menu_open
Di tích lịch sử Nghĩa địa và Chùa Ba Đồn
Xem cỡ chữ:
Tọa lạc tại số 69 đường Tam Thai, phường An Tây, thành phố Huế là Di tích lịch sử Nghĩa địa và Chùa Ba Đồn (thường gọi là Chùa Ba Đồn). Mặc dù không có quy mô bề thế và khang trang như nhiều di tích và chùa ở Huế nhưng vốn nổi tiếng về sự linh thiêng, nơi đây là một trong những địa chỉ quen thuộc cho nhân dân Thừa Thiên Huế và du khách gần xa chiêm bái, nhất là mỗi dịp đầu xuân.

Di tích lịch sử Nghĩa địa và Chùa Ba Đồn

“Điểm đến chiêm bái linh thiêng xứ Huế”

Tọa lạc tại số 69 đường Tam Thai, phường An Tây, thành phố Huế là Di tích lịch sử Nghĩa địa và Chùa Ba Đồn (thường gọi là Chùa Ba Đồn). Mặc dù không có quy mô bề thế và khang trang như nhiều di tích và chùa ở Huế nhưng vốn nổi tiếng về sự linh thiêng, nơi đây là một trong những địa chỉ quen thuộc cho nhân dân Thừa Thiên Huế và du khách gần xa chiêm bái, nhất là mỗi dịp đầu xuân.

Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 4km về phía Tây, dọc theo đường Tam Thai, men theo con đường xanh mát bên cạnh đàn Nam Giao, đi tiếp theo trục đường chính khoảng 400m là đến Chùa Ba Đồn.

Lịch sử và nét đặc trưng

Chùa Ba Đồn là ngôi chùa khá đặc biệt bởi “do các phường nghề (các phổ) tự lập và những người giữ chùa là những người bán thế xuất gia (có gia đình), không có tu sĩ như các chùa khác” (Dư địa chí Thừa Thiên Huế).

Vào năm 1803, để xây dựng Kinh thành Phú Xuân, vua Gia Long cho giải tỏa 8 ngôi làng ở bờ Bắc sông Hương. Số mồ mả không có người nhận được cho dời lên hiệp táng (chôn chung) tại khu vực Ba Đồn bây giờ, gọi là "Cồn mồ 8 làng". Tại đây, vua Gia Long cho dựng bia đá với nội dung "Vua cho hợp táng những người không người thờ tự". Dòng lạc khoản bên phải ghi "Vì lẽ bức cận thành trì nên dời chôn tại đây". Lạc khoản bên trái ghi "Kính vâng mệnh khắc ngày 7 tháng 3 năm Quý hợi, tức là ngày 27.4.1803"

Sau đó, để xây dựng đàn Nam Giao và lăng vua Gia Long, những mồ vô chủ ở hai vùng này lại được dời tiếp đến đây an táng, tạo thành hai cồn mồ lớn nữa.

Năm 1835, vua Minh Mạng cho lập một bàn thờ ở giữa trời (đàn) tại "Cồn mồ 8 làng" đề hằng năm nhà nước tổ chức cúng tế những cô hồn của 8 làng. Về sau, cho dựng thêm hai đàn nữa để cúng tế những cô hồn của cồn mồ thứ hai và thứ ba. Dân chúng gọi ba cồn mồ có ba đàn hằng năm tế lễ đó là Cồn mồ Ba Đàn. Cái tên Ba Đồn có lẽ được đọc trại từ Ba Đàn mà định danh cho đến nay.

Năm 1885, sau biến cố thất thủ Kinh đô (23 tháng 5 âm lịch năm Ất Dậu), di hài, di cốt của hàng ngàn tử sĩ, dân chúng đã hy sinh, tử nạn trong trận chiến không cân sức với giặc Pháp cũng được đưa lên Ba Đồn hiệp táng và hình thành thêm một số Cồn mồ nữa. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, đó là lý do để có thể xem Ba Đồn là một Nghĩa Trang Liệt Sĩ mở đầu thời chống xâm lược Pháp.

Dưới thời nhà Nguyễn, việc cúng tế tại Ba Đồn rất được chú trọng. Ngoài lễ tế của triều đình, các phường nghề còn có ngày cúng tế của riêng mình. Dịp tháng 5 âm lịch, tưởng nhớ các anh linh, vong linh trong biến cố thất thủ Kinh đô, Lễ cúng âm hồn do các phổ tổ chức ở Ba Đồn kéo dài cả tuần lễ, bắt đầu từ ngày 23 tháng 5 cho đến cuối tháng 5 âm lịch.

Ngày 21/12/2005, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 4296/QĐ-UBND về việc công nhận Di tích lịch sử Nghĩa địa và Chùa Ba Đồn là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Kiến trúc và Ý nghĩa tâm linh

Với lối kiến trúc đơn giản, Di tích lịch sử Nghĩa địa và Chùa Ba Đồn mang vẻ thâm u, tĩnh mịch trải dài theo lối mòn từ cổng chính (nay đã được bê tông hóa).

Cổng chùa chỉ có hai trụ, bên trái xây một trụ phụ cao chừng 2 mét, đầu trụ gác ngang bảng tên Chùa Ba Đồn. Hai trụ chính có hai câu đối chữ Hán:
Chinh chiến kỷ năng hồi, linh tích thiên thu bằng thử địa
Thân sơ vô dị trí, tâm hương nhất triện vấn thùy nhân
Dịch nghĩa:
Chinh chiến mấy ai về, ngàn thuở dấu thiêng còn khắp chốn
Xa gần đều kẻ biết, một lòng kính ngưỡng kể bao người
(Dịch nôm của Nguyễn Quan Hà)

Di tích lịch sử Nghĩa địa và Chùa Ba Đồn có Tam đàn ngũ trảu (Ba nghĩa địa lớn, năm nghĩa địa nhỏ). Trên ba nghĩa địa rộng có các bia mộ, trên mỗi bia đều khắc dòng chữ “Ân Tứ Hiệp Tán Vô Tư Chi Mộ” có nghĩa là “Vua ban cho chung những mộ hoang vô chủ”. Trong quá trình chôn cất, vua ra lệnh không làm nấm mà cho xây thành xung quanh vì ngăn mất xác. Vì vậy, từ cổng chính đi vào chính điện, người ta chỉ thấy mảnh đất bằng phẳng trải dài nhưng thực chất dưới lớp cỏ xanh chính là một ngôi mộ tập thể lớn nhất cả nước.

Ở Tòa nội điện được xây dựng theo kiểu năm gian hai chái. Gian giữa thờ Phật, trên cao có tượng Thích Ca, có hoành phi 4 chữ: Từ Bi Vô Lượng, xuống có tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, bên phải có Nam Tào, trái có Bắc Đẩu. Sau bàn thờ Phật là bàn thờ Hội Đồng các Quan có bài vị: Hàn Lâm Pháp Hội. Các gian kế bên phải thờ: Hương linh anh hùng tuẫn tiết - Thờ Cô hồn – Thờ Hương linh bổn tự. Các gian kế bên trái thờ: Nam nữ nạn vong – Thờ Phưởng hồn (vong hư sẩy) – Thờ Hương linh các Phổ hội.

Trước sân chánh điện có bàn thờ ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát, và ngài Tiêu Diện Đạo Sĩ. Các hoa văn trong kiến trúc ở các công trình này cũng được sử dụng các hình ảnh quen thuộc trong kiến trúc đền, chùa, miếu mạo ở Huế như hạc trên lưng rùa, lưỡng long chầu nguyệt, hoa sen, voi, hổ... được đắp nổi bằng xi măng có kết hợp nghệ thuật đắp sành, sứ.

Hơn 200 năm tồn tại, Di tích lịch sử Nghĩa địa và Chùa Ba Đồn là nơi an nghỉ của hàng chục ngàn linh hồn của những người vô danh vì trải qua rất nhiều lần quy tập với số lượng lớn. Chùa Ba Đồn vì vậy được xem là nơi có mộ tập thể lớn nhất nước ta, và cũng vì nơi đây là nơi tập trung những ngôi mộ hoang vô chủ, vì vậy nổi tiếng rất linh thiêng. Cùng những câu chuyện ly kỳ được truyền miệng trong dân gian xung quanh Chùa Ba Đồn, dù thực hư chưa rõ ràng và cũng khó kiến giải nhưng càng khiến cho nơi đây trở thành chốn linh thiêng để ngày ngày trở thành điểm đến để xin quẻ, xin xăm may mắn của nhân dân và du khách gần xa khi đến Huế.

Đến với Huế, đừng quên ghé Chùa Ba Đồn để có cơ hội chiêm bái địa danh nổi tiếng này.