Điềm Phùng Thị (18/08/1920 – 29/01/2002), tên thật là Phùng Thị Cúc, sinh tại làng Châu Ê, xã Thủy Bằng, thị xã Hương thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, con của ông Phùng Duy Cẩn (xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) từng làm quan triều Nguyễn, có thời làm Tham công chỉ huy việc xây lăng Khải Định. Bà mồ côi mẹ từ năm 3 tuổi, năm 6 tuổi đã theo cha ròng rã suốt 9 năm ở Tây Nguyên, sau đó mới về Huế học.
Những năm tháng sinh sống và học tập ở Huế, Phùng Thị Cúc đã nổi danh không chỉ bởi học hành rất giỏi mà còn là hoa khôi trường Đồng Khánh, làm say mê biết bao vương tôn công tử. Vẻ đẹp ấy được khắc họa rõ nét trong câu chuyện thơ của chàng thi sĩ “mơ màng” Lưu Trọng Lư một thửa:
“…Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vương víu nợ thi nhân…”
Giai nhân Phùng Thị Cúc một thửa (Ảnh: Internet)
Bài thơ ấy khá dài, gồm 4 chương, mang nhan đề Một mùa đông, đã được Phạm Đình Chương phổ chương đầu thành ca khúc Mắt buồn, Anh Bằng phổ chương nhì thành ca khúc Ai bảo em là giai nhân, còn Y Vân phổ nên 3 ca khúc Một mùa đông, Người em sầu mộng, U hoài. Thi sĩ họ Lưu còn dệt bài thơ Một chiều về với đề từ: "Tặng người bạn cũ họ Phùng". Cả hai áng thơ đều in trong thi tập Tiếng thu, xuất bản lần đầu năm 1939.
Những năm 1940, bà là vị hôn thê của họa sĩ Mai Thứ (Mai Trung Thứ) và chính ông cũng có ảnh hưởng không nhỏ trong những cảm hứng sáng tác sau này của cô nữ sinh Đồng Khánh xưa.
Năm 1946, bà tốt nghiệp khóa Nha khoa đầu tiên tại trường Đại học Y khoa Hà Nội của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vào thời điểm đó, bà đã đính hôn với ông Hoàng Xuân Hà (em ruột GS Hoàng Xuân Hãn) và cùng ông tham gia phục vụ kháng chiến. Ông Hoàng Xuân Hà hy sinh còn bà thì lâm bệnh nặng và được đưa sang Pháp chữa trị. Sau khi hồi phục sức khỏe, bà tiếp tục học và tốt nghiệp Tiến sĩ Nha khoa của Pháp. Năm 1953, bà kết hôn với ông Bửu Điềm, người bạn thuở ấu thơ, cũng là Nha sĩ và định cư tại Paris. Tện gọi Điềm Phùng Thị được ra đời từ đấy.
Bằng Nha sỹ của bà Điềm Phùng Thị, được cấp ngày 05/10/1946 (Ảnh: Phan Xi Păng)
Hơn 10 năm cống hiến trong lĩnh vực Y khoa, đó hẳn nhiêu không phải là con số quá ngắn ngủi nhưng có rất ít tài liệu đề cập đến giai đoạn này, chỉ biết rằng hai vợ chồng bà rất được lòng tất cả mọi người. Mặc dù hai người không có con nhưng vẫn sống hạnh phúc trong một ngôi nhà vùng ngoại ô thành phố. Dường như người ta quên mất đi hình ảnh Điềm Phùng Thị - một bác sĩ nha khoa bởi cuộc đời của một người bác sĩ chỉ cần ra sức cứu người mà không màng đến chuyện tôn vinh hay vì ánh hào quang của một nghệ sĩ điêu khắc quá lớn đều hội tụ trong con người ấy?
Bà Điềm Phùng Thị và Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân (Ảnh: Internet)
Thiết nghĩ, cơ duyên với nghệ thuật điêu khắc trong con người Điềm Phùng Thị được rẽ lối chính tại tâm của một người bác sĩ giàu sức chịu đựng và sự hi sinh. Tâm sự về quyết định được xem là táo bạo này, bà viết: “Đầu những năm 60, chiến tranh ở quê nhà diễn ra rất ác liệt. Cảnh chết chóc được truyền hình chiếu đi chiếu lại, làm cho đầu óc ai cũng căng thẳng. Để giữ thăng bằng, tôi đi học võ, học làm đồ gốm để thoát ra khỏi sự chật hẹp của cái mồm của nghề răng! Một hôm đi ngang qua một cái xưởng nặn tượng đất sét, tôi dừng lại đó rồi không đi đâu khác nữa. Hình như, có một sức hút nam châm thu hút tôi, giữ tôi lại. Tôi không xác định được tôi tìm đến điêu khắc hay điêu khắc đã chọn tôi…”. Một người đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, đã đạt được đến một địa vị cao trong xã hội (tiến sĩ) và có một cuộc sống bình yên, lẽ dĩ nhiên việc hưởng thụ đối với họ là điều xứng đáng. Ấy vậy mà một người phụ nữ xứ Huế, ở một phương trời xa lạ dám thay đổi tất cả chỉ vì “không thể suốt đời chỉ sống trong 36 cái răng trong miệng” mà khát khao muốn làm điều gì đó để cất lên tiếng nói phản đối chiến tranh Việt Nam. Lòng tự tôn dân tộc cùng ý thức hệ về nhân cách thật đáng để mọi người ngưỡng phục. Và, có không một sự liên hệ khi từ “36 cái răng trong miệng” như bà từng nói đã tạc nên 36 bức tượng của bà giữa đất trời phương tây?
Và rồi, “hình ảnh bom đạn, làng cháy, cảnh trí tra tấn, chết chóc được tường thuật, trình bày trên báo chí, đài truyền hình thành như cơm bữa của chúng tôi. Làm sao không kích động được trước các tàn bạo kia khi ta là một con người, và hơn nữa khi là người Việt Nam, ta cảm thấy bị tổn thương đến thịt, đến máu. Hơn một lần, chúng tôi tự thấy xấu hổ vì chỉ là những khán giả bất lực và phạm tội ấy gây nên một thảm kịch cho nhiều người trong chúng tôi...". Niềm đau ấy, nỗi bi kịch của một con người với trái tim quá lớn đã đưa Điềm Phùng Thị đến với nghệ thuật như định mệnh và một sự cứu cánh:
Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ. Tác phẩm đó bây giờ không còn thuộc về tôi nữa. Tôi trao lại các bạn, hoặc đúng hơn, nói theo cách của Bissière, tôi trao tôi cho các bạn (Nhật ký ảnh - NXB Hermann)
Đó là một quyết định vào năm bà 30 tuổi, là những năm tháng buổi ngày là nha sĩ, buổi tối là nghệ sĩ với những khó khăn chồng chất ngày càng nhiều lên vai bà khi ông Bửu Điềm bị đau nặng. Vào năm 46 tuổi, cuộc triển lãm đầu tiên của bà diễn ra và được công chúng Pháp đón nhận hết sức nồng hậu. Giáo sư Mady Ménier - Đại học Paris I đã nhận xét hết sức tâm huyết về Điềm Phùng Thị: “... Lần đầu tiên không cầu kỳ chuộng lạ hương xa, một nhà tạc tượng - trong số biết bao nhà tạc tượng từ Viễn Đông đến Paris - giành được chỗ đứng cho châu Á ngay trong lòng ngành điêu khắc rất hiện đại của Paris... Sự đơn giản hóa cao độ và tinh tế các hình thể, hiếm có tinh khiết, đan xen nhau, đã trực tiếp dự báo rõ rệt đặc điểm sau này của nghệ thuật Điềm Phùng Thị, một phong cách sáng tạo độc đáo...”.
Trong mười năm kể từ đó, chiến tranh là một đề tài lớn trong các tác phẩm của bà. Nổi bật nhất có thể kể đến như tác phẩm Người không trở về (1960) làm bằng thạch cao quyện sợi xơ trên nền gỗ, thể hiện trên hai chiều hình ảnh của một thân xác bị phân hủy, hao mòn, tượng trưng cho những gì bi thảm đang diễn ra ở Việt Nam. Những tác phẩm lấy đề tài chiến tranh đáng chú ý khác như: Một cuộc đời, Người lính giải phóng, Nhà tôi trong chiến tranh, Bom bi và Người mẹ... đều thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của một người con đất Việt luôn hướng về Tổ quốc.
Công trình Đài tưởng niệm liệt sĩ huyện Hương Trà của kiến trúc sư Điềm Phùng Thị (Ảnh: Internet)
Rồi liên tục sau đó là hàng chục cuộc triển lãm quy mô của Điềm Phùng Thị được tổ chức khắp nước Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Thụy Sĩ... Tên tuổi của bà được vinh danh là tài năng lớn của nghệ thuật thế kỷ XX trong từ điển Larousse (1991). Năm 1992, Điềm Phùng Thị được bầu làm Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học, Văn học và Nghệ thuật châu Âu. Ấy vậy nhưng bà vẫn miệt mài đục, đẽo sáng tác đến quên ăn, quên ngủ. Sức chịu đựng của người phụ nữ ấy chắc hẳn phải được hun đúc bằng cảm hứng nghệ thuật và niềm đau quá lớn…
Nói về những tác phẩm nghệ thuật của Điềm Phùng Thị, có rất nhiều những lời nhận xét, ca tụng về những thành tựu lẫn phong cách sáng tạo độc đáo. Với 7 mẫu tự mà bà tự tìm ra cho mình, lấy cảm hứng từ những vật phế thải tại các xưởng thiết kế rồi tối giản nó, nhà phê bình nghệ thuật Ray Mond Cogniat gọi là 7 mẫu tự, giáo sư Trần Văn Khê gọi là 7 nốt nhạc, các nhà nghiên cứu nghệ thuật thì gọi là những modules còn có người gọi nó là bảy sắc cầu vồng, bảy bước chân của Phật, thậm chí như là những vật dụng trong ngành y tế… Dù với tên gọi là gì thì đó cũng là thế giới riêng của một người nghệ sĩ – bác sĩ giàu lòng trắc ẩn.
Nếu như trong mắt của các nhà nghiên cứu lý giải, “hiện tượng Điềm Phùng Thị như là một thành quả của sự hỗn hợp các nền văn minh và các thời đại vốn xa lạ nhau” (Nhà phê bình nổi tiếng người Pháp, Georges Boudaille), “Điềm Phùng Thị... là một tạo hoá trong điêu khắc...”(nhà thơ Tố Hữu), “Trong điêu khắc, Điềm Phùng Thị sang trọng như một “bà hoàng” nhưng những tác phẩm của bà lại rất bình dị, đối với mỗi người yêu nó” (Vũ Hào, Giáo dục & Thời đại)… Tuy nhiên, “dù gợi tưởng như thế nào đi nữa vẫn thấy điểm chung giữa các tác phẩm là cách thức tổ hợp các mẫu tự theo một trục thẳng, hướng tâm, hướng lực, toát yếu lên tinh thần an nhiên tĩnh tại, cân bằng và ổn định như tâm thế người phương Đông giữa lòng châu Âu hiện đại” (Lê Thị Mỹ Ý, Alphabet và trò chơi hình học của Điềm Phùng Thị). Những chất liệu bình dân nhất của cuộc sống như gỗ, nhôm, đất nung, đồng, giấy, vải... và cả mảnh xác máy bay B52 đều được đưa vào những tác phẩm “sang trọng mà bình dị” của bà, tạo nên một sự dung hòa đến kỳ diệu cho mỗi tác phẩm chức chan tình yêu Tổ quốc. Sự tỉ mẩn trong mỗi tác phẩm, công trình của bà có được tưởng như những năm tháng học y khoa với sự nghiêm ngặt trong mọi thao tác đã làm nên sự hoàn hảo cho những tác phẩm mang tên Điềm Phùng Thị.
Không chỉ góp tiếng nói phản đối chiến tranh bằng nghệ thuật, trong cuộc sống của mình, Điềm Phùng Thị vẫn luôn cố gắng hết mọi khả năng để cống hiến sức mình cho sự phồn thịnh của quê hương. Suốt thời gian diễn ra Hội nghị Paris về Việt Nam, gia đình bà Điềm Phùng Thị đã giúp đỡ đoàn đại biểu nước ta về chỗ ăn, chỗ ở cũng như phiên dịch hộ. Ông Phan Đình Hối, người trợ lý riêng của bà, vẫn còn giữ lá thư cảm ơn của ông Xuân Thủy, khi đó là Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gửi gia đình bà Điềm Phùng Thị vì những đóng góp của gia đình trong sự thành công của Hội nghị Paris.
Một tác phẩm ngoài trời được trưng bày tại ngôi nhà số 1 Phan Bội Châu, tp. Huế.
Sau này, Điềm Phùng Thị cũng là một trong những nghệ sĩ đầu tiên trở về theo tiếng gọi của Tổ quốc góp phần xây dựng đất nước. Theo nhà văn Tô Nhuận Vỹ, sự trở về của bà, cũng như của các nghệ sĩ như Lê Bá Đảng, “có sức mạnh gấp 10 lần việc tuyên truyền bằng lời nói”. Cũng theo nhà văn, bà là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất có tổ chức nước ngoài lấy tên. Đó là tổ chức “Hội bạn Điềm Phùng Thị” do những người Pháp ái mộ tài năng của bà thành lập.
Năm 1981, ông Amadou Mahtar M'Bow, Tổng giám đốc UNESCO, đã ra lời kêu gọi bảo tồn và tôn tạo Huế. Chính bà là người đã thiết kế huy hiệu UNESCO để vận động cho TP.Huế trở thành di sản thế giới.
Hơn 10 năm cuối đời, bà Điềm Phùng Thị sống và làm việc tại số 1 đường Phan Bội Châu (ngôi biệt thự 2 tầng do người Pháp thiết kế và thi công năm 1930, tọa lạc trên mảnh vườn rộng 2.650m2, một thời là Phòng Giáo dục TP. Huế). Tại đây, bà đã mở lớp dạy miễn phí cho nhóm trẻ mồ côi và trẻ khuyết tật vẽ tranh và tạc tượng theo lối phối hợp các mô-đun (modules).
(Ảnh: Internet)
Ngày 5/9/1998, Điềm Phùng Thị bị tai biến mạch máu não, tuy nhiên cuối năm ấy bà vẫn tham gia Trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ nhì được tổ chức tại Huế, nơi hữu ngạn dòng Hương, với tượng Sân chơi cho con và làm việc, sáng tác không ngừng nghỉ. Thêm một lần nữa, bà lại tìm đến điêu khắc để vơi bớt cô đơn, dù đã về với quê hương nhưng người bạn đời của bà đã không còn bên cạnh.
Trước khi qua đời vài tháng, vào năm 2001, Điềm Phùng Thị đã quyết định tặng cho Huế toàn bộ tác phẩm còn lại ở TP. Hồ Chí Minh (trên 130 tác phẩm) và ở Pháp (trên 50 tác phẩm) mà không hề bán bất cứ một tác phẩm nào. Đó là món quà vô giá cho thành phố Huế. Bà đã hoàn thành ước nguyện cống hiến cuối cùng như một sự tri ân với quê hương. Và người đời có thể thấy được điểm chung trong hai lĩnh vực trái chiều mà bà suốt đời theo đuổi: sự tận tâm và luôn cống hiến.
Dù không có con với nhau nhưng tình yêu giữa bà và ông Nguyễn Phúc Bửu Điềm vẫn luôn được người đời ca tụng. Và cái tên Điềm Phùng Thị như là minh chứng rõ nhất cho tình yêu bền chặt đó. Điềm Phùng Thị, đó là bút danh duy nhất của bà Phùng Thị Cúc khi lấy tên của chồng để đặt cho mình – một cách gọi Tây phương nhưng cũng “rất Huế”.
(Ảnh: Internet)
Khi ra đi, trên đồi thông hai mộ (núi Châu Chữ, xã Thủy Bằng) ấy, hình ảnh bức tượng người bằng đá ong đỏ au được xếp đặt với “7 modules huyền thoại” như cũng mang dáng dấp của “Tục ăn trầu” – luận án tiến sĩ nha khoa mà hai vợ chồng bà đã cùng nhau bảo vệ tại nước Pháp phồn hoa. Trầu cau khi ăn kèm với vôi tạo nên màu đỏ thắm tình chồng nghĩa vợ, những công trình kiến trúc mà hơn nửa đời người bà theo đuổi lại đượm tình người, tình non sông gấm vóc và triết lý nhân sinh. “Cau trầu” cũng đi vào kiến trúc của bà với một sản phẩm bằng đất nung đỏ. Tình vợ chồng – tình quê hương, Y khoa – Kiến trúc, ở lĩnh vực nào bà cũng trọn một chữ Tâm. Một sự sóng đôi kỳ diệu!