menu_open
Lăng vua Hiệp Hòa
Xem cỡ chữ:
Không nguy nga, bề thế như các lăng mộ triều Nguyễn khác, Lăng vua Hiệp Hòa đơn sơ, nhỏ bé, nép mình giữa một tán rừng thông tại phường An Tây, thành phố Huế.
Địa chỉ: Núi Tam Thai, phường An Tây, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Tình trạng: Đã được trùng tu.
Năm 2016, được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh
Giới thiệu:

Cách Kinh thành Huế 7km về phía Tây Nam, Lăng vua Hiệp Hòa tọa lạc ở khu vực đồi thông núi Tam Thai thuộc phường An Tây, thành phố Huế.

Khác với khu lăng mộ uy nghi, đồ sộ của các vị vua triều Nguyễn, lăng mộ vua Hiệp Hòa chỉ có diện tích khoảng 200m2Đây là nơi an nghỉ của vị vua thứ 6 của triều Nguyễn với một cuộc đời đầy bi kịch: bị ép lên ngôi vua, bị ép thoái vị và cuối cùng bị ép uống thuốc độc để chết.

Lịch sử hình thành:

CUỘC ĐỜI ĐẦY BI KỊCH CỦA VỊ VUA VẮN SỐ

Theo sử cũ, vua Hiệp Hòa tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật, con thứ 29 và là con út của vua Thiệu Trị, sinh ngày 1/11/1847. Năm 1865 Hồng Dật được phong Văn Lãng Công, đến năm 1879 được phong là Lãng Quốc Công. Tháng 6/1883 sau khi Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cùng chân tay phế xong vua Dục Đức, được ý chỉ của Từ Dụ Hoàng Thái hậu, triều đình cử một phái đoàn ra Kim Long rước Lãng Quốc Công vào Đại Nội để chuẩn bị làm lễ đăng quang. Hồng Dật khóc mà rằng: “Tôi là con út của tiên đế, tư chất tầm thường, không dám nhận ngôi vua”. Phái đoàn vừa năn nỉ vừa dùng vũ lực mới đưa được Lãng Quốc Công vào Cấm Thành. Hai hôm sau, 30 tháng 7 năm 1883, Hồng Dật lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Hiệp Hòa.

Sách "Việt Nam sử lược" chép: Trong Huế thì vua Hiệp Hòa cũng muốn nhận chính sách bảo hộ để cho yên ngôi vua, nhưng các quan có nhiều người không chịu, và lại thấy Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chuyên chế thái quá, muốn dùng kế mà trừ bỏ đi, bèn đổi Nguyễn Văn Tường sang làm Binh bộ Thượng thư, Tôn Thất Thuyết làm Lại bộ Thượng thư, để bớt binh quyền của Tôn Thất Thuyết.

Hai người thấy vua có lòng nghi, sợ để lâu thành vạ, bèn vào tâu với bà Từ Dụ Thái hậu để lập ông Dưỡng Thiện là con nuôi thứ ba của vua Dực Tông (vua Tự Đức), rồi bắt vua Hiệp Hòa đem ra phủ ông Dục Đức cho uống thuốc độc chết. Vua Hiệp Hòa làm vua được hơn 4 tháng, sử gọi là Phế Đế.

Đó là ngày 30 tháng 10 năm Quý Mùi (tức ngày 29 tháng 11 năm 1883). Vì là phế đế nên vua Hiệp Hòa không được thờ trong Thế Miếu, chỉ được chôn cất theo nghi thức Quốc Công nên lăng mộ hết sức đơn giản. Trong lịch sử, vua Hiệp Hòa có thể ít được người đời nhắc đến so với các vị vua triều Nguyễn khác, nhưng sự hiện diện đó cũng đã đánh dấu một giai đoạn quá khứ đầy biến động của đất nước.

Nét đặc trưng:

 

KHU LĂNG MỘ BÌNH DỊ ẨN MÌNH BÊN BÓNG NÚI

Lăng mộ vua Hiệp Hòa trước khi được trùng tu

Trước đây, lăng vua Hiệp Hòa chỉ là một ngôi mộ nhỏ nằm giữa tán rừng thông xanh. Lúc mất, vua Hiệp Hòa chỉ được chôn cất theo nghi lễ Quốc công, nên lăng mộ được xây dựng khá đơn sơ. Phần mộ của Vua chỉ vẻn vẹn chừng 30m2, có một mái che bằng ngói, 2 bậc thang bước lên, ở giữa là tấm bia nhỏ bằng xi măng khắc mấy dòng bằng chữ Quốc ngữ: Vua Hiệp Hòa tức Nguyễn Phúc Hồng Dật - Sinh ngày 24/9 năm Đinh Mùi (1/11/1847) - Mất ngày 30 tháng 10 năm Qúy Mùi (29/11/1883).

Mặt sau của tấm bia có ghi bốn câu thơ bằng chữ Hán của vua Tự Đức, dịch nghĩa là: “Em ta được mười bốn - Ham học thật ít người - Ngoại trừ Kiến Thụy Công - Nay chỉ còn Văn Lãng”.

Phía sau nhà bia là cổng vào mộ có hai câu viết bằng chữ Hán. Câu bên phải là của vua Hiệp Hòa tự đánh giá về mình: “Quý dĩ tiên hoàng quý tử tư chất tầm thường thật vạn bất can đương”, dịch nghĩa: “Là con út yêu quý của tiên hoàng có tư chất tầm thường không cam nổi ngai vàng”.

Câu bên trái là của Viện Cơ Mật: “Kim nhật tất cầu xã tắc trường quân vô như Văn Lãng Công chi hiền”, dịch nghĩa: “Khen Văn Lãng Công hoàn tất tốt việc cúng tế ở đàn xã tắc”.

Phía sau bình phong có đắp nổi hình tượng lưỡng long tranh châu bằng sành sứ.

Năm 2013, lăng mộ vua Hiệp Hòa đã được trùng tu lớn do nhóm thân hữu người Huế ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã đứng ra vận động quyên góp thông qua Phòng Văn Lãng Quận Vương để cải tạo và xây dựng lại khu lăng mộ khang trang hơn như hiện nay.

Lăng vua Hiệp Hòa ngày nay được xây dựng lại khang trang, đảm bảo tiêu chuẩn của một khu lăng mộ của bậc hoàng đế

Khu lăng mộ vua Hiệp Hòa hiện tại bao gồm các hạng mục chính như: Tẩm lăng, bi đình, sân bi đình, đường trung đạo, trụ biểu, bình phong, hiển long và ẩn long...  Dù thiếu một số yếu tố như minh đường, tiền án, hậu phẩm nhưng nhìn chung, lăng vua vẫn mang đúng tiêu chuẩn của một khu lăng mộ hoàng đế triều Nguyễn cách đây hơn 100 năm.

Tháng 11/2016, Lăng vua Hiệp Hòa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Hướng dẫn đường đi:

Lăng vua Hòa Hiệp nằm trên đồi thông thuộc phường An Tây, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km, gần khu di tích lịch sử Chín Hầm. Để đến với lăng vua Huế Hiệp Hòa, bạn có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy) hoặc thuê taxi.
Từ trung tâm thành phố Huế, bạn đi khoảng 7km  về hướng Tây Nam thì đến khu di tích lịch sử Chín Hầm. Trên đường đi đến đây, bạn sẽ gặp một khu nghĩa trang lớn với rất nhiều bia mộ. Chú ý bên đường sẽ có tấm bia đá hướng dẫn đường đến lăng vua Hiệp Hòa. Tại đây, bạn men theo một con đường đất nhỏ dẫn vào lăng. Du khách đi khoảng 100m là đến lăng vua. 

Hướng dẫn trải nghiệm:

Ngày nay, khi đến với Huế, trên hành trình tham quan các điểm di tích như Nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn, Di tích lịch sử Chín Hầm, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, du khách đừng quên ghé thăm Lăng vua Hiệp Hòa cách đó không xa để hiểu hơn về cuộc đời của một vị vua gắn với bi kịch "tứ nguyệt tam vương" của triều đại Nhà Nguyễn.

Bản đồ:
Ảnh: @Flickr