menu_open
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (Musée Khải Định)
Xem cỡ chữ:
Được thành lập năm 1923, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là một trong những bảo tàng ra đời sớm nhất ở Việt Nam với tên gọi đầu tiên là Musée Khải Định.
Địa chỉ: 03 Lê Trực, phường Đông Ba, thành phố Huế
Điện thoại:
Thời gian hoạt động: Từ 07:00 - 17:00 hàng ngày

Giới thiệu:

Được thành lập năm 1923, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là một trong những bảo tàng ra đời sớm nhất ở Việt Nam với tên gọi đầu tiên là Musée Khải Định. Toà nhà chính của Bảo tàng nguyên là điện Long An, ngôi điện từng được đánh giá là một trong những ngôi nhà đẹp nhất của kiến trúc cung đình Việt Nam. Đã có một thời, nhất là trước năm 1945, đây là một trong những bảo tàng sáng giá nhất Đông Dương và được nhiều nhà nghiên cứu cũng như nhiều học hội trên thế giới biết đến.

Trải qua nhiều lần đổi tên: Tàng Cổ Viện Huế (1947), Viện Bảo tàng Huế (1958), Nhà trưng bày Cổ vật (1979), Bảo tàng Cổ vật Huế (1992), Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (1992), Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế ngày nay tọa lạc tại địa chỉ số 3 Lê Trực, phường Đông Ba, Thành phố Huế.

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế từng được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao giải Bảo tàng yêu thích nhất Việt Nam năm 2015.

Nét đặc trưng:

Người xưa đã rất có lý khi dùng điện Long An làm bảo tàng. Đây là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ bằng gỗ lim, được xây dựng theo phong cách nghệ thuật kiến trúc cung điện độc đáo của Huế. Ngôi điện được làm theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” với 128 cột. Trang trí nội ngoại thất cực kỳ phong phú, giàu tính nghệ thuật và rất thanh nhã. Trên bờ nóc và bờ quyết của bảo tàng được trang trí hình “lưỡng long tranh châu” và hình “tứ linh: long, lân, quy, phụng". Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật đã đồng ý với nhau rằng đây là “tòa nhà nguy nga tráng lệ vào hạng đẹp nhất của các cung điện Việt Nam”.

Không gian nội thất Điện Long An, cũng là không gian trưng bày chính tại Bảo tảng Cổ vật cung đình Huế 

Trong khuôn viên Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, còn có một nhà kho khác lưu trữ hơn 80 hiện vật Chàm được sưu tầm tại vùng châu Ô, châu Lý ngày xưa, và mang ra từ Trà Kiệu trong những cuộc khai quật khảo cổ học tại đó vào năm 1927. Riêng các hiện vật Chàm đã từng được những nhà nghiên cứu đánh giá là những di sản văn hóa quý hiếm không chỉ của vùng Viễn Đông mà còn của thế giới.

Khu cổ vật Champa tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Hiện vật trong Bảo tàng được sưu tầm và tàng trữ từ năm 1913 (khi Hội Đô Thành Hiếu Cổ được thành lập), đến trước năm 1945, số lượng hiện vật có khoảng 10.000 đơn vị, phần lớn là đồ ngự dụng, quan dụng, đồ dùng của triều đình, các tác phẩm mỹ thuật trong các Cung điện... bằng nhiều chất liệu, vàng, bạc, ngọc, đồng, ngà, thủy tinh, vải, giấy... Trải qua những thăng trầm của lịch sử và thời gian, số lượng và chất lượng của các cổ vật tại Bảo tàng không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng cũng chính vì vậy, đó là những kho tàng kiến thức, những trầm tích có sức hút khó cưỡng mà bất cứ ai có dịp đến với Bảo tàng cũng muốn khám phá, tìm hiểu.

Kiến trúc:

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế có khuôn viên rộng 6.330 m2, tòa nhà chính giữa có diện tích 1.185m2 và một số nhà phụ dùng làm các kho tàng trữ cổ vật và sân vườn.

Tòa nhà chính vốn là ngôi điện Long An nằm trong cung Bảo Định được xây dựng năm 1845 ở bờ Bắc Ngự Hà. Đó là một biệt cung để vua Thiệu Trị (1841-1847) thỉnh thoảng đến tiêu khiển và làm chỗ nghỉ chân hàng năm khi ra cày ruộng Tịch điền ở gần đó. Vào năm 1909, thời vua Duy Tân, triều đình cho dời điện Long An đến vị trí hiện nay để làm thư viện của trường Quốc Tử Giám.

Đến năm 1923, do đề nghị của hội Đô Thành Hiếu Cổ (Association des Amis du Vieus Hue), Nam Triều cho di chuyển toàn bộ tài liệu sách vở trong thư viện này qua một dãy nhà nằm bên trái Di Luân Đường trong khuôn viên trường Quốc Tử Giám, rồi đặt tên mới là Bảo Đại thư viện, còn tòa điện Long An cũ thì dùng làm Musée Khải Định.

Ông Henry Peyssonnaux (1888 - 1937), Thư ký của Ủy ban điều hành Bảo tàng trong phiên họp đầu tiên (25/4/1923), cũng là Quản thủ đầu tiên của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Giá trị nghệ thuật:

Ngày nay, khách tham quan khi đến với Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế có thể được chiêm ngưỡng hàng trăm hiện vật qúy hiếm như ngai vàng, kiệu vua, long sàng, ngự y, áo hoàng thái hậu, hài hoàng hậu, sập gụ tủ chè, tranh thơ ngự chế, đồ sành đồ sứ, đồ bạc, đồ đồng, đồ pháp lam... có tuổi đời hàng trăm năm. Đây là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do các “bàn tay vàng” một thời làm ra theo lệnh của triều đình, hoặc để cung tiến cho vua. Chúng không phải là những mặt hàng sản xuất hàng lọat, mà mỗi thứ chỉ có một bộ hoặc một chiếc duy nhất. Qúy hiếm và độc đáo là vậy.

Bảo tàng cũng là địa chỉ tiếp nhận và trưng bày những cổ vật quý hiếm do các cá nhân, tổ chức đấu giá thành công và hiến tặng cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 2022, chiếc mũ quan đại thần và áo Nhật Bình cung tần thời Nguyễn do Công ty CP Tập đoàn Sunshine đấu giá tại Tây Ban Nha đã được hiến tặng cho tỉnh Thừa Thiên Huế với mục đích bảo quản, lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Bảo tàng cũng là nơi còn cất giữ hàng ngàn hiện vật khác do triều đình nhà Nguyễn cho sản xuất tại chỗ, đặt làm, hoặc mua từ ngoại quốc, và do các phái bộ ngoại giao mang đến biếu tặng. Nhiều nhất ở đây là đồ sứ men lam, thường được gọi là "Bleu de Hue".

Tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM - Hà Nội năm 2016, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao giải Bảo tàng yêu thích nhất Việt Nam 2015. Việc bình chọn được thực hiện dựa trên ý kiến của người tiêu dùng, các nhà báo du lịch và của Hội đồng chuyên môn với các tiêu chí về cảnh quan, môi trường, chất lượng, cơ sở hạ tầng, an ninh - an toàn, sự chuyên nghiệp, tính đa dạng và chất lượng các dịch vụ.

Video Youtube:

Bản đồ:

Ảnh: Bảo Minh, Ngọc Bích
Khám phá Huế tổng hợp
Các bài khác