menu_open
Trò đến lớp, thầy vui!
Xem cỡ chữ:
Thầy giáo Hồ Xuân Hùng, giáo viên Trường tiểu học A Roàng cùng các học sinh
Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.
Thầy giáo Hồ Xuân Hùng, giáo viên Trường tiểu học A Roàng cùng các học sinh

Niềm vui giản dị

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ ly hôn, mẹ đi thêm bước nữa nên Hồ Văn Hào, học sinh lớp 4/1 Trường tiểu học A Roàng chán nản, tự ti. Những lúc bố đi rừng dài ngày, ở nhà một mình không ai nhắc nhở, Hào cũng nghỉ học. Mỗi lần thấy em nghỉ học vài ngày, thầy giáo Hồ Xuân Hùng lại đến nhà tìm gặp, nhờ ông bà, chú bác động viên cháu đến lớp.

Thầy Hùng kể, Hào là người dân tộc Tà Ôi, gia đình thuộc diện hộ nghèo ở thôn A Roàng 1. Cái ăn, cái mặc không bằng bạn bè nên em hay tự ti. Bố em cũng không biết chữ, quanh năm suốt tháng đi rừng làm lụng nên chưa quan tâm thấu đáo việc học của con. Anh trai của Hào bỏ học khi đang học cấp 2. Thấy Hào cũng có nguy cơ nghỉ học, thầy Hùng luôn nhắc nhở, động viên em đi học chuyên cần. “Trước khi bước vào năm học mới, con được nhà trường quan tâm tặng sách vở mới, tặng xe đạp nên rất vui. Con đã hứa với thầy giáo Hùng sẽ không nghỉ học nên từ đầu năm học tới giờ, con đi học đầy đủ”, Hào nói.


 Không gian đọc của học sinh Trường TH&THCS Hồng Thủy

Thầy giáo Hùng cũng là người Tà Ôi, sống trên địa bàn xã A Roàng. Đây là một thuận lợi để thầy làm công tác vận động học sinh ra lớp. Lớp do thầy Hùng làm chủ nhiệm có 2 học sinh có nguy cơ bỏ học nên cứ thấy các em vắng, thầy lại tức tốc đến nhà tìm hiểu lý do, tìm gặp phụ huynh nhờ nhắc nhở các em đi học. “Tôi cũng là người ở địa phương, có cùng tiếng nói, hiểu rõ phong tục tập quán của bà con nên việc vận động học sinh thuận lợi hơn so với các giáo viên khác. Tranh thủ buổi trưa hoặc buổi tối, tôi lại tìm đến nhà gặp phụ huynh phân tích cái lợi, cái hại, tỉ tê tâm sự để phụ huynh thông hiểu. Đi lần 1 chưa gặp thì đi lần 2, lần 3 đến khi nào gặp được thì thôi. May mắn là sau chia sẻ của giáo viên, phụ huynh thấy được việc học của con quan trọng nên công tác vận động gặp nhiều thuận lợi”, thầy giáo Hùng chia sẻ.

Nhà ở thị trấn A Lưới nhưng công tác ở Trường TH&THCS Hồng Thủy, mỗi ngày, thầy giáo Nguyễn Văn Hùng vượt quãng đường 40km để đến trường. Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo, cũng từng ấy thời gian, thầy vào từng thôn bản, đến từng nhà học sinh vận động các em ra lớp, đặc biệt là thời điểm sau hè và sau tết Nguyên đán. Vừa qua, thầy đã vận động 3-4 em đi học trở lại. Đây là những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, ba mẹ đi làm ăn xa, ở nhà với ông bà nên lơ là việc học.

Với những học sinh ở thôn bản xa, vào mùa thu hoạch ngô, lúa, sắn, các em nghỉ học dài ngày để phụ giúp gia đình. Thế nên, giáo viên cũng nắm rõ thời điểm để chủ động lên kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương, hội cha mẹ học sinh đến tận nhà vận động các em đi học trở lại. Trước thềm năm học mới, thầy Hùng cũng đến nhà những học sinh hay vắng để thông báo lịch tựu trường, phát sách giáo khoa để các em phấn khởi đi học. Cứ sau giờ dạy, ở lại trường buổi trưa, thầy giáo Hùng lại tranh thủ thời gian đến nhà tìm gặp phụ huynh. Phụ huynh đồng ý, học sinh hứa nhưng chỉ khi ngày mai đến lớp, thấy trò ngồi ngay ngắn trên bàn học, nỗi lòng người thầy giáo tận tâm ấy mới yên tâm.

Không để học sinh bỏ học vì nghèo

Trường TH&THCS Hồng Thủy có 1 cơ sở chính và 2 cơ sở lẻ. Địa bàn xã cách xa trung tâm huyện A Lưới, trải dài ở ven đồi và ven suối nên con đường đến trường của học sinh còn khó khăn. Đời sống người dân đa phần là nghèo và cận nghèo. Điều kiện học hành của học sinh Hồng Thủy dù được ngành giáo dục, nhà trường và các thầy cô giáo quan tâm những vẫn thiếu thốn. Nhiều học sinh ở xa trường, đi học rất vất vả. Cha mẹ cũng không có thời gian, điều kiện, phương tiện đưa đón thường xuyên.

Vất vả nhất là học sinh lớp 4, lớp 5. Ở cơ sở lẻ không có lớp 4, lớp 5, các em phải ra cơ sở chính học nên khá xa. Buổi sáng đi học, nhiều em mang theo cơm hoặc mì tôm, trưa ở lại trường. Năm học này, nhà trường kết nối với dự án nuôi em hỗ trợ cho mỗi em 2 gói mì tôm/ngày. Buổi trưa, thầy cô pha mì tôm cho học sinh ăn hoặc nấu thức ăn. Số tiền không nhiều, chỉ 7.000 đồng mỗi em nên chỉ có thể nấu thức ăn, cơm học sinh phải mang theo.

Ông Hồ Xuân Tài, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hồng Thủy cho biết, do đời sống khó khăn, trình độ dân trí của một bộ phận phụ huynh chưa cao, công tác vận động học sinh ra lớp của giáo viên cũng vất vả. Một số phụ huynh chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nên con đến độ tuổi lao động lại bắt con nghỉ học phụ giúp việc nhà. Đến mùa nương rẫy, nhiều học sinh nghỉ học theo bố mẹ lên nương, lên rẫy hoặc ở nhà trông em.

Vào đầu năm học, nhà trường triển khai kế hoạch, thông tin đến toàn bộ giáo viên, đặc biệt là giáo viên làm công tác chủ nhiệm thường xuyên liên lạc với phụ huynh để nắm bắt tình hình. Em nào hoàn cảnh khó khăn, phải ở nhà làm vườn, làm rẫy, có nguy cơ bỏ học, nhà trường đều nắm bắt kịp thời, nhờ chính quyền địa phương, thôn trưởng, các đoàn thể trong thôn cùng giáo viên chủ nhiệm vào cuộc tuyên truyền đến phụ huynh, vận động học sinh trở lại trường. Nếu quá khó khăn, chính quyền địa phương, nhà trường hỗ trợ thêm. Nhờ vậy, tỷ lệ sĩ số được duy trì.

Theo ông Hồ Xuân Tài, sau Tết, sau hè là khoảng thời gian học sinh hay nghỉ học đi làm phụ giúp cho gia đình nên giáo viên theo dõi sát sao để kịp thời vận động. Quan điểm của nhà trường là không để học sinh bỏ học vì nghèo, vì thiếu thốn. Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, nhà trường luôn sẵn sàng hỗ trợ, thậm chí thầy cô giáo cũng góp tiền mua áo quần, sách vở, hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh. Hàng năm, nhà trường kết nối với các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trao quà, tặng sách vở cho học sinh gặp khó.

A Roàng là xã khó khăn nhất huyện A Lưới, tỷ lệ hộ nghèo cao. Học sinh của trường đa phần là người dân tộc thiểu số, chiếm trên 95%. Cũng do cái nghèo, cái khó nên điều kiện học tập của học sinh còn thiếu thốn. Nhiều phụ huynh phải đi làm ăn xa, gửi con sống cùng ông bà nên cái chữ chưa được quan tâm. Từ tháng 10 bắt đầu mùa mưa bão, học sinh hay vắng học do nhà xa trường, đường sá đi lại khó khăn. Thầy giáo Hồ Xuân Hùng cho hay: “Khi học sinh nghỉ 2-3 ngày, giáo viên trực tiếp đến nhà hỏi thăm, nắm tình hình và vận động các em đến lớp. Cũng nhờ làm tốt công tác vận động nên tỷ lệ học sinh bỏ học của Trường tiểu học A Roàng rất ít. Năm học này, 100% học sinh đều trở lại trường”.

Nhờ sự phối hợp tích cực giữa nhà trường và chính quyền địa phương, A Roàng và Hồng Thủy là hai địa phương làm tốt công tác vận động học sinh trong độ tuổi ra lớp. Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới đã chỉ đạo các trường rà soát công tác huy động, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Đến nay, tỷ lệ học sinh đến trường đạt và vượt kế hoạch đề ra.

A Lưới là địa bàn rộng. Việc tuyên truyền, vận động học sinh đến trường cũng có nhiều khó khăn so với vùng đồng bằng. Không đơn thuần ngồi ở trường chờ học sinh tới nộp hồ sơ nhập học mà giáo viên chủ động đến nhà học sinh, đồng thời chuẩn bị cho các em đầy đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập sẵn sàng bước vào năm học mới.

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, phụ huynh, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các trường, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng ở A Lưới được cải thiện, ít hơn so với những năm trước đây. Năm học qua, toàn huyện A Lưới có 30 em bỏ học giữa chừng, đặc biệt ở khối trung học cơ sở. Đầu năm học này, chưa có trường hợp nào bỏ học - Ông Hồ Văn Khởi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới thông tin.

Minh Hiền
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>