menu_open
Không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật”
Xem cỡ chữ:
Không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” hoạt động từ ngày 10/01/2023 tại nhà Tế Tửu thuộc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Địa chỉ: 03 Lê Trực, P. Đông Ba, Q. Phú Xuân, Tp. Huế
Tình trạng: Khai trương từ ngày 10/01/2023

Giới thiệu:

Không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” tại Huế là nơi giới thiệu đến công chúng cuộc đời, sự nghiệp và di sản nghệ thuật của một vị vua yêu nước, một nghệ sĩ tài hoa: Vua Hàm Nghi, được ra mắt nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của ông (1944 - 2023).

Không gian trưng bày giới thiệu đến công chúng hình ảnh về cuộc đời của vua Hàm Nghi từ khi lên ngôi, giai đoạn chống Pháp, giai đoạn lưu đày tại Alger (thủ đô nước Algeria); 31 bản sao các tác phẩm nghệ thuật là tranh, tượng do nhà vua sáng tác ở Alger và đặc biệt là một bức tranh gốc của vua Hàm Nghi (tựa đề tạm dịch: Hồ trên dãy núi Alps) do một cá nhân hiến tặng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Không gian trưng bày là kết quả sau những nỗ lực sưu tầm tư liệu về vua Hàm Nghi của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và sự hỗ trợ của TS. Amandine Dabat - nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi.

Không gian ra mắt công chúng nằm trong chuỗi các hoạt động giới thiệu về cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi trong những năm tháng nhà vua sống lưu vong ở nước ngoài, gắn với những sự kiện quan trọng trong năm 2023: Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hợp tác ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp, Kỷ niệm 10 năm thiết lập đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp...

Nghi thức cắt băng khai trương Không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” 
Nghi thức cắt băng khai trương Không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” 

Lịch sử hình thành:

Vua Hàm Nghi sinh ngày 3/8/1871, có tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, con thứ năm của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn, em của vua Kiến Phúc và vua Đồng Khánh sau này.

Ông lên ngôi khi mới 13 tuổi (năm 1884), lấy niên hiệu là Hàm Nghi. Vua Hàm Nghi lên ngôi trong một giai đoạn lịch sử khá rối ren, phức tạp, chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta đã bị đặt dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng vua Hàm Nghi đã có tư tưởng kháng Pháp mạnh mẽ, ông trở thành “ngọn cờ đầu” của phong trào Cần Vương, tập hợp và lãnh đạo các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết, chiến đấu chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp.

Tuy nhiên, sau ba năm hoạt động sôi nổi, phong trào Cần Vương đã bị thất bại, đánh dấu bởi sự kiện vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng bị thực dân Pháp vây bắt tại địa phận huyện Tuyên Hóa (nay thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đêm 11/11/1888.

Đến ngày 16/11/1888, Chính phủ Pháp đã tổ chức họp bàn và quyết định đày vua Hàm Nghi sang Algeria (một thuộc địa của nước Pháp ở Bắc Phi lúc bấy giờ). Trong thời gian bị lưu đày, vua Hàm Nghi đã học vẽ và điêu khắc.

Vua Hàm Nghi đến với hội họa bằng tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc khi ông thực hiện bức chân dung tự họa đầu tiên bằng than chì với cách vẽ theo tấm ảnh chân dung của mình trong trang phục cung đình triều Nguyễn.

Sau đó, ba cuộc triển lãm cá nhân của vua Hàm Nghi với nghệ danh Tử Xuân đã gây tiếng vang lớn tại Paris, thủ đô nước Pháp. Các tác phẩm của ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Chủ nghĩa ấn tượng, Chủ nghĩa hậu ấn tượng, các họa sỹ Paul Gauguin, Auguste Rodin.

Ông cũng được xem như là một nghệ sỹ người Việt đã mở đầu cho trào lưu nghệ thuật tạo hình theo phong cách Tây phương.

Ngày 10/01/2023, tại nhà Tế Tửu thuộc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, sau một quá trình nỗ lực sưu tầm, kết nối và hồi hương cổ vật, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Thành phố Huế) tổ chức khai mạc Không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi - Cuộc đời và nghệ thuật”, chính thức mở ra một địa chỉ tham quan, thưởng lãm cho giới văn nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật, du khách gần xa được hiểu rõ hơn về vị vua yêu nước - nghệ sĩ tài năng: Vua Hàm Nghi.

Nét đặc trưng:

Với gần 100 ảnh, tư liệu và 31 bản sao các tác phẩm nghệ thuật bao gồm các bức tranh, tượng do vua Hàm Nghi sáng tác ở Algiers và đặc biệt trong đó có bức tranh sơn dầu vẽ trên toan được nhà vua sáng tác năm 1900 - 1903, có tựa đề “Lac des Alpes” (tạm dịch: Hồ trên dãy núi An-pơ), triển lãm đã mang đến cho công chúng những thông tin giá trị về cuộc đời của vua Hàm Nghi - vị vua thứ 8 của triều Nguyễn từ khi lên ngôi, trong giai đoạn chống Pháp và giai đoạn sống lưu đày tại Alger.

Bức tranh gốc “Hồ trên dãy núi Alpes” do vua Hàm Nghi vẽ sơn dầu trên vải vào khoảng năm 1900 - 1903
Bức tranh gốc “Hồ trên dãy núi Alpes” do vua Hàm Nghi vẽ sơn dầu trên vải vào khoảng năm 1900 - 1903 được trưng bày tại Không gian “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật”

Vua Hàm Nghi được biết đến nhiều hơn với vai trò là một vị vua yêu nước, nhưng ông còn là một trong hai họa sỹ Việt đầu tiên (cùng với họa sĩ Lê Văn Miến) được đào tạo sáng tác theo phương pháp hàn lâm Tây phương. Vì thế có thể xem ông là người đóng vai trò tiên phong trong buổi bình minh của mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Tại không gian này, ngoài các nội dung được thể hiện một cách trực quan, du khách còn có thể tìm hiểu về cuộc đời của vua Hàm Nghi thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại như: màn hình trong suốt Transparent LCD, thiết bị nhận dạng hoạt động của tay, qua đó có thể ứng dụng tương tác trực tiếp để tìm hiểu thông tin, hay với hiện vật đã được số hóa 3D một cách trực quan… Ứng dụng công nghệ không những cho phép gỡ bỏ khoảng cách giữa hiện vật và người xem mà còn giúp thể hiện sâu hơn về mặt thông tin hiện vật, cho phép trưng bày có nhiều cách tiếp cận, gây ấn tượng mạnh mẽ với khách tham quan, phù hợp với xu hướng phát triển của bảo tàng hiện đại.

Tìm hiểu về cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi qua các công nghệ được ứng dụng trong không gian triển lãm
Tìm hiểu về cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi qua các công nghệ được ứng dụng trong không gian triển lãm

Giá trị nghệ thuật:

Ngày nay, khi đến với Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, nơi sở hữu công trình điện Long An - nơi được xem là "Cung điện đẹp nhất của kinh thành Huế" và phòng Chàm - Khu trưng bày Cổ vật Chăm-pa thời vua Khải Định hết sức quý hiếm và có giá trị lịch sử, văn hóa cao, Không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” tại nhà Tế Tửu đi vào hoạt động góp phần phát huy tốt những giá trị di sản, giúp du khách có dịp tìm hiểu thêm cuộc đời và sự nghiệp của vị vua thứ 8 của nhà Nguyễn.

Không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” là nơi thường xuyên tổ chức các chương trình trải nghiệm, giáo dục lịch sử, di sản cho học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế, góp phần hình thành nên điểm đến học tập, nghiên cứu và là nơi bồi dưỡng cho các thế hệ học sinh, sinh viên tình yêu lịch sử và nâng cao lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân.


Không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” - điểm đến học tập và tìm hiểu văn hóa

Video Youtube:

Bản đồ:

Ảnh: Bảo Minh, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế,...