menu_open
Tịnh cư Cát Tường Quân
Xem cỡ chữ:
Tịnh cư Cát Tường Quân (Ảnh: @cattuongquan)
Nằm cạnh đồi thông Thiên An vi vu gió lộng, tịnh cư Cát Tường Quân mang nét tinh tế, sang trọng của xứ Huế kinh kỳ, lại hòa mình vào tổng thể thiên nhiên với cây xanh, rêu, đá, hoa, trái, nước... như một phần quan trọng làm nên sự hoàn chỉnh cho không gian kiến trúc, vừa trở thành không gian trải nghiệm hấp dẫn dành cho du khách.
Tịnh cư Cát Tường Quân (Ảnh: @cattuongquan)
Địa chỉ: Cư Chánh 1, Thủy Bằng, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế
Điện thoại:
Thời gian hoạt động: Cả ngày
Tình trạng: Đang hoạt động
Giới thiệu:

Cát Tường Quân là một trong những địa điểm nổi tiếng tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Không gian rộng rãi với diện tích 3.000 m2 yên bình cạnh đồi thông Thiên An đã hấp dẫn du khách ngay từ những bước chân đầu tiên, khi bước qua cánh cổng bằng gỗ và lối đi với hoa cỏ xanh mướt hai bên, thoảng trong gió thấy mùi hương hoa ngào ngạt dẫn lối.

Lịch sử hình thành:

Với mong muốn gìn giữ nguyên vẹn không gian truyền thống, những ngôi nhà rường của tịnh cư Cát Tường Quân cũng được đặt trong một không gian thoáng rộng, gắn bó mật thiết với cây cỏ, hồ nước, đồi núi xung quanh. Tịnh cư Cát Tường Quân được khai trương vào cuối năm 2013, từ đó trở thành điểm đến hấp dẫn trong chương trình du lịch văn hóa - tâm linh ở Huế, thu hút sự quan tâm và tìm hiểu của nhiều du khách quốc tế.

Nét đặc trưng:

Thiên An là tên của chính điện trong cung điện Vua Trần Nhân Tông. Thiên An còn là tên của quần thể đồi Thông đẹp nhất Huế. Tịnh cư Cát Tường Quân tọa lạc trong quần thể đồi Thiên An, ở một vị trí trước đồi Thông, sau đồi Thông, tả, hữu có hai biệt thự của láng giềng. Thầy địa lý gọi là “trước bình phong, sau bình phong, tả thanh long, hữu bạch hổ”. Có lẽ nhờ vậy vào mùa hè Tịnh cư Cát Tường Quân không hứng gió Lào, vào mùa bão ngọn lửa thắp trên bàn thờ Phật không bị chao.

Tại vườn Thanh Trà trong khuôn viên Tịnh cư Cát Tường Quân, ngày đặt đá khởi công có chôn hai viên gạch cổ thỉnh tại Hương thất Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong vườn Cấp Cô Độc (còn gọi là Tịnh Xá Kỳ Hoàn), đá trong động Ngài Xá Lợi Phất và Ngài A Nan thỉnh tại núi Linh Thứu, có cát sông Hằng (Ấn Độ); có đá Tháp Tổ Liễu Quán, đá chùa Thuyền Tôn và cát dưới gốc cây Bồ Đề chùa Từ Đàm (Việt Nam). Cũng trong vườn Tịnh cư Cát Tường Quân còn có tượng Đức nhị Tổ Huệ Khả với nụ cười hỷ xả, ban sự an vui cho chủ và khách.

Kiến trúc:

Tịnh cư Cát Tường Quân xây dựng theo hình chữ Khẩu (口), hướng Đông là nhà Thượng năm gian hai chái, gian giữa dành thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và tư tưởng “Cư trần lạc đạo” của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông; hướng Tây là ngôi nhà Thiền một gian hai chái, đây là nơi tập thiền, yoga, uống trà, tọa đàm; hướng Nam là nhà Thư viện ba gian hai chái, gian giữa trưng bức họa Đức Quán Thế Âm bằng bạc và tủ sách tiếng Việt - tiếng Anh với nhiều danh mục: kinh điển Phật giáo, thiền, khoa học, chính trị, triết học, lịch sử, văn học…; hướng Bắc là Nhà ăn ba gian hai chái với nội thất hài hòa. Tất cả các ngôi nhà rường tại Tịnh cư Cát Tường Quân được chạm khắc tinh xảo, thanh thoát.

Theo bà Tạ Thị Ngọc Thảo, chủ nhân của Tịnh cư Cát Tường Quân, đây là một quần thể kiến trúc với bốn ngôi nhà rường đặc trưng của xứ Huế, được xây dựng theo hình chữ khẩu. Ngôi nhà hoàn toàn làm bằng gỗ, hòa với màu ngói rêu phong nổi bật giữa không gian xanh mát, toát ra vẻ sang trọng, quý phái vừa gần gũi, ấm cúng. Không chỉ là nơi che nắng, che mưa, ngôi nhà còn là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự hài hòa, tinh tế của nghệ nhân, với những nét chạm khắc mảnh dẻ mà công phu, từ các hình mây cuộn, hoa lá hay đường diềm trang trí được khắc từng nét nhỏ rất tinh vi chạy dọc theo các đòn ngang nhỏ hay họa tiết cách điệu trên các đòn theo đường nóc hoặc các góc mái. Những mảng chạm nổi tứ quý, bát bửu, hoa, lá và chữ thọ cách điệu theo lối phù trầm, chạm lộng hay có khi được khảm bằng xà cừ óng ả trở thành những bức tranh tuyệt đẹp hiện hữu trong ngôi nhà.

Ở mảnh đất Cố đô này, chỉ có cung vua và chùa chiền mới quy hoạch theo mô hình này, bởi thế, Tịnh cư Cát Tường Quân vừa mang vẻ sang trọng, quý phái của chốn cung đình, vừa toát lên vẻ thanh tịnh, cách xa cuộc sống xô bồ, ồn ã bên ngoài. Không gian tịnh cư Cát Tường Quân thấm đẫm triết lý Phật giáo cùng với sự tĩnh tại của thiền định. Ngay cạnh ngôi nhà Thượng, bức tượng Đức nhị Tổ Huệ Khả với nụ cười hỷ xả luôn khiến người đối diện thấy an lạc, hân hoan. Tại thư viện của Tịnh cư, bức họa Đức Quán Thế Âm bằng bạc do Nghệ nhân Nguyễn Hữu Nhơn, Tộc trưởng tộc Kim hoàn Huế chế tác nổi bật, bên những tủ sách tôn giáo, khoa học, chính trị, triết học, kinh tế, đến lịch sử, văn học... kinh điển. Một trong những không gian lắng đọng nhất để mỗi người có thể lắng nghe được trái tim mình chính là ngôi nhà Thiền - nơi mọi người tập thiền, yoga, thưởng trà, nghe kinh Phật, tọa đàm.

Hướng dẫn trải nghiệm:

Du khách đến đây không chỉ tìm hiểu về văn hóa, giá trị lịch sử, kiến trúc độc đáo trong không gian nhà rường truyền thống của Huế mà còn được tham gia tập thiền, yoga và tìm hiểu về khí công, cũng như có được những phút giây thư thái, tĩnh tại để hiểu về triết lý sâu sắc của Phật giáo, cũng như thấu tỏ đạo lý làm người.

Điều đặc biệt, du khách sẽ được chính chủ nhân của ngôi nhà, đó là bà Tạ Thị Ngọc Thảo, cùng những thành viên trong tịnh cư ân cần giới thiệu từng không gian nhỏ, ý nghĩa của từng sự vật hay cách để có thể tận hưởng mọi điều bình dị nhất ngay tại đây.

Mỗi sáng sớm, tiếng chim hót rộn ràng báo thức bình minh. Những cơn gió khiến cả đồi thông quanh nhà rì rào. Chủ nhân đã khéo léo sắp sẵn nhiều chiếc ghế nghỉ quanh vườn, để có thể lạc giữa vườn thanh trà ngát hương khi mùa hoa nở hay lặng lẽ đón nhận thứ hương thơm thoang thoảng của hoa mộc trong vườn nhà. Mỗi loài cây trong vườn đều rực rỡ dưới ánh mặt trời, truyền sức sống tới con người. Giữa thiên nhiên, ngôi nhà rường nằm yên lặng, cổ kính và thanh tao chốn về bình yên mà mỗi người đều ao ước được ngồi dưới mái hiên, thưởng thức ly trà thơm ngon cùng với mứt gừng Huế ấm nồng, rồi lặng lẽ ngắm nhìn vạn vật mà suy ngẫm về đạo và đời. Sau đó, du khách có thể cùng những thành viên trong tịnh cư chuẩn bị những bữa cơm chay tinh khiết, thưởng thức cái ngon, cái tinh tế trong lời ăn, tiếng nói của con người xứ kinh kỳ.

Chương trình Thiền tịnh cư Cát Tường Quân – Lăng Khải Định – Thánh tích Quan âm

Nếu bạn đang muốn tìm "nơi vắng vẻ" để quên đi bao muộn phiền lo âu trong cuộc sống, quên đi sự hối hả bộn bề thường nhật, để một lần sống với tâm hồn không vướng bận chút ưu tư, thì hành trình tâm linh này là sự lựa chọn hoàn hảo nhất. "Với không gian sống thanh bình, môi trường sống thanh sạch, phong cách sống thanh nhã" Cát Tường Quân là điểm đến của du lịch tâm linh ở Huế. Như chủ nhân của Tịnh cư này đã nói: "Khai mở đón khách chỉ nhằm một mục đích duy nhất - trợ duyên để khách quý tìm lại sự phúc lạc của thân và tâm".

Sau khi tâm hồn mình đã phẳng lặng với bài Thiền cùng gia chủ, chúng tôi đưa bạn đi thăm Ứng Lăng - lăng tẩm của vua Khải Định, vị vua thứ 12 của triều đình Nhà Nguyễn.

Hành trình tâm linh tiếp tục men theo con đường chạy dọc rừng thông, tiếng chim ca trong trẻo bên vách núi hòa với tiếng gió vi vu thổi. Bạn dừng chân bên Thánh tích Quan Thế Âm, người xưa kể rằng: nơi đây có hiện tượng tâm linh mầu nhiệm, dân gian thường gọi là chuyện linh ứng “Bồ Tát Quán Thế Âm báo mộng”, đem lại sự an lành cho cả quân lính và người dân trong vùng trong giai đoạn chiến tranh đánh phá ác liệt. Chính vì lẽ đó, ngày nay, đây được coi là điểm tâm linh tôn nghiêm, linh thiêng bậc nhất đất Cố Đô, cho khắp cư dân tìm về nơi an lạc, đảnh lễ.

Giá bao gồm:

* Phương tiện di chuyển: ô tô

* Thiền tĩnh tâm tại Cát Tường Quân

* Hướng dẫn viên như người bạn đồng hành

Giá không bao gồm:

* Vé tham quan Lăng Khải Định

* Thuế VAT

* Chi phí cá nhân ngoài chương trình

Lưu ý:

* Bắt đầu: 07h30

* Đưa đón tại khách sạn

* Khởi hành hằng ngày từ 02 khách trở lên

* Gía trên áp dụng cho ngày thường. Các dịp lễ, Tết tăng 30% trên giá thường.

Video Youtube:
Bản đồ:
Các bài khác