menu_open
Nhã nhạc cung đình Huế
Xem cỡ chữ:
Múa “Lục cúng hoa đăng” tại nhà hát Duyệt Thị Đường trong Đại Nội - Huế. Ảnh: Cát Tường. 
Theo quy định, nhã nhạc dành riêng cho cung đình, do triều đình tổ chức thực hiện. Sau từ nhã nhạc, thêm từ cung đình cốt để rõ nghĩa, nhưng thực ra lại thừa.
Múa “Lục cúng hoa đăng” tại nhà hát Duyệt Thị Đường trong Đại Nội - Huế. Ảnh: Cát Tường. 

Nhã nhạc vương triều Nguyễn kế thừa những nét hay, đẹp, đặc sắc từ những triều đại trước, nhất là thời các chúa Nguyễn cai quản và phát triển Đàng Trong (1558 - 1777) với sự đóng góp xuất sắc của vị kiệt tướng đa tài, chính trị gia, chiến lược gia, kỹ thuật gia, nghệ sư, thi sĩ, học giả Đào Duy Từ (1572 - 1634).

Theo lời mời của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, hòa thượng Thích Đại Sán/Thạch Liêm/ hạch Đầu Đà dẫn đầu phái đoàn cả trăm người từ Trung Hoa thăm Đàng Trong giai đoạn 1695 - 1696.

Những gì mắt thấy tai nghe lúc ấy, thiền sư Thạch Liêm ghi chép thành 6 quyển “海外紀事/Hải ngoại kỷ sự”, đã có bản Việt dịch bởi Nguyễn Phương và Hải Tiên Nguyễn Duy Bột (Viện Đại học Huế ấn hành, 1963 - NXB Đại học Sư phạm Hà Nội tái bản, 2016).

Qua sách nọ, Thạch Liêm đánh giá cao về ca múa nhạc và hát bội khi được mời xem trong phủ chúa ở Phú Xuân, nhất là vũ khúc Thái liên/Hái sen.

Nhã nhạc - công dụng và bảo tồn

Vương triều Nguyễn gồm 13 đời vua, kéo dài 143 năm (1802 - 1945), có thể phân 2 thời kỳ:

* Đầu là ổn định và phát triển (1802 - 1885).

* Sau, kể từ kinh đô thất thủ đến lúc vua Bảo Đại thoái vị (1885 - 1945), là suy và tàn.

Triều đình Huế quy định các đại lễ có sử dụng nhã nhạc, tất nhiên quy mô và mức độ khác nhau tùy lễ:

1. Tế Giao

2. Tịch điền

3. Tế Văn miếu

4. Tế đàn Xã tắc

5. Tế miếu Lịch đại/đợi đế vương

6. Ban sóc/lịch

7. Lập xuân, có Tiến xuân ngưu

8. Kỳ đạo

9. Đại triều

10. Thường triều

11. Đại yến

12. Tết Nguyên đán

13. Tiếp đón sứ thần

Quả thật, âm nhạc cung đình Việt Nam hưng thịnh nhất vào giai đoạn nhà Nguyễn, nhất là thời kỳ đầu, và may mắn đến nay dẫu trải qua chiến tranh tàn khốc vẫn được bảo lưu nhờ:

* Tư liệu khá đầy đủ, nhất là 2 bộ sách “歷朝憲章類誌/Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà bác học, nhà thư tịch học, nhà thơ Phan Huy Chú (1782 - 1840) và “欽定大南會典事例/Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” (gọn hóa thành Khâm định) của Quốc sử quán triều Nguyễn.

Ngoài ra, còn những thư mục đáng tham khảo, chẳng hạn các bài liên quan đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Hue (BAVH), thường được gọi tập san Đô Thành Hiếu Cổ, đã ấn hành 120 số trong niên đoạn 1914 - 1944 do linh mục Pháp Léopold Michel Cadière (1869 - 1955) chủ trì. Đó là học giả, nhà sử học, nhà ngôn ngữ học, nhà vãn hóa học, nhà dân tộc học, nhà nhân loại học, nhất là nhà Việt Nam học và nhà Huế học tiên phong.

* Vẫn bảo tồn hệ thống bài bản âm nhạc, các nhạc chương và vũ khúc cung đình; kể cả làn điệu “Tứ đại cảnh” tương truyền do vua Tự Ðức sáng tác.

* Vẫn bảo lưu đầy đủ nhạc khí, từ dây để gẩy vuốt, đến dùng khí thổi, dùng tay trần hoặc dụng cụ thích hợp để tác động, chế tạo bằng nhiều chất liệu, kể cả những nhạc cụ tưởng chừng bị “tuyệt diệt”.

Dưới đây là 3 dàn nhạc cung đình nhà Nguyễn với các nhạc khí ghi theo Khâm định.

Dàn Tiểu nhạc/Ti trúc tế nhạc

Gồm các nhạc khí:

* Trống mảnh

* Ðàn tì bà

* Ðàn nguyệt

* Ðàn dây

* Ống dích

* Nhị tam âm

* Sanh tiền

Theo GS Tô Ngọc Thanh, đàn dây là đàn nhị, ống dích có thể là sáo, nhị tam âm là tam âm la gồm 3 chiếc thanh la nhỏ.

Dàn Huyền nhạc/nhạc treo

Gồm các nhạc cụ:

* Kiến cổ (một loại trống)

* Chuông to

* Chuông nhỏ 2 cái

* Khánh lớn

* Khánh nhỏ 12 cái

* Bác phụ (nhạc khí bằng da)

* Chúc

* Trống

* Đàn cầm

* Đàn sắt

* Bài tiêu (khèn kết bằng 23 ống trúc)

* Tiêu

* Ốc đinh

* Sênh

* Huân (nhạc cụ bằng đất có 6 lỗ, dùng để thổi)

*  Trì (sáo trúc có 8 lỗ)

* Phách bàn

Dàn Đại nhạc/Cổ xúy đại nhạc

Cổ là trống. Xúy là thổi. Gồm các nhạc khí:

* Trống

* Kèn

* Tù và bằng sừng

* Tù và bằng ốc

* Thanh la lớn

* Thanh la nhỏ

So sánh và nhận xét

Trong Khâm định, chỉ 3 dàn nhạc nêu trên được miêu tả chi tiết, 7 dàn nhạc còn lại chỉ lướt qua. Hợp soạn giáo trình “Lịch sử âm nhạc cung đình Việt Nam” (NXB Ðại học Huế, 2015), Nguyễn Việt Ðức, Nguyễn Ðình Sáng, Bùi Ngọc Phúc so sánh nhạc cung đình triều Nguyễn với nhạc cung đình triều Hậu Lê:

1. Nhạc cung đình triều Nguyễn vẫn có những tiếp thu nhạc cung đình triều Hậu Lê, nhưng thay đổi tên gọi về tổ chức cùng hiệu danh các dàn nhạc.

2. Rõ ràng phong phú hơn nhạc cung đình thời Hậu Lê, nhạc cung đình triều Nguyễn có những nhạc khí nguồn gốc Việt.

3. Nhạc cung đình triều Nguyễn dung hòa chứ không cách biệt với nhạc dân gian như nhạc cung đình triều Hậu Lê.

Năm 2003, nhã nhạc Huế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc/United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization (UNESCO) ghi vào danh sách di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại, với lời đánh giá đầy trân quý: “Ở Việt Nam, trong các thể loại nhạc cổ truyền, chỉ nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia. Ở Việt Nam, nhã nhạc đã được phát triển từ thế kỷ XIII, đến thời nhà Nguyễn thì nhã nhạc cung đình Huế đạt độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất”.

Tôn Nữ Tò Mò