menu_open
Bún bò Huế
Xem cỡ chữ:
Bún bò Huế thường ăn kèm với rau sống.
Đến Cố đô Huế, du khách ai cũng muốn ăn một bát bún bò Huế. Món ăn đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á đưa vào danh sách Top 100 món ăn đạt giá trị ẩm thực châu Á
Bún bò Huế thường ăn kèm với rau sống.
Thời gian hoạt động: Cả ngày

Lịch sử hình thành:

Bún bò Huế có tên gọi tiếng anh là Beef Soup of Hue, đây không những là đặc sản của xứ Huế mộng mơ mà còn của nền ẩm thực Việt Nam. Sự kết hợp tuyệt vời giữa nước dùng đậm đà hoà cùng chút cay nồng của sa tế và mùi vị đặc biệt của mắm ruốc tạo nên hương vị ngon khó cưỡng cho thực khách ngay lần đầu thưởng thức.

Có nhiều câu chuyện liên quan đến xuất xứ của món ăn đặc biệt này. Mọi người thường bảo nhau rằng thật ra, Bún bò Huế có gốc gác từ làng bún Vân Cù xa xưa – nơi vẫn được xem là ‘cái nôi’ của sợi bún Huế dai ngon nổi tiếng đặc trưng. Còn theo sử sách ghi lại thì người ta nhắc đến Bún bò Huế như một món ăn đã xuất hiện trên những bàn ăn cung đình từ xưa, và chẳng biết từ bao giờ đã len lỏi đến khắp mọi nẻo đường ngõ ngách tại chốn Cố đô. 

Nhắc đến bún bò Huế phải nói đến nghề làm bún ở Huế. Thủy tổ của nghề làm bún tại Vân Cù, làng bún nổi tiếng và xa xưa của Huế chính là Cô Bún.

Chuyện xưa kể lại rằng, khi những người Đàng Ngoài theo chân chúa Nguyễn Hoàng nam tiến lập nghiệp, có một nhóm người đến định cư trong vùng những tháp Chăm cổ xưa đã đổ nát, nên sau này có tên là làng Cổ Tháp, nay thuộc huyên Hương Điền, Thừa Thiên - Huế. Trong lúc mọi người chuyên sống bằng nghề canh tác làm ruộng, thì có một người thiếu nữ sáng chế ra nghề làm bún.

Tuy nhiên, có một dạo, dân trong vùng bị mất mùa liên tiếp 3 năm và kẻ xấu bụng tung tin rằng, mất mùa là do thần linh quở phạt vì Cô Bún đã đem gạo là “hạt ngọc của Trời” ra mà ngâm, mà chà, mà xát, mà nghiến nát ra để làm bún.

Thế là Cô Bún hoặc phải bỏ nghề làm bún, hoặc sẽ bị trục xuất ra khỏi làng, nhưng Cô Bún quyết sống chết với nghề, nên chấp nhận ra đi.

Năm người thanh niên mạnh nhất trong làng tình nguyện theo áp tải cái cối đá làm bún và Cô Bún đến vùng đất mới. Cứ thế, đoàn người đi về hướng Đông ven theo sông Bồ. Nơi người trai làng thứ năm khuỵu xuống với cái cối đá trên vai là làng Vân Cù ngày nay.

Tại đây, Bà Bún lập nghiệp và truyền nghề làm bún cho đến ngày nay. Từ những sợi bún, thêm nước dùng, thịt, chả, rau sống…, dân gian đã tạo thành món bún bò Huế.

Nét đặc trưng:

Bún bò Huế không quá khó chế biến, với nguyên liệu chính là bún tươi, thịt bò, giò heo, mắm ruốc và không thể thiếu một đĩa rau sống, ớt, chanh tươi… Trong đó, người Huế cầu kỳ chọn bún làng Vân Cù bởi bún Vân Cù có sợi bún to, mềm, dai. Đây là làng bún nổi tiếng với lịch sử làng nghề hơn 400 năm, cung cấp bún cho cả thành phố Huế.

Bát bún bò thuần Huế xưa chỉ có thịt bò và giò heo. Trải qua thời gian và sở thích ẩm thực của từng vùng, bây giờ, bát bún bò Huế có thêm nhiều loại thịt để phục vụ nhiều khẩu vị khác nhau của người thưởng thức, trong đó có vừa có cả thịt bò, giò heo lại thêm chả thịt, chả cua, gân, tiết lợn luộc, giò khoanh, giò móng, giò nạc…

Nấu một nồi bún với thịt thì dễ nhưng nấu một nồi bún bò ngon theo kiểu Huế thì đó là cả một quá trình tìm tòi, đúc kết kinh nghiệm và cả tấm lòng của người chế biến. Người Huế cho rằng, một nồi bún bò ngon thì nước dùng phải trong, mang vị ngọt của xương thịt hầm và mùi thơm dịu của sả cùng với một vị rất đặc trưng của món ăn Huế, vị ruốc. Nhưng vị ruốc đã được ẩn đi, hóa thân thành “vị Huế” dưới tài nghệ chế biến của người nội trợ.

Thưởng thức bát bún bò Huế ngon nhất không phải ở các nhà hàng sang trọng mà thường xuất hiện ở những quán vỉa hè vào mỗi buổi sáng sớm, hoặc ở một số quán ăn gia truyền. Bún bò Huế có thể ăn vào buổi sáng, buổi trưa, ăn vào buổi xế chiều hoặc buổi tối.

Giá trị nghệ thuật:

Nếu có dịp gặp gỡ những vị lớn tuổi sống tại địa phương trong hành trình khám phá Huế, bạn sẽ được nghe họ nói rằng, “Đối với người Huế, bún là một phần trong một lối sống kiểu Huế, là nghèo mà vẫn sang, vui rộn rã mà vẫn man mác buồn, ngoài mặt phẳng lặng mà trong lòng dậy sóng, không soi bóng mình trong gương mà soi bóng mình trong đôi mắt của người thương, bè bạn, xóm giềng...” Nói như thế đã đủ hiểu những tô Bún bò Huế đã thật sự trở thành một mảnh ghép chẳng thể thiếu trên bản đồ ẩm thực chốn kinh kỳ, là hơi thở, là nhịp sống của người dân nơi xứ Huế mộng mơ đã trải qua nhiều biến cố, thăng trầm nhưng vẫn luôn cố gắng giữ gìn trọn vẹn những tinh hoa của dân tộc ngày ấy.

Giá trị của Di sản ẩm thực:

Ngày nay, bún bò Huế là một trong số 12 món ăn Việt Nam được xác lập Kỷ lục châu Á và là một trong 10 đặc sản ẩm thực lọt vào Top đặc sản Việt Nam lần thứ nhất (2012).

Đến Cố đô Huế, du khách ai cũng muốn ăn một bát bún bò Huế. Món ăn đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á đưa vào danh sách Top 100 món ăn đạt giá trị ẩm thực châu Á, và đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain - nhân vật trải nghiệm trong loạt phim khám phá ẩm thực “Anthony Bourdain” phát trên kênh truyền hình CNN của Mỹ - đã thốt lên: “Bún bò Huế là món súp ngon nhất thế giới mà tôi từng thưởng thức”.

Với lòng tự hào về món ăn độc đáo này của quê hương xứ sở, mấy mệ, mấy o ở Huế thường hỏi rất chi li về khẩu vị của khách, bởi sợ khách ăn không được ngon miệng.

Ăn một tô bún bò Huế, thực khách không những được thưởng thức một món ngon của vùng đất Cố đô, mà còn được thụ hưởng cả nét văn hóa ứng xử đầy lòng hiếu khách của cư dân đất thần kinh.

Video Youtube:

Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>