Số liệu từ UBND tỉnh cho thấy, giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh đầu tư tu bổ, tôn tạo với tổng số vốn hơn 3.700 tỷ đồng cho hơn 100 công trình, di tích lịch sử, văn hóa. Đối với Quần thể di tích Cố đô Huế, đã tiến hành bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo hơn 170 công trình, hạng mục công trình. Trong giai đoạn này, cũng đã tiến hành tu bổ, tôn tạo 38 công trình di tích tại các huyện, thị xã và TP. Huế, với tổng kinh phí khoảng 49,87 tỷ đồng.
Đến nay, Thừa Thiên Huế có 10 nhóm hiện vật và hiện vật (gồm 35 hiện vật) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Các bảo vật quốc gia đang được các cơ quan liên quan xây dựng phương án bảo vệ, quản lý chặt chẽ để từng bước phát huy các giá trị.
Điểm qua những dữ liệu trên để cho thấy, từ góc độ áp dụng luật đã giúp việc bảo tồn các giá trị văn hóa di sản ở Huế thuận lợi hơn. Ngoài ra, kết quả của hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng được quan tâm.
Không phủ nhận việc thực tiễn hóa Luật Di sản văn hóa cùng với các văn bản hướng dẫn kèm theo, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, quá trình vận động, biến đổi không ngừng từ thực tiễn đã bộc lộ nhiều vấn đề mới phát sinh, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển cần sớm được xử lý hài hòa.
Trên bình diện quốc tế, di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam được UNESCO vinh danh là niềm vinh dự, tự hào của cả dân tộc. Tuy nhiên, để các tầng lớp nhân dân hiểu như thế nào cho chính xác, đúng đắn nhất về nội hàm di sản văn hóa thế giới thì vẫn chưa có khái niệm cụ thể. Ngoài ra, những bất cập liên quan đến việc khoanh vùng bảo vệ di tích, cùng với việc chưa có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện, đặc biệt đối với các hồ sơ di tích là di sản văn hóa thế giới đang gây ra trở lực lớn.
Thực tiễn cho thấy, nhiều khu di sản thế giới, di tích có diện tích, phạm vi rộng lớn đang nơi có hàng ngàn hộ dân sinh sống, ổn định qua nhiều thế hệ. Và, trong số đó không ít hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước thời điểm các cơ quan liên quan tiến hành khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới. Câu chuyện này rất rõ ràng khi nhìn từ Dự án di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế.
Hay như đối với công tác hồi hương cổ vật, chưa có một điều luật hay một văn bản dưới luật nào quy định và hướng dẫn cụ thể việc đưa cổ vật của Việt Nam về nước. Vì vậy, khi các tổ chức, cá nhân muốn đưa cổ vật hồi hương, phải đối diện với nhiều khó khăn; cùng với đó là những cơ chế, chính sách vẫn còn thiếu khiến thách thức càng gấp bội.
Những dẫn chứng trên chỉ là các ví dụ cụ thể trong nhiều nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với Luật Di sản văn hóa.
Được biết, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024). Mới đây, tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 6, dự thảo luật này cũng một lần nữa được thảo luận. Và, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đến câu chuyện ngành văn hóa, thể thao, du lịch, chính quyền các địa phương đang rất mong muốn dự án luật này được sửa đổi và có hiệu lực để trùng tu di tích lịch sử văn hóa ở địa phương, các di sản văn hóa để quản lý làm sao đi vào bài bản, khai thác được.
Thực vậy, đối với Thừa Thiên Huế, sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế nói riêng và di sản văn hóa quốc gia nói chung trong thời gian tới.