thêm:
Cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương hiện nay là kết quả cuộc đại tu kéo dài từ năm 1991-1995, do Công ty Cầu 1 Thăng Long thực hiện. Theo NNC Phan Thuận An, cuộc đại trùng tu này rất cần thiết, nhưng khi hoàn thành đã có rất nhiều ý kiến.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An. Ảnh: Lê Thọ
Nhiều sử sách cho biết, cầu được xây dựng từ năm 1897, đến năm 1899 hoàn tất. Thiết kế ban đầu thì cả 2 lề đường dành cho người đi bộ và lan can đều nằm bên trong các vài, chứ không nằm bên ngoài như chúng ta thấy ở cầu Trường Tiền ngày nay. Sàn cầu được lát bằng gỗ. Năm 1904, một trận bão lớn “thổi” qua Huế khoảng 25 phút nhưng sức tàn phá ghê gớm đã phá mất 4 vài của cầu Trường Tiền. Hai năm sau, vua Thành Thái cho làm lại. Lúc này, sàn cầu không lát ván nữa mà được bê tông hóa, còn lan can và lối đi bộ vẫn như cũ.
Cho đến năm 1937, cầu xuống cấp nghiêm trọng nên chính quyền bấy giờ đã “đại gia trùng tu”. Lần này, lối đi bộ được đưa ra ngoài các vài, đồng thời chia thành 2 cấp, cấp thấp dành cho xe đạp, phần lề cao hơn để dành cho người đi bộ. Chính năm này, cầu Trường Tiền được xây dựng thêm 10 bao lơn hình nửa lục giác nhô ra sông, đoạn các vài nối nhau, vừa làm điểm dừng chân ngắm cảnh, hóng mát vừa tạo sự mềm mại, duyên dáng cho cây cầu.
Nữ sinh Đồng Khánh bước qua bao lơn trên cầu Trường Tiền. Ảnh: Tư liệu
Từ đó đến năm 1975, cầu Trường Tiền bị đánh sập 2 lần (do chiến tranh) và được cải tạo tạm thời để phục vụ nhu cầu đương thời. Năm 1991, chính quyền Thừa Thiên Huế mới cho phục hồi lại cầu Trường Tiền - là cây cầu chúng ta đang thấy hôm nay.
Ông có thể chia sẻ về những ý kiến phản hồi sau đợt phục hồi này?
Trước tiên, đó là địa danh “Trường Tiền” bị đổi thành “Tràng Tiền”. Sau khi dư luận xôn xao thì bảng tên được thay, nhưng tên ở bảng nhỏ thì vẫn còn. “Tràng” đọc theo cách của người miền Bắc, trong khi phương ngữ của người dân Huế chỉ quen với chữ “Trường” - tên của đơn vị đúc tiền thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Hiện nay, ở một bảng nhỏ trên cầu vẫn còn chữ “Tràng Tiền”, theo tôi, phải thay đổi điều này bởi ngôn ngữ địa phương cần phải được tôn trọng. Thứ hai là hệ thống bao lơn bị mất. Thứ ba, lòng cầu mỗi bên có thêm gờ bêtông nâng hai ống thép lớn, chạy suốt chiều dài của cầu. Kết cấu kỹ thuật này vừa làm cầu thêm chật, vừa giảm đi sự mềm mại. Chính những điều này làm cầu Trường Tiền giảm đi những giá trị vốn có.
Ông có bất ngờ khi tiếp cận thông tin về việc UBND tỉnh sẽ trùng tu cầu Trường Tiền theo hướng phục hồi hệ thống bao lơn?
Tôi không bất ngờ vì trước đó đoàn khảo sát của Cục Đường bộ 2 có đến gặp và tham khảo ý kiến của tôi về việc sửa chữa cầu Phú Xuân và cầu Trường Tiền. Cả hai cây cầu này trước đây đều do hãng Eiffel (Pháp) thiết kế, khởi công xây dựng và “đại gia trùng tu”. Nếu cầu Phú Xuân chỉ là vấn đề kỹ thuật thì cầu Trường Tiền là vấn đề văn hóa. Tôi đã giới thiệu với họ nhiều ảnh chụp tư liệu cầu Trường Tiền qua các thời kỳ và họ rất quý.
Nếu có ý kiến cho rằng hệ thống bao lơn được phục hồi, trong điều kiện hiện nay có thể ảnh hưởng đến trật tự giao thông trên cầu...?
Cầu Trường Tiền trong sương. Ảnh: Khánh Đăng
Nói như vậy là chưa hợp lý. Bao lơn mở ra có chức năng để khách bộ hành nghỉ chân, đứng ngắm cảnh, chụp hình, tâm sự…, không có vấn đề gì gây trở ngại. Còn nếu lo lắng quá, chính quyền có thể can thiệp bằng cách giảm tải giao thông. Cầu Trường Tiền còn là một sản phẩm văn hóa, bắc qua một dòng sông văn hóa, vậy nên không có lý do gì để thay đổi diện mạo của nó. Tôi ủng hộ hoàn toàn chủ trương này. Nếu chính quyền làm được như thế thì đó là điều rất tốt, không chỉ thỏa mãn niềm mong mỏi của những người nghiên cứu, mà còn hợp lòng của đông đảo người dân Huế hơn 20 năm nay. Bao thế hệ người dân Huế lớn lên đã quen với hình ảnh rất dễ thương, rất văn hóa của những bao lơn hai bên cầu Trường Tiền.
Ngoài hệ thống bao lơn, theo ông còn chi tiết nào từng gắn với vẻ đẹp khó so sánh của cầu Trường Tiền nhưng nay không còn?
Đó là màu sơn. Theo tôi nên sơn lại màu dụ bạc cho cầu Trường Tiền. Màu sơn có lẫn ánh bạc này đã gắn với cầu Trường Tiền từ trước năm 1975. Nhờ nó, từ xa nhìn về Trường Tiền, thấy cây cầu sáng và nổi bật trên nền xanh của nước sông Hương. Vấn đề này rất nhiều người có cùng ý kiến, không riêng gì bản thân tôi.
Tôi cũng giống như nhiều thế hệ người Huế rất muốn tìm lại những hình ảnh đã từng có – những hình ảnh về một cây cầu Trường Tiền dễ thương, khó quên trong những năm tháng mình đã từng sống và gắn bó. Nếu việc phục hồi này thành công, chúng tôi xem như một bảo vật của Huế đã được tìm lại vậy.
Theo ông, Thừa Thiên Huế sẽ gặp khó khăn gì nếu thực hiện vấn đề này đến cùng?
Tôi thấy chẳng có khó khăn nào đáng kể. Hình dáng và kết cấu kỹ thuật đã thấy rất rõ trong các hình ảnh tư liệu. Qua trao đổi với đoàn khảo sát của Cục đường bộ, kỹ thuật cũng không phải là việc khó. Có chăng, chỉ khó về vấn đề tài chính để thực hiện. Nhưng tôi nghĩ, nếu quyết tâm thì Thừa Thiên Huế chưa đến nỗi không đủ kinh phí để phục hồi, trùng tu cầu Trường Tiền – một trong những công trình văn hóa đã trở thành biểu tượng của Cố đô.
Xin cảm ơn ông!
"Cầu Trường Tiền là một bản sắc, một tâm hồn Huế. Với Huế thì không thể không ngắm nhìn sông Hương khi qua cầu Trường Tiền. Vì vậy, cầu nào không có điểm dừng cũng được, nhưng cầu Trường Tiền thì phải có. Những điểm dừng ấy chính là nội tâm, là cảm thức, là giá trị nhân văn… Tất cả không chỉ dành cho riêng Huế mà còn dành cho bất cứ ai đến Huế"
- PGS.TS Phan Thanh Bình – Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế-
|
ĐỒNG VĂN (Thực hiện)