menu_open
Sắc màu chiếc lọng cung đình Huế
Xem cỡ chữ:
Lọng là sản phẩm độc đáo được dùng để tôn vinh sự trang trọng, quý phái trong các nghi lễ của triều đình xưa, cũng như trong các lễ nghi cúng tế mang đậm tín ngưỡng dân gian. Từ đám rước thần linh, đám tang, lễ cưới, hỏi… đều có sự hiện diện của chiếc lọng.

Trong ngày vui của đôi uyên ương, dù gia chủ có tổ chức hoành tráng đến cỡ nào nhưng nếu thiếu cặp lọng thì sẽ kém đi phần trang trọng, tôn nghiêm. Lọng còn được trưng bày thờ phụng trong các chùa, đình làng, nhà thờ họ.

Huế là vùng đất giàu tín ngưỡng dân gian, coi trọng tính thiêng liêng, luôn đề cao sự uy nghi, tôn nghiêm của lễ hội cung đình. Chính vì vậy, nghề làm lọng đang phát triển khá mạnh ở đây.

Những ngày cuối thu, chúng tôi được “mục sở thị” một cơ sở làm lọng nổi tiếng ở Huế, của ông Hoàng Ngọc Tuyên ở phố Bùi Thị Xuân, TP.Huế. Ở đây có khoảng 15 nghệ nhân hành nghề thường xuyên, cùng phối hợp thực hiện các công đoạn sơ chế tre, cưa, uốn, khoan, chẻ, vót, phơi, sấy, vệ sinh, sơn… cho đến các khâu đòi hỏi sự khéo léo, tính nghệ thuật cao như lắp ghép, thắt, khâu, chạm trổ rồng phụng, tra cán. 

Ông Tuyên - chủ cơ sở Tre mỹ nghệ Ngọc Tuyên cho biết: Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, hiện nay cơ sở làm lọng của ông ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng ở trong Nam, ngoài Bắc.

Khi tuổi đã vượt ngưỡng “xưa nay hiếm”, ông Tuyên cùng các cộng sự cảm thấy tự hào vì đã góp phần tô điểm, tôn vinh các lễ hội trên khắp mọi miền đất nước thêm phần rực rỡ, trang nghiêm…



Sườn lọng làm bằng thân cây lồ ô được tuyển chọn từ rừng già.


Công đoạn vào tua lọng.


Lọng được mặc áo gấm có rồng bay phượng múa.


Một chiếc lọng đã được hoàn thiện.

Theo Dân Việt