menu_open
Chuyện một “công tử” Huế từ cửa Ngọ Môn đến Thành Hà Nội
Xem cỡ chữ:
Hơn 15 năm trước, khi giới thiệu cuốn sách Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế - 1945 - “Một hiện tượng lịch sử” (Nxb. Công an nhân dân, 2008), tôi đã viết: “Cuộc đời 43 sinh viên Trường Thanh niên tiền tuyến Huế (TTNTTH) đều có thể viết thành tiểu thuyết…” (Trích “Bài học về hội tụ nhân tài” - Báo Tuổi trẻ ngày 25/8/2008).

Cho đến nay, tuy chưa có cuốn tiểu thuyết nào “chính danh” về các sinh viên ngôi trường đặc biệt này, nhưng hồi ký của Đặng Văn Việt - Hùm xám đường số 4 và đặc biệt là hồi ký Tướng Cao Văn Khánh - Hồi ức lịch sử dày gần ngàn trang khổ lớn còn phong phú, hấp dẫn hơn nhiều cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh khác. Một cuốn hồi ký nữa cũng rất nổi tiếng - Gánh gánh… gồng gồng của nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng, tác phẩm đạt Giải thưởng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020 cũng có đoạn miêu tả hình ảnh một sinh viên TTNTTH - “công tử” Tôn Thất Hoàng, phu quân của tác giả. Được biết, đến nay, Gánh gánh… gồng gồng đã tái bản đến hàng vạn cuốn. Tôi đã có dịp giới thiệu cuốn hồi ký này trên Tạp chí Sông Hương, chủ yếu tái hiện cuộc đời “kỳ nữ” Xuân Phượng; nay được phép tác giả, viết “bổ sung” những câu chuyện cũng có thể gọi là “kỳ lạ” trong cuộc đời 9 thập kỷ (1921 - 2011) của “công tử” - PGS. Tôn Thất Hoàng, để bạn đọc biết thêm một “cặp đôi hoàn hảo” của… “Huế xưa”!

Xin được “ngoại đề” một chút cho vui trước khi vào câu chuyện có phần nặng về “chính sự”. Cụm từ “cặp đôi hoàn hảo” hình như mới xuất hiện, kể chuyện “Huế xưa” mà dùng từ thời hiện đại, hẳn có điều khập khiễng, có người không đồng tình, kể cả nhân vật trong cuộc; vậy nên xin được xem sự “hoàn hảo” chỉ là góc nhìn của người viết trong thời điểm cụ thể mà thôi. Chẳng phải tôi là người dễ thay đổi ý kiến, nhưng bạn đọc đến cuối bài, sẽ thấy, chỉ riêng hình ảnh chàng “công tử” Huế lúc tiến vào Hà Nội ngày 10/10/1954 đã có mấy cách đánh giá khác nhau, tùy lúc… Mà sự đời có chi cố định; đến vật vô tri như cục sắt, tuy bề ngoài vẫn thế, nhưng hôm nay đã khác hôm qua, huống chi ý nghĩ của con người chẳng ai nắm bắt được hình dạng!... Nhưng thôi, nói gọn lại cho khỏi… lạc đề; tôi đề cập “thời điểm” và sự đổi thay ý kiến là do bài viết được khởi thảo vào thời đoạn cả nước đang tiếp tục chuỗi kỷ niệm lớn, khởi đầu là Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - từ “chiến thắng chấn động địa cầu” này, mới có Hiệp nghị Genève 20/7/1954 và sắp tới là Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Và như tôi được biết, không chỉ trong dịp kỷ niệm 70 năm vừa diễn ra, mà từ những lần trước, khi nói đến chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều tờ báo lớn đều nhắc đến “bài học” luôn nóng hổi tính thời sự: Đó là việc Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có quyết định lịch sử vào lúc 11 giờ trưa ngày 26/1/1954, thay đổi chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh” như cố vấn Trung Quốc đề nghị, sang “đánh chắc thắng chắc”. Phải đến mười năm sau, tướng Lê Trọng Tấn mới nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ. Còn đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ tâm sự thật: “…nếu lần đó cứ đánh nhanh thắng nhanh” thì cuộc kháng chiến có thể lui lại đến 10 năm!”

Thiếu tá Tôn Thất Hoàng trên xe ô tô dẫn đầu cánh quân cơ giới và pháo binh tiến về Hà Nội ngày 10/10/1954

*
Nói là “ngoại đề”, nhưng thế là đã “vô đề” ở ngay điểm quan trọng nhất. Vì theo tôi, vẻ đẹp chủ yếu của “cặp đôi hoàn hảo” là đã dám thay đổi cả cuộc đời đang yên ấm của mình, dấn thân vào con đường đầy chông gai, thử thách một cách tuyệt đối vô tư, không màng chi danh lợi.

Với “cặp đôi” này, tôi thuộc lớp đàn em, lại chỉ mới gặp nhau lần đầu tiên trong dịp Ban liên lạc TTNTTH tổ chức cuộc họp đầu tiên tại Huế năm 2005. Lúc đó, cả ba đã… già, nhưng tôi lại có… “duyên” được anh chị xem là chỗ thân tình, do ngày xưa thân phụ anh Hoàng và bố tôi là bạn đồng liêu, về sau, chị Xuân Phượng lại làm việc cùng anh tôi là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ở Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài… Vì thế, hầu như lần nào về Huế, anh chị cũng gọi tôi đến gặp trò chuyện; có lần tôi đã “tháp tùng” chị Xuân Phượng lên Nham Biều, tặng xe đạp cho học sinh Trường Tiểu học Hương Hồ. Tấm ảnh tôi “ăn theo” chị Xuân Phượng năm 2005 ấy vừa được “bà lão” đạo diễn Xuân Phượng 95 tuổi cho in vào cuốn hồi ký “Khắc đi… Khắc đến” vừa ra mắt bạn đọc (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM, 8/2024). Trong TTNTTH, anh Tôn Thất Hoàng xuất thân từ gia đình vào loại danh giá nhất. Thân phụ của anh là cụ Tôn Thất Quảng, từng giữ chức Phủ Doãn Thừa Thiên, Tổng đốc Thanh Hóa, Thượng thư Bộ Lễ kiêm Bộ Công. Sau khi tốt nghiệp Tú tài ở Huế, anh ra Hà Nội học khóa đầu tiên đào tạo cử nhân khoa học tại Trường Đại học Đông Dương. Nhưng rồi Nhật đảo chính Pháp, giáo sư Tạ Quang Bửu gọi anh về Huế, giúp giáo sư chuẩn bị thành lập TTNTTH. Chuyện về ngôi trường đặc biệt này, sách báo đã nói nhiều. Điều thú vị cần nhắc lại là hầu hết sinh viên TTNTTH xuất thân gia đình thượng lưu đều nghe theo “nhóm Việt Minh” trong trường, hăng hái tham gia cách mạng ngay trước cuộc Tổng khởi nghĩa tại Huế ngày 23/8/1945. Nhờ thế, ngày vua Bảo Đại thoái vị, chiến sĩ Giải phóng quân Tôn Thất Hoàng có mặt trong đội quân danh dự trước cửa Ngọ Môn, bảo vệ buổi lễ lịch sử, chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam. Sự kiện này được hàng vạn người dân ở Huế chứng kiến và không biết bao nhiêu là sách báo đã nhắclại trong gần 80 năm qua, nhưng chuyện một công tử con quan Thượng thư dòng dõi Tôn Thất lại trở thành người lính bảo vệ chính quyền cách mạng ngay từ khi còn “trứng nước” là điều đặc biệt, gợi nhiều suy ngẫm. Các Mác từng viết: “…Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới”. Với Tôn Thất Hoàng và không ít người cùng hoàn cảnh như anh - chỉ riêng ở TTNTTH có thể kể một loạt tên tuổi như Lê Quang Long, Cao Văn Khánh, Đặng Văn Việt, Võ Sum… - đến với cách mạng là đồng thời từ bỏ tất cả lợi ích vật chất đang thụ hưởng trong cuộc sống giàu sang của gia đình và sẵn sàng xông vào nơi lửa đạn, chỉ để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc vừa giành được.

Trong 43 sinh viên TTNTTH, Tôn Thất Hoàng - do vị trí công việc được giao - không có nhiều “thành tích” và về sau không được tôn vinh bằng một số người khác, nhưng cuộc đời anh thật đúng với câu thơ của Evtusenko (1932 - 2017) - một nhà thơ Nga nổi tiếng: “Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”. Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã lấy câu thơ này làm nhan đề bài đăng trên Tạp chí Sông Hương năm 2018, khi viết về cuộc đời một trí thức Huế - cũng xuất thân từ tầng lớp thượng lưu. Từ cửa Ngọ Môn Huế một ngày lịch sử trọng đại, Tôn Thất Hoàng đi trọn cuộc trường chinh 9 năm (1945 - 1954). Một điều cũng khá thú vị là tuy không được giao cương vị trọng yếu vì là con quan to chế độ phong kiến, nhưng anh lính “công tử” Tôn Thất này lại luôn được chọn tham dự nhiều sự kiện lớn được lịch sử nhắc tới. Sự đời vẫn có khi chỉ là sự tình cờ, ngẫu nhiên, nhưng với Tôn Thất Hoàng, do có “duyên” là người học trò thân thiết với giáo sư Tạ Quang Bửu, nên anh luôn được “chọn” - không phải nhờ tình riêng mà vì một tên tuổi lừng danh với trí tuệ uyên bác, siêu việt được hầu hết giáo sư của nhiều ngành tôn làm “Thầy” như Tạ Quang Bửu biết rõ đất nước đang cần những con người có trình độ khoa học - kể cả trong chiến đấu. Chỉ ít hôm sau khi tham gia giữ gìn trật tự cho cuộc mít tinh của công chúng Huế tại Sân Vận động ngày 23/8/1945 và ngay trước ngày được chọn đứng vào đội quân danh dựtrước cửa NgọMôn, Tôn Thất Hoàng cùng một sốbạn TTNTTH được cử ra ga Hiền Sỹ (cách Huế khoảng 20km), bắt gọn nhóm 6 sĩ quan và lính Pháp vừa nhảy dù xuống, khi chúng chưa kịp thực hiện âm mưu tìm cách đặt lại ách cai trị trên đất nước ta. Có thể nói trận đánh chiều ngày 29/8/1945 tại ga Hiền Sỹ thuộc loại chiến công đầu của quân giải phóng Huế - trận đánh toàn thắng mà không tốn một viên đạn, nhờ các chiến sĩ là “cựu” sinh viên TTNTTH giỏi tiếng Pháp, lại mưu trí và có tổ chức chặt chẽ, dù chỉ mới được huấn luyện trong một thời gian rất ngắn. Thiếu tướng, PGS. Cao Pha (1920 - 2006) tức Nguyễn Thế Lương, nguyên là Phó Tư lệnh bộ đội đặc công, người được cử “chỉ huy” trận đánh này, cũng từng là sinh viên Trường Đại học Đông Dương (Khoa Canh nông) vào Huế học TTNTTH như Tôn Thất Hoàng, sau nửa thế kỷ mới có dịp kể lại chuyện bắt 6 lính Pháp nhảy dù; ông nhận định: “bọn chúng không nắm được phong trào cách mạng sôi sục và những biến đổi sâu sắc trên đất nước ta trong những ngày tháng Tám” nên không mang theo vũ khí và “tự nhận là phái bộ Đồng minh và đòi được đưa về Huế gặp chức sắc trong triều đình” mà không hay chính lúc đó, vua Bảo Đại đã ký chiếu thoái vị! Thế là “tương kế tựu kế”, anh em nhất trí với kế hoạch chớp nhoáng “lấy cớ đem thư trả lời của Ủy ban, chớp thời cơ bất ngờ bắt gọn. Anh Lê Thiệu Huy được phân công mang thơ và cầm cờ đỏ sao vàng. Các anh em khác lặng lẽ bao vây…”.

Xin dài dòng một chút chỉ vì đây là trận đầu trong cuộc chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp của Thừa Thiên Huế và cũng là lần đầu tiên Tôn Thất Hoàng thực sự được chọn ra trận, tuy anh chẳng đóng vai trò gì quan trọng. Trong khi người bạn thân của anh là Lê Thiệu Huy (con trai giáo sư Lê Thước) hy sinh ngay từ tháng 3/1946 khi cùng Hoàng thân Souphanouvong vượt sông Mê Kông và không ít đồng đội của anh nằm lại ở nhiều mặt trận ác liệt về sau thì Tôn Thất Hoàng lại thoát chết một cách “kỳ lạ” tại chiến trường Điện Biên lịch sử. Nhờ thế mà đầu tháng 7/2011, tôi lại được gặp anh trong dịp các cựu sinh viên và thân nhân TTNTTH trao tặng tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế. Cũng có thể nói đây là cuộc gặp “lịch sử”, vì không có lần gặp thứ hai như thế. Năm đó, anh Tôn Thất Hoàng tròn 90 tuổi, người cao, gầy khô, tay chống gậy, tai lãng, nhưng vẫn tỉnh táo lên bục giới thiệu các hiện vật sẽ bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế (ống kính, máy xác định địa hình…) mà đội quân TTNTTH tịch thu từ nhóm 6 sĩ quan Pháp bị bắt gần ga Hiền Sỹ 66 năm trước. Tôi có hỏi anh Hoàng vì sao anh được giữ các hiện vật này; có lẽ anh không nghe rõ hoặc lo nói chuyện với một phóng viên, nên không trả lời. Theo một bài viết của anh Đặng Văn Việt, trong cuộc họp đầu tiên thành lập Giải phóng quân Huế theo sự chỉ đạo của đồng chí Trần Hữu Dực, các anh Phan Hàm và Cao Văn Khánh được cử làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Chấp hành Giải phóng quân, anh Tôn Thất Hoàng được cử phụ trách Tiểu ban Văn thư. Bài viết của Thiếu tướng Phan Hàm về tổ chức Giải phóng quân Huế giai đoạn khai sinh này có câu: “Chỉ huy chung thì có tôi, anh Cao Văn Khánh. Anh Tôn Thất Hoàng giúp việc hàng ngày…”. Như vậy, ông trưởng Tiểu ban Văn thư hồi đó của Giải phóng quân Huế cũng tương tự như Trợ lý hay Chánh Văn phòng ngày nay. Có thể do chức vụ đầu tiên này trong đời quân ngũ, anh Hoàng đã được giao nhiệm vụ cất giữ các hiện vật nói trên.

PGS. Tôn Thất Hoàng trong lễ bàn giao các hiện vật và chiến lợi phẩm của Trường Thanh niên tiền tuyến Huế cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, tháng 7/2011.

*
Anh Tôn Thất Hoàng chỉ giữ chức vụ này không đầy một tháng. Giặc Pháp mở rộng cuộc chiến và cuối tháng 10/1945, chàng “công tử” dòng dõi Tôn Thất 24 tuổi, lại được chọn vào chi đội Nam tiến do anh Nguyễn Thế Lâm (tức Nguyễn Kèn) chỉ huy, đến mặt trận ác liệt nhất lúc đó là Khánh Hòa - Nha Trang. Làm lính, nhưng biết anh là “cựu sinh viên” TTNTTH được thầy Hiệu trưởng Phan Tử Lăng, từng là trung úy chỉ huy lực lượng Bảo an binh Trung bộ huấn luyện quân sự, Tôn Thất Hoàng được chọn làm trợ lý tác chiến cho ông Hà Văn Lâu, chỉ huy đại đội trợ chiến với súng cối 81mm và súng máy 12,7mm. Sau 101 ngày đêm giam chân quân Pháp trong những trận đánh không cân sức, đầu tháng 2/1946, quân chủ lực rút khỏi Nha Trang theo lệnh của Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp, kịp trước khi quân Pháp tung lực lượng lớn có pháo hạm hỗ trợ ào ạt tiến vào đánh phá các căn cứ của quân ta. Đúng ngày mồng 1 Tết năm 1946, Tôn Thất Hoàng là một trong số ít binh sĩ chính quy được chọn ở lại, vào vùng chiến khu đánh du kích. Nhưng chỉ hai tháng sau, anh nhận được lệnh của Bộ Quốc phòng gọi ra Sơn Tây công tác tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn vừa khai giảng Khóa I với chức vụ Đại đội trưởng đại đội 2. Không phải anh được thầy Tạ Quang Bửu - lúc đó được cử làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ưu ái mà đó là chính sách trọng dụng nhân tài của Chính phủ Cụ Hồ. Nhiều cựu sinh viên TTNTTH cũng được gọi ra học trường này, như Đặng Văn Việt, Hà Đồng cũng được cử làm đại đội trưởng, Phan Viên, Nguyễn Thế Lâm làm trung đội trưởng - về sau, đều trở thành tướng; riêng Đặng Văn Việt tuy chỉ là trung tá, nhưng được nhiều báo chí phong là tướng-không-sao vì đã đánh bại nhiều tướng Pháp.

Do cuộc chiến lan rộng, Khóa I Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn kết thúc sớm trước ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, các học viên được chia về các đơn vị, binh chủng, về sau trở thành những chỉ huy danh tiếng của quân đội nhân dân Việt Nam. Riêng Tôn Thất Hoàng, từ đầu năm 1947, anh liên tục được chọn vào các cơ quan chuyên nghiên cứu vũ khí và đào tạo chiến sĩ pháo binh cho quân đội, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của giáo sư Tạ Quang Bửu và kỹ sư Trần Đại Nghĩa. Khi đang giữ chức Trưởng phòng tác chiến công dụng thuộc Nha Nghiên cứu kỹ thuật Cục Quân giới, anh là học trò, người cộng sự gần gũi của kỹ sư Trần Đại Nghĩa trong việc nghiên cứu chế tạo súng Bazooka Việt Nam.

Với loại vũ khí mới này, Tôn Thất Hoàng có một kỷ niệm đặc biệt ở cửa ngõ Thủ đô. Hơn 7 năm nữa, con đường cậu công tử Tôn Thất đi từ cửa Ngọ Môn Huế mới đến đích - cùng đại quân tiến vào Hà Nội. Còn đây là thời đoạn Chính phủ Cụ Hồ vừa phải tạm xa Thủ đô. Đó là ngày 1/3/1947, đêm đã khuya lắm, ông Phan Mỹ, từ Bộ Quốc phòng đến gặp kỹ sư Trần Đại Nghĩa, trao lệnh khẩn đem Bazooka Việt Nam giao cho anh Vương Thừa Vũ, chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội và bảo vệ Chính phủ vừa sơ tán đến Quốc Oai vì có tin giặc Pháp sắp chọc thủng mặt trận Cầu Mới - Hà Đông và tấn công vào Quốc Oai. Bọn địch ngông nghênh ỷ vào những chiếc xe tăng mà chúng tưởng là “bất khả xâm phạm”. Chúng không ngờ ngay đêm khuya 2/3/1947, Tôn Thất Hoàng tìm đến gặp Vương Thừa Vũ, giao súng đạn và ngay lập tức trở thành huấn luyện viên đầu tiên bắn Bazooka Việt Nam cho một tiểu đội cảnh vệ của Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội. Mờ sáng hôm sau, tiểu đội Bazooka đã được lệnh đi phục kích xe tăng Pháp. Đúng như dự đoán, sáng 3/3/1947, quân Pháp được xe tăng dẫn đầu, từ Hà Đông qua Chúc Sơn, chùa Trầm tiến theo đê sông Nhuệ hòng tấn công vào nơi Chính phủ ta đang sơ tán. Chúng không ngờ Bazooka Việt Nam đã xuất trận, bắn cháy 1 chiếc xe tăng, làm một chiếc khác bị thương, cánh quân hoảng loạn lập tức tháo lui. Trong trận ra quân xuất sắc này, Tôn Thất Hoàng chỉ tiếc một điều: ông xin được đi cùng tiểu đội Bazooka, nhưng tướng Vương Thừa Vũ vốn yêu quý ông từ ngày họ gặp nhau tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, đã lấy cớ ông “là phái viên của Bộ, chúng tôi phải bảo đảm an toàn tuyệt đối…”, không cho anh ra trận.

Dù không được “nã pháo” vào chiếc xe tăng đầu tiên của bọn xâm lược, nhưng từ đó, Tôn Thất Hoàng như có… “duyên” với họ nhà… pháo. Vào năm 1949, khi thành lập Cục Pháo binh, kỹ sư Trần Đại Nghĩa kiêm chức Cục trưởng đã cử Tôn Thất Hoàng làm thầy giáo lớp đào tạo sĩ quan pháo binh khoá 1. Lớp học mở ở chợ Đĩa, bên bờ sông Lô, các sĩ quan tốt nghiệp khóa này về sau đã trở thành cốt cán của binh chủng pháo binh Việt Nam…
*
Bên mối duyên với… họ nhà pháo, cũng trong thời gian này, khi Nha Nghiên cứu kỹ thuật Bộ Quốc phòng đã chuyển lên Việt Bắc, Tôn Thất Hoàng đã nên duyên chồng vợ với Nguyễn Thị Xuân Phượng. Mối tình không hoàn toàn bất ngờ nhưng trải qua những năm tháng biến động, lưu chuyển liên miên trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến gian khổ mà hai người con của xứ Huế lại có dịp gặp nhau bên bờ sông Lô thì xem ra cũng là mối duyên tiền định. Lớp trí thức Huế hồi ấy đến với cách mạng tự nhiên như người đang khát gặp được dòng suối trong lành và về sau, nhiều mối tình thật đẹp đã nảy nở, nhiều cặp đã nên vợ nên chồng; như nhà thơ Vĩnh Mai với chị Phương Chi, như Đào Duy Dzếnh (tức Đào Phan, em trai học giả Đào Duy Anh) với chị Bội Hoàn, rồi tướng Cao Văn Khánh với chị Ngọc Toản… Còn vào năm 1949, Tôn Thất Hoàng và Xuân Phượng tổ chức hôn lễ giữa rừng Việt Bắc. Chẳng phải hai gia đình sắp đặt mà vẫn “môn đăng hộ đối”, dù theo “tiêu chuẩn” cũ hay mới. Thì “công tử” sánh duyên với “tiểu thư” và bên trai là “Thanh niên tiền tuyến Huế”, gái là “Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung Bộ”.  Đám cưới giữa chiến khu gian khổ, chẳng có nghi thức, sính lễ trang trọng như ở Huế, nhưng bù lại, cô dâu, chú rể được sống giữa tình đồng đội, thầy trò ấm áp, trong đó có những tên tuổi như GS. Tạ Quang Bửu và tướng Cao Văn Khánh.

Chuyện “cặp đôi” này đã được nói đến không ít trong bài giới thiệu cuốn Gánh gánh… gồng gồng của chị Xuân Phượng. Xin được tiếp tục chuyện “cặp đôi” gắn bó giữa Tôn Thất Hoàng với… các khẩu pháo! Thì chẳng phải bộ đội ta có câu “Súng là vợ, đạn là con” đó sao! Thực ra, cái… duyên của Tôn Thất Hoàng với họ nhà “pháo” là do ông học cử nhân khoa học rất giỏi toán, lại là học trò cưng của kỹ sư Trần Đại Nghĩa. Vì thế, khi Cục Pháo binh giải thể và Đại đoàn Công pháo (F351) được thành lập, Tôn Thất Hoàng được điều về giữ chức Quyền Tham mưu trưởng Trung đoàn 45 (E45) khi đơn vị chuẩn bị sang Trung Quốc học tập.

Với một quá trình “tập dượt” và rèn luyện như thế, trở về nước, Tôn Thất Hoàng cùng E45 lập tức được điều đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Quyền Tham mưu trưởng E45 Tôn Thất Hoàng lên đường đi tiền trạm vào một đêm cuối năm 1953. Chiến dịch chưa khai mở, nhưng trên đường đi chuẩn bị trận địa, Tôn Thất Hoàng bị một trận bom nhớ đời. Nói vậy vì sau hơn nửa thế kỷ, trong bài viết năm 2006 in trong cuốn sách Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế - 1945 -“Một hiện tượng lịch sử”, ông vẫn nhớ lúc đó là “Khoảng 16 giờ 30 phút chiều ngày 26/1/1954, tôi đang ngồi cạnh một suối cạn cùng một E phó và một phó chính ủy một E của F312 để bàn kế hoạch kéo pháo đêm đó thì bị cả bom, cả đạn pháo dội tới tấp vào khu vực trú quân. Tôi chỉ kịp cầm áo trấn thủ và bi đông nước vứt vào một gốc cây và nhảy vào một hố cá nhân […]. Trong suốt nửa giờ, bom và đạn nổ inh tai, mảnh bom đạn chém nát gốc cây ở đầu hố cá nhân…”. Hai cán bộ đi cùng Tôn Thất Hoàng đều là nhân vật nổi tiếng - phó chính ủy Mạc Ninh và Siêu Hải, cũng may mắn thoát chết, nhưng Siêu Hải điếc đặc không làm việc được nữa và rồi trở thành nhà văn ngay từ năm 1957 với cả chục tác phẩm, trong đó, tập ký sự “Voi đi” tái bản 16 lần. Còn Tôn Thất Hoàng, cái áo trấn thủ bị băm nát và bi đông bị thủng nhiều chỗ đã thế mạng. “Nhớ ơn” vật cứu tinh, Tôn Thất Hoàng đã nhờ thợ máy thông tin hàn kín lại các lỗ thủng và chiếc bi đông không chỉ tiếp tục đi suốt chiến dịch Điện Biên mà cũng sống thọ như chủ nhân!...
*
Chuyện vất vả “kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra” báo chí đã viết nhiều; khi chiến dịch khai mở, Tôn Thất Hoàng còn hai lần thoát chết trong gang tấc; trong chiến tranh điều đó không hiếm; tôi “vào trận” trường kỳ lần hai ở Trường Sơn 10 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đã “quá tam ba bận” hưởng “duyên may” như anh Tôn Thất Hoàng, nên xin chuyển qua sự tích “độc đáo” mà chỉ người như Tôn Thất Hoàng mới lập được. “Sự tích” xảy ra sau khi lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của bộ đội ta tung bay trên hầm De Castries. Lúc này, chị Xuân Phượng đang làm báo “Công tác Thóc Gạo” của Bộ Tài chính. Thiếu tá Tôn Thất Hoàng (ông được gắn lon thiếu tá khi vào trận Điện Biên lịch sử) cùng đơn vị pháo binh rời mặt trận, về đóng tại Phú Thọ. ““Chiến lợi phẩm” chàng đem về tặng nàng là “một nắm đất của đồi A1”, đất màu đen lổn nhổn những mảnh đạn màu xám chì. Bọc đất gói giấy đỏ có chữ màu đen “Đồi A1” luôn được đặt vào vị trí trân trọng nhất trong nhà chúng tôi”. Trong hồi ký xuất bản năm 2020, đạo diễn Xuân Phượng đã viết như vậy. Bà cũng không ngại nhắc “sự tích” của chàng, sau khi ghé chuyển ba mẹ con với vài con gà, mấy cái nồi đất từ Đồng Chiêm (thuộc ATK - an toàn khu Việt Bắc) về một đồi chè tên là Gò Gai, ở với nhau chưa đầy tuần, thì chàng thiếu tá phải theo đơn vị hành quân gấp trong đêm; và “ba mẹ con tôi lại sống cảnh trơ trọi bên nhau trong một gian nhà tranh hẻo lánh trên đồi Gò Gai. Tôi chờ đợi gần 20 ngày, vẫn không có tin tức gì của anh Hoàng…”. Tôi không trích thêm vì đoạn tiếp theo đã giới thiệu trên Tạp chí Sông Hương - cảnh ba mẹ con nhếch nhác tha nhau đi ba ngày đêm mới ra đến đường ô tô và may mắn gặp được người quen…

Tôi “trích yếu” chuyện này vì nhờ đó mà Tôn Thất Hoàng có mặt trong ngày lễ trọng đại không chỉ của Hà Nội: 10/10/1954. Thì ra vị thiếu tá phải hành quân gấp trong đêm, rồi “bỏ quên” vợ con giữa núi rừng heo hút là để chuẩn bị cho cuộc diễu binh về Thủ đô mừng đại thắng Điện Biên Phủ. Tư liệu lịch sử ghi lại ngày vui chưa từng có của Hà Nội như sau:

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng dẫn đầu đoàn quân tiên phong tiến vào Hà Nội; sau đó là cánh bộ binh của Trung đoàn Thủ đô từ Quần Ngựa, rồi cánh quân từ khu Việt Nam học xá (nay làTrường Đại học Bách khoa) và đến “…9 giờ 30, đoàn cơ giới và pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, qua phố Bạch Mai, phố Huế, 10 giờ 5 đến Bờ Hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc tiến vào thành lúc 10 giờ 45…”.

Tròn 70 năm đã qua từ sự kiện “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về…” như nhạc sĩ - nhà thơ Văn Cao đã khắc họa trong ca khúc bất hủ “Tiến về Hà Nội”. Hình như chưa ai đặt câu hỏi vì sao một người không có chức vị, chiến công gì to lớn như thiếu tá Tôn Thất Hoàng lại được chọn ngồi vị trí đặc biệt vinh dự trong đội quân chiến thắng này. Trong chiếc Command car dẫn đầu đoàn xe pháo diễu binh, bên cạnh Tôn Thất Hoàng là Võ Dược, lữ đoàn trưởng xe tăng. Đại diện lực lượng pháo binh còn nhiều tên tuổi lừng danh hơn; chỉ nhắc đại tá - nhà văn Siêu Hải (1924 - 2012) đã thấy phải kính nể. Ông cũng là “công tử” Hà Nội, cũng tốt nghiệp Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn Khóa I, chỉ huy pháo binh từ cấp trung đội đến trung đoàn, năm 1947 đã “thành danh” với trận mở màn chiến dịch Sông Lô, lại có tập “Voi đi” in từ năm 1949 nổi tiếng… Vậy mà Tôn Thất Hoàng lại được chọn!

Bây giờ, các vị “chấm chọn” Tôn Thất Hoàng ngồi “ghế” đó đều đã bay lên… trời; hậu thế hẳn sẽ có những cách bình phẩm khác nhau, tùy góc nhìn, tùy lúc, như tôi đã viết ở đầu bài. Thế cũng vui. Nói cho… gọn là do “duyên”! Có thể là “duyên… tình” - tình “thầy trò” chứ không phải “tình ái” đâu! Thì hai thầy Tạ Quang Bửu và Trần Đại Nghĩa, lúc đó đang là người tin cậy của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, hẳn nhớ đến người học trò cưng của mình, chỉ biết tận tụy với công việc được giao, dù là nhỏ nhặt, như vẽ kiểu quần áo cho sinh viên TTNTTH 1945. Cũng có thể là các sĩ quan pháo binh, từng là học trò của “người thầy đầu tiên” trong đời lính, không quên ơn thầy Tôn Thất Hoàng…

Ông Tôn Thất Hoàng được chọn chỉ vì đã từ bỏ tất cả để tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, lại là người chứng kiến sự kiện nhà vua cuối cùng ở Việt Nam thoái vị. Một con người như thế, bền bỉ suốt 9 năm ròng, đi từ cửa Ngọ Môn đến ngày đại quân tiến về Hà Nội, được “chấm chọn” ngồi ghế vinh dự là đẹp lắm!

Vậy mà có một người lại tỏ ý… “chê trách”! Đó là người vợ yêu quý của vị thiếu tá pháo binh Tôn Thất Hoàng - nhà báo Xuân Phượng. Khi đang viết bài này, tôi có gọi điện hỏi ý kiến chị, rằng tôi dự tính sẽ nhắc chuyện chị “chê” anh Hoàng ngày diễu binh tiến về Hà Nội, chị có “Ok” không? Chị cười và bảo: “Không sao! Em cứ viết!...” Mà chị đã “công khai” trong hồi ký rồi mà.

“…Tôi vội vã bế hai con đến đứng rất sớm ở đầu góc Hàng Trống - Hàng Khay chờđợi. Anh ngồi trên một chiếc xe Command car mắt nhìn thẳng, nghiêm nghị, không một nụ cười. Bên cạnh anh là anh Võ Dược, lữ đoàn trưởng xe tăng mà tôi đã gặp nhiều lần ở Gò Gai. Phước thấy cha, hét to: “Cha! Cha!” Anh Dược quay lại vẫy tay, mỉm cười. Anh Hoàng thì không, vẫn cứ thẳng người nhìn về phía trước. Cái mũ bộ đội không hề lay chuyển. Ngồi nghiêm như một pho tượng…”.

Nói cho công bằng, sau đó, tác giả đã “thanh minh” cho phu quân rằng anh “tôn trọng kỷ luật trong quân đội” nhưng nỗi lòng người vợ - người mẹ thời khắc đó ra sao, ai cũng hiểu… Cho đến nay, tôi vẫn quý, vẫn cho “sự tích” thiếu tá Tôn Thất Hoàng “bỏ quên” vợ con ở Gò Gai và hình ảnh ngày anh diễu binh về Hà Nội là vẻ đẹp quý hiếm. Đó là sự VÔ TƯ, một đức tính vẫn rất cần đề cao trong cuộc sống đầy rẫy những cám dỗ danh lợi hôm nay. Có lẽ chị Xuân Phượng cũng hiểu cảm nghĩ của tôi nên khi tặng cuốn hồi ký, chị đã ghi: “Thân tặng Phê, người thân thiết với anh Hoàng - chị Xuân Phượng”.

Tôi “chọn” viết về anh Tôn Thất Hoàng trong ngày “lễ trọng” này là vì thế! Và tất nhiên, vì chàng “công tử” này có số phận “chứa một phần lịch sử”. Lại xin “ngoại đề” cuối bài một chút riêng tư: Tròn 70 năm trước, vào những ngày cuối năm 1954, tôi cũng “tiến về Hà Nội” nhưng để làm cậu bé bán sách dạo trên các con đường còn đậm dư âm cuộc diễu binh sáng 10 tháng 10. Nhờ đó, tiểu thuyết Người người lớp lớp của Trần Dần viết về đại thắng Điện Biên bán rất chạy và đó là chút men đầu tiên gây nghiệp văn cho đời tôi. Cũng nhờ đó, 56 năm sau - năm 2010, cuộc Tọa đàm về cuốn sách quan trọng nhất của tôi sau nửa thế kỷ cầm bút, trong đó có nhiều câu chuyện diễn ra tại Hà Nội - tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường, được Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức tại Nhà sách Phương Nam bên sông Hương chật kín người đến dự. Tình cờ hay “duyên phận”, cuộc tọa đàm diễn ra đúng ngày 10/10 - Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô!

Trường An - Huế, 19/8/2024

GHI CHÉP CỦA NGUYỄN KHẮC PHÊ