menu_open
Ký ức của tư tưởng nhân nghĩa
Xem cỡ chữ:
Vào thời Nguyễn, văn chương nói chung trở thành một phương tiện hữu ích trong việc duy trì và bảo vệ tôn ti trật tự xã hội.

Thơ chạm khắc trên điện Long An

Thơ trên kiến trúc cung đình Huế với số lượng hiện còn là 2.090 ô hộc thơ tồn tại ở nhiều vị trí khác nhau tại 22 đơn nguyên kiến trúc là một bảo tàng vật chất khổng lồ về văn học, trở thành những minh chứng cực kỳ thuyết phục cho một thời kỳ phát triển rực rỡ của văn học trung đại Việt Nam. Với những giá trị đó, vào ngày 19/5/ 2016, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được công nhận là “Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.

Vào thời Nguyễn văn chương nói chung trở thành một phương tiện hữu ích trong việc duy trì và bảo vệ tôn ti trật tự xã hội. Do vậy, nội dung thơ trên kiến trúc cung đình Huế cũng xuất hiện hình tượng con người với quan điểm đề cao giá trị đạo đức của tư tưởng Nho giáo thông qua việc khẳng định nội dung về “đạo nhân” (đạo đức, nhân nghĩa, nhân đạo, nhân văn).

Nghĩa nhân chiêu tráng lệ/

Đạo đức trọng uy linh/ Bạch nhật khai long các/ Hồng vân ủng phụng đình     

(Nghĩa là: Nhân nghĩa làm rực rỡ thêm sự tráng lệ/ Đạo đức làm tăng thêm sự uy linh/ Nắng sáng mở ra trên gác rồng/ Mây hồng ôm lấy sân phụng, thơ trên điện Thái Hòa).

Quan niệm về con người đạo đức do vậy cũng tương đồng với con người nhân nghĩa. Nhân (nhân nghĩa) như một mệnh đề phổ quát xuyên suốt theo các quan niệm, tư tưởng. Đó cũng là tư tưởng nhân trị (cai trị bằng đức nhân), coi con người như bản thân mình, đức nhân được xem là nội dung cốt lõi của tu thân. Do vậy, không phải ngẫu nhiên ngay ở Nghi Môn cầu Trung Đạo (Hoàng Thành) có bức hoành phi pháp lam với nội dung Cư nhân do nghĩa (sống theo lòng nhân, làm theo điều nghĩa). Cũng không ngẫu nhiên trong khi tất cả các cửa vào ra Kinh Thành đều đặt tên theo phương vị (Chính Đông Môn, Đông Nam Môn, Chánh Tây Môn, Tây Nam Môn...), thì hai cửa chính ra vào Kinh Thành được đặt tên là Thể Nhân Môn (thể hiện điều nhân nghĩa) và Quảng Đức Môn (mở rộng đức độ). Càng không phải ngẫu nhiên hai cửa hông ra vào Hoàng Thành được đặt tên là Hiển Nhân Môn (làm rõ điều nhân nghĩa) và Chương Đức Môn (làm rực rỡ đức độ). Những tên gọi này rõ ràng đã quảng bá cho khái niệm nhân - đức, được ghi nhận hiện hữu trên kiến trúc với chủ đích nhất định của triều Nguyễn. Việc “chương đức”, “quảng đức”; việc “hiển nhân”, “thể nhân”, theo đó mà được “triển khai”. Thơ trên kiến trúc cung đình Huế đã khái quát hình tượng con người hành xử theo nhân - đức như một mệnh đề được phát triển có tính hệ thống với các luận điểm cụ thể, rõ ràng.

Minh Mệnh chính yếu có đoạn: “Cái đức của Trời, Đất thường hiện ra cho thấy ở mùa xuân, mà cái việc đầu tiên của Thánh nhân cũng nhân đó tìm ra mối mà làm việc phước (…) Chính trong lúc trời ban cho, đất sinh ra làm đầu, nên trước hết phải ban bố điều nhân để ơn mưa móc được phổ cập đến với mọi người”. Triển khai như một luận điểm, thơ trên kiến trúc cung đình nói nhiều về chữ Đức (đạo đức, cái đạo để lập thân) là sự bày tỏ ước nguyện “đạt đức” của người quân tử trong tư tưởng Nho gia. Theo quan niệm của Khổng Tử, người quân tử nếu có ba điều “nhân - trí - dũng” thì có thể gọi là đạt đức. Về sau, Mạnh Tử loại yếu tố “dũng” và thay vào đó các yếu tố “lễ, nghĩa” tạo thành “tứ đức” gồm nhân - trí - lễ - nghĩa. Một đoạn thơ ở điện Long An khẳng định:

Bôi phù khúc ngạn không lưu thắng/ Nguyệt xạ phương chư tự hữu linh/ Kích trọc dương thanh chương tứ đức/ Tàng châu hiến mỵ tựu trung hình                   

(Bờ cong thả chén, vẫn còn đây / Chiếu sáng muôn phương ánh nguyệt đầy / Gạn đục khơi trong nêu tứ đức / Ngọc xinh giấu kín lại phô bày).


Thơ chạm khắc son thếp vàng ở Hưng Miếu

Đến thời Hán, Nho giáo bổ sung thêm yếu tố “tín” và trở thành “ngũ thường” với đầy đủ: nhân - nghĩa - lễ - trí - tín. Đó là 5 yếu tố thuộc nội hàm của khái niệm đức, là cái đạo để lập thân của người quân tử. Ngoài tiêu chuẩn ấy, người quân tử còn phải biết thi, thư, lễ, nhạc, phải thể hiện vốn văn hóa toàn diện. Đó những yếu tố có những quan hệ ràng buộc chặt chẽ, đức và văn là những phạm trù không thể tách biệt. Tất nhiên, hơn ai hết, bậc thánh nhân phải làm sáng được cái đức của người quân tử:

Linh đức cao tiêu quân tử tháo/ Thánh nhân vị tác ái tài chương    

(Nghĩa là: Đức nêu tiết tháo người quân tử / Bậc Thánh vì tài thích tụng ca, thơ ở điện Long An).

Đức là cơ sở, là thước đo, nên toàn bộ xã hội được xem xét, nhìn nhận, đánh giá trên một hệ thống quan niệm. Người quân tử phải không ngừng rèn luyện, tu thân trau dồi nhân cách và đạo đức nhằm phục vụ cho mục tiêu là tự thân hoàn thiện và giúp mọi người đạt đến sự nhận thức và hành động về đạo đức ở mức cao nhất, khiến con người phải từ bỏ ác tà hướng đến thiện mỹ. Thơ ở đây còn thể hiện niềm ước vọng, nỗi khát khao để đạt được “đỉnh cao” của tu thân: Thế đức tác cầu (Mong đức để đời, thơ ở điện Long Ân, lăng Dục Đức). Có thể thấy rằng, chủ đề đạo đức, khuynh hướng giáo huấn nhân nghĩa là có tính phổ biến đối với thơ trên kiến trúc cung đình Huế. Giáo huấn nhân nghĩa là nội dung được đề cập đến nhiều lần và cũng được trình bày như những luận đề có chủ ý: Lộ trích nhân thiên lưu ngọc dịch (Sương buông xuống sự nhân nghĩa của trời lưu trong dòng nước ngọc, thơ trên Thế Miếu); Như thiên phổ đế nhân (Dường như khắp trời đâu cũng rõ lòng nhân của vua, thơ trên điện Thái Hòa); Ưu du phùng thịnh đán / Phú thứ hữu hoàng nhân (Nhàn hạ khi gặp ngày thịnh trị / Lấy nhân nghĩa của bậc thánh hoàng mà quy tụ mọi người, thơ trên Hưng Tổ Miếu); Nghĩa nhân chiêu tráng lệ (nghĩa nhân sáng tỏ thêm cho sự tráng lệ, thơ trên điện Thái Hòa)...

Nếu như những giáo huấn nhân nghĩa trên được trình bày, đề cập như những mệnh đề có tính “lý luận”, thì hai bài thơ sau đều cùng ở điện Thái Hòa là những “thực hành” về điều nhân ấy. Chỉ là một câu chuyện bắt (đánh) cá, rồi phóng thích, nhưng nội dung lại bàn đến lòng nhân của con người, lòng nhân trong xử thế:

Đả ngư hà thuỷ bạn/Phóng dưỡng hậu đình tân/ Nội ngoại ái tăng biệt/ Dụng tâm  nhân bất nhân                   

(Đánh cá bên dòng sông / Lại đem thả xuống nuôi ở hồ sau / Trong ngoài phân biệt rõ yêu ghét / Quan trọng là dùng tâm ý nhân nghĩa hay không nhân nghĩa).

Hay là: Hà dao hồ nãi cận/

Phi ái diệc hà sân/ Thủy hoạch nhi chung phóng / Nghiệm chi tắc thị nhân

(Sông ở xa, hồ thì gần / Không yêu cũng chẳng cớ gì mà giận / Lúc đầu bắt (cá) mà sau cùng cũng phóng thích / Suy đến cùng đó là ở lòng nhân).

Để cuối cùng đỉnh cao của sự giáo hóa về nhân nghĩa trong thi ca là sự thể hiện khát vọng về một chữ nhân phổ quát khắp cùng, lòng nhân được nhân lên với mọi quốc gia, dân tộc:

Bán thiên khai Thái vận/ Vạn quốc hữu đồng nhân       

(Người hiền tài mở ra vận hanh thông/ Muôn nước đều có cùng sự nhân nghĩa).

Nhìn chung, từ đạo đức đến nhân nghĩa, thơ trên kiến trúc cung đình Huế đã thể hiện một mảng chủ đề lớn trong việc phổ biến những nguyên tắc có tính chất đường lối căn bản của Nho giáo gắn liền với tư tưởng nhân trị. Đó là những nét tiến bộ thể hiện những giá trị nhân văn, đúng như một câu thơ tại lăng Thiệu Trị “Nhân văn cửu viễn tồn” (Cái đẹp của con người tồn tại vĩnh cửu).

Nguyễn Phước Hải Trung