menu_open
Nhạc sĩ Phạm Duy với Huế & Huế với Phạm Duy
Xem cỡ chữ:
NS Phạm Duy - Ảnh: wiki
Nhạc sĩ Phạm Duy - cây đại thụ âm nhạc trong nền Tân nhạc Việt Nam mà người Việt Nam nào cũng đều biết đến - với những ca khúc bất tử, ông là một trong những nhạc sĩ đặt nền móng vững chãi cho nền âm nhạc Việt Nam. Ông đến Huế và Huế đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng ông. Xin được điểm vài sự kiện:
NS Phạm Duy - Ảnh: wiki

Nhạc sĩ Phạm Duy, người đã gắn bó với Huế từ năm 1944, cho đến năm ông qua đời (2013), Huế đã có trong lòng Phạm Duy gần 70 năm. Trong hồ sơ nghiên cứu Huế cho chúng tôi biết nhạc sĩ Phạm Duy đã đến Huế nhiều lần và đã để lại cho kho tàng Tân nhạc Việt Nam nhiều nhạc phẩm quý. Chúng tôi xin nêu một vài sự kiện khi nhạc sĩ Phạm Duy đến Huế:

Lần thứ 1: Vào mùa xuân năm 1944, từ Hà Nội nhạc sĩ đến Huế với tư cách là một ca sĩ trong Gánh hát Đức Huy Charlot Miều. Gánh hát dừng chân tại rạp Tân Tân trước chợ Đông Ba. Lần đó, ông có dịp gặp kịch sĩ Vũ Đức Duy, nhạc sĩ Vĩnh Phan, ông Ngũ Đại (tức hoàng tử Vĩnh Trân, con trai của vua Thành Thái), nhạc sĩ Ngô Ganh, nhạc sĩ Văn Giảng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, v.v. Đêm đêm các bạn đưa ông xuống ngủ đò và nghe các cô Bích Liễu (phu nhân của Vĩnh Phan), cô Minh Mẫn ca Huế. Lần đầu tiên nhạc sĩ Phạm Duy bắt gặp được cái đẹp trong những câu hò, câu hát của Huế. Ông phát hiện ra âm giai ngũ cung lơ lớ của Huế. Về sau ông đã vận dụng dân nhạc Huế với âm giai ngũ cung vào các ca khúc trong phần vào miền Trung của trường ca Con đường cái quan.

Lần thứ 2: Sau Cách mạng Tháng Tám, vào khoảng cuối tháng 10/1946, trên đường từ miền Nam ra Hà Nội, nhạc sĩ đã dừng chân tại Huế, gặp nữ ca sĩ Tuyết mới vào nghề (sau là ca sĩ Ngọc Cẩm phu nhân của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết). Ông đến Quán Nghệ Sĩ của ông bà Quốc Thành. Quán được họa sĩ Phạm Đăng Trí trang trí rất đẹp. Ở đây Phạm Duy cùng hát với Bùi Công Kỳ - một người bạn của nhạc sĩ Đặng Thế Phong. Gặp lại thi sĩ Lưu Trọng Lư và được mời về nhà nghe cô Tôn Nữ Thị Mừng (Lệ Minh) đánh đàn tranh. Phạm Duy phổ nhạc bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Đêm về, nhạc sĩ được mời làm việc với các ông Tố Hữu, Hải Triều, Nguyễn Chí Thanh. Phạm Duy được mời hát ở Đài Phát thanh Huế với các bài Gươm tráng sĩ, Chiến sĩ vô danh, Xuất quân. Nhạc sĩ gặp Kiều Miên - một nữ sinh Trường Đồng Khánh rất kiều diễm hát bài Giọt mưa thu rất hay. Đặc biệt nhạc sĩ gặp một người con gái đẹp trên đường Nam Giao. Nàng được xem như một Mỵ Nương ở trần thế và nhạc sĩ được làm Trương Chi, để rồi mối tình đó đã để lại cho Huế một bài hát nổi tiếng Khối tình Trương Chi.

Lần thứ 3: Sau ngày toàn quốc kháng chiến hơn một năm, nhạc sĩ Phạm Duy hoạt động trong Đoàn Văn nghệ của Trung đoàn 304, ông cùng kịch sĩ Bửu Tiến, ca sĩ Ngọc Khanh, ca sĩ Vĩnh Cường (người vừa mất cách đây mấy năm) và một số đội viên khác tình nguyện vào chiến trường Bình Trị Thiên. Khi vào chiến khu Ba Lòng, nhạc sĩ gặp các ông Hà Văn Lâu, Hoàng Trọng Khanh. Nhạc sĩ được tổ chức đưa về Đại Lược ven sông Ô Lâu ở phía bắc Huế, rồi bí mật đưa vô hát ở cầu ngói Thanh Toàn, huyện Hương Thủy. Có hôm nhạc sĩ được đưa lên đến vùng ven Huế ở cầu Ông Thượng thuộc làng Lại Thế, sát làng Vỹ Dạ. Chuyến đi lịch sử này đã giúp ông sáng tác được ba bài nhạc bất hủ Bao giờ anh lấy được đồn Tây (sau này đổi thành Quê nghèo), Bà mẹ Gio Linh,Về miền Trung. Nhờ ba bài nhạc này Phạm Duy không những được tiếng là một nhạc sĩ kháng chiến xuất sắc mà còn được “tình” của ca sĩ Thái Hằng - “bậc Á Thánh” của nhạc sĩ từ sau ngày ông đi Bình Trị Thiên về. Cảm hứng ông thu được trong chuyến đi Bình Trị Thiên năm 1948, ông dùng để sáng tác ba bài hát dẫn chứng trên, ngoài ra Phạm Duy còn có đủ để viết các bài Tình nghèo, Người về, Bà mẹ quê, đặc biệt là bài Mười hai lời ru viết về 12 bà mẹ đã bị giặc Pháp giết rất đau đớn (Tiếc là bài này thất truyền);

Hè 1953 cảm xúc lần thứ tư, một đêm hè thơm tho gợi lên cảnh huyền ảo tuyệt vời của xứ Huế, ông viết bài Dạ Lai Hương để tặng hai người đẹp nổi tiếng Thu Vân và Dạ Thảo (cháu Đức Từ Cung) ở Huế.

Trên đây là những thông tin qua tư liệu và hồi ký của Phạm Duy.

Từ đầu những năm sáu mươi, như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viết trong Tự truyện từ Phú Xuân đến Huế (Nxb. Trẻ 2012), nhà nghiên cứu được gần nhạc sĩ Phạm Duy trong hầu hết những lần nhạc sĩ ra Huế để giới thiệu trường ca Con đường cái quan với sinh viên Đại học Huế, giới thiệu Dân nhạc Việt phát triển với Huế, giới thiệu trường ca Mẹ Việt Nam, và nhạc sĩ đã sáng tác bài Tôi còn yêu tôi cứ yêu, hát Tâm ca, hát Tâm phẫn ca chống chiến tranh của Mỹ mà trong đó có một vài bài nhạc sĩ phổ thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Tôi Ước Mơ), thơ Thái Luân (Bi Hài Kịch), thơ của Tâm Hằng  Nguyễn Đắc Xuân (bài Để lại cho em (Tâm Ca số 5), bài Nhân danh) v.v.

Những nhạc phẩm Phạm Duy đã sáng tác cho Huế, ngoài những bản chúng tôi vừa dẫn trên còn có những đoản khúc vào miền Trung phần lớn dành cho Huế trong trường ca Con đường cái quan. Đoản khúc Nước non ngàn dặm ra đi rất nổi tiếng trong mọi thời kỳ. Nhiều đoản khúc trong Trường ca Mẹ Việt Nam phát triển từ ca nhạc truyền thống Huế. Phạm Duy cũng đã phổ nhạc bài Đây thôn Vỹ Dạ Hàn Mặc Tử. Sau ngày hồi hương (2005) nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc 10 bài thơ của Bích Khê thành tập Dị Khúc, trong đó có bài Huế đa tình.

Những hoạt động âm nhạc trên sân khấu cuối đời ông cũng diễn ra ở Huế tiêu biểu nhất là các chương trình Ngày Trở Về tại cơ sở Festival 11 Lê Lợi, Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi tại hội trường Trường Đại học Sư phạm Huế (16/9/2012). Giới thiệu trường ca Hàn Mặc Tử tại Học viện Âm nhạc Huế (5/2012), về dự Festival Huế, v.v. Nhiều lần nhạc sĩ về Huế không vì hoạt động âm nhạc mà về Huế để đi thăm lại những nơi đã ghi dấu trong lòng ông. Đi thăm quê hương của Bà Mẹ Gio Linh (Quảng Trị, thăm nhà hai người đẹp đã gây cảm hứng cho ông sáng tác bài Khối Tình Trương Chi và phổ thơ Kiếp Nào Có Yêu Nhau trên Nam Giao (nay là Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế), thăm nhà người đẹp đã gợi hứng cho ông sáng tác bài Tôi Còn Yêu Tôi Cứ Yêu trên đường Nguyễn Du. Ông và các con đi chiêm ngưỡng cảnh quan lăng vua Tự Đức, thăm vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường/Lâm Thị Mỹ Dạ, thăm pianiste Mộc Lan ở Lạc Tịnh viên, thăm Phủ Công chúa Ngọc Sơn ở Gia Hội, thăm họa sĩ Bửu Chỉ ở Vỹ Dạ, sinh hoạt giao lưu với thầy trò Trường Quốc Học. Ông rất vui được gặp ông Hồ Xuân Mãn - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cùng với đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh ở làng Hành Hương. Ấn tượng nhất là nhạc sĩ được cựu nữ sinh Đồng Khánh mời nghe hát nhạc Phạm Duy và mời cơm Huế ở nhà TS. Thái Kim Lan bên bờ sông Đông Ba. Hôm ấy ông khen hết lời món bánh bèo tôm chấy do chính tay Kim Lan làm. Ông mong sau ngày trở lại Thành phố Hồ Chí Minh ông sẽ được tiếp tục ăn tôm chấy do Kim Lan gửi vào. Thời gian ở lại gác Thọ Lộc, ông rất thích món ăn Huế. Ông điện thoại gọi cô giúp việc trong Thành phố Hồ Chí Minh ra Huế học nấu món ăn Huế cho ông. Vào những tháng cuối đời Phạm Duy ăn món Huế và tôm chấy của Kim Lan gửi vào cho đến ngày ông giã biệt cuộc đời.

Rồi, không rõ đã có một sự sắp xếp vô hình nào đó mà không gian Huế - Thành phố Hồ Chí Minh cách xa nhau trên một ngàn cây số thế mà suốt thời gian từ trung tuần tháng 11/2012 cho đến 27/1/2013, nhạc sĩ Phạm Duy vô ra bệnh viện nhiều lần đều có mặt người Huế bên ông. Nhờ thế chúng tôi đã được nghe nhiều di ngôn liên quan đến các góc khuất của cuộc đời ông và được chứng kiến những giây phút cuối cùng trước khi ông giải nghiệp vào lúc 14 giờ 30 ngày 27/1/2013 tại Bệnh viện 115 Thành phố Hồ Chí Minh. Gia đình nhạc sĩ đã mời Hòa thượng Thích Phước Trí - Trụ trì chùa Vạn Phước Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ tang theo nghi thức Phật giáo Huế. Trong hàng trăm tổ chức, cơ quan, cá nhân yêu nhạc Phạm Duy trong và ngoài nước không đến điếu tang được đã gửi vòng hoa đến viếng ông, một trong những vòng hoa gởi đến sớm nhất là vòng hoa của bác sĩ Võ Khắc Chắt gửi từ Huế, vòng hoa của TS. Thái Kim Lan & Nhóm Nữ sinh Đồng Khánh Huế, vòng hoa của Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế, bài tưởng niệm của Đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh. Người đến điếu tang phần lớn là người Huế như bác sĩ Phạm Văn Căn - Đại diện họ Phạm Việt Nam, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, các nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên, nhạc sĩ Bảo Chấn, nhạc sĩ Miên Đức Thắng, nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhà thơ Lưu Trọng Văn, cựu nữ sinh Đồng Khánh Kiều Miên, v.v. Ngày 3/2/2013, người Huế tiếp tục có mặt trong đoàn người đưa tiễn Người tình của xứ Huế về nơi an nghỉ cuối cùng ở Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.

Sau ngày Phạm Duy rời cõi tạm, các thân hữu thích nhạc Phạm Duy đã gặp mặt tại Gác Thọ Lộc - nơi Phạm Duy đã sống qua, hồi tưởng lại những kỷ niệm và hát nhạc Phạm Duy để tưởng nhớ ông. Đánh dấu thời điểm 49 ngày Phạm Duy ra đi, thân hữu Lê Tân và những người yêu nhạc Phạm Duy đã tổ chức đêm Huế Nhớ Phạm Duy ở Nhà Nón đầu phường Vỹ Dạ. Chùa Từ Hiếu cầu nguyện và tin ông “đã về, đã đến và có mặt” ở chùa Từ Hiếu ngay sau 49 ngày ông rời cõi tạm. Rồi từ đó, hằng năm đến ngày giỗ ông những người yêu nhạc Phạm Duy và Cựu nữ sinh Huế lại tổ chức hát tưởng nhớ ông.

Năm này tổ chức ở vườn Lan Thái trên Kim Long, năm sau tổ chức tại biệt thự của ca sĩ Kim Đa ở Tây Lộc, v.v. Và Kỷ niệm nhạc sĩ Phạm Duy qua đời 7 năm, các Cựu nữ sinh Huế tổ chức ngay Trung tâm Văn hóa thông tin thành phố Huế. Và không những người Huế ở Huế tôn vinh Phạm Duy, nhiều người Huế ở nước ngoài và ngay cả người nước ngoài cũng rất quý trọng âm nhạc Phạm Duy. Năm 2019, GS.TS Eric Henry ở Đại học Cornell Hoa Kỳ - người dịch bộ Hồi ký của Phạm Duy sang tiếng Anh, đến thăm Huế. Giáo sư xem bộ Hồi ký của Phạm Duy là sách văn chương Việt Nam. Ông có dịp nói chuyện âm nhạc và Phạm Duy ở Học viện Âm nhạc Huế, nói chuyện với Cựu nữ sinh Huế ở Vườn Lan Thái trên Kim Long, nghe hát và nói chuyện về Phạm Duy trong Nhà vườn Nhớ Huế Xưa của Đặng Thanh Châu 141 đường Minh Mạng, phường Thủy Bằng.

Phạm Duy hiểu Huế rất sâu sắc. Phạm Duy nói về người phụ nữ Huế như sau: “Từ khi biết Huế (1944) cho đến khi tôi đã yêu bà Thái Hằng rồi thành vợ chồng (1948), tôi vẫn ước mơ có một người tình xứ Huế. Con gái Huế, lẽ dĩ nhiên là đẹp rồi. Cái mà tôi thích nhất là người đàn bà xứ Huế còn giữ được nhiều nữ tính. Cái nữ tính ấy lại được nuôi dưỡng trong khung cảnh nên thơ của vùng có nhiều đền đài lăng tẩm núi Ngự sông Hương làm cho nó có một sức hấp dẫn mạnh đối với loại người có nhiều “đàn ông tính” như tôi. Theo tôi, không một nơi nào trên cái nước Việt Nam này có người phụ nữ được sống trong cái môi trường văn hóa thơ mộng sâu sắc như thế cả”.

Đáp lại, Huế nhớ và quý Phạm Duy cũng vô cùng.

Với một quá trình Phạm Duy gắn bó với Huế như thế nên trong dịp Phạm Duy ra Huế giới thiệu Trường ca Hàn Mặc Tử tại Học viện Âm nhạc Huế, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế, thành viên Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã trân trọng mời nhạc sĩ Phạm Duy làm một hội viên danh dự của Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế. Nhạc sĩ Phạm Duy đã rất vui vẻ nhận lời. Sau đó vì sức khỏe của ông không cho phép hoàn thành thủ tục kết nạp ông. Dù sao với khối lượng nhạc phẩm nhạc sĩ sáng tác cho Huế và sáng tác tại Huế nhạc sĩ Phạm Duy đã là một nhạc sĩ Huế thực thụ rồi không cần chi thủ tục kết nạp nữa. Nhiều lần ông đã nói và đã viết: “Cái đầu tôi để ở Hà Nội, cái dạ dày để ở Sài Gòn còn trái tim tôi để ở Huế”. Bởi thế trong bài Tình Ca của ông mới có câu “Biết ái tình ở dòng sông Hương”. Vì lẽ đó cuốn sách ra đời để Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông với Huế mới có tựa đề “Nhạc sĩ Phạm Duy biết ái tình ở dòng sông Hương.”

Phạm Duy là một nhạc sĩ danh dự của Huế, trái tim ông để ở Huế cùng với một khối lượng di sản âm nhạc cho Huế nên Học viện Âm nhạc Huế và Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế tổ chức nên cuộc gặp mặt này để nhớ ơn ông, vinh danh ông và tưởng niệm ông nhân ngày ông tròn tuổi 100 (5/10/1921 - 5/10/2021), với sự cống hiến lớn lao của Phạm Duy dành cho Huế, thành phố văn hóa di sản.

Đặng Mậu Tựu