menu_open
Hút khách đến Huế đã khó, giữ được khách còn khó hơn
Xem cỡ chữ:
Du khách tham quan chùa Thiên Mụ. Ảnh: Bảo Phước
Những tin vui, hứng khởi dồn dập đến với du lịch Huế những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Đầu tiên là việc Huế vinh dự được Taste Atlas – trang web hướng dẫn du lịch trực tuyến mang tính trải nghiệm về ẩm thực truyền - đánh giá, xếp hạng thứ 28 trong các thành phố có các món ăn ngon trên thế giới (Best Food Cities in the World).
Du khách tham quan chùa Thiên Mụ. Ảnh: Bảo Phước

Các món ăn được du khách đánh giá cao của ẩm thực Huế là bún bò Huế, bánh tráng mặn Việt Nam, bánh xèo Huế, thịt heo xay sả nướng, bún thịt nướng… Tiếp đến là hai món ăn cơm hến và mè xửng được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục châu Á năm 2023 - 2024. Tiếp nữa là Travel+Leisure - Tạp chí du lịch uy tín của Mỹ đề xuất Huế là một trong những điểm đến ở châu Á mà du khách không nên bỏ lỡ trong hành trình du lịch năm 2024. Đặc biệt, các chuyên gia Travel+Leisure cho rằng, Thừa Thiên Huế là điểm đến lý tưởng để thư giãn, tìm về quá khứ khi đi du lịch Việt Nam với rất nhiều gợi ý về các trải nghiệm, khám phá tại mảnh đất miền Hương Ngự.

Rồi Tripadvisor -  một trong những trang web du lịch lớn nhất thế giới, có khoảng 463 triệu lượt truy cập mỗi tháng vừa công bố danh sách 25 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2024. Trong đó Việt Nam có đến 5 địa danh, gồm: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Sa Pa (Lào Cai), Hà Nội, Huế (Thừa Thiên Huế) và Hội An (Quảng Nam). Và mới nhất, cùng với Vũng Tàu và Quy Nhơn, Huế lần nữa được vinh danh là Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2024, giải thưởng nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á, diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27/1 tại thủ đô Vientiane, Lào, nhằm góp phần tôn vinh, phát triển thương hiệu du lịch chất lượng cao trong khu vực.

Cùng xuất phát điểm phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19, nhưng có thể nói rằng trong năm 2023 và đầu năm 2024, chưa có tỉnh thành nào trong cả nước có nhiều tin vui mang đến nhiều hy vọng và hứng khởi như Huế.

Trong năm 2023, Thừa Thiên Huế đón khoảng gần 3,2 triệu lượt khách, trong đó đáng chú ý là khách quốc tế tăng mạnh, với gần 1,2 triệu lượt, đạt gần 445% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 6.605 tỷ đồng, đạt hơn 145% so với cùng kỳ năm trước. Đây là các con số rất ấn tượng so với mặt bằng chung. Và các con số này, sự kiến sẽ còn tăng trưởng vượt bậc trong năm 2024 này nhờ vào cơ hội quảng bá không thể tuyệt vời hơn từ các sự kiện đã dẫn.

Tiếp đến, như lời ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế là tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, truyền thông hình ảnh, sản phẩm du lịch địa phương; tham mưu cho chính quyền tỉnh các chính sách tạo điều kiện thuận lợi, vận động các doanh nghiệp du lịch địa phương có chính sách giá ưu đãi cho các hãng bay và đơn vị lữ hành đưa khách đến Thừa Thiên Huế. Hỗ trợ kết nối và quảng bá cho doanh nghiệp du lịch tỉnh xây dựng các sản phẩm mới, đặc biệt là du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE, du lịch làng nghề truyền thống và du lịch tâm linh để bổ trợ thêm cho du lịch di sản. Triển khai có hiệu quả hơn đề án Festival Bốn mùa nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế xuyên suốt cả năm…

Tuy vậy, du lịch Huế đang có nhiều tin vui nhưng cũng không thể… vui quá. Bởi thực tế cho thấy, du lịch Huế đã và đang đối diện với rất nhiều vấn đề có tính “truyền thống”. Ví như đã hơn 20 năm, nhưng du lịch Huế vẫn chưa thể nào có câu trả lời chấp nhận được cho câu hỏi: Làm sao để níu giữ được khách du lịch ở lại lâu hơn với Huế? Làm sao để số đêm lưu trú của du khách đến Huế thoát khỏi các con số có tính luẩn quẩn từ 1,5 đêm của những năm 2000 đến 1,8 đêm như của năm 2023 và chưa bao giờ vượt quá 2 đêm? Ví như Huế đang rất thiếu dịch vụ lưu trú cao cấp. Và gần chục năm nay, số khách sạn từ 3 - 5 sao tại Huế dường như không thay đổi. Và cả toàn thành phố hiện chỉ có 853 cơ sở lưu trú, với 13.176 phòng và 21.240 giường (trong đó chỉ có 205 khách sạn với 8.259 phòng và 13.819 giường). Đây là một con số quá ít ỏi so với quy mô, nhu cầu và cả tham vọng phát triển của du lịch Huế trong tương lai.

Trong thời buổi mà các địa phương cạnh tranh điểm đến khốc liệt như bây giờ, việc hút khách, đặc biệt là khách quốc tế đến Huế đã khó. Tuy nhiên việc níu giữ được chân du khách ở lại lâu hơn để tăng thêm nguồn thu hoặc quay trở lại lần nữa thì càng khó hơn bội lần.

Những tồn tại và hạn chế vừa kể, không phải là chuyện mới với du lịch Huế. Nên giải pháp, cũng đến lúc phải có sự mới lạ, đột biến cũng như tính cấp thiết thì may ra mới có sự thay đổi được như kỳ vọng.