menu_open
Hợp lực để ca Huế lung linh
Xem cỡ chữ:
Từ khi kinh đô thất thủ (1885) đến lúc triều đại phong kiến sụp đổ (1945), ca Huế bị biến chất, đôi khi bị sử dụng ở những chốn ăn chơi, nhưng nhiều nghệ sĩ chân chính vẫn giữ được cốt cách bản sắc dân tộc.

 

Ca Huế là một loại hình nghệ thuật tiêu biểu của Thừa Thiên Huế. Theo nhận xét của nhạc sư Nguyễn Hữu Ba: "Ca Huế phát sinh từ miền sông Hương núi Ngự. Có thể nói rằng những nhạc điệu của ca Huế là do tiếng mái chèo khuấy nước của cô gái Kim Long, từng bước chân của nàng cung phi trong vườn ngự, tiếng gió mùa xuân thổi trên khóm hoa hồng hạnh hoà hợp lại mà tạo nên. Giọng Huế lả lướt những âm phụ xa vời, gợi cho lòng ta những niềm vui êm sáng, những nỗi buồn mênh mang và một tình yêu nước thương nòi vô cùng tha thiết".


Một chương trình ca Huế thính phòng tại NVH Huế. Ảnh: H.A

Trong khi ở miền Bắc, hát ả đào đã thoát ra khỏi hình thức hát cửa đình, hát cửa quyền để trở thành thú chơi tao nhã của nho sĩ, thì ở Thuận Hoá (Huế), kinh đô của nhà Nguyễn, các hoàng thân và quan chức trong triều cũng sáng lập một loại ca nhạc thính phòng mà về sau ta gọi là ca Huế (1). Tuy nhiên về yếu tố âm nhạc từ bên ngoài ghi dấu ảnh hưởng đến âm nhạc Việt. Sau đó là thời kỳ âm hưởng Chăm đã gây cảm ứng cho các nhà soạn nhạc Việt với những điệu buồn và chậm qua những điệu ca: Nam Bình, Nam Thương, Nam Ai, Nam Khách (2). “Những cung nam, như Nam Ai, Nam Bình, Nam Xuân có vẻ trầm bi, oán vọng... Trong khi âm nhạc ở Đàng Ngoài đương suy thì ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn cùng các bậc vương công ham chuộng, và nhờ ảnh hưởng của Chiêm (Chăm) nên trở thành phong phú và thịnh vượng lên. Nhiều nhà quý phái như ông hoàng Nam Sách, phò mã Trần Quang Phổ ở đời Tự Đức là tay danh cầm xưa nay không ai hơn nổi” (3).

Ca Huế ra đời sau âm nhạc dân gian, thừa kế có chọn lọc nguồn âm nhạc này. Ngoài ra, ca Huế cũng thu nạp một số làn điệu và hình thức diễn xướng đơn lẻ của dân ca, phù hợp với tính chất ngâm vịnh, và sắp xếp chọn lọc theo âm điệu và nhịp điệu. Ca Huế thoả mãn nhu cầu của nhiều đối tượng từ giới phong lưu đến những người dân lao động với những bài Nam Ai, Nam Bình, điệu Lý Hành Vân được chuyển sang điệu Tương Tư Khúc nghe rất hài hoà thấm đậm, chất dân gian và bác học hoà quyện vào nhau, gieo vào lòng người nghe những cảm giác bồi hồi, xúc động. Nhưng cái buồn lại có nhiều mức độ khác nhau. Buồn dịu nghe thanh thản, bâng khuâng có điệu Nam Xuân; buồn nỉ non trầm lắng có điệu Nam Ai: “Quạnh quẽ màn loan – Tay ôm đàn trong tích tịch – Ngồi trông bạn – Nào đâu bạn – Mờ mịt trời mây én nhạn lìa đôi”.

Không chỉ có những nét buồn, ca Huế có khả năng thể hiện những sắc thái vui: có điệu bay bổng lâng lâng, như bài Phẩm tuyết, Nguyên tiêu; ngân nga như Phú lục, Cổ bản, tình tứ quấn quýt như Lộng điệp; rộn ràng như Ngũ lôi; dồn dập như Xuân phong, Long hổ... Gọi là vui nhưng vui trong giới hạn sắc thái âm điệu, chứ thực tế âm nhạc vẫn mang tính chất sâu lắng, trữ tình. Đây chính là biểu hiện của âm nhạc gắn với phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tiếng nói và sinh hoạt văn hoá của vùng đất cố đô (4).

Trong ca Huế, điệu là quan trọng hơn hết cho việc thẩm âm. Chính vì mỗi điệu là một kiến trúc âm thanh riêng biệt mà tích tụ, lời ca và nghề chơi mới chỉ có quan trọng bên ngoài mà thôi. Chẳng hạn như Nam Xuân, âm hưởng nhẹ nhàng, vừa mênh mông vừa quyến rủ, vừa rắn rỏi, vừa tiêu tao, cảm giác như tâm tư của vạn lý, vươn dậy một mối tình đìu hiu, vừa man mác, vừa khơi lên mạnh mẽ; còn điệu Nam Bình, nghe như có cái gì gây gây len vào da thịt để động đến tận cùng của tâm hồn thiết tha yêu, tiếng miên man của thời gian và không gian không dứt. Gần kết thúc điệu bổng dựng lên, hưng phát lên, rồi lặng lẽ êm ả gửi vào dòng tâm tình bình đạm và hoài cảm mênh mông tuôn trào giữa quê hương bát ngát (5) về mối tình của Huyền Trân công chúa với Chế Mân:

“Nước non ngàn dặm ra đi/ Cái tình chi/ Mượn màu son phấn/ Đền nợ Ô Ly/ Đắng cay vì/ Đương độ xuân thì...”

Khi hát điệu Nam Bình, người Huế tự thanh thản cho mình – mình cũng là người “nước non ngàn dặm ra đi” như công chúa Huyền Trân ngày xưa. Đầu bài hát là nỗi buồn, giữa là sự phân trần, giải thích, cuối thì cũng buồn mà lắng lại. Bài Nam Bình kết thúc một câu bằng 4 chữ, không buồn lắm nhưng chẳng thể vui ngay, còn băn khoăn mà vẫn nuôi niềm hy vọng (6).

Lời ca Huế không theo một thể thơ nào mà câu dài câu ngắn theo nhạc, quanh co như ngõ trúc (“trúc chi từ”). Từ một vài làn điệu, phần lớn các bài bản ca Huế có lời chia thành nhiều đoạn, gọi là “trổ” hoặc “sáp”. Mỗi “trổ” một vần chân, ngoài ra lại có vần lưng. Có khi cả bài chỉ có một vần chủ đạo (7). Hơn nữa, ca Huế ít dùng những tiến đệm như ư, y, a, ô, ứ hự... và chỉ có láy mà thôi.

Từ khi kinh đô thất thủ (1885) đến lúc triều đại phong kiến sụp đổ (1945), ca Huế bị biến chất, đôi khi bị sử dụng ở những chốn ăn chơi, nhưng nhiều nghệ sĩ chân chính vẫn giữ được cốt cách bản sắc dân tộc.

Sau năm 1945 dần dần ca Huế có cơ hội phục hồi, phát triển ở miền Bắc. Nhiều nghệ nhân tập kết ra Bắc, sau khi hoà bình lập lại vào năm 1954 đã thành lập Đoàn Ca kịch Huế phục vụ tại tuyến lửa Vĩnh Linh. Ở miền Nam ca Huế phát triển có phần tự do, tuỳ tiện. Đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, ca Huế có cơ hội chuyển sang một hình thức mới – hình thức trình diễn ca Huế trên sông phục vụ khách du lịch trở nên một yêu cầu bức thiết (8). Ngày 20/8/1983, Câu lạc bộ ca Huế ra đời (thuộc Nhà Văn hoá Huế) trong niềm hân hoan của các nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế và giới mộ điệu, tri âm trong thành phố Huế. Để thoả mãn nhu cầu thưởng thức ca Huế trên sông Hương, Câu lạc bộ đã mạnh dạn chính thức mời khách xuống thuyền từ tháng 1/1984. Nhà thơ Võ Quê cho biết: “Từ những nghệ nhân ban đầu với các danh cầm Lê Văn Cần (đàn tỳ bà), Nguyễn Văn Tân (đàn nhị), NSUT Thái Hùng ( đàn nguyệt), Châu Thới (đàn tranh) và các ca sĩ Minh Tâm, Thanh Tâm, Kim Thành, Quỳnh Hoa... Câu lạc bộ đã mời thêm được các nghệ nhân tên tuổi trong làng ca Huế đến cùng Câu lạc bộ như Tôn Thất Toàn, Tôn Thất Dung, Trần Kích, Nguyễn Quế, Quang Hải, Phạm Văn Thiết, Minh Mẫn, Vân Phi, Quế Trân, Thanh Hương, Diệu Liên... Câu lạc bộ ca Huế cũng đón nhận được sự cộng tác nhiệt thành của Đoàn Ca kịch Huế, tiền thân của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế ngày nay trong việc dàn dựng các trích đoạn tuồng làm phong phú thêm nội dung biểu diễn nghệ thuật ca Huế, ca kịch Huế của câu lạc bộ. Đến nay, câu lạc bộ đã có trên 60 thành viên có chất lượng cao cùng tham gia sinh hoạt, đánh dấu một bước trưởng thành của câu lạc bộ”. Thế nhưng từ khi ca Huế bị thương mại hoá để phục vụ du khách trên sông Hương, và do sự thiếu quan tâm của một số “chủ show” nên các bài bản lớn của nghệ thuật ca Huế, như Quả phụ, Nam Xuân, Nam Ai, Phú Lục, Tứ Đại Cảnh... gần như vắng bóng; thay vào đó là các điệu dân ca, các điệu lý dẫn đến việc biến dạng hình thức diễn xướng ca Huế, có thể gây sự hiểu lầm về giá trị đích thực của ca Huế trong du khách. “Diễn viên ở đây rõ ràng là chất lượng không cao và có người không ca được những bài bản cổ theo yêu cầu của khách sành điệu” (9).

Do tình trạng trên, Sở Văn hoá Thông tin Thừa Thiên Huế đã ra văn bản “Hướng dẫn thực hiện qui định về hoạt động biểu diễn ca Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”. Qua văn bản, Sở Văn hoá Thông tin giao trách nhiệm cho Thanh tra sở có kế hoạch phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra thường xuyên về hoạt động tổ chức biểu diễn, về thẻ hành nghề, về tình trạng “chạy xô”, về việc bán băng đĩa kém chất lượng, về tiêu chuẩn điểm diễn, thuyền diễn, về nội dung chương trình biểu diễn... (10).

Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và giới mộ điệu, ngày 20.8.2013 tại Bảo tàng Văn hoá Huế, số 25 Lê Lợi, TP Huế đã tổ chức biểu diễn ca Huế thính phòng đầu tiên được khôi phục dựa trên ý tưởng xây dựng lại không gian diễn xướng của loại hình nghệ thuật đã một thời từng sống trong cung vua, phủ chúa, các nghệ nhân, nghệ sĩ vẫn miệt mài tuần hai buổi (tối thứ ba và tối thứ sáu) đến với không gian diễn xướng ca Huế thính phòng để trình diễn những bản ca Huế như: Nam Ai, Nam Bình, Tứ Đại cảnh... Từ khi ca Huế thính phòng đi vào hoạt động, sân chơi nghệ thuật này đã phục vụ 100 chương trình biểu diễn và thu hút 3.500 lượt khách. Trong đó đáng chú ý là du khách quốc tế, như: Mỹ, Úc, Italia, Ấn Độ, Nhật, Pháp, Đức... (11).

Chúng tôi đã đến thưởng thức đêm ca Huế thính phòng vào lúc 19 giờ, ngày 23/8/2013 tại Bảo tàng Văn hoá Huế và đã được chứng kiến hình ảnh ba thế hệ trình diễn trên cùng sân khấu, như gia đình nghệ sĩ Kim Vàng – Quốc Khánh, Lệ Hoa – Ý Nhi, Thu Hằng – Ý Linh... Ông Huỳnh Đình Kết, Giám đốc Bảo tàng Văn hoá Huế phát biểu: “Mục đích việc tổ chức các đêm diễn là nhằm đưa ca Huế trở lại sinh hoạt truyền thống, đồng thời tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sĩ có tâm huyết, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ca Huế có cơ hội bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể của Huế” (2). Trong dịp Festival Huế 2014, chương trình tôn vinh ca Huế “Âm sắc Hương Bình” đã diễn ra tại Nghinh Lương Đình và chương trình “Ca Huế thính phòng” tại Bảo tàng Văn hoá Huế, đã góp phần quảng bá một sản phẩm văn hoá đặc sắc, tiêu biểu của vùng đất Cố đô.

(1) Nguyễn Hữu Ba, “Giới thiệu sơ lược về âm nhạc Việt Nam”, Sài Gòn,1960,tr.6-7. Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam của Phạm Duy, Hiện Đại xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr. 137.
(2) Viet Nam ancient culture young nation, SaiGon, 1970, p.61.
(3) Dẫn theo Văn Thanh, “Tìm hiểu ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên”, Sở Văn hoá Thông tin Bình Trị Thiên, 1989, tr.45
(4) Trịnh Thế Vinh, “Những đặc trưng cơ bản của ca Huế”, Báo Thừa Thiên Huế, 20.8.2003, tr. 3.
(5) Ngô Ganh, “Sơ lược về kiến trúc âm thanh trong nhạc cổ Trung Việt”, Cổ học quí san, số 8, 1960, tr.47 – 48. Xem thêm Võ Quê – Sưu tầm và biên soạn, Lời ca Huế, Nxb. Thuận Hoá, 2013 tr.19.
(6) Ngô Thời Đôn, “Điệu trầm xứ Huế”, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 37. 5.1996, tr.17.
(7) Minh Khiêm, “Sáng tác lời ca Huế: Không thể dễ dãi”, Báo Thừa Thiên Huế 31.7.2014, tr.4.
(8) Tôn Thất Bình, “ Đàn, ca Huế - nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu gia đoạn hình thành và thịnh đạt”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 35, 1999, tr. 73. Tuy nhiên, có tài liệu viết về việc thành lập Đoàn ca Huế Trị Thiên vào năm 1957. Xem Kim Oanh, “Một đời ca Huế”, Báo Thừa Thiên Huế, 13.4.2014.
(9) Việt Văn, “Người Huế còn mê ca Huế”, Báo Lao Động, 23.9.1998, tr. 5.
(10) Sở Văn hoá Thông tin Thừa Thiên Huế, Những điều cần biết về hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương, Huế, Tháng 8.2005, tr. 73.
(11) Trọng Bình, “Một năm ca Huế thính phòng: Đam mê thôi chưa đủ”. Báo Thừa Thiên Huế, 20.8.2014, tr.3. Xem thêm Bùi Ngọc Long, “Hồi sinh ca Huế thính phòng”, Báo Thanh Niên, 4.9.2014, tr. 15.
(12) Nguyễn Văn Toàn, “Vài nét về Bảo tàng văn hoá Huế”, Tạp chí Văn hoá Phật giáo, số 204, 1.7.2014, tr.33

Hồ Vĩnh